Cây Rau Om | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Cây rau om vừa là thực phẩm, vừa là dược liệu nổi tiếng với tác dụng chữa sỏi thận, tiểu đường, gan nhiễm mỡ và rất nhiều căn bệnh khác. Mặc dù tốt nhưng bà bầu tuyệt đối không nên ăn nhiều vì có thể gây sảy thai.

cây rau om

  • Tên khác: Ngò ôm, ngổ ôm, ngò om, rau ôm, ngổ hương, mò om, ngổ điếc

  • Tên khoa học: Limnophila aromatica (Lamk.)

  • Họ: Mã đề (Plantaginaceae)

I. Mô tả về cây rau om

Đặc điểm thực vật

  • Rau om thuộc dạng cây thân thảo. Thân cây có chiều dài trung bình từ 20 – 30 cm. Thân mọc bò, giòn, bên trong rỗng, có mùi thơm. Dọc thân cây chứa nhiều lông mịn bao phủ.

  • Lá cây mọc đối xứng, màu xanh, kích thước nhỏ, mặt nhẵn, mọc sát và hơi ôm lấy thân, không có cuống. Mép lá hình răng cưa nhỏ

  • Hoa mọc đơn ở ngay nách lá, hình loa kèn, có 5 cánh màu tím nhạt trên đầu, trắng ở phía dưới. Nhụy hoa màu vàng.

  • Quả dạng nang nhẵn, ngắn, dọc theo quả có một số nếp nhăn và bướu. Bên trong quả có hạt nhẵn hình trụ, sắc đen nhạt.

Phân bố

Cây rau om ưa sống ở môi trường nóng và có nhiều nước. Chúng mọc nổi trên mặt nước và được tìm thấy nhiều nhất ở các nước khu vực Đông Nam Á.

Ngày nay, rau om còn được trồng cả trên cạn để làm gia vị. Tuy nhiên người trồng cần đảm bảo tưới nước thường xuyên để cây phát triển bình thường. Một số người còn trồng rau om trong hồ cá hoặc bể thủy sinh để làm cảnh.

Ở Việt Nam, giống rau om được du nhập từ Bắc Mỹ. Dược liệu này được những người đi tị nạn sau cuộc chiến tranh Việt Nam vào giữa thập niên 1970 đem về. Rau om có mặt ở khắp các tình thành trên cả nước và dễ dàng tìm mua ngoài chợ với giá khá rẻ.

Bộ phận dùng làm thuốc

Thân và lá cây

Thu hái – Sơ chế:

Cây rau om được trồng bằng cách giâm cành. Những đoạn thân ngọn to khỏe sẽ được lựa chọn giâm xuống khu vực có nhiều bùn nước và chất dinh dưỡng. Sau khoảng 30 – 45 ngày là có thể bắt đầu thu hoạch.

Cây được trồng quanh năm nên có thể thu hoạch vào bất kì thời điểm nào, đặc biệt là vào mùa hè bởi đây là thời điểm có khí hậu thuận lợi cho cây phát triển. Người trồng nhổ cả cây lên hoặc cắt ngang thân, chừa lại phần gốc.

Dược liệu được đem về rửa nhiều lần nước cho sạch bùn đất, ngâm trong nước muối. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô, sao vàng, hạ thổ làm thuốc.

Bảo quản

Dược liệu khô thường được cho vào túi ni lông, cột chặt miệng lại để nơi thoáng mát nhằm tránh bụi bặm và ẩm mốc.

Tuyệt đối không bảo quản ở những nơi ẩm ướt, gần bồn nước hay nhà tắm.

Thành phần hóa học:

Phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy cây rau ôm chứa các thành phần sau:

  • Nước

  • Tinh dầu

  • Cumarin

  • Protid

  • Flavonoid

  • Các loại vitamin: B, C

  • Đường khử

  • Carotene

  • Cellulose

  • Axit hữu cơ

  • Glucid

  • Monoterpenoid cetone

  • Limonene

  • Aldehyd perilla

  • Nevadensin

II. Vị thuốc rau ôm

Tính vị:

Cây rau om vị hơi đắng, tính mát, có mùi thơm đặc trưng

Tác dụng dược lý và chủ trị

Theo y học cổ truyền, rau om có công dụng giải nhiệt, trị nóng trong, tiêu độc, giảm mỡ máu, chống sưng viêm, giảm đau, cầm máu, thông hoạt trung tiện. Dược liệu này được dùng chủ trị các bệnh lý sỏi thận, sỏi mật, bí tiểu, tiểu không tự chủ, ăn không tiêu, viêm khớp, ho cảm, bệnh gout, tiểu đường, viêm gan, ra nhiều huyết trắng ở phụ nữ…

tác dụng của cây rau om

Cây rau om có nhiều tác dụng quý với sức khỏe

Nghiên cứu hiện đại cũng ghi nhận nhiều tác dụng dược lý của cây rau om:

  • Các hoạt chất nhóm coumarine và flavonoid được tìm thấy trong rau om có khả năng kháng khuẩn, tiêu viêm nên được dùng để chữa viêm khớp, viêm gan, tổn thương nhiễm trùng ngoài da.

  • Thử nghiệm chất nevadensin chiết xuất từ rau om cho thấy nó có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt là trong các trường hợp bị ung thư dạ dày hay tuyến tiền liệt.

  • Rau om thể hiện tác dụng lợi tiểu rõ rệt. Dược liệu này cũng giúp làm giãn nở mạch máu, tăng cường chức năng lọc của cầu thận. Lượng nước tiểu tăng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để viên sỏi bị đẩy ra ngoài khi đi tiểu tiện.

  • Tính năng giải độc của rau ôm giúp cơ thể khỏe mạnh, da bớt nổi mụn, đầu óc minh mẫn, hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh hơn.

Cách dùng và liều lượng:

Dùng 10 – 20g dược liệu ( khô hoặc tươi )mỗi ngày theo dạng thuốc sắc. Ngoài ra, có thể lấy cây rau om tươi ăn sống, ép nước uống hoặc giã đắp vào tổn thương bên ngoài.

Độc tính:

Rau om không chứa độc

Bài thuốc chữa bệnh từ cây rau om

1. Chữa đầy hơi, bí tiểu, đi tiểu ra máu do nhiệt

Dùng 30g rau om tươi rửa sạch với nước muối. Giã nát, thêm 300ml nước đun sôi để nguội vào, khuấy đều lên, chắt lấy nước cốt. Pha thêm chút đường cho dễ uống.

2. Điều trị bệnh sỏi thận

  • Cách 1:

Chuẩn bị 50g cây rau ngổ. Sau khi rửa sạch thì để ráo nước, cắt nhỏ, giã nát cùng với chút muối ăn. Lọc nước uống. Thực hiện ngày 2 lần trong 5 – 7 ngày liên tục.

Để tăng hiệu quả, có thể kết hợp rau ngổ chung với râu ngô, kim hoa thảo ( cối xay ) hay cây bông mã đề.

  • Cách 2:

Lấy 50g rau ngổ xay uống tương tự như uống sinh tố. Sỏi nhỏ thì dùng khoảng 15 ngày, to thì uống trong 1 tháng liên tục.

  • Cách 3:

Xay nhuyễn 1 kg rau ôm rồi vắt nước cốt hòa chung với nước của 1 trái dừa. Chia làm 3 phần đều nhau uống hết trong ngày. Dùng liệu trình khoảng 7 ngày thì ngưng.

Hai nguyên liệu này kết hợp với nhau có tác dụng lợi tiểu, kích thích đi tiểu nhiều lần để đẩy viên sỏi ra ngoài dễ dàng.

3. Trị chứng ra nhiều huyết trắng ở phụ nữ

Phụ nữ bị nhiễm nấm, vi khuẩn ở âm đạo thường ra nhiều huyết trắng có mùi hôi tanh và gây ngứa ngáy khó chịu. Để khắc phục tình trạng này, dân gian có các bài thuốc từ cây rau om như sau:

  • Cách 1:

Xay nhuyễn 500g rau ngổ lấy nước uống. Dùng 2 ngày 1 lần

  • Cách 2:

Dùng 500g rau om thái nhỏ, đem nấu với 3 bát nước cho đến khi nước cô đặc lại còn 1 bát. Gạn ra uống khi còn ấm.

  • Cách 3:

Kết hợp cây rau ôm ( 2 nắm ), cây cỏ lông gà ( 3 nắm ), lá ngải cứu ( 2 nắm ), củ gấu ( 1 nắm ), rễ bông trang trắng ( 1 nắm ), cây muồng dẹt (1 nắm) tạo thành 1 thang thuốc. Tất cả đem rửa sạch, sắc kỹ với 1,5 lít nước, chia uống vài lần trong ngày.

4. Điều trị sỏi túi mật

Chuẩn bị 100g rau om, rửa thật sạch, cắt ngắn. Dùng cối giã nát, vắt nước cốt, bỏ bã. Pha nước rau om với 2 thìa cà phê mật ong uống vào sáng sớm trước khi ăn 30 phút. Tùy theo tình trạng bệnh mà duy trì dùng thuốc đều đặn trong thời gian từ 10 – 15 ngày để thấy được hiệu quả.

5. Chữa đái dầm, tiểu không tự chủ

Dùng 20g rau om kết hợp với mùi tàu, cỏ mần trầu ( mỗi loại 20g ) và cây cỏ sữa lá nhỏ ( 10g). Đem tất cả rửa sạch, thái nhỏ, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng sắc với 500ml nước, đun trên lửa nhỏ cho đến khi nước trong ấm cạn còn khoảng 100ml. Gạn ra uống sau khi ăn tối.

6. Chữa tiểu tiện ra máu

Chuẩn bị rau ôm, cây mộc tặc ( cỏ tháp bút), rễ cỏ tranh mỗi vị 10g. Cắt nhỏ các vị thuốc rồi đem phơi vài nắng to cho khô. Khi dùng tẩm rượu sao vàng, sắc nước đặc chia uống 2 lần. Dùng mỗi ngày 1 thang.

7. Chữa nổi ban đỏ trên da

Chuẩn bị rau om và dây vác tía ( mỗi vị 20g ), măng sậy và đọt tre mỡ ( mỗi vị 10g ). Sắc nước uống nhiều lần trong ngày.

8. Chữa chảy nước mũi, ho, cảm

Mỗi ngày dùng 20g cây rau om dưới dạng sắc uống

9. Điều trị bệnh gout

  • Cách 1:

Dùng 50g rau ngổ tươi mỗi ngày bằng cách ăn kèm với thức ăn.

  • Cách 2:

Lấy 100g rau ngổ đem xay với 2 ly nước. Chia uống 3 lần trong ngày để hỗ trợ giảm đau, chống viêm trong các đợt gout cấp.

  • Cách 3:

Kết hợp rau om với râu ngô, hoa mã đề lượng bằng nhau. Sắc uống trong ngày thay cho trà để giảm axit uric máu.

10. Điều trị ho kéo dài do ảnh hưởng của bệnh viêm phế quản mãn tính

Rửa sạch 50g rau om rồi xay lấy nước cốt. Bỏ thêm vài hạt muối hột vào quậy tan. Uống ngay khi vừa mới ngủ dậy vào buổi sáng. Một liệu trình dùng thuốc có thể kéo dài từ 10 – 15 ngày.

11. Chữa chướng hơi, đầy bụng, ăn không tiêu

Chuẩn bị rau om tươi và mộc hương nam. Hai nguyên liệu trên dùng lượng bằng nhau đem sắc với 1 lít nước lấy 250ml. Chia làm 2 phần uống vào buổi sáng và buổi tối.

12. Làm liền vết thương ngoài da có mủ

Lấy vài cây rau om tươi rửa sạch với nước muối. Giã nát rồi đắp trực tiếp lên vết thương, ngày 2 lần.

13. Chữa rắn cắn

  • Cách 1:

Bạn cần có 20g rau ôm và 25g bạch hạc (kiến cò). Đem cả hai giã nát trộn chung với 30ml rượu. Chắt nước uống. Phần bã giữ lại đắp vào nơi bị rắn cắn.

  • Cách 2:

Dùng 40g rau om khô cho vào chảo sao vàng. Sắc nước uống vài lần.

14. Điều trị bệnh nhiễm trùng herpes

Giã rau ôm lấy nước thoa lên khu vực tổn thương. Kết hợp lấy rau om nấu nước để rửa khu vực bị bệnh hàng ngày.

15. Hạ mỡ máu, mỡ gan, đào thải độc tố trong cơ thể

Dùng 100g cây rau om và 50g bạc hà phơi khô, sao vàng, rải xuống nền đất sạch cho nguội ( hạ thổ ). Sắc cả hai với 100ml nước trong khoảng 10 phút. Uống sau bữa ăn tối trong 1 tháng liên tục. Trong quá trình dùng thuốc bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ nên kiêng ăn nội tạng động vật và hạn chế ăn hải sản.

16. Điều trị viêm khớp, viêm đa khớp

Đun sôi 2 lít nước rồi thêm 1 nắm cây rau om vào nấu thêm 10 phút nữa. Vớt bỏ xác lá, lấy nước uống thay cho nước lọc. Cứ cách ngày lại nấu uống 1 ngày để hỗ trợ và phòng ngừa bệnh viêm khớp.

17. Chữa ho ra máu

Giã 50g rau ôm tươi lấy nước cốt rồi pha thêm vài hạt muối hột vào uống. Nên uống thuốc ngay sau khi ngủ dậy vào buổi sáng, trước khi đánh răng. Dùng liền 2 tuần để thấy được hiệu quả rõ ràng.

18. Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày, ung thư tuyến tiền liệt

Kết hợp rau om tươi và lá mùng tơi non mỗi loại 100g. Giã hoặc xay lấy nước cốt. Cuối cùng thêm vào 5 muỗng canh giấm nuôi bằng chuối. Uống mỗi ngày vào lúc 12 giờ trưa.

19. Điều trị tê bì tay chân

Dùng rau om tươi hoặc khô nấu nước uống hàng ngày thay cho trà.

20. Chữa bệnh tiểu đường

Dùng 40 – 60g ngọn non của cây rau ôm giã nhỏ. Thêm 1 ly nước đun sôi để nguội vào, quấy đều, lọc nước cốt. Cuối cùng hòa thêm vài hạt muối vào uống để điều trị bệnh tiểu đường.

21. Chữa chứng ngủ hay mơ

Xay 50g rau ngổ cùng với 5 hạt muối hột. Chắt nước uống vào lúc sáng sớm ngay khi vừa mới tỉnh dậy. Dùng 10 – 15 ngày để thấy được hiệu quả.

22. Điều trị cảm lạnh

Sắc 15g rau om lấy nước uống. Dùng 3 lần trong ngày.

23. Cầm máu cho vết thương hở ngoài da

Lấy cây rau om tươi giã nát, gói vào trong gạc y tế rồi bằng cố định vào tổn thương cho đến khi máu ngừng chảy.

24. Chữa suy gan, viêm gan C

Chuẩn bị 1 nắm rau om, 1 nắm râu ngô và 1 nắm bông mã đề nấu nước uống. Thực hiện hàng ngày để bệnh tình mau thuyên giảm.

Lưu ý khi dùng cây rau om

– Thận trọng khi sơ chế dược liệu:

  • Rau om thường mọc ở những vùng đất ẩm ướt như đầm lầy, ao hồ, bờ ruộng. Dọc thân cây lại chứa nhiều lông tơ nên dễ dính nhiều bùn đất. Cần ngâm rửa qua nhiều lần nước cho thật sạch trước khi sử dụng.

  • Cây có thể chứa trứng giun sán, giun kim và ký sinh trùng. Để đảm bảo an toàn, bạn nên ngâm rau om với nước muối pha loãng, dung dịch thuốc tím hoặc nhúng vào nước ấm khoảng 45 độ C.

– Kiêng kị:

Cây rau om chứa các chất làm giãn cơ phủ tạng. Phụ nữ mang thai ăn nhiều sẽ có nguy cơ bị sẩy thai cao. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên tránh dùng.

Thận trọng hỏi ý kiến bác sĩ khi áp dụng những bài thuốc chữa bệnh từ cây rau om cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi.

– Tác dụng phụ:

Một số trường hợp có thể bị dị ứng với rau om gây ra những tác dụng phụ bất thường bên trong và bên ngoài cơ thể như:

  • Da sưng đỏ, kích ứng

  • Nổi mẩn ngứa, mề đay ngoài da

  • Sưng môi, lưỡi, họng

  • Khó thở…

– Tương tác thuốc:

Sự tương tác chữa rau om và các thuốc cụ thể chưa được báo cáo. Tuy vậy bạn vẫn nên thận trọng khi dùng dược liệu này chung với bất kì loại thuốc, thảo dược, vitamin hay thực phẩm chức năng nào.

– Chú ý phân biệt với cây rau ngổ trâu:

Rau ôm rất dễ bị nhầm lẫn với cây rau ngổ trâu do có nhiều điểm tương đồng. Loại cây này mọc hoang, sống nổi trên mặt nước hoặc phát triển trong những vùng nước ngập. Thân và lá cây ngổ trâu màu xanh đậm và lớn hơn nhiều so với cây rau om. Đặc biệt, cây có mùi hôi và thường chỉ được người dân hái về làm thức ăn cho lợn. Cần chú ý phân biệt để lựa chọn đúng dược liệu.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Ngò ôm Nóng Hay Mát