Cây Ráy Gây Ngứa - Tuổi Trẻ Online

y47Ab0Kt.jpgPhóng to
Các bộ phận của cây ráy - Ảnh: google.com
TT - Các tài liệu và nhiều thông tin gần đây đề cập đến các vụ ngộ độc do các quán ăn dùng cây ráy thay bạc hà nấu canh. Nguyên nhân đều được xác định rõ là do cây ráy - một loại thân mềm có hình dáng giống cây bạc hà. Bệnh nhân khi bị ngộ độc loại thực vật này ngay lập tức cần được xử lý khử độc và có thể xuất viện sau hai ngày điều trị.

Theo tài liệu của GS.TS Đỗ Tất Lợi (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, 2006), cây ráy còn gọi là cây ráy dại, dã vu với tên khoa học là Alocasia odora (Roxb) C.Koch. (Colocasia macrorhiza Schott), thuộc họ ráy araceae.

Ráy là loại cây mềm cao 0,3-1,4m, có thể dài tới 5m nhưng phía dưới bò, trên đứng, dưới đất có thân rễ hình cầu sau phát triển dần thành củ dài, có nhiều đốt ngắn, trên đốt có vẩy màu nâu. Lá to hình tim dài 10-50cm, rộng 8-45cm, cuống mẫm dài 15-120 cm. Bông mo mang hoa cái ở phía gốc, hoa đực ở phía trên và tận cùng bằng một đoạn bất thụ. Phần dưới của mo tồn tại xung quanh các quả mọng, hình trứng màu đỏ. Ráy cũng là cây mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta, thường ưa mọc ở rừng hay nơi ẩm thấp hoặc còn tìm thấy ở Lào, Campuchia, Nam Trung Quốc, châu Úc...

Còn theo tài liệu Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, họ ráy hay họ môn hoặc họ chân bê là thực vật một lá mầm, trong đó hoa của chúng được sinh ra theo một kiểu cụm hoa được gọi là bông mo. Các bông mo thông thường được kèm theo (đôi khi được che phủ một phần) một mo hay áo trùm tương tự như lá. Họ này có 107 chi và trên 3.700 loài.

Người ta thường đào củ ở những cây hai hay ba năm trở lên. Sau khi đào củ ráy được rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, phơi khô hay dùng tươi. Về thành phần hóa học chưa thấy tài liệu nào nghiên cứu, chỉ mới biết trong củ ráy có tinh bột, chất gây ngứa. Còn có tài liệu cho thấy thành phần hóa học của thân rễ cây ráy chứa phytosterol, alkaloid, glucose, fructose…

Tài liệu xưa coi củ ráy có vị nhạt, tính hàn, có đại độc (độc nhiều), ăn vào gây ngứa trong miệng và cổ họng. Người dân thường dùng củ ráy làm thuốc chữa mụn nhọt, ghẻ, sưng bàn tay, bàn chân... với cách dùng phổ biến là làm cao dán trị mụn nhọt. Cây có vị ngứa độc, vì vậy nên sử dụng thận trọng.

Theo Huỳnh Lê Thái Hòa, Sở Y tế TP.HCM, hàm lượng sapotoxin có trong cây ráy chính là nguyên nhân gây nên các triệu chứng tê môi, lưỡi và cứng hàm nói trên. Loại độc tố này chỉ có thể mất hoặc giảm đi khi được nấu thật chín. Lá và thân ráy sống có thể gây ngứa và dị ứng với da, do đó không nên ăn sống.

Saponin có tính chất là khi hòa tan vào nước có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt của dung dịch tạo nhiều bọt, có tính chất phá huyết, độc đối với động vật máu lạnh, nhất là đối với cá, tạo thành hợp chất với cholesterol, có vị hắc và làm hắt hơi mạnh (Wikipedia). Do có độc tính nên saponin được gọi là chất sapotoxin.

Từ khóa » Cây Khoai Ráy