Cây Dây đau Xương: Mô Tả, Tính Vị, Công Dụng Và Các Bài Thuốc

Cây dây đau xương có tên khoa học là Tinospora sinensis

Cây dây đau xương

Cây dây đau xương

Đặt lịch

Cây dây đau xương được đặt với tên gọi như vậy là nhờ công dụng có thể chữa trị được bệnh đau xương của nó, ngoài ra nó còn làm cho xương cốt trở nên chắc khỏe và dẻo dai hơn.

Cây dây đau xương có tên khoa học là Tinospora sinensis
Cây dây đau xương có tên khoa học là Tinospora sinensis

1. Tên gọi, chủng loại

  • Tên gọi khác: Khoang cân đằng (tiếng Trung Quốc).
  • Tên khoa học: Tinospora sinensis.
  • Họ: Cây dây đau xương thuộc họ Tiết dê có pháp danh khoa học là Menispermaceae.

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả

Cây dây đau xương là một loại dây leo dài khoảng 7 – 8m, có cành cây rũ xuống. Thân cây hình trụ, có màu xám, nhiều nốt sần và có lông.

Lá cây có hình tim, mọc so le với nhau. Mỗi lá thường dài từ 10 – 12cm, rộng từ 8 – 10cm. Lá có 5 gân tỏa đều thành hình chân vịt, mặt trên của lá nhẵn, mặt dưới có nhiều lông tơ tạo nên màu trắng nhạt cho lá.

Hoa cây dây đau xương thường mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc mọc thành từng hoa đơn, mỗi chùm hoa dài khoảng 10cm. Hoa có màu vàng lục và lông tơ màu trắng nhạt.

Quả hình bầu dục hoặc hình tròn, khi chín quả có màu đỏ  chứa dịch nhầy bên trong, hạt của cây có dạng hình cầu.

Phân bố

Trên thế giới cây dây đau xương phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới Châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Lào, Trung Quốc, khu vực Châu Phi và Australia.

Tại Việt Nam, cây phân bổ khắp các khu vực từ miền núi đến trung du và đồng bằng có độ cao dưới 800m.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

  • Bộ phận được sử dụng: Thân và lá cây dây đau xương được sử dụng làm dược liệu trong Đông Y.
  • Thu hái: Cây dây đau xương có thể thu hoạch quanh năm. Khi hái sẽ thu hái phần thân già của cây.
  • Chế biến: Sau khi cây được hái về đem đi thái nhỏ để phơi khô hoặc sấy. Có thể dùng sống hoặc ngâm rượu.
  • Bảo quản: Nên bảo quản cây đã phơi khô ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc mọt làm hư hỏng. Thỉnh thoảng đem ra phơi nắng lại để tránh ẩm mốc.

4. Thành phần hóa học

Trong toàn bộ các bộ phận của cây dây đau xương đều có chứa thành phần hóa học alcaloid. Trong phần thân cây có chứa tinosien và trong cành cây được tìm thấy hai chất dinorditerpen glucosid là tinosinesid A và B.

5. Tính vị, quy kinh

Cây dây đau xương có vị đắng, tính mát. Quy kinh vào kinh can.

6. Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Trong thí nghiệm ruột cô lập, cây dây đau xương có tác dụng ức chế hoạt tính gây co thắt cơ trơn của histamin và acetylcholin.

Các thí nghiệm trên động vật cho thấy cây dây đau xương có ảnh hưởng trên huyết áp, có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương và an thần, lợi tiểu.

Theo Y học cổ truyền

Tác dụng: khu phong trừ thấp, thư cân hoạt lạc.

Công dụng: Chữa trị thấp khớp, tê bại, đau nhức, đau mình mẩy, ngã gây tổn thương ứ máu đau nhức, bong gân, sai khớp. Ngoài ra, cây dây đau xương còn dùng để chữa trị sốt rét mạn tính, rắn cắn, làm ngưng nôn mửa, làm thuốc bổ, chữa bệnh trĩ, vết thương bị loét, trị sốt.

Cây dây đau xương rất hiệu quả trong điều trị các bệnh xương khớp
Cây dây đau xương rất hiệu quả trong điều trị các bệnh xương khớp

7. Liều dùng và cách dùng

Mỗi lần sử dụng 12 – 20g cây dây đau xương để làm dược liệu chữa bệnh.

Có thể dùng tươi để đắp ngoài, dùng dưới dạng sắc thuốc uống hoặc ngâm rượu để uống.

8. Một số bài thuốc từ cây dây đau xương

Chữa sai khớp, bong gân

Dùng các vị thuốc gồm lá dây đau xương, quế, hồi hương, đinh hương, vỏ sòi, vỏ núc nác, gừng sống, lá canh châu, mủ xương rồng bà, lá thầu dầu tía, lá náng, lá kim cang, lá mua, huyết giác, củ nghệ, hạt trấp, hạt máu chó, lá bưởi bung, lá tầm gửi cây khế đem đi giã cho nhỏ rồi sao nóng, sau đó chườm lên vị trí vết thương.

Trị thấp khớp

Đem cây dây đau xương và củ kim cang với liều lượng bằng nhau để bào chế thành cao. Mỗi ngày uống 6g cao để chữa trị bệnh.

Trị rắn cắn

Dùng lá cây dây đau xương 20g, lá thài lài 30g, lá tía tô 20g, rau sam 50g (tất cả đều dùng lá tươi). Đem đi giã nhỏ rồi vắt lấy nước uống, còn bã đem đắp lên vết bị rắn cắn.

Trị đau lưng, mỏi gối do thận hư yếu

Dùng các vị thuốc dây đau xương 12g, cẩu tích 20g, củ mài 20g, tùy giải 20g, đỗ trọng 16g, bổ cốt toái 16g, thỏ ty tử 12g, rễ cỏ xước 12g. Đem các dược liệu đi sắc lấy nước uống hoặc ngâm rượu uống.

Chữa đau nhức xương khớp

Bài thuốc 1: Dùng một nắm dây đau xương giã nhỏ, sau đó trộn với một ít nước để đắp lên vị trí bị đau nhức.

Bài thuốc 2: Thân dây đau xương đem đi thái nhỏ rồi sao vàng, sau đó ngâm với rượu tỷ lệ 1:5. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần một cốc nhỏ.

Bài thuốc 3: Dùng thân cây dây đau xương thái nhỏ rồi sao vàng lên, đem đi sắc với nước để uống.

9. Lưu ý khi sử dụng cây dây đau xương

Trong quá trinh sử dụng cây dây đau xương nên bảo quản dược liệu cẩn thận để không bị nấm mốc. Nếu thấy dược liệu bị hư hỏng thì không nên sử dụng nữa.

Trên đây là một số thông tin tham khảo về cây dây đau xương, nếu bạn muốn sử dụng nó để chữa bệnh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Từ khóa » Tác Dụng Cây đơn Xương