Cây Sử Quân Tử, Vị Thuốc Thơm Ngon Cho Trẻ Em

Nếu có dịp tản bộ qua các hàng rào, sân vườn hay công viên, trường học…, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những chùm hoa cây sử quân tử đỏ rực, nằm lúc lĩu giữa những giàn lá xanh ngắt. Thân của nó thuộc dạng dây leo nên có thể bám vào giá đỡ và leo rất cao (đến hai, ba tầng lầu và hơn thế nữa) rồi tỏa xuống nào là lá, nào là hoa, trông rợp cả mắt! Thỉnh thoảng, khi nghe những lời khen ngợi giàn hoa đẹp, một vài bác còn buột miệng khoe: “Cây này hoa nó đẹp mà nghe đâu nó còn làm thuốc được nữa đó!”.

Thật vậy, sử quân tử là cây thuốc cổ truyền của y học Trung Hoa cũng như y học Việt Nam. Hơn nữa, cái tên khá ấn tượng của nó cũng có nhiều cách giải thích.

Từ sự ngẫu nhiên giúp xổ giun cho trẻ…

Chuyện kể rằng vào thời Bắc Tống, có vị sứ quân họ Quách tinh thông y đạo, cứu giúp nhiều người nên được nhân dân vô cùng kính trọng. Một ngày kia, ông lên núi hái thuốc và thấy ấn tượng với chùm quả lạ, giống quả dành dành (chi tử) nhưng cũng giống với hạt chiêu liêu (kha tử). Thế là, ông bóc vỏ của nó rồi nếm thử bên trong thì thấy ngọt nhẹ và thơm nên mang theo một ít về nhà.

Tuy nhiên, vì thấy những quả ấy chưa khô hẳn nên ông đem chúng sao lên để bảo quản được lâu hơn. Không ngờ, chỉ trong phút chốc, mùi thuốc tỏa ra thơm nức khiến thằng cháu háu ăn của ông khóc lóc, đòi ăn cho bằng được. Thế là bất đắc dĩ, Quách sứ quân phải lấy khoảng 4, 5 quả đưa cho thằng bé ăn. Không ngờ, sáng hôm sau, thằng bé đi đại tiện thì thấy xổ ra mấy con giun.

Hình ảnh hạt sử quân tử
Hình ảnh hạt sử quân tử

… đến bài học về liều lượng

Sau những đắn đo, Quách sứ quân quyết định cho đứa cháu ăn thêm hơn 10 quả nữa thì không ngờ, thằng bé lại bị nấc cụt và nôn mửa dữ dội. Thấy vậy, ông liền lấy một lượng bằng nhau các vị sinh khương (gừng), trần bì (vỏ quýt) và cam thảo để giải độc. Vài ngày sau, ông lại giảm đi một nửa liều lượng để cháu trai dùng và đứa bé xổ giun một cách thuận lợi.

… và tên gọi của vị thuốc

Từ đó, hễ gặp trường hợp trẻ con bị giun sán hay ăn bậy sinh bệnh gầy còm (cam tích, còi xương), vị sứ quân họ Quách lại hay dùng vị thuốc này để điều trị và đa phần đều thành công. Để tưởng nhớ ông, người đời sau đã đặt tên cho vị thuốc này là “Sứ quân tử” (1). Về sau, người ta đọc trại thành “Sử quân tử”.

Trong dân gian, người ta còn gọi cây sử quân tử là cây quả giun (giúp xổ giun), quả nấc (quả gây nấc cụt)… Ngày nay, dưới góc nhìn sinh học, sử quân tử được định danh là một loài thực vật có hoa, có tên khoa học là: Combretum indicum, thuộc chi Trâm bầu, họ Trâm bầu (Combretaceae) (2).

Cây sử quân tử, vị thuốc thơm ngon cho trẻ em

Nhân của quả sử quân tử sau khi sao lên sẽ giòn và thơm khiến trẻ con rất thích thú. Vì vậy, đây cũng là vị thuốc giúp các bậc phụ huynh xổ giun cho trẻ một cách dễ dàng, giúp trẻ khỏi đau bụng, ngứa hậu môn do giun lãi. Không những thế, bài thuốc này còn áp dụng hiệu quả cho các bé biếng ăn, ăn không tiêu, gầy còm, da dẻ xanh xao và miệng hay chảy nước dãi (4).

Cách thực hiện bài thuốc này cũng không quá phức tạp, bao gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị nhân quả sử quân tử và hạt thóc đã nảy mầm theo tỉ lệ 1:3 (thường là 10 g quả sử quân tử và 30 g thóc, có thể kết hợp thêm 20 g hạt sen).

Bước 2: Lấy nhân quả sử quân tử sao cho vàng, giòn và thơm còn thóc thì sao vàng nửa phần.

Bước 3: Tán nhỏ các vị trên rồi trộn đều và sấy cho khô. Khi dùng, lấy 1 hoặc 2 thìa cà phê bột pha với mật ong hay nước cháo. Ngoài ra, có thể cho thêm đường rồi đóng thành miếng bánh cho tiện dùng (theo liều lượng tương đương dạng bột). Tuy nhiên, dù bột thơm ngon nhưng không nên cho trẻ ăn quá nhiều để tránh nấc cụt (4) (5).Tẩy giun cho trẻ em

Một số bài thuốc có vị sử quân tử

Có thể kể đến một số bài thuốc độc vị hoặc kết hợp có dùng sử quân tử như:

  • Điều trị hư thũng, sưng phù chân và mặt ở trẻ em: Trong trường hợp này, có thể dùng 40 g sử quân tử rồi bóc vỏ, lấy nhân sao cho khô, sau đó tán thành bột mịn và uống 4 g mỗi ngày (hòa với nước cơm hay nước cháo để uống) (4).
  • Gầy yếu, vàng vọt, cam tích ở trẻ em: dùng quả sử quân tử và cam thảo (mỗi vị 5 g) sắc chung với đảng sâm và bạch truật (mỗi vị 10 g, riêng bạch truật thì sao lên), sắc lấy nước uống (5).
  • Điều trị nhức răng: Một trong những bài thuốc điều trị nhức răng bằng thảo dược khá hiệu quả là dùng sử quân tử. Theo đó, khi bị sâu răng, đau nhức răng, có thể dùng sử quân tử sắc lấy nước rồi ngậm nhiều lần trong ngày (hoặc lấy nhân của 10 quả sử quân tử, giã nát rồi đun sôi (1 chén nước trong 15 phút) và ngậm nhiều lần trong ngày) (4) (5).

Nghiên cứu về hoa sử quân tử

Hoa sử quân tử được biết đến là nguồn phenol và flavonoid dồi dào. Vì vậy, các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã chú ý đến hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm của loại hoa này và các thí nghiệm đã được tiến hành. Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất ethanol từ hoa cây sử quân tử giúp giảm viêm thực quản ở chuột bạch tạng Wister. Đồng thời, một thí nghiệm khác được tiến hành trong ống nghiệm cũng cho thấy khả năng chống oxy hóa của chiết xuất hoa sử quân tử (7).

Lưu ý

  • Sử quân tử có độc tính nhưng không cao. Tuy nhiên, nếu dùng quá liều sẽ gây nấc cụt, sưng ruột, sưng dạ dày, tả lị, táo bón, nôn mửa, nhức đầu… (4).
  • Ở nước Papua New Guinea, quả sử quân tử còn được ăn hàng ngày như một dạng thuốc tránh thai. Do đó, phụ nữ mang thai hay muốn có thai cần phải lưu ý (5).
  • Nên dùng sử quân tử lúc đói và lưu ý không uống với trà (6).

Sử quân tử trong ca dao

Không chỉ là vị thuốc quý trong y học, cây sử quân tử còn đi vào ca dao qua những lời thơ thách đố nhau. Chẳng hạn, trong bài thơ sau đây, nhân vật nữ dùng những vị thuốc như “hồi hương” (nghĩa chiết tự là về làng), “phụ tử” (nghĩa là cha con) để ra câu đố thì chàng trai liền dùng các vị “thiên môn” (nghĩa là cửa trời), “quân tử” (nghĩa là con của vua) để trả lời, trong đó, ý nghĩa của các vị thuốc đều đã được giải thích ở câu trước đó. Rõ ràng, dân gian thật thông minh mà cũng thật hóm hỉnh:

“Cha con thầy thuốc về làng

Hồi hương phụ tử thì chàng đối chi?”

“Con vua đi sứ cửa trời

Thiên môn quân tử, đã tỏ lời chưa em?” (3).

Nguồn tham khảo

  1. 使君子, https://baike.baidu.com/item/使君子/735012, ngày truy cập: 29/08/2019.
  2. Sử quân tử, https://vi.wikipedia.org/wiki/S%E1%BB%AD_qu%C3%A2n_t%E1%BB%AD, ngày truy cập: 29/08/2019.
  3. Cha con thầy thuốc về làng, https://cadao.me/cha-con-thay-thuoc-ve-lang/#retNote-11252, ngày truy cập: 29/08/2019.
  4. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 156.
  5. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 535.
  6. Sử quân tử, http://baophuyen.com.vn/portals/0/quangcao/tracuudongduoc/TUDIEN/THUOC/SUQUANTU.HTM, ngày truy cập: 29/08/2019.
  7. Effect of ethanolic extract of Quisqualis indica L. flower on experimental esophagitis in albino Wistar rats, http://nopr.niscair.res.in/handle/123456789/40220, ngày truy cập: 29/08/2019.

Từ khóa » Sử Quân Tử Có Tác Dụng Gì