Cây Mật Gấu (cây Lá đắng) - Hello Bacsi

Dân gian có nhiều loại cây giống cây mật gấu. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến thông tin của cây mật gấu, nhưng thực chất là cây lá đắng, có tên khoa học Vernonia amygdalina Del., họ Cúc (Asteraceae).

Cây mật gấu có tác dụng gì đối với sức khỏe, nên sử dụng như thế nào và lưu ý những gì? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây:  

Tìm hiểu chung

Cây lá mật gấu (lá đắng) là gì?

Cây mật gấu phân bố ở nhiều nơi trên nước ta nhưng chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đây là dạng cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ, có thể cao đến 10m và phân nhiều nhánh.

Thân cây có đường kính khoảng 40cm, vỏ màu xám đến nâu.

Lá cây đơn mọc so le với cuống lá dài 0,2 – 4 cm.

Phiến lá hình trứng hoặc hình elip dài.

Hoa lưỡng tính và mọc thành chùm. Tràng hoa hình ống, dài khoảng 5 – 8 mm, có màu trắng.

Quả của cây hình trám có màu từ nâu đến đen.

Nhiều người vẫn nhầm tưởng cây mật gấu và cây mật nhân là giống nhau. Thực tế, 2 loại cây này hoàn toàn khác nhau về hình dạng, tên gọi cũng như công dụng. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết Mật nhân là thảo dược gì? để có thể phân biệt hai thảo dược này.

Bộ phận dùng của cây mật gấu

Thân, rễ và lá mật gấu là hai bộ phận được sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là không nên dùng cây, lá cây sống như một loại rau, chỉ dùng dưới dạng nước sắc hoặc nấu sôi.

Đối tượng nào nên sử dụng cây mật gấu?

Cây lá đắng có thể được sử dụng cho những bệnh nhân:

  • Mắc bệnh đái tháo đường, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu
  • Gặp các vấn đề về dạ dày, gan, người có bệnh sỏi mật
  • Đau lưng do thoái hóa, sưng đau khớp
  • Béo phì
  • Thường xuyên uống bia rượu, tiêu hóa kém, viêm đại tràng
  • Ho lao, khạc ra máu
  • Viêm da, mụn nhọt, 

Thành phần

Thành phần hoạt chất

Cây chứa nhiều chất có hoạt tính sinh học như: alkaloids, saponin, tannin, glycoside, terpene, steroid, coumarin, flavonoid, acid phenolic, lignan, xanthone, anthraquinone, edotide and sesquiterpene…

Thành phần dinh dưỡng

Trong 100 g phần ăn được sẽ có: 

  • Năng lượng: 52 Kcal
  • Protein: 5,2 g
  • Chất béo: 0,4 g
  • Carbohydrate: 10,0 g
  • Chất xơ: 1,5 g
  • Ca: 145 mg
  • P: 67 mg
  • Fe: 5,0 mg
  • Axit ascorbic: 51 mg

Ngoài ra còn chứa: magnesium, chromium, manganese, selenium, sắt, đồng, kẽm, Vitamin A, E, C, B1,B2, chất xơ…và các acid amin quan trọng: Leucine, Isoleucine, Lysine, Methionine, Phenylalanine, Threonine, Valine, Histidine, Tyrosine.

Tác dụng, công dụng

lá mật gấu trị tiểu đường
Hình ảnh cây mật gấu (cây lá đắng)

Những thông tin được cung cấp trong bài không thể thay thế cho lời khuyên của thầy thuốc. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi quyết định dùng thuốc.

Cây mật gấu có tác dụng gì?

Cây mật gấu hay cây lá đắng có tác dụng gì? Thực tế, tác dụng của cây mật gấu đối với điều trị bệnh rất đa dạng. Dựa trên tác dụng dược học và kinh nghiệm sử dụng trong nền y học dân gian, một số nước dùng cây lá đắng để chữa các bệnh như:

  • Ấn Độ: Dùng lá mật gấu trị tiểu đường, dùng cành, rễ hỗ trợ điều trị HIV, hạ sốt, giảm ho, phát ban, cảm cúm, viêm vú.
  • Congo: Dùng lá và vỏ rễ chữa kiết lỵ, viêm dạ dày, ruột, sốt rét, viêm gan, nhiễm giun.
  • Nam Phi: Dùng rễ chữa sán máng (huyết hấp trùng), hiếm muộn, rối loạn kinh nguyệt.
  • Khu vực Tây Phi: Dùng lá làm trà lợi tiểu, chữa táo bón, nhiễm trùng da, đái tháo đường, bệnh chuyển hóa liên quan đến gan…

Lá cây mật gấu có tác dụng hỗ trợ các thuốc khác trong việc điều trị nhiều bệnh như xương khớp, đái tháo đường, tiêu chảy, viêm gan, huyết áp cao, rối loạn lipid máu, viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa, kiết lỵ, viêm ruột, bảo vệ gan trong dưới tác dụng phụ của thuốc điều trị lao…

Bên cạnh đó, cây lá đắng còn giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc gan, bảo vệ thận, điều hòa huyết áp và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Dưới đây là một số tác dụng quan trọng của cây mật gấu:

  • Giảm cholesterol xấu
  • Là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào
  • Andrographolide và labdane diterpenoid của cây mật gấu có công năng phòng chống các gốc tự do hiệu quả, cản trở phát triển của ung thư dạ dày, ung thư ruột kết và ung thư tuyến tiền liệt.
  • Lacton andrographolide, glucosides, fiterpene và flavonoid trong lá mật gấu có tác dụng chống oxy hóa giúp giảm sốt.
  • Làm hạ huyết áp nhờ chứa andrographolide. Điều trị các bệnh lý  dạ dày – ruột.
  • Lá mật gấu trị tiểu đường cũng nhờ chất andrographolide giúp ổn định đường huyết. 
  • Giúp giảm cân nhờ hàm lượng chất xơ trong cây mật gấu giúp giảm lượng calo dư thừa có thể gây tăng cân.
  • Điều trị nhiễm trùng đường hô hấp, ngoài da  do virus, vi khuẩn hoặc  ký sinh trùng nhờ tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, ngừa ung thư của sesquiterpenoids
  • Tốt cho xương và răng nhờ chứa Canxi, Vitamin C, K duy trì xương khỏe mạnh và ngăn ngừa sự suy yếu của các mô xương.
  • Chiết xuất từ cây là đắng có thể được sử dụng để bảo vệ gan khi kết hợp thuốc INH và rifampicin trong điều trị kháng lao.

Cách dùng, dạng dùng

cách dùng lá mật gấu (cây lá đắng)

Liều dùng khuyến cáo là khoảng 10g lá tươi (3-5 lá) hoặc 5-8g lá khô.

Cây mật gấu có thể dùng được ở những dạng nào?

Bạn có thể sử dụng ở những dạng như:

  • Sắc nước uống từ lá mật gấu tươi hoặc lá khô.
  • Ngâm rượu mật gấu.

Cách sử dụng cây mật gấu trong đời sống hằng ngày

Bạn có thể sắc nước rễ cây, thân cây và lá mật gấu uống hằng ngày. Sau khi rửa sạch, hãy đun sôi với tỷ lệ 20g lá tươi/1 lít nước trong vòng 15 phút. Nước này có thể thay thế nước uống hằng ngày giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc, đặc biệt là dùng giải rượu rất tốt.

Tác dụng của cây mật gấu khi ngâm rượu là gì? Bạn có thể dùng cây mật gấu để ngâm rượu thuốc. Sau khi rửa sạch, hãy thái nhỏ, phơi khô và ngâm với rượu. Sau 15 ngày, rượu sẽ chuyển màu và đậm dần theo thời gian. Cây mật gấu ngâm rượu có tác dụng điều trị các chứng như rối loạn tiêu hóa, bệnh đường ruột, tê thấp.

Lưu ý, thận trọng

Nhiều người thắc mắc “uống lá mật gấu hàng ngày có tốt không”, “uống lá đắng nhiều có hại gì không”. Điều chúng ta cần ghi nhớ đó là hãy cẩn trọng khi sử dụng loại thảo dược này. Dưới đây là một số lưu ý, thận trọng bạn cần biết trước khi sử dụng cây mật gấu (cây lá đắng).

Trước khi dùng cây mật gấu, bạn nên lưu ý những gì?

  • Khi mới sử dụng, bạn nên bắt đầu với liều thấp, không ngưng đột ngột các thuốc đặc trị (thuốc hạ huyết áp, hạ đường huyết). Ngoài ra, bạn nên theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bất thường của cơ thể.
  • Không sử dụng cây mật gấu cho phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ em dưới 12 tuổi, người huyết áp thấp, người dị ứng với cây mật gấu.
  • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cây mật gấu, đặc biệt là đối với những người đang sử dụng các loại thuốc khác.

Mức độ an toàn của cây mật gấu

Chưa ghi nhận những tác dụng phụ của cây mật gấu đáng kể. Các tài liệu nước ngoài cũng cho thấy dùng lá đắng là an toàn nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu để đánh giá thêm. Một số người sử dụng liều cao (trên 15g lá tươi mỗi ngày) có tình trạng táo bón, hạ huyết áp và miệng có cảm giác ngọt kéo dài.

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng cây mật gấu trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với cây lá đắng

Cây lá đắng có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn tự trả lời được cho câu hỏi “cây mật gấu có tác dụng gì” và biết cách ứng dụng dược liệu này trong chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Tác Dụng Của Lá đăng Cay