CEO Nguyễn Huỳnh Đạt:" ông Bếp" Và Tầm Nhìn Toàn Cầu - Niên Lịch

Để cạnh tranh lâu dài được bên những ông lớn, doanh nhân 7X Nguyễn Huỳnh Đạt khai tác tối đa ngành truyền thống của gia đình – xuất khẩu hạt điều để có nguồn lợi nhuận nuôi gia vị. Trung bình mỗi tháng anh xuất khẩu cả chục tấn điều rang muối đi các thị trường quốc tế, đủ bù đắp doanh thu chỉ mới ở 24 thùng/1 đại lý với 30 đại lý phân phối gia vị của “Ông Bếp” hiện nay.

Thế kỷ 20 và thế kỷ 21 ở những năm đầu hiện nay, kinh tế Việt Nam vẫn đang nỗ lực định vị mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nghe có vẻ to tát, nhưng chúng ta định vị mình hướng về một công xưởng sản xuất mới của thế giới, nơi tập trung các nguồn vốn quốc tế đổ về để phát triển nền công nghiệp sản xuất với sự hiện diện ngày càng nhiều của các tập đoàn đa quốc gia, đi cùng là các DN vệ tinh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Không kém phần to tát nhưng ít được quan tâm hơn, cũng đã xuất hiện xu thế một số các DN nội địa, đã và đang quan tâm đến việc định vị mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu – vẫn ở khía cạnh công xưởng sản xuất nhưng không hoàn toàn là công nghiệp của thời hậu hiện đại, mà là công nghiệp sản xuất của một “bếp ăn thế giới”, bắt đầu với quy mô nhỏ và dựa trên nguyên lý giản đơn là khai thác lợi thế của một nền nông nghiệp truyền thống dồi dào các sản phẩm vốn đang được tận thu để bán chủ yếu theo con đường xuất khẩu thô. Công nghiệp “bếp ăn toàn cầu”, thực tế, cũng là lời khuyên thiết thực và ngắn gọn nhất mà cha đẻ thuyết cạnh tranh Michael Porter dành cho Việt Nam.

Từ chuyện “bếp ăn”

Đi theo lời khuyên đó, bằng thực tiễn kinh nghiệm đã đúc kết được trong quá trình tham gia kinh doanh ở những tập đoàn đa quốc gia lớn như Nestle, Unilever, gắn với niềm đam mê về các câu chuyện chế biến xoay quanh căn bếp – linh hồn của mỗi một ngôi nhà, mỗi một gia đình Viêt từ xa xưa cho đến ngày nay, anh Nguyễn Huỳnh Đạt đã quyết chọn hướng khởi sự kinh doanh cho riêng mình: Cho ra đời những sản phẩm mang thương hiệu “Ông Bếp”, với quy mô bắt đầu từ một DN nhỏ: CTCP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nhật.

Thực tế thì khi chọn hướng đi cung cấp những sản phẩm cho mỗi căn bếp của người Việt, anh Đạt cũng xác định đã chọn một con đường khó, khi thị trường này đang được thống trị bởi những Tập đoàn khổng lồ của thế giới, những Tập đoàn mà anh đã được có cơ hội làm việc, được kinh qua. Thị trường này cũng đã và đang có những DN nội làm chủ cuộc chơi ở trên sân nội địa đối với một số sản phẩm gia vị theo xu hướng công nghiệp hóa gia vị thực phẩm để đạt hiệu suất kinh doanh tối ưu. “Nhiều người nói tôi đã chọn con đường chẳng khác nào… húc vào đá tảng khi đi vào thị trường gia vị, nơi các DN nhỏ ngoài nguy cơ bị “đè chết” thẳng tay do không đủ nguồn lực để làm thị trường – tức làm marketing sản phẩm, phân phối vào các kênh bán lẻ hiện đại luôn đòi hỏi cả chi phí kinh doanh lẫn chi phí… lobby cao như kênh siêu thị; đồng thời cũng luôn đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm nếu mình làm ăn “nổi” lên được một chút và bị các DN lớn ép phải bán, còn họ chọn mua để loại trừ. Nhưng tôi nghĩ rằng với một nền kinh tế đã đi vào hội nhập sâu rộng như Việt Nam, không nói đâu xa, nếu ta bắt đầu ngay ở thị trường nội địa với trên 90 triệu dân, thì cơ hội tuy không cào bằng nhưng luôn luôn hiện hữu, đặc biệt khi ta tự tự tin định vị đúng nhóm khách hàng mà ta có thể cung cấp sản phẩm trong khả năng của mình. Vì vậy, tôi đã chọn cho mình một thị trường nhỏ, ngách: Thị trường dành cho các khu vực nông dân với đại đa số khách hàng người Việt có thu nhập không cao nhưng nhu cầu sử dụng sản phẩm, thực phẩm sạch, ngon, an toàn cho sức khỏe và có mức giá hợp với tùi tiền dành cho “chuyện ăn” của họ. Nói nôm na là tôi chọn bếp ăn – với nỗ lực định vị cung cấp những sản phẩm “Ông Bếp” được đưa về giá trị thật cho người tiêu dùng” – anh Đạt nói.

Ceo Nguyễn Huỳnh Đạt tự tin rằng anh chỉ cần đạt được một vị trí nhỏ bên cạnh các “Đại gia” lớn của ngành hàng, sự lấn sân từ từ của “Ông Bếp” ở mọi thị trường sẽ không phải không có cơ hội trở thành hiện thực.

Mong mỏi đi lên từ “vốn xã hội”

Với một chàng trai đã có 17 năm trong lĩnh vực nấu bếp chuyên nghiệp, từng làm bếp trưởng hệ thống cụm nhà hàng Pari Deli, khách sạn Equatorial, đạt huy chương vàng và huy chương đồng trong kỳ thi nấu ăn dành cho các bếp trưởng quốc tế, kinh nghiệm đối với lĩnh vực ẩm thực vô cùng phong phú của Việt Nam mà doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt sở hữu có lẽ không thiếu. Ngay cả với kinh nghiệm khởi sự kinh doanh, Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nhật cũng không hoàn toàn “đứa con đầu tiên” mà anh “mang nặng đẻ đau”. Anh đã từng thất bại khi cùng đối tác hùn vốn hợp tác, đưa sản phẩm đầu tiên mà anh gây dựng là Gold Food ra thị trường.

Chia sẻ trong ngậm ngùi, anh Nguyễn Huỳnh Đạt nói: “Thất bại lớn nhất ở start-up đầu của tôi là chọn nhầm đối tác và cái giá lớn nhất tôi phải trả cho thất bại này chính là công sức, thời gian. Lần đầu mở Cty, do không có nhiều vốn nên tôi phải tìm nhà đầu tư góp vốn và tôi đã tâm huyết dành rất nhiều thời gian công sức để xây dựng thương hiệu Gold Food. Sau thất bại, tôi rút ra: Khi chọn đối tác phải tìm hiểu kỹ, nhất là làm ăn với cộng sự Việt Nam thì tất cả phải giấy trắng mực đen, không nên tin vào lời hứa”. Tuy nhiên, thất bại là mẹ của thành công. Bài học chọn đối tác để góp vốn là câu chuyện mà bất kỳ DN khởi nghiệp nào cũng gặp phải. Chọn được đối tác suôn sẻ và chân thành, cùng đồng lòng phát triển là quá may mắn. Chọn phải đối tác không thể đi được cùng nhau và phải chia tay, làm lại từ đầu, rất nhiều doanh nhân khởi sự kinh doanh sẽ nản lòng và hoang mang.

Với anh Đạt, dù ngậm ngùi, dù rút kinh nghiệm sẽ luôn chọn “giấy trắng mực đen” cho hành trình kinh doanh về sau, nhưng may mắn là trong anh, niềm tin – vốn xã hội quý nhất của con người, cũng không hẳn đã hoàn toàn nguội lạnh. Anh vẫn có niềm tin lớn hơn vào thị trường, vào người tiêu dùng, vào “lẽ phải” mà anh mong mỏi đưa đến cho người tiêu dùng thông qua các sản phẩm dành cho nhà bếp của mình, nơi đáng lẽ người tiêu dùng được dùng các sản phẩm chất lượng bằng cái giá tương xứng với toàn bộ chi phí và lợi nhuận ở mức hợp lý mà DN bỏ ra để sản xuất sản phẩm, nhưng thực tế họ đang phải trả giá cao hơn vì các chi phí “ngoài” và mong muốn lợi nhuận quá “siêu” của các nhà sản xuất và phân phối. Và đây chính là “vốn xã hội” để “Ông Bếp” tự tin đi ra thị trường, hướng vào phân khúc ngách, tỏa đến phục vụ người tiêu dùng ở các khu vực nông thôn.

Ấp ủ “mộng” xuất khẩu

Tất nhiên, anh Nguyễn Huỳnh Đạt cũng cho biết, tham vọng của “Ông Bếp” không chỉ dừng lại ở nội địa, cho dù sản phẩm còn mới, cho dù cạnh tranh với các DN lớn ở thị trường nội địa vẫn đang rất khốc liệt, và cho dù thị trường này rất rộng mở với hơn 63% người tiêu dùng đang thuộc về khu vực nông thôn, nơi Việt Nhật và những dòng sản phẩm thuộc “Ông Bếp” bước đầu hướng tới.

Bởi, theo anh Đạt, lời khuyên của cha đẻ thuyết cạnh tranh còn đó. Nếu tôi làm được mục tiêu phục vụ bếp ăn trong thị trường ngách một cách vững vàng, thì vẫn là ở thị trường ngách, tôi hoàn toàn có thể vươn xa hơn. Không phải chỉ riêng người tiêu dùng Việt Nam mới cần được trả “lẽ phải” – giá trị của sản phẩm về đúng giá trị thực mà người tiêu dùng ở các thị trường toàn cầu cũng đều như vậy. Những sản phẩm có chất lượng, vượt qua được các hàng rào kỹ thuật nghiêm nhặt về vệ sinh an toàn thực phẩm của các quốc gia, mà giá thành nhập vào quốc gia họ phù hợp, thì vẫn có cơ hội cạnh tranh được, trước hết là đứng được và được chấp nhận, sau đó dần được yêu thích bên cạnh những sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia. Đặt tên Cty là Việt Nhât, chính là thể hiện mong ước và tầm nhìn đó của Cty, tầm nhìn xa đến “bếp ăn toàn cầu”.

Tốt nghiệp ngành thực phẩm ở Mỹ trở về Việt Nam, tham gia nhiều năm ở Cty Best Food với vị trí đại diện cho Cty tại Việt Nam, từng góp phần thành công cho thương hiệu Knorr tại Việt Nam và được “gắn tên” với sản phẩm là “Đạt Knorr”, trải qua các vị trí trưởng phòng tiếp thị thương mại, đại diện thương hiệu Knorr tại Việt Nam khi Best Food bán lại cho Unilever, tiếp đó sau 10 năm, chuyển qua là đại diện thương hiệu Maggi của Nestle, người đàn ông có niềm đam mê đặc biệt với bếp núc ấy lẽ ra có thể “ở yên một chỗ”, tận hưởng những đóng góp và thành tựu của nhãn hàng đang rất thịnh hành trên thị trường, với mức lương cao. Nhưng chọn lối rẽ, chọn một hướng đi khởi nghiệp kinh doanh, anh cho biết đây mới chính là con đường mà anh được tự do “tung tẩy” và trải nghiệm những “chuẩn mực” dành cho nguyên lý bếp núc mà anh đề ra.

Không có con đường kinh doanh nào là rộng mở. Con đường kinh doanh của anh Đạt có vẻ càng “hẹp” khi chỉ quanh quẩn ở nhà bếp với nước tương, nước mắm, dầu hào… nhưng anh Đạt tự tin rằng anh chỉ cần đạt được một vị trí nhỏ của mình bên cạnh các “Đại gia” lớn của ngành hàng, sự lấn sân từ từ của “Ông Bếp” ở mọi thị trường sẽ không phải không có cơ hội trở thành hiện thực.

Từ khóa » đạt Knorr