Cây Trâm (vối Rừng, Trâm Mốc) Có Tác Dụng Gì? • Hello Bacsi

Cây trâm rừng (hay còn gọi là trâm mốc) là một loài cây to, thường mọc dại ven rừng. Nhưng ít ai biết những tác dụng có lợi cho sức khoẻ của loại cây này. Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những công dụng của vị thuốc cây trâm rừng với sức khoẻ nhé!  

Tìm hiểu chung

Tổng quan về cây trâm

Cây trâm hay còn được gọi là cây trâm rừng, vối rừng, trâm mốc, hậu phác nam, là một loài cây to, thân có vỏ dày, cành dẹt, màu trắng mốc. Lá mọc đối, hình trái xoan hay hình trứng, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt. Lá già mỏng, màu nâu nhạt, có tuyến mờ ở mặt dưới, cuống lá dài 1–2cm.

Tên khoa học của nó là Syzygium cumini (L.) Skeels, thuộc họ Sim (Myrtaceae).

Cụm hoa mọc ở kẽ những lá đã rụng thành chùy thưa, hoa màu trắng. Quả thuôn, hơi cong, lõm ở đỉnh, hạt hình tròn. Mùa hoa vào tháng 3–8.

Ở Việt Nam, loài cây này phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, từ Quảng Nam, Tây Nguyên đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cây trâm là cây gỗ lớn, phân cành sớm và nhiều, ưa sáng, sống được trên mọi loại đất.

Bộ phận dùng

Thường dùng lá, vỏ thân, có thể thu hái quanh năm. Đôi khi, người ta còn sử dụng  trâm rừng.

Thành phần hoá học

Phần ăn được của trái trâm rừng chứa 83,7% nước, 0,7% protein, 0,3% chất béo, 0,9% sợi, 14% carbonhydrat, 0,4% tro, các chất vô cơ.

Các vitamin gồm vitamin A, thiamin, riboflavin, acid nicotinic, vitamin C, cholin, acid folic, glucose, fructose là 2 đường chủ yếu trong trái trâm rừng chín, không có sacctose, acid malic 0,59%, acid oxalic ít. Các thành phần hoá thực vật này của trái trâm rừng cũng được nhiều nghiên cứu quan tâm, vì mối liên hệ với tác dụng hạ đường huyết, hạ lipid máu và bảo vệ gan.

Lá vối rừng chứa protein, tanin, tinh dầu có mùi dễ chịu. Tình dầu gồm terpen, dipenten…

Hạt trâm rừng chứa protein, tanin, acid ellagic, galic.

Rễ cây trâm mốc có chứa các flavonoid như myricetin.

Tác dụng, công dụng

Cây trâm có tác dụng, công dụng gì?

cây trâm vối có tác dụng gì

Trâm vối được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian để chữa bệnh tiểu đường. Loại thảo dược này cũng có khả năng điều trị rối loạn tiêu hóa bao gồm đầy hơi, co thắt ruột, các vấn đề về dạ dày và tiêu chảy nặng (kiết lỵ).

Vỏ thân, vỏ cành to và lá trâm vối có vị cay, đắng, the, chát, tính ấm, quy vào kinh tỳ và có tác dụng lợi tỳ vị, tiêu thực, khử ứ trệ, long đờm, táo thấp. Quả có vị chua, có tác dụng nhuận phế, chỉ khát, tinh suyên, lợi tiêu hóa, lợi tiểu và thông trung tiện.

Ngoài ra, trâm mốc cũng hỗ trợ giảm nhẹ các vấn đề về phổi như viêm phế quản và hen. Một số người sử dụng cây trâm như thuốc kích thích tình dục và như thuốc bổ.

Khi kết hợp với các loại thảo mộc khác, hạt trâm sẽ có khả năng điều trị táo bón, các bệnh về tuyến tụy, các vấn đề về dạ dày, rối loạn thần kinh, trầm cảm và kiệt sức.

Trâm mốc đôi khi được dùng trực tiếp vào miệng và cổ họng để giảm đau do sưng (viêm). Trâm cũng được áp dụng trực tiếp cho da để chữa loét da và viêm da.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của cây trâm

Liều dùng của vị thuốc này có thể khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi của bạn, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác.

Ví dụ, vỏ thân, vỏ cành to dùng để chữa đau bụng, đầy chướng, ăn không tiêu, táo bón, nôn mửa, lỵ, tiêu chảy có thể dùng 8–12g/ ngày. Bạn có thể sắc uống hoặc dùng tươi ép lấy nước uống. Khi dùng lá cây trâm chữa đái tháo đường, liều dùng thường từ 4–10g/ ngày.

Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

Một số bài thuốc dân gian

Cây trâm rừng có mặt trong những bài thuốc nào?

1. Chữa đau bụng, đầy chướng, ăn không tiêu, táo bón:

  • Vỏ cây trâm rừng 8–12g, sắc uống. Thường phối hợp với các vị thuốc khác như bán hạ chế, chỉ thực hoặc chỉ xác, ô dược hoặc hương phụ, trần bì, cát sâm, mỗi thứ 4–8g, sắc uống.
  • Vỏ cây trâm rừng 12g, bán hạ chế 8g, cát sâm sao 8g, cam thảo 4g. Tất cả đem sắc uống.
  • Vỏ cây trâm, hoàng cầm, mỗi vị 12g, sài hồ 16g, chỉ thực 8g, bán hạ chế 6g, đại hoàng sống 0,4kg. Sắc uống.

2. Chữa tiêu chảy, nôn mửa:

  • Vỏ cây trâm, hoắc hương, vỏ rụt, sa nhân, củ riềng già, mỗi vị 4–8g. Sắc lấy nước đặc uống.
  • Vỏ trâm vối 12g, nhục đậu khấu, bán hạ chế, hoắc hương, trần bì, mỗi vị 8g, kha tử 4g. Tất cả đem sắc uống.

3. Điều trị đái tháo đường (tiểu đường):

Hạt quả cây trâm đem phơi khô, tán thành bột mịn, ngày dùng 4–8g, dùng nhiều ngày. Bạn có thể dùng cả quả có hạt, phơi khô, tán dập và nấu cao.

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng lá làm giúp hạ đường huyết, hãm hoặc sắc nước uống thay chè, dùng 4–8g/ ngày.

4. Chữa tiêu chảy, kiết lỵ:

Lấy vỏ vối rừng tươi, cạo bỏ vỏ đen, dùng riêng, hoặc phối hợp với hạt quả vối rừng, lượng bằng nhau, giã nát, ép lấy nước. Người lớn mỗi lần 2 thìa cà phê, trẻ em 1/2 – 1 thìa, ngày 4-5 lần, cách nhau 3-4 giờ. Trẻ nhỏ dùng nửa thìa trộn với sữa cho dễ uống.

Thận trọng

Trước khi dùng cây trâm, bạn nên biết những gì?

cây trâm vối

Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ, nếu:

  • Bạn có thai hoặc cho con bú
  • Đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác
  • Dị ứng với bất kỳ chất nào của cây trâm hoặc các loại thuốc khác hoặc các loại thảo mộc khác
  • Có bất kỳ bệnh tật, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác
  • Có bất kỳ loại dị ứng nào khác, như thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản, hay động vật.

Mức độ an toàn

Trâm có thể an toàn cho hầu hết mọi người khi uống với lượng thuốc thông thường.

Bệnh tiểu đường: Chiết xuất hạt trâm và vỏ cây có thể làm giảm lượng đường trong máu, nếu dùng quá liều có thể gây hạ đường huyết. Hãy chú ý theo dõi lượng đường trong máu nếu bạn bị tiểu đường và đang dùng vị thuốc này để điều trị.

Phẫu thuật: Cây trâm rừng có thể làm giảm lượng đường trong máu. Có một số lo ngại rằng nó có thể gây trở ngại cho kiểm soát lượng đường trong máu trong và sau khi phẫu thuật. /Bạn có thể cần ngừng sử dụng vị thuốc này ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.

Phụ nữ mang thai và cho con bú: Không có đủ thông tin việc sử dụng cây trâm trong thời kỳ mang thai và cho con bú, tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Tương tác

Cây trâm có thể tương tác với những gì?

Thảo dược này có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ dược liệu nào.

Các thuốc cho bệnh tiểu đường có thể tương tác với vị thuốc này. Chiết xuất từ hạt trâm và vỏ cây có thể làm giảm lượng đường trong máu. Thuốc tiểu đường cũng được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu. Uống trâm hoặc vỏ cây cùng với thuốc tiểu đường có thể gây ra lượng đường trong máu của bạn quá thấp. Theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu của bạn. Liều thuốc tiểu đường của bạn có thể cần phải thay đổi.

Trên đây là những thông tin cần biết về vị thuốc cây trâm rừng. Hello Bacsi hy vọng bạn có thể bổ sung thêm những kiến thức thú vị về loại dược liệu này nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Hình ảnh Cây Vỏ Rụt