Cây Nhội (cơm Nguội) Và 8 Bài Thuốc Chữa Khí Hư, Nhiễm Trùng Roi ...

Cây nhội là cây thân gỗ được dùng chủ yếu làm cảnh và lấy bóng mát. Tuy nhiên, cây nhội cũng được nghiên cứu và cho thấy nó có tác dụng chữa bệnh. Từ lâu, dân gian đã dùng cây cơm nguội chữa mụn nhọt, nước ăn chân, khí hư, nhiễm trùng roi.

Thông tin, mô tả cây nhội
Thông tin, mô tả cây nhội
  • Tên khác: Cây nhội còn có tên gọi khác là quả cơm nguội, cây nhội tía, bích hợp, thu phong, trọng dương mộc, ô dương…
  • Tên khoa học: Bischofia javanica – Blume
  • Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae)

Đặc điểm nhận dạng cây nhội

1. Mô tả cây nhội

Cây to, cao 15 – 20m, xanh tốt quanh năm. vỏ cây màu nâu đen, nhẵn. Lá kép mọc so le, 3 lá chét hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 8 – 13cm, rộng 4 – 8cm, gốc tròn, đầu nhọn, lá chét tận cùng hơi to hơn, mép khía răng, hai mặt nhẵn, mặt dưới rất nhạt; cuống lá kép dài 7 – 9 cm, phình ở gốc; lá kèm hình tam giác, nhọn, sớm rụng.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm dài 6 – 13cm; hoa đơn tính khác gốc, nhỏ, màu lục nhạt; hoa đực tụ họp đôi một hoặc riêng lẻ, có 5 lá đài khum úp kín nhị, khi nở, xoè gập xuống, không có cánh hoa; nhị 5 đối diện với lá đài, bao phấn 2 ô, chỉ nhị ngắn, nhụy lép hình đĩa, hoa cái mọc riêng lẻ, cuống dài hơn ở hoa đực, 5 lá đài hẹp nhọn, không có cánh hoa, bầu hình trứng hơi nhọn, nhẵn, 3 ô, mỗi ô có 2 lá noãn.

Quả thịt, hình cầu, đường kính 6 – 7,5mm, màu nâu hoặc nâu đen khi chín, hạt 2 – 3, hình trứng, nhẵn, bóng.

Mùa hoa: tháng 2 – 5; mùa quả: tháng 6-8.

2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Phân bố: Bischofia Blume chỉ có một loài là cây nhội, phân bố rộng rãi ở các nước vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Lào, Việt Nam, các tỉnh ở phía nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, nhội phân bố rải rác khắp các vùng núi, trung du và đồng bằng.

Cây thường mọc ở ven các rừng kín thường xanh, đặc biệt trong các quần hệ thứ sinh, sống được trên nhiều loại đất với độ cao phân bố đến 1000m. Ra hoa quả nhiều hàng năm, thụ phấn nhờ côn trùng hoặc gió, tái sinh tự nhiên bằng hạt, do chim hoặc động vật ăn quả chín đưa hạt đi khắp nơi. Phần gốc và rễ còn lại sau khi bị chặt có khả năng tái sinh cây chồi khoẻ.

Nhội là loại cây mọc nhanh trong 3 – 4 năm đầu, có thể hơi chịu bóng, sau nhanh chóng mọc vượt lên khỏi tán những cây khác. Với hệ thống rễ cọc khoẻ, cây chịu được giông bão. Nhội được trồng thành rừng để lấy gỗ ở Ấn Độ và lấy bóng mát ở đường phố, công viên hay đình chùa ở Việt Nam.

Bộ phận dùng: Vỏ, thân, rễ, lá.

Thu hái, chế biến: Cây nhội thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc sấy khô.

3. Tính vị, quy kinh, bảo quản

Tính vị, quy kinh: Lá nhội có vị chát, tính bình, không độc và 2 kinh tỳ và đại tràng.

Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát

4. Thành phần hóa học

Trong cây cơm nguội có nhiều thành phần hóa học
Trong cây cơm nguội có nhiều thành phần hóa học

Lá nhội chứa 76,9% nước, 4,1% protid, 13% glucid, xơ 3,9%, tro 2,1%, caroten 2,6mg%, vitamin C 30mg%, các triterpenoid như friedelin friedelinol, epifriedelinol, acetat fridelinol, acid betulinic, acid ursolic, roxburgholon; các flavonoid luteolin – 7 – o – glucosid quercetin, quercitrin, fisetin.

Ngoài ra, còn chrysoerinol, P- sitosterol, triacontan (Trung dược từ hải II, 1606; CA. 109, 1988, 8978v). Các chất acid betulenic, acetat friedelinol (+) – roxburgolon ức chế mạnh sự phát triển của dòng tế bào ung thư leukemia P.388. Tanaka, Takashi, Nonaka Gen Ichiro đã xác định một chất ellagitanin dimeric là bishofanin (CA. 122, 1995, 209782p) Ohira, Tatsuro, Yatagai Mitsuyoshi đã tách từ dịch chiết methanol của gỗ cây nhội được 3 chất steroid là stigmasterol, P- sitosterol và P- sitostenon (CA. 117, 1992, 4241m). Chen Rentong, Chenchangfa đã tách từ cành nhội các chất friedelin, friedelinol, epifriedelinol và p (p- sitosteryl) D. glucosìd (CA. 107, 1987, 172507q).

Trong cây nhội mọc ở Việt Nam, Viện Dược liệu đã phân tích có tanin galic và vitamin C.

Tác dụng dược lý của cây nhội

Trần Văn Ngoan (Bộ môn ký sinh trùng Trường đại học Y khoa Hà Nội) đã thử 500 loài thảo mộc trên roi trùng (Trichomonas) và phát hiện lá nhội có tác dụng diệt mạnh. Tác dụng này đã được chứng minh bằng các thí nghiệm trên ống kính cũng như trên súc vật được gây nhiễm roi trùng.

Các bài thuốc chữa bệnh từ cây nhội (cơm nguội)

Cây nhội chữa được nhiều bệnh khác nhau
Cây nhội chữa được nhiều bệnh khác nhau

1. Chữa tiêu chảy

20 – 40g lá khô hay 40 – 60g lá tươi sắc lấy nước uống trong ngày.

2. Chữa khí hư, bạch đới, viêm âm đạo, lở ngứa

Lá tươi 50 – 80g sắc lấy nước để uống hoặc sắc lấy nước đặc, thêm ít phèn chua hay hòa thêm 1 – 2 viên klion (metronidazole) để ngâm rửa. Có thể nấu cao đặc để bôi.

3. Chữa dị ứng do thuốc mỡ, tiếp xúc hóa chất, lở ngứa như ghẻ ruồi do tắm nước bẩn (nước ao tù)

Lá quả cây nhội 2 phần, nghể răm 1 phần, nấu nước để tắm, tắm khi nước còn nóng, dùng lá chà xát khắp người.

4. Chữa dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt

Lá nhội 50g, lá cây dâu gia 50g. Giã nhỏ, trộn với ít dấm, bôi.

5. Chữa viêm gan siêu vi

Lá nhội tươi 60g, hợp hoan bì 15g, rau má 30g, đường phèn 15g, sắc nước uống.

6. Phong thấp, đau nhức xương khớp

Vỏ thân cây nhội 12 g sao vàng, dây đau xương sao 12 g, thổ phục linh 12 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày. Uống 10-15 thang.

7. Ung thư dạ dày, thực quản

Lá cây nhội 60 g. Sắc uống ngày một thang.

8. Dị ứng phát ngứa như ghẻ ruồi do tắm nước ao tù

Dùng lá Nhội hai phần, Nghể răm một phần, nấu nước tắm khi nước còn nóng và dùng bã xát.

Lưu ý khi dùng cây cơm nguội chữa bệnh

– Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

– Dùng đúng quy định, liều lượng.

Trên đây là những thông tin liên quan đến cây nhội. Tuy nhiên, đây chỉ là những bài thuốc dân gian, chưa có cơ sở khoa học nên người bệnh không nên lạm dụng quá nhiều

Xem thêm: Cây đài hái (dây mỡ lợn, du qua) và 6 bài thuốc chữa loét mũi, vắt cắn, sưng vú, lỵ, rôm sảy hiệu quả

Vote post

Từ khóa » Tác Dụng Cây Nhội Tía