Cây Máu Chó - Đông Y Thiên Lương

Tên thường gọi: Được gọi là cây Máu chó vì nhựa của cây có màu đỏ như màu máu chó.

Tên tiếng Trung: 小葉紅光樹 (小叶红光树)

Tên khoa học: Knema globularia (Lam) Warb

Họ khoa học: thuộc họ Nhục đậu khấu – Myristicaceae.

Cây Máu chó

Mô tả:

Quả máu chó

Cây nhỡ cao tới 10m, có các nhánh non phủ một lớp lông mềm màu hung đỏ, cành già nhẵn, có khía. Lá dạng màng, thuôn ngọn giáo, có mép nguyên, mặt trên bóng nhẵn, có gân lông chim với 11-15 đôi gân phụ nổi rõ. Cụm hoa ở nách lá, có lông mịn màu đo đỏ. Quả hình trứng, hình cầu hay gần như bầu dục, khi chín nhẵn, vỏ quả mỏng, áo hạt nguyên hay hơi xẻ ở đỉnh. Hạt có vỏ mỏng và nhẵn.

Bộ phận dùng: Hạt – Semen Knemae.

Nơi sống và thu hái:

Cây của miền Ðông Dương, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia. Ở nước ta cây mọc hoang ở khắp miền rừng núi các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Thu hái vào tháng 9-10. Quả máu chó khi còn non có màu xanh, lúc về già có màu vàng, để lâu vỏ nứt làm 2 mảnh, phía trong có hạt mang áo hạt. Khi quả còn non áo hạt màu hồng nhạt, dính sát vào hạt, khi già áo hạt màu đỏ sẫm, bóc được dễ dàng. Hạt có dầu mùi hắc. Khi dùng giã nhỏ, cho thêm ít muối rang đỏ lên rồi ép lấy dầu hoặc giã rồi nấu cho dầu nổi lên mà gạn lấy cũng được.

Thành phần hoá học:

Trong hạt máu chó có 7-10% độ ẩm, 1,5-2% chất vô cơ, 24-28% chất béo, 8% chất prôtit, 4-5% chất đường, 22-26% tinh bột, ngoài ra còn xenluloza và một số chất khác không xác định được và một số men như men invectaza, amylaza và photphataza.

Dầu hạt máu chó là một thứ dầu màu đỏ sẫm, mùi hắc, rất nhầy, tỷ trọng ở 26o là 0,94; chỉ số khúc xạ ở 26o là 1,483; chỉ số axit 90,2; chỉ số xà phòng 196,10; chỉ số Iôt 59,55; phần không xà phòng hóa được 1,14%. Trong phần không xà phòng hóa được có Phytosterol và lecxitin.

Vị thuốc Máu chó

Tính vị: Vị chát, hơi the, tính ấm

Tác dụng: Tác dụng tiêu độc, sát trùng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thường phối hợp với các loại thuốc khác làm thuốc chữa ghẻ, ngứa, lở, hắc lào. Người ta dùng hạt Máu chó (2 phần), quả Bồ hòn (1 phần) hạt Củ đậu (1 phần) đều giã nhỏ, đem nấu lấy một thứ dầu hỗn hợp để dùng. Bôi một lớp mỏng vào chỗ ngứa sau khi rửa sạch và cào cho trợt da.

Hải Thượng Lãn Ông đã chế thuốc bôi chữa lở ngứa và các loại ghẻ lở: Hạt Máu chó, hạt củ đậu, Củ nghệ đều bằng nhau, Diêm sinh bằng 1/2 mỗi vị trên, tán nhỏ, hoà với dầu vừng hay mỡ lợn mà bôi (theo Bách gia trân tàng).

Có thể dùng hạt Máu chó làm loại xà phòng thuốc đặc trị. Ở Thái Lan người ta dùng dầu hạt làm thuốc trị bệnh ngoài da và trị ghẻ

Ứng dụng lâm sàng chữa bệnh của vị thuốc Máu chó.

Làm thuốc chữa ghẻ:

Giã chừng 100kg hạt máu chó, xẩy bỏ vỏ, lấy nhân giã cho nhuyễn, thêm muối đã rang thật khô chừng 10kg, trộn đều. Dùng chõ đồ như đồ xôi, dùng cây ép lấy dầu. Do cách ép thủ công, nên hiệu suất chừng 15-20%. Khi dùng, người ta tắm cho thật sạch, gãi cho nốt ghẻ chảy máu rồi bôi nguyên dầu đó hoặc cho thêm vào dầu một ít dầu long não cho có mùi thơm và thêm tính chất sát trùng. Cần bôi thật mỏng, nếu dùng nhiều quá, có thể mưng nhiều hơn.

Trị ghẻ ruồi, hủi:

Cân chừng 50g hạt máu chó, giã thật nhỏ, sẩy bỏ vỏ, trộn với chừng 200ml rượu trắng (chừng 35-40%) đun sôi trên bếp than cho đến khi được một hỗn hợp sền sệt thì thôi. Rửa nốt ghẻ cho bong vẩy, bôi ngay dầu còn hơi nóng, bôi thật mỏng, ngày hôm sau lại tắm thật sạch bằng xà phòng, bôi một lần nữa. Thường chỉ 3 lần là khỏi. Trị ghẻ ruồi rất công hiệu.

Bài viết liên quan

  • Logo Thiên Lương

    Bài thuốc Phong Thấp Cốt Thống Dược

  • Logo Thiên Lương

    Bài thuốc Mẫu Đơn Tán II

  • Logo Thiên Lương

    Bài thuốc Ý dĩ Qua Biện Thang II

Từ khóa » Cây Máu Chó Là Gì