Cây Khế, Vị Thuốc Bình Dân Và Những điều Cần Lưu ý

Cây khế đã quá quen thuộc từ điệu lý, cổ tích, đồng dao… đến đời sống hàng ngày. Mặc dù quả khế có vị chua nhưng nó lại là thành phần quan trọng của món canh chua cá tràu (cá lóc, cá quả) – món ăn thương nhớ của những người con miền Trung:

“Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế

Khế trong vườn, thêm một tí rau thơm.

Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ

Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm!”

(Canh cá tràu – Chế Lan Viên) (1)

Thật vậy, từ lâu, quả khế đã được dùng làm gia vị với vị chua đặc biệt. Dân gian còn chia sẻ thú vui thưởng thức món ăn khế nấu ốc đồng qua lời ca dao:

“Khế chua mà nấu ốc nhồi

Cái nước nó xám nhưng mùi nó ngon.” (2)

Như vậy, bên cạnh công dụng trong ẩm thực, cây khế thân thuộc trong đời sống hàng ngày còn có những công dụng nào khác, nhất là trong làm thuốc?

Vài nét về cây khế

Khế (tên khoa học: Averrhoa carambola, họ Chua me đất: Oxalidaceae) (3) là cây ăn quả có thân gỗ cao (có thể đến 12 m), phân nhánh nhiều và các nhánh khá giòn, dễ gãy (vì thế mà dân gian kết luận “hóc xương gà, sa cành khế” là những trường hợp nguy hiểm (2)). Lá khế thuộc dạng lá kép lông chim với khoảng 3 – 5 đôi lá chét, phiến lá hình trái xoan nhọn. Hoa khế nhỏ, mọc thành cụm và có màu hồng tím pha trắng.

Quả khế khi chín có màu vàng và vì có 5 núi nên khi cắt ngang quả sẽ thành hình ngôi sao (tên tiếng Anh của khế là Star fruit). Có hai giống khế thường thấy là khế quả chua (rất chua) và khế quả ngọt (vừa chua vừa ngọt). Hạt khế nhỏ, được áo bên ngoài bớp màng trong suốt và hơi nhầy.  Bộ phận dùng làm thuốc của cây khế là lá, hoa, quả, vỏ cây và vỏ rễ.

Giá trị dinh dưỡng và công dụng làm thuốc của quả khế

Giá trị dinh dưỡng

Quả khế không chứa nhiều năng lượng (31 kcal/ 100 g quả) nhưng chứa nhiều nước và các chất dinh dưỡng thường thấy như đường, chất xơ, chất đạm, chất béo. Bên cạnh đó, trong quả khế còn có nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết như: A, B1, B2, B3, B5, B6, B9, C, E, Can xi, Sắt, Ma giê, Man gan, Phốt pho, Ka li, Na tri, Kẽm… (3). Đặc biệt, quả khế còn chứa Choline – chất cần thiết cho sự phát triển trí não, nhất là những người ăn chay cần đảm bảo đủ chất (4).

Công dụng của quả khế

Quả khế có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, trừ phong, tiêu viêm, lợi tiểu và long đờm. Theo y học cổ truyền, quả khế còn được dùng trong điều trị ho, sổ mũi, đau họng bằng cách ép lấy nước uống (khoảng 90 – 120 g quả khế tươi) (5).

Hải thượng y tông tâm lĩnh còn ghi chép về quả khế như sau:

“Ngũ liêm tử tên gọi quả Khế

Không độc, tính bình, chua chát thế

Trừ phong, thanh nhiệt lại sinh tân

Chữa đao thương, hoắc loạn, khí uế” (6).Công dụng của hoa khế lá khế và rễ cây khế

Công dụng của hoa, lá, thân và rễ cây khế

Hoa khế: Hoa khế vị chua chát, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận phế, trừ ho, chỉ khát và bổ thận sinh tinh. Bên cạnh đó, người ta còn dùng hoa khế để trừ sốt rét, kinh giản ở trẻ em, ho khan, ho đờm, ho gà, kiết lị, thận hư và kém tinh khí.

Cách dùng: lấy khoảng 4 – 12 g hoa khế tẩm với nước gừng, sao lên rồi sắc lấy nước uống (hoặc lấy 8 – 16 g hoa khế hãm với nước sôi rồi uống) (5) (7).

: Lá khế có vị chua chát, tính bình, có công dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu. Trong y học cổ truyền, lá khế còn được dùng điều trị lở sơn, mề đay, dị ứng, cảm nắng, ho, tiểu buốt, tiểu ra máu, mụn nhọt, viêm tiết niệu và viêm âm đạo.

Mới đây một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Bangladesh về hoạt động hạ đường huyết của ba loại lá cây trong đó có lá khế, đã nhận thấy rằng lá khế có công dụng hạ đường huyết đáng kể (10).

Cách dùng: sắc uống 20 – 40 g. Đối với bệnh mề đay, có thể lấy lá khế tươi nấu nước tắm (hoặc giã nát và đắp ngoài da) (5) (7).

Thân và rễ: Vỏ thân và vỏ rễ cây khế có vị chua chát, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, trừ ho, điều trị đau khớp, đau đầu mạn tính và viêm dạ dày.

Cách dùng: sắc uống khoảng 8 – 16 g (7).

Lưu ý

  • Độc tính: Đã có báo cáo về độc tính caramboxin trong quả khế đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo và bị tiểu đường (gây ngộ độc và thậm chí tử vong). Vì vậy, trẻ sơ sinh, những người bị tiểu đường, tăng huyết áp, đang chạy thận hay gan thận yếu, suy thận không nên ăn khế (8).
  • Không nên ăn nhiều khế, nhất là lúc đói. Những người bị bệnh về dạ dày cũng không nên ăn khế chua bởi quả khế chua có nhiều axit (9).

Nguồn tham khảo

  1. Chế Lan Viên, Canh cá tràu, https://www.thivien.net/Ch%E1%BA%BF-Lan-Vi%C3%AAn/Canh-c%C3%A1-tr%C3%A0u/poem-Ntf0bb6tcgnX0Wn-CnYzOw, ngày truy cập: 09/07/2019.
  2. Cây khế, https://cadao.me/the/cay-khe/, ngày truy cập: 09/07/2019.
  3. Khế, https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BA%BF, ngày truy cập: 09/07/2019.
  4. Hiểu đúng về Choline, https://www.enfa.com.vn/articles/hieu-dung-ve-choline, ngày truy cập: 09/07/2019.
  5. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, 1997, trang 613.
  6. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Hải thượng y tông tâm lĩnh, tập 3,4, NXB Y học, Hà Nội, 2014, trang 524.
  7. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 1061.
  8. Đã có nhiều người tử vong vì ngộ độc sau khi ăn khế: Cảnh báo những đối tượng không nên ăn loại trái cây này, http://afamily.vn/da-co-nhieu-nguoi-tu-vong-vi-ngo-doc-sau-khi-an-khe-canh-bao-nhung-doi-tuong-khong-nen-an-loai-trai-cay-nay-20181117094503566.chn, ngày truy cập: 09/07/2019.
  9. Những đối tượng nào không nên ăn khế, https://www.bachhoaxanh.com/kinh-nghiem-hay/nhung-doi-tuong-nao-khong-nen-an-khe–1080090, ngày truy cập: 09/07/2019.
  10. African Journal of Traditional, Complementary and Alternative Medicines, https://www.ajol.info/index.php/ajtcam/article/view/73156, ngày truy cập: 10/07/2019.

Từ khóa » Cây Khế Trị Bệnh Gì