Cây Xoan - Tổng Hợp Thông Tin Hữu Ích Cần Biết Về Cây

Cây xoan là cây thân gỗ thẳng đứng, tuy màu sắc của hoa xoan không sặc sỡ như các loài hoa khác nhưng với màu hoa trắng pha lẫn chút tim tím lại là màu tượng trưng cho sự giản dị, khiêm nhường. Hoa xoan cũng vậy không khoe hương, khoe sắc nhưng đã đi vào thơ ca tự bao giờ không ai biết, loài hoa này thường gắn liền với các ngày lễ hội làng ở các vùng quê Bắc Bộ.

Mục lục ẩn I. Giới thiệu về cây Xoan II. Đặc điểm của cây Xoan III. Tác dụng của cây Xoan IV. Cách trồng và chăm sóc cây Xoan

I. Giới thiệu về cây Xoan

Tên thường gọi:Cây xoan
Tên gọi khác:Cây xoan ta, xoan nhà, sầu đông, thầu đâu, sầu đâu
Tên tiếng anh:Chinaberry, Bead tree, Persian lilac (đinh hương Ba Tư), White cedar (tuyết tùng trắng)
Tên khoa học:Melia azedarach
Họ thực vật:Thuộc họ Xoan (Meliaceae)
Nguồn gốc xuất xứ:Cây có nguồn gốc ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Australia
Phân bố:Cây xoan mọc hoặc được trồng ở khắp nơi từ vùng đồng bằng đến miền núi phía Bắc trở vào đến miền Trung
Tuổi thọ:Tuổi thọ của cây xoan khoảng 30 – 50 năm, nhưng không nên để lâu năm quá vì lõi cây dễ bị bấc (lõi trong cây bị rỗng)
Thời gian nở hoa:Thường nở hoa vào mùa xuân từ tháng giêng đến tháng 2 âm lịch hàng năm
Màu sắc của hoa:Cây xoan có hoa màu trắng, tím
Các loại Xoan:Xoan đào, xoan đỏ, xoan trắng
Cây xoan
Cây xoan mọc hoặc được trồng ở khắp nơi từ vùng đồng bằng đến miền núi phía Bắc trở vào đến miền Trung nước ta

II. Đặc điểm của cây Xoan

  • Kích thước: Cây xoan trưởng thành có thể cao từ 20 – 25m, đặc biệt có nơi như: Bắc Australia cây cao hơn 40 m. Đường kính của cây to nhất mà tôi từng thấy khoảng 60cm, đường vanh khoảng 120 – 130cm.
  • Vỏ: Cây xoan thường xù xì, riêng cây xoan đào thì có vỏ nhẵn. Vỏ màu nâu, có cây vỏ màu trắng, có các vết nứt dọc chạy từ gốc đến ngọn cây.
  • Cành: Cây xoan chia thành rất nhiều cành, mỗi cành lại được phân ra nhiều nhánh nhỏ, tán cây to, rộng ngả xuống. Cành xoan mềm và giòn nên rất dễ gãy.
  • Lá: Xoan chủ yếu phân bố ở cuối cành, mép lá có răng cưa; lá non màu xanh nhạt, lá già màu xanh đậm. Vào mùa đông lá xoan úa vàng và rụng dần, ra giêng là rụng hết hẳn và bắt đầu ra mầm lá và ra hoa.
  • Hoa: Hoa xoan có cánh nhỏ, có 2 màu chủ đạo là màu trắng và tím, mọc thành chùm to, nở rộ vào độ giữa mùa xuân (tháng 2 âm lịch), nhiều cây đang độ tuổi sung sức. Đến mùa hoa nở rộ, nhìn từ xa không còn nhận ra màu xanh của lá nữa mà chỉ nhìn thấy màu trắng phơn phớt tím của hoa, khi hoa rụng cánh thì cũng là lúc kết quả.
  • Quả: Quả xoan có hình tròn kích thước khoảng 1 x 1,5 cm, quả màu xanh khi non, vỏ của quả xoan nhẵn, có các nốt lấm chấm rải rác trên mặt vỏ, quả có màu vàng lúc chín rồi nhăn nheo và khô héo thì có màu đen. Đôi khi những chùm quả treo lơ lửng trên cành, có khi rơi rụng hoặc được chim, thú rừng phát tán nên rất dễ tái sinh thành cây con.

III. Tác dụng của cây Xoan

1. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh

Vì cây xoan có màu hoa trắng, tím nhạt cũng đẹp không kém gì các loại cây khác nên thường được trồng làm cây bóng mát tạo cảnh ở nhiều nơi như: Ven đường đi lối lại,ven bờ ruộng, bờ sông, suối để tránh sạt lở đất

Tại các thành phố lớn, tuy không được chọn làm cây tạo cảnh quan cho đô thị, nhưng do sự phát tán của tự nhiên mà cây xoan đã có mặt và tồn tại trên các lề đường phố, công viên, quanh bờ hồ phối trộn với nhiều loài cây khác tạo nên một không gian đa dạng về loài và cây xoan cũng là một phần không thể thiếu của hệ thống cây xanh đô thị.

2. Tác dụng khác

Ngoài tác dụng tạo bóng mát, xoan là cây có chất gỗ khá tốt. Gỗ mềm nên dễ gia công, nhưng trước khi pha gỗ nên được ngâm nước bùn ao khoảng 6 tháng đến 1 năm để tránh gỗ bị vênh mo và cũng tránh bị mối mọt rất tốt. Trước đây, cây xoan chỉ được dùng làm đồ gia dụng thông thường, nhưng ngày nay, do nhu cầu của thị trường khá cao nên gỗ xoan đã trở thành nguồn nguyên liệu khá phổ biến trong xây dựng như: Làm nhà sàn toàn bộ bằng gỗ xoan.

Xoan được dùng nhiều trong công trình xây dựng như làm cốp pha trong xây dựng.

Sản xuất đồ gia dụng bằng gỗ xoan như: Bàn ghế,tủ giường, sập, bàn thờ, đóng thùng chứa hàng…

Nhiều nơi ở nước ta người dân còn trồng xoan để lấy gỗ, để làm trụ tiêu (Đồng Nai). Ở nhiều vùng núi trên cả nước nhiều diện tích lâm nghiệp đã được người dân trồng chuyển đổi từ rừng keo sang rừng xoan hoặc trồng xen kẽ nhiều loại cây khác nhau.

Lá xoan có tính ôn (ấm, nóng) nên được dùng như một loại thuốc trừ sâu sinh học để bảo quản, giấm hoa quả nhất là giấm mít hay dùng nhất. Vì có độc tính, lá xoan, quả xoan đều không dùng được cho con người.

Trước đây hạt xoan còn được dùng làm các chuỗi tràng hạt và các sản phẩm liên quan đến đồ trang sức, nhưng ngày nay với công nghệ hiện đại, nhu cầu của khách hàng cao nên không mấy ai còn mặn mà, tha thiết với các sản phẩm từ hạt xoan nữa mà được thay thế bằng các loại khác có giá trị hơn.

Lá xoan còn được dùng làm thức ăn cho gia súc đặc biệt là Dê.

Ngoài những tác dụng trên, lá xoan còn được dùng để khử trùng nước ao cá đang có bệnh, bó lá xoan thành bó to dìm xuống ao khoảng 5 ngày thì vớt lên, nước ao cũng trong trở lại đôi chút và giúp phá váng mặt nước ao.

Đặc biệt hình ảnh hoa xoan từ lâu đã được đi vào trong thơ ca, là nguồn cảm hứng, là nơi các nhạc sĩ, thi nhân giãi bày cảm xúc, gửi gắm những nỗi niềm, tâm tư của mình vào đó để viết lên những tuyệt phẩm hay cho nhân loại.

Tìm hiểu về cây xoan
Cây xoan được dùng để sản xuất đồ gia dụng bằng gỗ như: Bàn ghế,tủ giường, sập, bàn thờ, đóng thùng chứa hàng…

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Xoan

Cây xoan dễ mọc và cũng rất dễ trồng tuy nhiên để cây được phát triển tốt cũng phải tuân theo những quy trình nhất định. Hãy tham khảo quy trình dưới đây.

1. Cách trồng cây

  • Thu hái, chế biến và bảo quản hạt giống

Thu hái hạt giống của những cây mẹ từ 10 – 20 tuổi. Cây đang sinh trưởng tốt, có hình dáng đẹp, thân thẳng, chiều cao dưới cành từ 6 – 10m trở lên, tán lá đều đẹp, sạch sâu bệnh, chỉ thu hái những quả chín đều đạt chất lượng tốt. Dấu hiệu nhận biết quả đã chín: Vỏ quả có màu vàng, thịt quả mềm, hạt màu trắng.

Quả xoan phải chế biến ngay sau khi thu hoạch nếu không sẽ bị thối ảnh hưởng đến chất lượng hạt giống, quả nên được ủ lại thành từng đống từ 2 – 3 ngày cho quả mềm đều, không ủ đống cao quá và phải được thông gió, mỗi ngày đảo lại 1 – 2 lần. Khi quả đã mềm đều đem ngâm trong nước sạch sau đó chà hết lớp vỏ thịt chỉ đãi lấy hạt sạch, rửa lại bằng nước sạch rồi rải đều trên bạt phơi dưới nắng khi hạt khô vừa tầm thì cho vào bảo quản. Không phơi quả hạt quá già nắng sẽ rất lâu nảy mầm.

  • Làm đất gieo

Làm đất tơi nhỏ, lên luống rộng 1 – 2m, luống cao 15 – 20 cm. Rắc một lớp phân vi sinh trên mặt luống rồi vằm đất nhỏ đều với phân, san phẳng mặt luống, nên tưới nước cho đất đủ độ ẩm để gieo hạt.

  • Xử lý hạt xoan giống

Hạt xoan giống trước khi gieo nên được ngâm trong dung dịch thuốc kích thích nảy mầm đã pha sẵn trong vòng 10 phút, sau đó vớt ra để khô ráo rồi cho hạt vào ủ, mùa đông nên được ủ ấm hoàn toàn cho đến khi nứt nanh. Có thể ủ hạt bằng rơm, rạ, cỏ khô..

  • Nếu ươm hạt xoan trong bầu đất

Dùng đất ẩm hoặc đất pha cát tơi, xốp cho vào bầu nhựa, trên mặt bầu đất cho một lớp phân ủ ải (phân chuồng, phân xanh) trộn đều với đất. Bầu đất đóng xong được xếp thẳng hàng theo, theo luống, mỗi luống cách nhau khoảng 50cm để tiện đi lại tưới nước cho bầu cây.

  • Gieo hạt xoan

Các bầu đất đã được chuẩn bị sẵn, chỉ cần khoét một lỗ nhỏ trong bầu rồi bỏ hạt vào lỗ, mỗi bầu gieo 1 hạt sau đó lấp đất cho kín hạt.

Hoặc gieo hạt ngoài bầu (trên luống) luống đất cũng được chuẩn bị sẵn, rạch theo hàng dài của luống rồi đặt hạt, mỗi hạt cách nhau khoảng 20cm rồi vùi đất sau đó rải một lớp rơm lên mặt luống để giữ ẩm cho đất. Khi cây đạt chiều cao từ 40 – 60cm là đem trồng được.

2. Cách chăm sóc cây

Dù được ươm trong bầu đất hay gieo ở ngoài đất thì quá trình tưới phải luôn được duy trì, đảm bảo cho cây đủ ẩm trong 01 tháng đầu. Mỗi ngày nên tưới 1 – 2 lần, mỗi lần tưới khoảng 1 lít/ 1 cây. Trong khâu làm đất đã cho phân vi sinh hoặc phân chuồng lót rồi, khi cây mọc cao chỉ cần hòa chút đạm tưới hay dùng phân vi lượng pha tưới là đủ.

Thường xuyên làm sạch cỏ cho cây xoan giống cũng một phần làm giảm lượng sâu hại cây.

Nếu cây còi cọc, vàng lá, thối rễ thì phun nấm Alimet 80wp phun lên lá hoặc tưới gốc định kỳ 5 ngày 1 lần.

Nếu có sâu hại lá nên dùng thuốc dòng sinh học Reagant 3.6 EC để phòng ngừa. Pha 10ml cho 1 bình 20 lít.

Thời gian ươm cây trong vườn ươm từ 3 – 4 tháng, cây đạt chiều cao từ 40 – 60cm thì đem xuất vườn.

Trên đây là những chia sẻ rất có ích để gửi đến bạn đọc, bạn hãy tham khảo kỹ trước khi lập cho mình kế hoạch ươm giống nhé. Chúc các bạn thành công!

5/5 - (3 bình chọn)

Từ khóa » Cay Xoan Hoi