Cây Lá Quanh Nhà Và Các Vị Thuốc điều Trị Ghẻ, Nấm Da

Không ai muốn mình bị ghẻ lở nhưng chúng ta lại không thấy được con ghẻ – loại vi sinh vật chuyên đào rãnh ở dưới da nên hễ bị ghẻ thì rất ngứa ngáy, khó chịu. Hãy tham khảo những cách điều trị ghẻ bằng cây lá nam quanh nhà bạn nhé.

Thông thường, khi bị ghẻ, trên da chúng ta sẽ nổi lên các “mục ghẻ”. Những nốt này thường u lên hoặc lở loét và đặc biệt là rất ngứa. Chúng có thể mọc ở tay, chân, lưng hoặc mọc toàn thân khi đã lây lan sang các vùng da khác.

Ngày nay, thuốc điều trị ghẻ đã được bán khá phổ biến nhưng phòng ngừa ghẻ vẫn là cách tốt nhất trong chăm sóc sức khỏe, trong đó, có 3 điều cần chú ý, đó là:

  • Không ngủ dưới đất hoặc những nơi lạ chưa đảm bảo vệ sinh.
  • Tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh cá nhân và không gian sống.
  • Hạn chế tiếp xúc va chạm với người bị ghẻ lở để tránh bị lây (vì đặc tính của bệnh này chính là truyền nhiễm rất nhanh) (1).
Bệnh ghẻ và Điều trị ghẻ bằng cây lá nam
Bệnh ghẻ

Các bài thuốc điều trị ghẻ bằng cây lá nam

Nếu không may bị ghẻ, bạn có thể tham khảo các bài thuốc điều trị ghẻ bằng cây lá nam sau để khắc phục (nếu dùng vài lần mà không thấy thuyên giảm thì bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu, bạn nhé).

Cách 1: hái bảy lá trầu không tươi (lá trầu không), rửa sạch rồi giã nát cùng với một muỗng đường (muỗng nhỏ), sau đó để vào một miếng gạc hoặc vải mỏng, gói gọn lại rồi cầm chấm lên các mục ghẻ cho nước thấm vào.

Lá trầu không và Điều trị ghẻ bằng cây lá nam
Lá trầu không

Cách 2: lấy 100 g hạt máu chó giã cho nát nhuyễn rồi để vào nồi, sau đó đổ thêm 50 g dầu mè vào, nấu thật kỹ rồi để nguội và dùng nước này bôi lên các mục ghẻ (bôi thường xuyên và nếu không có dầu mè thì ta thay bằng dầu lạc cũng được).

Cách 3: Cách này có thể điều chế thành dạng thuốc đóng chai và bảo quản trong ba tháng để dùng dần. Cách làm như sau:

  • Chuẩn bị: vỏ cây nhãn, phèn chua và lá trầu không theo tỉ lệ 6:1:3.
  • Thực hiện: Tổng ba thành phần trên, nếu là một kg thì ta nấu với hai lít nước cho đến khi nước rút còn 0,5 lít thì chắt ra, để nguội thì lược lại và lấy nước này bôi lên mục ghẻ.
  • Ghi chú: Nước thuốc này có thể điều trị cả lở ngứa và hắc lào (2).

Cây lá quanh nhà điều trị nấm da

Với những người làm nghề nông, tiếp xúc nhiều với bùn nước hay những người làm việc trong môi trường kém vệ sinh, hay đổ mồ hôi… thì ngoài ghẻ lở, chúng ta cũng hay bị nhiễm nấm ngoài da.

Nấm da mặt
Nấm da mặt

Thông thường, nấm da hay xuất hiện ở kẽ tay, kẽ chân hoặc ở bẹn, da đầu… Trong một số trường hợp, nấm da còn xuất hiện ở móng tay. Lúc này, lớp da dưới móng sẽ bị xù xì và dày lên nhiều lớp, phần móng tay cũng bị sần sùi, gồ ghề hoặc vênh lên.

Nếu bị nấm da đầu, trên da đầu sẽ xuất hiện những mảng vảy rất ngứa và tóc ở chỗ bị nhiễm nấm cũng rụng dần.

Đối với nấm da, chúng ta có 3 điều cần lưu tâm, đó là:

  • Giữ cho vùng da bị nhiễm nấm luôn sạch sẽ, khô thoáng và để da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
  • Không mặc quần, áo hoặc đeo vớ, găng tay… còn ẩm ướt; hạn chế đội nón hoặc trùm kín khiến dễ đổ mồ hôi (tạo điều kiện cho nấm phát triển, nhất là nấm da đầu).
  • Dùng thuốc điều trị càng sớm càng tốt.

Dùng cây lá nam quanh nhà

Bên cạnh các thuốc Tây y điều trị nấm da, bạn cũng có thể tham khảo một số bài thuốc Nam  sau:

Cách 1: hái 100 g lá muồng trâu, rửa sạch, giã nát cùng một muỗng muối (muỗng cà phê) rồi gói lại bằng một miếng gạc hoặc miếng vải mỏng, sau đó cầm chấm lên vùng da bị nấm (cho nước thấm ướt).

cây muồng trâu
Hình ảnh cây muồng trâu

Cách 2: lấy một trái chuối tiêu non, xẻ làm hai (xẻ ngang) rồi cầm chà nhẹ lên vùng da bị nhiễm nấm (chà thường xuyên mỗi ngày).

Cách 3: lấy 100 g củ riềng tươi, 100 g lá và củ cây chút chít, đem giã nát rồi lấy thêm 1 trái chanh vắt nước vào, sau đó hâm lên cho ấm rồi thoa lên chỗ bị nấm (2).

Thông tin thêm

Ngoài ghẻ và nấm da thì còn một bệnh về da khác cũng gây không ít khó chịu, đó là hăm lở (thường gặp ở trẻ nhỏ). Với dạng này thì dễ điều trị hơn rất nhiều: bạn chỉ cần giữ khô thoáng và dùng phấn rôm em bé thoa lên là được (2).

Với các chị em phụ nữ thì còn một bệnh “khó nói” khác, đó là viêm ngứa âm đạo (có khi bị lở loét). Trong trường hợp này, bạn có thể dùng bột cam thảo hoặc cam thảo thái lát, đổ thêm tí nước rồi nấu sôi thì tắt bếp, để nguội lại và dùng rửa ngoài (2 hoặc 3 lần mỗi ngày) (3).

Nguồn tham khảo

  1. Bệnh ghẻ có lây không? Lây qua đường nào?, https://dakhoaauahcm.vn/benh-ghe-co-lay-khong.html, ngày truy cập: 09/ 04/ 2021.
  2. Lê Minh – Lê Ba – Hoàng Thủ, Thuốc Nam dùng trong gia đình, NXB Phụ nữ, 2013, trang 65.
  3. Đào Ẩn Tích (Chu Tước Nhi dịch), Thần nông bản thảo kinh, NXB Hồng Đức, trang 47.

Từ khóa » Cây Thuốc Trị Ghẻ Lở