Cây Mỏ Quạ Và Bài Thuốc điều Trị Bỏng, Tổn Thương Ngoài Da

  • Tên khác: Ắc ó, thồ lồ, cây bớm, …
  • Tên khoa học: Cudrania cochinchinensis (Lour), thuộc họ dâu tằm (1)
  • Bộ phận dùng: Rễ, lá và cành non
  • Tính vị: Vị đắng, hơi tê, mùi nồng, tính ấm.
  • Công dụng chính: Điều trị viêm cổ tử cung, vết thương lở loét, giảm đau và chống nhiễm khuẩn, điều trị bỏng, lao phổi, ho ra máu, giảm phù nề…

Mô tả cây mỏ quạ

  • Thân: Là dạng cây thân gỗ nhỏ, mọc dạng bụi leo cành nhỏ vươn dài, có thể cao tới 3m, trên thân cây có gai nhọn dài mọc ra từ cuống lá. Một đặc điểm nhận biết nữa là cây có nhựa (mủ) màu trắng.
  • : Lá  hình bầu dục, lá nhẵn, lá có hình dạng giống lá cây si.
  • Quả: Quả hình cầu, đường kính khoảng 1,5cm, bên ngoài quả sần sùi gồm nhiều múi ghép lại với nhau. Khi quả chín có màu vàng đỏ.

Dưới đây là hình ảnh thân, lá và quả mỏ quạ.

Cây mỏ quạ mọc ở đâu

Đây là loài cây dại mọc hoang, thường thấy ở miền núi và các vùng đất hoang hóa ở đồng bằng. Cây này mọc ở cả ba miền Bắc, Trung và miền Nam nước ta.

Dân gian dùng lá, cành non và rễ cây làm thuốc, rễ lá được thu há quanh năm về phơi hoặc khô.

Quả và lá cây mỏ quạ
Quả và lá cây mỏ quạ

Công dụng của cây mỏ quạ

Theo kinh nghiệm dân gian, được ghi trong cuốn sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc tập 2” cây mỏ quạ có rất nhiều công dụng hay, nổi bật nhất là hiệu quả chống nhiễm khuẩn, dùng trong điều trị vết thương rất hay, dưới đây là những công dụng chính của vị thuốc (1):

  • Điều trị vết thương, lở loét, mưng mủ (Dùng lá)
  • Điều trị bỏng, chóng lên da non (Dùng lá)
  • Viêm nhiễm tử cung (Dùng lá)
  • Giảm đau (Dùng lá)
  • Ho lao, ho ra máu (Dùng rễ)
  • Giảm phù nề (Dùng rễ)

Cách dùng lá mỏ quạ làm thuốc

1. Điều trị vết thương, nhiễm trùng ngoài da:

Bị nhẹ: Lấy một nắm lá mỏ quạ tươi giã nát, phần cuống lá thường không giã nát được, ta bỏ phần cuống và gân lá ra rồi đắp vào vùng da bị tổn thương. Nếu không có lá tươi có thể dùng cao lỏng lá mỏ quả bôi vẫn có tác dụng giảm viêm, chóng lên da non (1).

Vết thương nặng, khó liền: Kết hợp dùng chung với lá cây bòng bong (Bòng bong tươi, lá mỏ quạ tươi mỗi loại 1 nắm) giã nát, rồi đắp vào vết thương cho người bệnh 1 lần/ngày. Đến ngày thứ ba thì dùng thêm vị lá hàn the tươi, với tỷ lệ bằng nhau giã nát và đắp cho người bệnh, băng bó kín rồi định kỳ 3 ngày thì thay băng và vệ sinh, vết thương sẽ sớm lên da non và nhanh liền. Bệnh nhân lưu ý, thường xuyên kiểm tra sự tiến triển của vết băng, tránh để viêm nhiễm, vết thương nặng thêm khó điều trị.

Lưu ý: Bài thuốc trên là thang thuốc dân gian, được dân gian sử dụng phổ biến từ lâu, ngày nay khoa học phát triển nên việc điều trị vết thương trở nên đơn giản hơn nhiều. Do vậy đây chỉ là bài thuốc để chúng ta tham khảo, không nên tự ý áp dụng cách trên vì nó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người bệnh.

  • Tham khảo: Cây bòng bong (Hải kim sa) điều trị phù thận, viêm thận
  • Tham khảo: Cây hàn the vị thuốc dân dã điều trị tiểu buốt mọc ở quanh ta

2. Điều trị bỏng

Dùng lá mỏ quạ tươi một nắm, giã nát rồi đắp vào vết bỏng. Hoặc lấy lá, cành non mỏ quạ nấu thành dạng cao lỏng. Khi bị bỏng lấy cao lỏng bôi ngay lên vùng da bị bỏng có hiệu quả tốt, giúp vết bỏng sớm lên da non và hạn chế sẹo.

  • Tham khảo: Cây sang và bài thuốc điều trị bỏng nặng, trấn thương tụ máu

3. Ho lao, ho ra máu

Theo sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc tập 2” để điều trị ho thổ huyết, lao phổi dùng rễ mỏ quạ khô 20g, củ bách bộ 20g, cây mật gấu 20g và rễ cây rung rúc khô khoảng 20g, các vị thuốc rửa sạch, sắc nước uống hàng ngày.

4. Điều trị phù nề

Rễ mỏ quạ khô 25g, sắc với khoảng 500ml nước, đun cạn lấy 200ml nước, chia 3 lần uống trong ngày.

Còn dùng rễ mỏ quạ sắc uống kết hợp với một số vị thuốc khác để điều trị bệnh động kinh, giảm co giật.

Một số nghiên cứu về cây mỏ quạ

  1. Hoạt tính kháng khuẩn từ chiết xuất rễ mỏ quạ Cudrania cochinchinensis: Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện hoạt động kháng khuẩn đáng kể từ chiết xuất rễ mỏ quạ (2).
  2. Xác định hoạt tính bảo vệ tế bào gan từ chiết xuất ethanol rễ cây mỏ quạ Cudrania cochinchinensis: Các nhà nghiên cứu Trung Quốc sau quá trình thử nghiệm chiết xuất ethanol trên chuột đã đi tới kết luận: hai hợp chất wighteone và naringenin từ chiết xuất ethanol rễ mỏ quả có tác dụng bảo vệ gan tích cực (3).

Lưu ý khi sử dụng

  • Do rễ mỏ quạ có tính hoạt huyết, nên những bệnh nhân phẫu thuật và sau phẫu thuật không nên dùng.
  • Phụ nữ mang thai không dùng được vị thuốc này.

Nguồn tham khảo

  1. Mỏ quạ, sách Cây thuốc và động vật làm thuốc tập 2, trang 281.
  2. Antimicrobial Activity of Hydrophobic Xanthones from Cudrania cochinchinensis against Bacillus subtilis and Methicillin‐Resistant Staphylococcus aureus, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/cbdv.200490101 , ngày truy cập 08 tháng 11 năm 2019.
  3. Evaluation of the liver protective principles from the root of Cudrania cochinchinensis var. gerontogea, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/(SICI)1099-1573(199602)10:1%3C13::AID-PTR764%3E3.0.CO;2-1 , ngày truy cập 08 tháng 11 năm 2019.

Từ khóa » Cây Mỏ Quạ Có Tác Dụng Chữa Bệnh Gì