Cây Gai Xanh - Cẩm Nang Cây Trồng

Tên tiếng anh/Tên khoa học: Rami

1. Giới thiệu một số cây gai lấy sợi và cây gai xanh (rami)

Ở miền núi nước ta có nhiều cây được khai thác vỏ để lấy sợi dệt vải. Những cây này mọc hoang dã hoặc được trồng trong gia đình với quy mô nhỏ. Để phân biệt cây gai xanh với những cây trồng lấy sợi từ vỏ khác, chúng tôi giới thiệu sơ lược một số cây dưới đây.

1.1. Cây gai dầu

Cây thuộc họ Cannabaceae. Họ này chủ yếu dùng để lấy sợi dệt vải của đồng bào miền núi. Cây này có thùy lá hình chân vịt hoặc lá kép chân vịt và luôn luôn có lá kèm. Các khoang sỏi luôn luôn có mặt; một số thành viên của họ này có mủ.

Lá cây gai dầu

Lá cây gai dầu

Gai dầu là cây đơn tính khác gốc (cây đực và cây cái riêng biệt). Hoa đối xứng xuyên tâm và không sặc sỡ, do chúng là các loại cây thụ phấn nhờ gió. Thích nghi với kiểu thụ phấn này là đài hoa ngắn và không có tràng hoa. Hoa mọc thành cụm dạng xim hoa.

Ở các loài đơn tính khác gốc thì cụm hoa đực dài và trông giống như chùy hoa, trong khi cụm hoa cái ngắn và chứa ít hoa hơn. Nhụy hoa gồm 2 lá noãn hợp sinh, bầu nhụy thường là thượng và một ngăn; không có số lượng nhị hoa cố định.

Quả có thể là quả bế dẹt hình trứng có mũi nhọn.

Một số cây trong họ gai dầu cho hương liệu như cây hoa bia. Một số cây gai dầu có chất gây nghiện (cây cần sa).

1.2. Cây gai chống (Tribulus terrestris L.)

Cây này còn có tên gọi là Bạch tật lê, gai ma vương, gai sầu... Cũng gọi là gai nhưng cây này thuộc chi Tribulus khác hẳn cây gai làm bánh và cây gai lấy sợi mà chúng tôi mô tả dưới đây.

Ở Việt Nam chi Tribulus có 2 loài là Tribulus teretris và Tribulus cistoides.

Bạch tật lê, gai ma vương, gai sầu

Lá và hoa của cây gai chống (bạch tật lê)

Các loài cây gai chống chỉ phân bố từ Quảng Bình trở vào.

1.3. Cây lanh (Iinum uistatissimum L.)

Còn có tên gọi khác là lanh Mèo, lanh Mán.

Là loại thân thảo, sống lâu năm, cao 60 cm - 1 m, thân thảo nhẵn màu xanh hoặc xám nhạt. Lá hình lưỡi mác hoặc hình bầu dục, gân gốc nổi rõ. Lá đơn gần đối xứng hoặc hình xoắn ốc (xem hình 2).

Cây lanh là cây ôn đới nên chỉ phát triển ở vùng núi cao như ở Sapa, Mường Khương, Sính Hồ, Tủa Chùa, Phó Bảng...

Cây lanh (Iinum uistatissimum L.)

Cây lanh (Iinum uistatissimum L.)

Cây cho sợi dệt rất tốt. Lá có chất gây nghiện.

1.4. Cây dướng (Broussontrertia papyrifera (L.); tên đồng nghĩa khác là Morus papirifera L.)

Cây thân gỗ, mọc ven suối, có kích cỡ rất khác nhau. Lá mọc cách hình trái tim như lá gai hoặc chia thùy. Mặt dưới lá cũng có màu trắng bạc hoặc màu xanh nhạt. Dân tộc miền núi trước lấy sợi dướng để dệt thổ cẩm. Người Ấn Độ lấy sợi dướng để dệt sarong. Người Indonesia lấy sợi dướng để dệt khăn trải giường, may túi...

Cây dướng chỉ là cây khai thác tận dụng với ý nghĩa tự cung tự cấp của đồng bào miền núi ở Việt Nam cũng như các nước lân cận. Cây dướng chỉ có giá trị trong việc sử dụng làm nguyên liệu giấy cao cấp hoặc làm bao bì bằng giấy. Do vậy cây dướng không có ý nghĩa lớn trong ngành dệt may xuất khẩu.

Cây có 2 loại lá: Loại như lá gai và lá có xẻ thùy.

Cây dướng (Broussonetia papyrifera L.)

Cây dướng (Broussonetia papyrifera L.)

Chúng tôi nêu một số cây trên tránh sự lầm lẫn với cây gai để chế tạo xơ bông phục vụ ngành dệt may mà chúng tôi trình bày dưới đây.

1.5. Cây gai xanh Rami (Boehmeria nivea tenacissima (L.) Gaud.)

Cây gai xanh là cây bản địa của Việt Nam, đã được nhân dân ta sử dụng làm đồ may mặc rất lâu đời. Trong cuộc khai quật những ngôi mộ cổ người ta đã tìm thấy các trang phục bằng gai chôn cất hơn trăm năm vẫn còn có độ dai. Cây gai còn có những tên gọi khác nhau. Ví dụ người Kinh gọi cây gai là gai làm bánh, gai tuyết; người Tày gọi là trữ ma, bẩu pán; người Thái gọi là cọ pán; người Dao gọi là chiều đủ; người Trung Quốc gọi là chư ma...

Trước đây ở 2 địa phương khác nhau người ta xác định tên khoa học chi Boehmeria có 2 loài là Boehmeria nivea và Boehmeria tenacissima. Sau này người ta xác định lại tenacissima là loài phụ của loài B. nivea. Chi Boehmeria ở Việt Nam hiện nay người ta đã tìm thấy 10 loài. Do vậy cây gai xanh chúng tôi giới thiệu trong cuốn sách nhỏ này là Boehmeria nivea tenacissima (L.) Gaud. Để đỡ nhầm lẫn chúng tôi gọi cây này là cây RAMI.

Cây gai xanh thuộc họ Gai (Urticaceae).

Cây thân thảo nhiều năm, đứng thẳng, thường mọc thành bụi, cao 1 - 2 m đến 2,85 m hóa gỗ ở gốc, thân rễ kéo dài và có rễ dạng củ. Thân thường không phân cành, đường kính 8 - 16 mm, lúc non màu xanh và có lông mềm, sau mầu nâu nhạt và hóa gỗ. Lá đơn mọc cách, với 3 gân gốc rõ; là kèm hình đường - ngọn giáo, gốc dính lại, dài tới 1,5 cm; cuống lá dài 6 - 12 cm, có lông; phiến lá hình trứng rộng, hình tam giác đến gần hình tròn, kích thước 7 - 20 x 4 - 18 cm, gốc hình nêm đến gần hình tim, đầu thường có mũi nhọn, mép có răng cưa đến răng nhọn, mặt trên màu lục sẫm và nhẵn; mặt dưới nhẵn, có lông ép sát màu lục, hay trắng.

Hoa mọc từ thân hay ở ngọn cây là tùy thuộc vào các dòng khác nhau, cụm hoa hình chùy hay hình chùm ở nách dài 3 - 8 cm, mỗi nhánh mang các đám hoa chụm lại hay tách xa nhau; chủ yếu là hoa đực với các cành hoa đực ở gốc; các cụm hoa đực thường nhỏ với 3 - 10 cụm hoa; cụm hoa cái lớn hơn, thường mang 10 - 30 hoa. Hoa đực có cuống ngắn, bao hoa 3 - 5 thùy; nhị bằng số thùy. Hoa cái không cuống, bao hoa hình ống, 2 - 4 thùy màu xanh nhạt đến màu hồng; bầu chứa 1 noãn, vòi mảnh và có lông một phía; núm hình sợi. Quả bế gần hình cầu, đến hình trứng, đường kính khoảng 1 mm, bao bọc bởi bao hoa tồn tại, có lông, màu vàng nâu. Hạt gần hình cầu đến hình trứng, đường kính nhỏ hơn 1 mm, màu nâu đen.

Cây gai trong vườn ươm

Cây gai xanh con trong vườn ươm

Cây gai xanh đã trưởng thành có hoa và quả

Cây gai xanh đã trưởng thành có hoa và quả

Do hoa đực và hoa cái không cùng trong một đài hoa nên gió dễ làm cho gai dễ bị lai tạp với giống kém năng suất nhưng có “sinh lực” mạnh ở địa phương.

Để đảm bảo tính ổn định về mặt di truyền giống tối ưu thì nhân vô tính là biện pháp hữu hiệu nhất.

2. Đặc điểm sinh học và sự phát triển của cây gai xanh (Rami)

Hiện gai đã có mặt ở nhiều nước, từ vùng xích đạo (Indonesia, Philippin) đến vĩ tuyến 380 Bắc (Nhật Bản và Hàn Quốc), ở vùng có nhiệt độ từ 20 - 280C. Cây không chịu được sương muối vì thân ngầm sẽ bị chết. Cây ưa ẩm, đòi hỏi lượng mưa 100 - 140 mm; khi non hơi chịu bóng; sinh trưởng và phát triển nhanh trong mùa mưa ẩm, đến mùa đông có hiện tượng rụng lá, hơi tàn lụi. Cây ra hoa hàng năm; điều kiện ngày ngắn kích thích cây ra hoa nhanh. Chưa thấy gai tái sinh bằng hạt, nhưng khả năng tái sinh vô tính bằng chồi rất khỏe. Cũng tái sinh bằng các thân và cành cắt ra đem giâm xuống đất. Những vườn ươm giống gai có thể dựa vào đặc tính này để tạo vườn ươm giâm hom.

Để tạo sợi tốt, cây đòi hỏi loại đất sét pha cát, thoát nước tốt, có độ pH 5,5 - 6,5. Cây rất mẫn cảm với việc thiếu nước, nhưng cũng không chịu được ngập nước lâu.

Sau khi trồng 5 - 20 ngày, thân rễ bắt đầu sinh trưởng. Sau khi trồng 3 - 10 tháng là có thể thu hoạch. Nhưng những tháng đầu cây cho chất lượng rất kém.

Mùa hoa quả tháng 11 - tháng 1 năm sau.

Cây gai có hệ rễ phát triển, được cấu tạo bởi rễ củ cải (còn gọi là rễ dinh dưỡng), rễ nhánh (còn gọi là rễ bên) và rễ sợi. Cây gai không thuộc hệ gốc thẳng, cũng không thuộc hệ rễ chùm, là

loại rễ biến thái. Rễ củ cải có dưỡng chất phong phú, cung cấp dinh dưỡng cho sự sinh trưởng nẩy mầm của cây gai, cũng có tác dụng bảo vệ ở chừng mực nhất định giúp gốc gai vượt qua mùa đông giá rét.

Cây gai sinh trưởng vô tính bằng cơ quan dinh dưỡng của phần thân dưới đất và phần thân trên mặt đất. Từ cơ quan dinh dưỡng mọc thêm rễ nhánh và rễ sợi. Đây là cơ sở để nhân giống cây gai bằng hom thân.

Cây gai trồng theo hạt, ban đầu nhú vỡ vỏ hạt, rễ mầm mọc cắm xuống đất, hình thành rễ chính, trên rễ chính mọc thêm rễ nhánh, trên rễ nhánh lại mọc thêm rễ sợi. Trong vòng nửa năm đầu có thể nhìn thấy rõ rễ chính, sau này thân dưới đất mọc ra nhiều rễ bất kỳ, nhanh chóng phát triển lớn thành rễ củ cải dần dần thay thế rễ chính mọc chậm.

  • Rễ cây gai xanh

Rễ cây gai thường mọc sâu xuống đất sâu chừng 1 - 1,5 m, sâu nhất có thể lên tới 2,5 - 3m, đại đa số quần thể rễ phân bố trong tầng đất canh tác khoảng trên dưới 50 cm. Những chủng loại có rễ khác nhau sẽ cắm vào lòng đất với độ nông sâu khác nhau, loại cắm rễ sâu sẽ cắm vào đất sâu hơn, loại cắm rễ nông cắm vào đất nông hơn, loại rễ trung bình sẽ giới hạn ở giữa hai loại. Các loại rễ cấp 1, cấp 2 và cấp 3 đan xen vào nhau tạo điều kiện giữ đất, chống xói mòn cho đất dốc trên núi.

Thường loại rễ sâu thường chia gốc khá dầy, loại rễ nông khá thưa. Mỗi khóm gai chia gốc phụ thuộc vào chủng loại, năm tuổi của gai, mật độ, sự khác biệt giữa các mùa khác nhau và điều kiện trồng trọt, thường là 10 - 20 gốc, trồng thưa có thể đạt mười mấy gốc. Trong đó có loại gốc trồng sinh trưởng nhỏ bé, chín không kịp thời, không thể thu hoạch được gai gọi là gốc không có hiệu quả, mọi người thường gọi là "gai chân".

  • Thân cây gai xanh

Thân trên mặt đất của cây gai có hình trụ vuông, phần gốc khá thô, phần ngọn khá mảnh, đứng thẳng. Thân cây lúc trưởng thành cao khoảng 2 m, cao nhất là hơn 3 m. Đường kính giữa thân thường khoảng 1 cm. Thời kỳ sinh trưởng thân có màu xanh nhạt hoặc xanh sẫm, bên ngoài có lớp lông, khi trưởng thành bởi vỏ bên ngoài đã hoàn toàn phát triển thành gỗ, nên dần dần biến thành nâu vàng, mầu nâu xanh, mầu nâu hoặc mầu xanh đen. Cây gai lúc trưởng thành thường có 40 - 50 đốt, giữa các đốt thường dài khoảng 2 - 6 cm, đốt giữa dài nhất. Thân cây gai thường không phân nhánh, nhưng cây gai mới trồng hay cây gai trồng quá thưa, những điểm sinh trưởng phần ngọn bị phá hoại hoặc cây gai già thu hoạch muộn có lúc cũng phân nhánh.

Kết cấu của cây gai khi trưởng thành, từ ngoài vào trong, có thể chia thành vỏ ngoài, tầng vỏ và lớp vỏ dai mới mọc, lớp vỏ dai mọc tiếp theo, tầng hình thành, phần gỗ và cốt tủy. Sợi có giá trị kinh tế sinh trưởng ở trong phần vỏ dai mới mọc. Sợi vỏ thứ cấp mọc lần 2 không phát triển bằng lần đầu. Khi cắt gai thường cắt bỏ đi.

Thân gai ở trên mặt đất mọc rất nhanh, đa số vùng trồng gai ở lưu vực sông Đà đều thu hoạch 3 lần 1 năm.

Phần thân dưới của cây gai là dạng biến thái của thân, hình dáng giống rễ, còn gọi là thân ngầm. Ở những vùng sản xuất gai đều dùng thân ngầm để trồng, nên còn gọi là hom thân. Thân dưới đất lúc còn non có màu trắng ngà, sau này lớp vỏ biến thành gỗ dần có màu nâu hoặc mầu nâu sẫm. Thân dưới đất có đốt, trên đốt có lá thoái hóa dưới dạng lớp vẩy bọc mầm, trong nách lá của những lá thoái hóa đó có chồi nách, đoạn đỉnh rễ ở thân dưới đất còn có chồi ngọn, chồi ngọn và chồi nách có thể sinh trưởng ra bốn phía hình thành thân dưới rất to rộng hoặc vươn ra mặt đất phát triển thành thân trên mặt đất.

Thân dưới đất thường sinh trưởng ở tầng đất 5 đến 15 cm. Do hình dáng và vị trí trên gốc gai không giống nhau, nên có thể chia thành 3 loại gốc cấp I, gốc cấp II và gốc cấp III. Gốc cấp I sinh trưởng dựa vào bề mặt đất, giống như đầu rồng, mọc mầm nhanh, nảy mầm nhiều. Rễ cấp II dài mảnh, từ mầm đơn mọc khắp tứ phía quanh gốc gai, giống thân trúc, nảy mầm nhanh, nhưng khá mảnh và yếu. Gốc cấp III to và thô, nằm ngang trong lòng đất giống cấp II, nảy mầm chậm nhưng mọc mầm to khỏe. Rễ cấp III của loại gốc sâu to thô, rễ cấp II khá ít, mọc gốc khá chậm; rễ đòn gánh của loại gốc nông và rễ cấp II mảnh, nhiều, mọc gốc khá nhanh.

  • Lá cây gai

Lá cây gai là lá đơn, mọc lẫn nhau, phiến lá to, viền bên có răng cưa. Hình dáng lá khác nhau tùy từng loại, thường có hình elip, hoặc gần tròn, hình bầu dục và hình tim. Lá dài 7 - 17 cm, rộng 6 - 14 cm, chóp lá nhọn, phần gốc hình nêm, không có răng cưa. Lá non của đợt gai đầu có màu xanh sẫm, màu đỏ, màu đỏ tím, màu vàng, cùng với sự sinh trưởng phiến lá dần trở thành màu vàng xanh, màu xanh, xanh sẫm, mặt sau của lá có lớp lông màu trắng, hoặc xanh nhạt (tùy theo chủng giống), phiến lá là mạch lá dạng lưới.

Lúc lá non của cây gai mở rộng, phiến lá dần biến thành màu xanh sẫm, đây là giai đoạn tác dụng quang hợp của phiến lá mạnh nhất, thân vươn dài nhanh, kết quả của tác dụng quang hợp là nhiều nitơ. Khi màu phiến lá thoái hóa, lượng nitơ sau quá trình quang hợp giảm bớt, nhưng sợi và tích lũy tinh bột tăng lên.

  • Hoa cây gai

Hoa cây gai là chùm hoa có hình bông, hoa đực và cái cùng một gốc. Hoa cái mọc ở trên 10 đốt phía dưới chỗ sinh trưởng của thân; hoa đực mọc ở đốt phía dưới hoa cái và nhiều hơn hoa cái, chỗ giao thoa giữa hoa đực và hoa cái thường mọc lẫn.

Hoa, quả gai xanh

Hoa, quả gai

a. Hoa đực; b. Hoa cái và quả; c. Chùm hoa gai

+ Hoa cái: Chùm hoa cái mọc trên cành hoa, mọc thành chùm như quả cầu nhỏ, mỗi chùm hoa có khoảng hơn 1 trăm bông hoa, tạo thành quả cầu nhỏ. Đài hoa hình ống tròn, phần chóp tách ra làm bốn, xung quanh có lớp lông tơ, một bầu nhụy, một đài hoa, dài mảnh màu trắng, lúc nở hoa vươn ra khỏi đài, cánh đài hoa bao lấy bên ngoài quả không rơi. Trước khi hoa cái nở có màu đỏ vàng, xanh vàng, trắng vàng, màu đỏ, đây là một trong những tiêu chí quan trọng để nhận biết chủng loại gai khác nhau.

+ Hoa đực: Nụ hoa hình quả cầu dẹt, màu vàng nhạt, cuống hoa ngắn không rõ rệt, nụ hoa sống trên cành hoa, mỗi cành hoa đều do một trục chính chia thành 3 - 7 nhánh, mỗi nhánh có 5 - 9 nụ đực. Nụ hoa có 4 cánh đài hoa, phần gốc kết hợp, mọc lông tơ. Cánh đài hoa có màu xanh nhạt hoặc màu trắng vàng, phần giữa có một bầu nhụy thoái hóa, do một bầu cấu tạo thành. Nhụy đực có 4 bông, dài khoảng 7 cm, phấn hoa hình quả cầu. Phấn hoa mượn lực đàn hồi của tơ hoa khi hoa đực nở bay trong không khí, nhờ gió để truyền phấn hoa.

Quả gai hình bẹt hoặc hình cọc sợi ngắn, rất nhỏ, một bầu một hạt. Quả chín có màu nâu sẫm, trên ngọn còn sót lại cuống hoa. Vỏ quả có màng, bên ngoài có lớp lông.

Hạt gai rất nhỏ, có màu nâu sẫm hoặc màu nâu, hình tròn bẹt, có sữa mầm, nghìn hạt nặng khoảng 0,05 - 0,11 g, mỗi gam hạt khoảng 1,5 - 3,4 vạn hạt.

3. Quá trình trưởng thành và sinh trưởng cảu cây gai xanh (Rami)

Cùng với sự thay đổi thời tiết 4 mùa, cây gai có quá trình sinh trưởng và phát triển từ nảy mầm, mọc mầm, chia gốc, hình thành sợi, đơm nụ, khai hoa, kết quả một cách có quy luật.

3.1. Sự sinh trưởng của thân

3.1.1. Sinh trưởng của thân dưới đất

Thân dưới của cây gai không có thời gian nghỉ ngơi, mùa đông vẫn ươm mầm, thường trong vòng 2 - 3 tháng sẽ mọc mầm chồi lên khỏi mặt đất, đến sau đợt đông sương giáng, phần trên mặt đất sẽ khô lại và chết, nhưng thân dưới mặt đất vẫn tiếp tục sinh sống, tạm thời sinh trưởng chậm chạp. Nhưng hễ gặp thời tiết thích hợp, mầm non lại mọc lên khỏi mặt đất thành chồi non. Khi nhiệt độ ở độ sâu dưới 5 cm so với bề mặt đất chừng hơn 60C, thân và rễ dưới mặt đất vẫn không ngừng mọc rễ, ươm mầm một cách chậm chạp, nếu nhiệt độ xuống thấp dưới -50C phần dưới mặt đất sinh trưởng chịu sự hạn chế, nếu nhiệt độ thấp kéo dài quá lâu toàn bộ gốc cây gai sẽ bị lạnh chết. Bởi thế trước khi áp dụng biện pháp thâm canh, cần bón phân hữu cơ và bồi đất để gai vượt qua mùa đông, nâng cao khả năng chống rét của gốc gai, đây là biện pháp chính để bảo vệ gốc gai vượt qua mùa đông một cách an toàn.

Thân dưới đất của cây gai có tác dụng thay đổi mạnh mẽ. Trong cả quá trình sinh trưởng của nó, hiện tượng giao hoán sinh

trưởng, thoái hóa và chết đi của thân rễ mới và cũ thể hiện vô cùng rõ rệt. Bởi thế, đào sâu đất trồng gai vào mùa đông không những có thể nâng cao sự màu mỡ cho đất mà trong quá trình làm tơi xốp đất, có thể loại bỏ thân rễ dưới đất bị mục ruỗng, trùng bệnh có hại, từ đó thúc đẩy tác dụng thay đổi cái mới của thân dưới lòng đất.

3.1.2. Sự sinh trưởng của thân trên mặt đất

Cây tầm gai sống ở khu vực sông Đà, trồng năm thứ nhất thường thu hoạch 1 đến 2 lần, từ năm thứ 2 mỗi năm thu hoạch 3 - 4 - 6 lần. Số lần phụ thuộc vào chân đất, chủng giống và nhiệt độ nơi sản xuất. Chủng loại, môi trường ngoại cảnh và điều kiện của nơi nuôi trồng khác nhau, nên thời gian sinh trưởng ngắn dài không giống nhau. Nhìn từ sự sinh trưởng của cây gai mỗi mùa có thể thấy sự sinh trưởng của thân trên mặt đất lại chia làm giai đoạn mầm, giai đoạn sinh sôi nảy nở và giai đoạn trưởng thành của cây gai.

(1) Giai đoạn mầm: Giai đoạn mầm của cây gai lần đầu do nhiệt độ khá thấp, sinh trưởng chậm, khoảng chừng 1 tháng. Đợt gai thứ 2, thứ 3 do nhiệt độ khá cao, trong điều kiện lượng nước thích hợp, thường trong vòng 5 - 7 ngày có thể cơ bản mọc mầm đều, giai đoạn mầm ở hai mùa bình quân trong vòng 10 ngày, hơn nữa hai mùa trước và sau tiếp nối nhau rất sát, khi cây gai của mùa trước trưởng thành, mầm gai của mùa sau đã bắt đầu chồi lên mặt đất. Bởi thế, để thu hoạch gai đạt được "4 nhanh" (nhanh thu hoạch, nhanh chặt thân, nhanh vun xới đất, nhanh bón phân), là vấn đề mấu chốt cho việc tranh thủ thời kỳ sinh trưởng có lợi của cây gai mùa sau và được bội thu ba mùa.

(2) Thời kỳ sinh trưởng mạnh: Thời kỳ sinh trưởng mạnh của đợt gai đầu khoảng 40 ngày, tốc độ sinh trưởng bình quân mỗi ngày có thể đạt từ 2 - 4 cm, theo sách nông nghiệp trồng gai thường nói: "Qua tiết lập hạ, một đêm mọc phiến lá, tiểu mãn

mọc đủ, mang chủng lột vỏ" phản ánh thời kỳ sinh trưởng mạnh của đợt gai đầu vào mùa thu hoạch. Đợt gai 2, 3 chừng 30 ngày, trong trường hợp điều kiện lượng nước đảm bảo, đợt gai thứ 2 bình quân sinh trưởng có thể đạt khoảng 5 cm, đợt gai thứ 3 khoảng 4 - 5 cm. Ở giai đoạn cây gai mùa thứ ba cần bón phân, cung cấp nước đầy đủ, điều đó rất quan trọng với việc nâng cao sản lượng gai.

(3) Thời kỳ trưởng thành của sợi gai: Thời kỳ này gốc gai về cơ bản đã không còn tiếp tục sinh trưởng, nhưng tầng sợi tiếp tục dày thêm và trưởng thành. Từ 1/3 đến 2/3 thân đen là có thể thu hoạch.

Trong mùa gai thứ 3, cây gai đợt đầu chủ yếu là bởi thời kỳ trước nhiệt độ thấp ảnh hưởng lớn, cả quá trình sinh trưởng tương đối dài, giai đoạn trước sinh trưởng nhanh, nhưng thời kỳ sau thường bị khô hạn, giai đoạn sinh trưởng sau của đợt gai thứ 3 nhiệt độ giảm xuống, gốc gai chuyển sang giai đoạn sinh trưởng sinh sôi, tỷ lệ sinh trưởng đợt gai thứ 2, 3 bình quân thể hiện đặc tính từ nhanh đến chậm. Ở một số nơi có độ ẩm và nhiệt độ cao có thể thu hoạch thêm 1 - 2 vụ nữa.

3.2. Năng suất cây gai xanh

Năng suất thân gai tươi thường 40 - 60 tấn/ha, cho 1.000 - 1.600 kg sợi khô và 500 - 1.200 kg sợi đã loại chất keo. Ở

Philippin thu được 2.000 kg sợi khô/ha trong năm đầu và 3.500 kg sợi khô trong các năm tiếp theo. Các diện tích gai ở nhiều nước thường sau 7 - 20 năm mới phải phá đi để trồng lại. Gai trồng để làm thức ăn gia súc, năng suất lá có thể đến 300 tấn tươi hay 42 tấn khô với 14 lần cắt trong 1 năm. Năng suất phụ thuộc nhiều vào tính chất thổ nhưỡng, cách chăm sóc và trồng giống. Chủng X8 có thể cho 1.500 kg ngay năm đầu và sau 3 năm nếu chăm bón tốt và có nhiệt độ cao trên 280C, cung cấp đủ độ ẩm cho đất thì năng suất có thể đạt hơn 5.000 kg/1 ha.

4. Sản phẩm khai thác từ cây gai Rami

Người ta trồng cây gai Rami chủ yếu để chế tạo thành bông sợi cao cấp để dệt vải phục vụ ngành may.

Vải từ cây gai thoáng mát, thấm mồ hôi, giữ nếp lâu và đặc biệt có tính khử mốc rất cao.

(1). Sợi bông từ vỏ cây gai là loại bông cao cấp để may những hàng may cao cấp đắt tiền. Sợi bông Rami pha với sợi hóa học, sợi tơ tằm làm tăng giá trị hàng hóa của ngành may thời trang. Thiết nghĩ đây cũng là một trong hướng đi cần chú ý của ngành dệt may Việt Nam.

Một sản phẩm cũng cần chú ý là tơ gai khi chưa chế thành bông cũng có thể dệt thô bằng các khung dệt thổ cẩm đơn sơ tạo ra các phụ kiện phục vụ ngành may xuất khẩu rất có giá trị.

(2). Lõi cây gai Rami là nguyên liệu tốt để sản xuất nấm ăn, sản xuất bao bì giấy.

(3). Rễ cây Rami là một dược liệu cầm máu rất quý, dùng làm thuốc kháng viêm, chữa viêm gan siêu vi B, tiểu đường, suy nhược thần kinh, béo phì, thuốc chữa động thai, chảy máu, doạ sẩy thai, đái đục, đái ra máu, sưng tấy.

(4). Lá cây gai là nguyên liệu trong lĩnh vực chiết xuất chất màu từ thực vật, làm chất màu thực phẩm trong sản xuất bánh, kẹo.

Tóm lại, cây gai xanh Rami là cây có ý nghĩa kinh tế cần được lưu ý phát triển.

Xơ bông sản xuất từ vỏ cây gai Rami

Xơ bông sản xuất từ vỏ cây gai Rami

Xơ bông sản xuất từ vỏ cây gai Rami

Thành phẩm xơ bông chuyển đến nhà máy dệt

Các sản phẩm sợi gai từ thân cây gai

Các sản phẩm sợi gai từ thân cây gai

Cây gai xanh cho sợi được trồng chủ yếu ở Trung Quốc, Brazil, Lào và Philippines.

Mặc dù sợi gai được coi là một loại sợi "sinh thái" đầy hứa hẹn để sử dụng trong ngành dệt, việc tách bóc và làm sạch sợi hiện nay rất khó khăn và đòi hỏi nhiều lao động.

Chất xơ trong sợi gai (Ramie) được biết đến đặc biệt với khả năng giữ hình dạng, giảm nhăn nheo, và tạo ra một bóng mượt cho vải. Bông sợi gai không bền như các sợi khác nên thường được sử dụng như một hỗn hợp với bông hoặc len.

Giống như vải lanh, vải gai có xu hướng nhăn dễ dàng và cần được ủi mà làm tăng tiêu thụ năng lượng.

Nguồn: Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm từ cây gai xanh (Rami) - TT KN Quốc Gia Xem thêm chủ đề: cây gai, cây gai xanh, các loại cây gai Villa FLC Sầm Sơn

Từ khóa » Cây Gai Xanh Là Cây Gì