Cây Vông Nem Trị Bệnh Mất Ngủ - Tra Cứu Dược Liệu

Vông nem còn có tên khác là hải đồng bì, thích đồng bì, là loại cây mọc ở khắp nơi nhưng đặc biệt ưa mọc ở ven biển. Cây vông nem thường được trồng làm hàng rào, cây cảnh hoặc lấy lá ăn. Trong Đông y, lá vông có vị đắng nhạt, hơi chát, tính bình; có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, làm an thần, gây ngủ, hạ nhiệt, hạ huyết áp, co bóp các cơ, sát trùng…

Cây Vông nem trị bệnh mất ngủ 1

Mục lục

  • 1. Thông tin khoa học
  • 2. Nghiên cứu về cây Vông nem
    • Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
    • Theo y học cổ truyền
  • 3. Công dụng lá Vông nem
  • 4. Một số bài thuốc có cây Vông nem
  • Lưu ý

1. Thông tin khoa học

Tên tiếng Việt: Vông nem, Thích đồng, Co tóng lang (Thái), Bơ tòng (Tày), Hải đồng, Lá vông.

Tên khoa học: Erythrina variegata L.

Họ: Fabaceae (Đậu)

Mô tả cây:

  • Cây cao từ 10-20m, mọc khắp nơi, nhưng đặc biệt ưa mọc ở ven biển, thân có gai ngắn.
  • Lá gồm 3 lá chét giữa rộng hơn là dài, dài 10-15cm, hai lá chét hai bên dài hơn rộng hình 3 cạnh.
  • Hoa màu đỏ tươi tụ họp từ 1-3 thành chùm dầy.
  • Quả giáp dài 15-30cm, đen, hơi hẹp lại ở giữa các hạt. Trong mỗi quả có 5-6 hạt hình thận màu đỏ hoặc nâu, tễ rộng, hình trứng đen có vành trắng .

2. Nghiên cứu về cây Vông nem

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Lá của cây vông có khả năng ức chế thần kinh trung ương, gây ngủ, trấn tĩnh, hạ huyết áp và làm giảm thân nhiệt. Ngoài ra, dược liệu này còn có khả năng sát trùng và điều trị các bệnh ngoài da.

  • Dùng nước sắc lá vông 10% trên súc vật thực nghiệm nhận thấy có tác dụng co thắt trực tràng và co cứng cơ chân của ếch.
  • Thí nghiệm trên chuột lang, thỏ, mèo, khỉ, chó, chuột trắng không có hiện tượng ngộ độc lá vông.
  • Dùng alkaloid từ vỏ cây vông với liều 0.5 – 2mg/ kg cho thấy có tác dụng ức chế co bóp với tử cung cô lập của chuột cống trắng. Dùng liều 15mg/ kg tiêm vào tĩnh mạch có tác dụng làm thỏ gục đầu.
  • Thành phần erythrin trong vỏ cây đối kháng của strychnine, vì vậy có thể dùng để giải độc strychnine.
  • Các thành phần trong hạt vông nem gây giãn cơ vân.
  • Dịch chiết từ thảo dược có tác dụng ức chế một số vi nấm và tụ cầu khuẩn gây bệnh ở người.

Theo y học cổ truyền

Tính vị:

  • Lá có vị nhạt, đắng, hơi chát, tính bình.
  • Vỏ thân cây có vị đắng, tính bình.

Quy kinh:

  • Lá vông nem qui vào kinh Đại tràng và Vị.
  • Vỏ cây qui vào kinh Can và Thận.

Vông nen có tác dụng an thần, ức chế thần kinh trung ương, hạ huyết áp, co bóp các cơ. Vỏ cây có tác dụng làm tê liệt, sát trùng, khu phong thông lạc. Đông y cho rằng cây vông nem có tác dụng trừ phong thấp, tiêu tích và sát trùng.

  • Ở Ấn Độ, lá cây vông được xem là có tác dụng trị giun sán, lợi tiểu, điều kinh, lợi sữa và nhuận tràng.

3. Công dụng lá Vông nem

Bộ phận dùng của cây Vông nem là vỏ và lá

Vỏ vông nem vị đắng, có tác dụng trừ phong thấp, thông kinh lạc, dùng làm thuốc an thần, gây ngủ, chữa bệnh ngoài da và chữa răng sâu.

  • Vông nem thường được dùng với liều từ 2 đến 4g lá dạng thuốc sắc hoặc hãm.
  • Vỏ cây dùng từ 6 đến 12g.

Từ lâu, lá vông nem được nhân dân nhiều địa phương dùng làm thuốc an thần, chống lo âu, phiền muộn, nhức đầu, chóng mặt. Để chữa mất ngủ, người ta lấy lá vông (loại bánh tẻ) rửa sạch, luộc hoặc nấu canh ăn hằng ngày, có khi còn phối hợp với lá dâu non.

Ở Trung Quốc vỏ cây vông được dùng làm thuốc chữa sốt, sát trùng, thông tiểu, an thần và gây ngủ, dùng trong bệnh thổ tả, lỵ, amip và trực trùng, nhuận tràng. Ngoài ra có tác dụng làm thuốc xoa bóp, thuốc mỡ.

4. Một số bài thuốc có cây Vông nem

Trị mất ngủ, an thần:

  • Lá vông nem tươi luộc hoặc nấu canh ăn.
  • Lá vông nem 16g, táo nhân 10g (sao đen), tâm sen 5g (sao thơm). Tất cả trộn đều, vò vụn, hãm với 1 lít nước sôi. Để nguội thêm hoa nhài tươi (2-3 bông), chia uống làm nhiều lần trong ngày. Dùng 5-7 ngày.
  • Lá vông nem 130g, lạc tiên 150g, tâm sen 2,2g, lá dâu 10g, đường 90g. Tất cả nấu thành cao lỏng vừa đủ 100ml. Ngày dùng 2 – 4 thìa cà phê, uống trước khi ngủ.

4. Một số bài thuốc có cây Vông nem 1

Chữa đau nhức xương khớp do phong thấp: Vỏ vông nem, ngũ gia bì, kê huyết đằng, phòng kỷ, cỏ xước, ý dĩ nhân mỗi vị 15g, sắc uống.

Chữa chảy máu mũi, đại tiện ra máu: Lá vông phối hợp với lá sen sắc uống.

Chữa lòi dom: Lá vông và lá sen giã nát lấy nước uống, phần bã chưng nóng, rịt vào hậu môn.

Chữa sa dạ con: Lá vông 30g, lá tiểu kế 20g, hạt tơ hồng 20g, tất cả giã nhỏ, sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Chữa đau dữ dội vùng lưng và đầu gối:

Vỏ cây vông nem 60g, ngưu tất, xuyên khung, khương hoạt, địa cốt bì, ngũ gia bì, mỗi vị 30g, cam thảo 15g, ỹ dĩ nhân 60g, sinh địa 300g.

  • Tám vị đầu rửa sạch, sao giòn bẻ nhỏ, sinh địa cắt thành miếng lát mỏng.
  • Tất cả lấy vải xô bọc, ngâm trong 2100ml rượu, mùa đông ngâm 27 ngày, mùa hè ngâm 17 ngày.
  • Uống mỗi lần 50ml, ngày 3 lần.

Chữa chân tay co quắp không duỗi ra được:

Vỏ vông nem, đương quy, mẫu đơn bì, thục địa hoàng, ngưu tất, mỗi vị 30g, sơn thù dù, bổ cốt chỉ mỗi vị 15g. Nghiền thành bột, mỗi lần dùng 3g, nước 160ml, hành 5g, sắc còn 100ml. Bỏ bã uống lúc nóng.

Chữa một số bệnh ngoài da: Vỏ vông nem, vỏ cây dâm bụt, xà sang tử, rễ chút chít. Tất cả tán nhỏ, pha với rượu tỷ lệ 1:5. Dùng bôi ngoài.

Chữa đau răng: Vỏ vông nem, tán thành bột, rắc vào chỗ sâu.

Thuốc chữa rắn cắn: Hạt hay vỏ vông nem thái nhỏ, đun với một ít nước thành bột nhão đắp lên chỗ rắn cắn.

Lưu ý

  • Những người viêm khớp có sưng, nóng, đỏ, đau không nên dùng loại cây này.
  • Người bị huyết áp cao và trẻ em hay đổ mồ hôi trộm được khuyên nên dùng.

Xem thêm: Thảo dược giúp ngủ ngon, an thần

Theo vtn.vn

Từ khóa » Sử Dụng Cây Vông Nem