Đậu Xương – Cây Thảo Dược Quý Cho Bệnh Xương Khớp

Bên cạnh cây chìa vôi (bạch liêm, bạch phấn đằng), dây đau xương (khoan cân đằng, dây bong gân), cây xấu hổ (cây mắc cỡ, cây trinh nữ), cây lá lốt (lá lốp)… thì cây đậu xương đã được lưu truyền trong dân gian như một loại thảo dược điều trị bệnh xương khớp rất hiệu quả. Mặc dù hiện chưa có bài viết, công trình chính thức nào giới thiệu, nghiên cứu về dược tính của loài cây này và nó vẫn hay bị nhầm với cây dây đau xương (vì phát âm tên gọi na ná nhau và cùng chữa về xương khớp)

Cây đậu xương là vị thuốc nam đã được sử dụng với vai trò chủ đạo trong bài thuốc điều trị bong gân, đau nhức xương khớp, được dân gian sử dụng từ khá lâu nhưng hiện nay rất ít người biết đến.

Khi được hỏi về thông tin dược tính của cây đậu xương, một người thầy thuốc gần nhà tôi đã trả lời: “Cây đậu xương là vị thuốc chuyên dùng để điều trị bong gân, nhức khớp rất hay và là gia truyền nên con không tìm thấy nó trên mạng đâu. Chú cũng chỉ biết bao nhiêu đó thôi.”

Và đúng vậy, đến thời điểm này tôi vẫn chưa tìm được thông tin nào trên các phương tiện truyền thông về cây đậu xương ngoài người thầy thuốc đó và một vài người hàng xóm đã có tuổi. Câu trả lời của họ đều giống nhau về việc khẳng định công dụng và hiệu quả của loại cây này. Ở đây, tôi xin chia sẻ với các bạn bài thuốc chữa bong gân, đau nhức xương khớp từ cây đậu xương mà tôi được biết. Trước tiên, xin nói qua vài điều để nhận dạng loại cây đậu xương.Cây đậu xương, đau xương

ĐẶC ĐIỂM

Cây đậu xương là loại dây mọc hoang và thường thấy chúng chen bám vào các bụi cây ven bờ ruộng, bờ ao. Đây là loài dây leo, thân có các khớp đốt dài cỡ gang tay, có rễ phụ và có lớp phấn trắng mỏng phủ nhẹ bên ngoài. Lá đậu xương có hình trái tim và có 5 gân lá chính, gân màu hồng tía (hơi nhạt). Mặt trên lá màu xanh, mặt dưới lá màu hồng tía như màu gân lá và ngay cả ngọn non của cây đậu xương cũng có màu hồng tía… Đặc biệt, thân và phần cuốn lá cây đậu xương rất giòn, nhất là phần thân. Khi dùng tay bẻ nhẹ, thân gãy giòn phát ra tiếng “rắc, rắc…” và đây cũng là đặc điểm nhận dạng chủ yếu của cây đậu xương.

Cách dùng cây đậu xương làm thuốc

Cách 1: Dùng một nắm vừa đủ dây đậu xương (có cả lá, thân, rễ) và cây chó đẻ (còn gọi là diệp hạ châu, chó đẻ răng cưa), rửa sạch rồi giã cho giập nát, sau đó cho vào chảo xào với giấm (giấm ăn, giấm gạo). Khi hỗn hợp vừa đủ ấm nóng (lưu ý không xào chín rục) thì đắp vào chỗ bị đau nhức, bong gân rồi dùng vải quấn lại. Khi hỗn hợp khô thì thay phần hỗn hợp mới. Cách làm này đã làm nhiều người ngạc nhiên vì bệnh khỏi rất nhanh, nhất là các trường hợp bị bong gân.

Cách 2: Trong trường hợp không có cây chó đẻ thì chỉ dùng dây đậu xương cũng được. Bạn lấy một nắm vừa đủ dây đậu xương rửa sạch, giã cho giập nát rồi cho vào chảo, tuy nhiên không xào với giấm mà xào với một ít hạt tiêu đã được xay nát. Khi hỗn hợp đã ấm nóng thì đắp lên chỗ đau rồi bó lại.

Có thể thấy, những cách làm trên đây rất dễ thực hiện và hơn nữa, cây đậu xương xuất hiện khá nhiều ở đồng quê dù ít người biết đến công dụng của nó (nó cũng hay bị nhầm với cây vôi hay nhiều cây họ đậu khác). Vì vậy, nếu không chú ý, chúng ta có thể sẽ bỏ lỡ cây thuốc có giá trị này.

(Tuyết Nhi)

Từ khóa » Tác Dụng Cây đơn Xương