Cây Hoàng Cầm Công Dụng Cách Dùng Làm Thuốc

Hoàng Cầm không chỉ là tác giả của bài thơ “Bên kia sông Đuống” nổi tiếng xứ Kinh Bắc mà còn là tên của một loại bếp với cơ chế làm loãng khói bếp, giúp bộ đội ta “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” trong thời chiến. Thế nhưng, trong Đông y, hoàng cầm còn là tên của một cây thuốc (cây hoàng cầm) mà rễ của nó được biết đến với nhiều công dụng quý (đối với tim, phổi, gan, hệ thần kinh và ruột).

Vài nét về vị thuốc hoàng cầm

Hoàng cầm là cây thuốc có hoa màu lam tím, khá giống với bán chi liên (hoàng cầm râu).

Cây có tên khoa học là Scutellaria baicalensis, thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae) (1).

Trong Đông y, phần được dùng làm thuốc của cây là rễ (được phơi hay sấy khô) với màu vàng, vị đắng. Tại nước ta, cây hoàng cầm được trồng ở một số tỉnh phía Bắc (chủ yếu để lưu trữ còn nguồn dược liệu hầu như vẫn được nhập từ Trung Quốc) (1) (2).

Những công dụng của cây hoàng cầm

Bên cạnh công dụng thanh nhiệt, hạ sốt, giúp cầm máu, an thai và điều trị kinh nguyệt quá nhiều, vị thuốc hoàng cầm còn được biết đến với nhiều công dụng, nhiều hoạt tính như:

  • Thông vào can (gan): giúp điều trị vàng da, ung nhọt.
  • Thông vào phế (phổi): có tác dụng với bệnh ho, viêm phổi và viêm phế quản.
  • Thông vào đại trường (ruột già): làm giảm các triệu chứng của lỵ và tiêu chảy ra máu.
  • Thông vào tâm (tim): được dân gian ứng dụng trong các trường hợp nôn ra máu hay bệnh về tim (nhất là viêm cơ tim) (2).

Bên cạnh đó, cây hoàng cầm còn được biết đến với các công dụng liên quan đến hệ thần kinh (như an thần, chống co giật, điều trị nhức đầuđộng kinhrối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương và ngăn ngừa bệnh dại). Liều dùng: mỗi ngày dùng từ 6 – 15 g thuốc sắc hoặc dùng dưới dạng bột (2).

Ngoài ra, kinh nghiệm sử dụng rễ hoàng cầm làm thuốc còn cho thấy rượu thuốc hoàng cầm điều trị được các bệnh về huyết áp như cao huyết áp, nhức đầu và mất ngủ (do mạch máu bị cứng và rối loạn thần kinh thực vật). Cách dùng: điều chế rượu thuốc theo tỉ lệ 20 g bột hoàng cầm : 100 ml cồn 70 độ (mỗi lần uống 20 giọt rượu, dùng 2 hoặc 3 lần mỗi ngày) (3).

Hình ảnh hoa cây hoàng cầm
Hình ảnh hoa cây hoàng cầm

Một số bài thuốc kết hợp

Tương tự như nhiều thảo dược khác, hoàng cầm cũng được dùng trong các bài thuốc kết hợp để các vị thuốc có thể tương hỗ lẫn nhau, từ đó, quá trình điều trị bệnh sẽ được thuận lợi và hiệu quả hơn. Các bạn có thể tham khảo một số bài thuốc sau đây:

  • Viêm loét dạ dày, tá tràng: có thể dùng hoàng cầm (16 g) sắc chung với mai mực, mạch nha (mỗi vị 20 g), cam thảo (6 g), ngô thù du (2 g), hoàng liên (8 g), sơn chi và đại táo (mỗi vị 12 g), mỗi ngày uống một thang (2).
  • Viêm gan virus cấp tính: bài thuốc điều trị viêm gan cấp tính (mỗi ngày 1 thang) gồm các vị: hoàng cầm, chi tử (hay còn gọi là dành dành), hoàng liên, hoàng bá (mỗi vị 12 g), thạch xương bồ, nhân sâm và đại hoàng (sống) (mỗi vị 8 g) (2).
  • Viêm gan virus mạn tính: đối với trường hợp viêm gan mạn tính, người bệnh có thể dùng thang thuốc sau: hoàng cầm, mộc thông, đại phúc bì, hoạt thạch (mỗi vị 12 g), kim ngân (16 g), phục linh, đậu khấu, nấm trư linh (mỗi vị 8 g), nhân trần (20 g), cam thảo (4 g) (mỗi ngày dùng 1 thang) (2).
  • Viêm cầu thận cấp tính: Không chỉ có tác dụng đối với các bệnh về gan, hoàng cầm còn được kết hợp cùng các vị thuốc khác để điều trị viêm cầu thận cấp tính trong thang thuốc sau: hoàng cầm, mộc thông, sinh địa hoàng, hoàng bá (mỗi vị 12 g), bồ công anh, rễ tranh (mỗi vị 20 g), cam thảo (4 g), lá tre (16 g) (mỗi ngày 1 thang) (2).
  • Khát nước và mất máu nhiều ở phụ nữ sau sinh: dùng hoàng cầm (10 g) và mạch môn (hay còn gọi là mạch môn đông) (10 g), sắc uống thay cho nước và uống trong ngày (3).

Một số nghiên cứu về cây hoàng cầm

Bên cạnh các công dụng đã được biết đến qua những bài thuốc y học cổ truyền, cây hoàng cầm dưới góc nhìn y học hiện đại còn được ghi nhận với nhiều hoạt tính quan trọng. Từ đó, các nghiên cứu về vị thuốc này tiếp tục chứng minh cho tiềm năng điều trị bệnh bằng thảo dược và y học phương Đông:

  • Hoạt tính chống o xy hóa: Nhiều kết quả nghiên cứu về rễ củ của cây hoàng cầm đều cho thấy các hoạt chất được phân lập từ vị thuốc này có tác dụng bảo vệ tế bào, giúp tế bào chống lại các tổn thương do quá trình o xy hóa gây ra. Trong đó, baicalein được phát hiện là hoạt chất có hoạt tính mạnh nhất (theo tạp chí Biochimica et Biophysica Acta (BBA) – General Subjects) (4).
  • Chống ung thư: Bên cạnh khả năng chống oxy hóa, chiết xuất từ củ hoàng cầm qua các nghiên cứu trong ống nghiệm và cả thực nghiệm trên cơ thể sống đều cho thấy hoạt tính chống ung thư (ung thư biểu mô tế bào vảy ở đầu và cổ) (theo tạp chí Cancer Research) (5).
  • Bảo vệ tế bào thần kinh: Dựa trên kinh nghiệm điều trị đột quỵ bằng củ hoàng cầm của dân gian, các nhà khoa học đã định hướng và chứng minh thành công tác dụng bảo vệ tế bào nơ ron thần kinh và chống lại thiếu máu cục bộ tạm thời của chiết xuất methanol từ hoàng cầm (củ khô) (theo tạp chí Journal of Ethnophamacology) (6).
  • Chống virus viêm gan B: Theo tạp chí Planta Medica, chiết xuất từ hoàng cầm còn ức chế đáng kể sự sản sinh virus viêm gan B – nguyên nhân gây ra viêm gan cấp tính, mạn tính và ung thư biểu mô tế bào gan (8).
  • Chống co giật: Kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất từ hoàng cầm có tác dụng chống co giật, bảo vệ thần kinh và làm giảm lo âu (theo tạp chí European Journal of Pharmacology) (9).
  • Ức chế enzyme đường ruột: Ngoài ra, kết quả thí nghiệm còn cho thấy chiết xuất methanol từ củ hoàng cầm có khả năng ức chế mạnh mẽ các enzyme sucrase ở đường ruột chuột, đồng thời ức chế enzyme sucrase trong đường ruột của người (trong các tế bào Caco – 2) (theo tạp chí Journal of natural products) (10).

Lưu ý

  • Dù được xem là dược liệu ít độc nhưng không nên dùng cây hoàng cầm quá liều. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về dạng thức sơ chế phù hợp của dược liệu, tương tác thuốc, liều lượng cũng như thời gian sử dụng (3).
  • Những người tỳ vị hư hàn không nên dùng hoàng cầm (7).

Nguồn tham khảo

  1. Hoàng cầm, https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_c%E1%BA%A7m?fbclid=IwAR1YbJMsVrBFBdZOULzNEVwcXMtO9AhpbvEXkMFl8tgMUQY9R2B9I4_ErZc, ngày truy cập: 19/08/2019.
  2. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 935.
  3. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 311.
  4. Free radical scavenging and antioxidant activities of flavonoids extracted from the radix of Scutellaria baicalensis Georgi, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S030441659900152X, ngày truy cập: 19/08/2019.
  5. Inhibition of Cancer Cell Proliferation and Prostaglandin E2 Synthesis by Scutellaria Baicalensis, https://cancerres.aacrjournals.org/content/63/14/4037.short, ngày truy cập: 19/08/2019.
  6. Cytoprotective effect of Scutellaria baicalensis in CA1 hippocampal neurons of rats after global cerebral ischemia, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0378874101002835, ngày truy cập: 19/08/2019.
  7. 黄芩, https://baike.baidu.com/item/%E9%BB%84%E8%8A%A9/16177741, ngày truy cập: 19/08/2019.
  8. Anti-Hepatitis B Virus Effects of Wogonin Isolated from Scutellaria baicalensis, https://www.thieme-connect.com/products/ejournals/html/10.1055/s-2000-9775, ngày truy cập: 19/08/2019.
  9. Anticonvulsant effect of wogonin isolated from Scutellaria baicalensis, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0014299907007911, ngày truy cập: 19/08/2019.
  10. Baicalein, an α-Glucosidase Inhibitor from Scutellaria baicalensis, https://pubs.acs.org/doi/full/10.1021/np980163p,ngày truy cập: 19/08/2019.

Từ khóa » Hoàng Cầm Có Công Dụng Gì