Cha Mẹ Dễ Dãi Nuông Chiều Con Cái Ảnh Hưởng Thế Nào Đến Trẻ?

Nuông chiều con cái là một trong những cách bày tỏ sự yêu thương và quan tâm của không ít cha mẹ. Tuy nhiên, cách giáo dục này gây ra ảnh hưởng đáng kể đối với tính cách cũng như cuộc sống tương lai của con. Hiểu rõ những ảnh hưởng của việc cha mẹ dễ dãi nuông chiều con cái quá mức sẽ giúp các bậc phụ huynh sớm có sự điều chỉnh cho phù hợp.

cha mẹ nuông chiều con cái
Sự nuông chiều, dễ dãi quá mức của cha mẹ ảnh hưởng đáng kể đến quá trình phát triển nhân cách của con

Cha mẹ nuông chiều con cái là như thế nào?

Cách giáo dục của bố mẹ đối với con cái được chia thành 4 dạng cơ bản là nuôi dạy con cái dễ dãi, nuông chiều (Permissive parenting), độc đoán (Authoritarian parenting), không quan tâm (Uninvolved parenting) và uy quyền nhưng vẫn đảm bảo sự thấu hiểu (Authoritative parenting). Trong đó, nuông chiều con cái là kiểu giáo dục đặc trưng bởi việc bố mẹ quá dễ dãi và luôn đáp ứng mọi nhu cầu của con cái cả về tinh thần lẫn vật chất.

Thực tế, bất cứ bố mẹ nào cũng yêu thương con cái nhưng mỗi người sẽ có những cách thể hiện khác nhau. Đối với dạng bố mẹ dễ dãi, nuông chiều, họ gần như không đặt ra bất cứ quy tắc nào và luôn đáp ứng mọi yêu cầu của con vô điều kiện. Những bậc phụ huynh này luôn để cho con cái thoải mái, không cố gắng kiểm soát và hầu như không bao giờ đưa ra hình thức kỷ thuật, trách phạt khi con phạm phải sai lầm.

Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu về sự ảnh hưởng của phong cách nuôi dạy con cái kiểu dễ dãi, nuông chiều. Các nghiên cứu này đều cho thấy, việc con không chịu sự quản thúc của gia đình và luôn được đáp ứng một cách vô điều kiện nên sẽ khó thích nghi khi vào đời. Trẻ được nuôi dạy theo cách này ít khi được phát triển các phẩm chất tốt đẹp và thường có cảm xúc, hành vi bản năng.

Nhận biết cha mẹ mẹ dễ dãi, nuông chiều con cái

Cha mẹ dễ dãi, nuông chiều con cái được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau. Kiểu giáo dục này được nhận biết thông qua những dấu hiệu sau:

mẹ chiều con quá mức
Bố mẹ nuông chiều, dễ dãi luôn đáp ứng mọi yêu cầu và bảo bọc con cái quá mức
  • Thể hiện sự yêu thương với con cái thường xuyên cả trong lời nói và hành vi
  • Khen ngợi con trước bất cứ hành động nào và ít khi trách phạt trẻ khi phạm phải lỗi lầm
  • Nuông chiều và đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ
  • Bố mẹ dễ dãi thường không yêu cầu từ trẻ bất cứ điều gì, ngay cả những việc đơn giản như phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc em,…
  • Không kiểm soát bất cứ vấn đề nào của con và tạo cho con không gian sống thoải mái, tự do
  • Không bao giờ đặt ra các quy tắc để con tuân thủ
  • Thường mua cho trẻ những món đồ chơi, quà tặng để trẻ chấp nhận thực hiện hành vi nào đó
  • Bảo bọc con quá nhiều và luôn cho rằng trẻ còn quá nhỏ để phải đảm đương bất cứ trách nhiệm nào.
  • Khi trẻ phạm phải lỗi lầm, bố mẹ thường nói qua loa và cho rằng trẻ còn quá nhỏ nên chưa thể hiểu được đúng – sai.

Sự thoải mái trong cách nuôi dạy con sẽ khiến trẻ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống ở hiện tại và tương lai. Không giống với người trưởng thành, trẻ em chưa có đủ nhận thức về thế giới và đang trong quá trình phát triển nhân cách. Nếu gia đình quá nuông chiều và dễ dãi, bản thân trẻ sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực.

Cha mẹ nuông chiều con cái ảnh hưởng thế nào đến trẻ?

Về cơ bản, mỗi phương pháp nuôi dạy con sẽ có những ưu điểm và hạn chế riêng. Phong cách nuôi dạy dễ dãi và nuông chiều mang đến một số lợi ích như trẻ có khả năng sáng tạo, ít bị giới hạn bởi các quy tắc và định kiến. Bố mẹ và con cái khá hòa hợp, ít tranh cãi và giúp trẻ hình thành tình yêu thương đối với những người thân trong gia đình.

Tuy nhiên, sự dễ dàng trong cách nuôi dạy khiến cho con phát triển một cách bản năng và thiếu đi những phẩm chất cần thiết để có thể thành công trong cuộc sống. Dưới đây là một số ảnh hưởng tiêu cực từ sự nuông chiều, bảo bọc quá mức của bố mẹ đối với con cái:

1. Hình thành sự phụ thuộc vào gia đình

Ảnh hưởng đầu tiên có thể thấy ở những trẻ được bố mẹ nuông chiều quá mức là phụ thuộc nhiều vào gia đình. Vì bố mẹ luôn đáp ứng những yêu cầu của con một cách vô điều kiện nên thay vì cố gắng để giành lấy, con thường thể hiện mong muốn với người thân để được đáp ứng.

Ngoài ra, phong cách nuôi dạy kiểu dễ dãi và nuông chiều sẽ khiến cho trẻ thiếu nỗ lực trong cuộc sống. Những bố mẹ nuông chiều con cái thường sẽ bảo bọc và đáp ứng mọi nhu cầu từ tinh thần đến vật chất.

nuông chiều con cái ảnh hưởng đến trẻ như thế nào
Trẻ được bố mẹ nuông chiều sẽ phụ thuộc vào gia đình và thiếu nỗ lực trong cuộc sống

Được lớn lên trong gia đình đầy tình yêu thương và không thiếu thốn vật chất khiến trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào người thân, thiếu khát khao và nỗ lực. Trong khi đó, những trẻ sống trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn sẽ có động lực mạnh mẽ để đạt được thành công trong cuộc sống.

2. Cha mẹ nuông chiều con cái khiến trẻ thiếu kỷ luật

Đặc điểm thường thấy của cha mẹ dễ dãi, nuông chiều con cái là không bao giờ đặt ra các quy tắc. Điều này sẽ khiến cho trẻ thiếu tính kỷ luật trong nhà trường và xem nhẹ các quy tắc ở những nơi công cộng.

Các quy tắc trong gia đình chính là bước đầu trong việc rèn luyện tính kỷ luật và khuôn phép dành cho trẻ. Nếu bố mẹ để trẻ quá thoải mái và không có bất cứ yêu cầu hay quy tắc nào, trẻ sẽ khó có thể quen với việc phải tuân thủ các quy tắc ở nhà trường và những nơi công cộng. Những trẻ được nuôi dạy dễ dãi và nuông chiều quá mức thường hành động một cách bản năng, không có sự kiềm chế hay tuân theo bất cứ quy tắc nào.

Về lâu dài, trẻ lớn lên có thể xem nhẹ những quy tắc đạo đức, xã hội và thậm chí là luật pháp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc nuôi dạy con cái một cách thoải mái và nuông chiều làm tăng tỷ lệ phạm tội, sử dụng chất gây nghiện và lạm dụng rượu bia.

3. Gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi, cảm xúc

Tương tự như việc thiếu kỷ luật, cha mẹ dễ dãi, nuông chiều con cái quá mức cũng sẽ khiến trẻ gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi và cảm xúc. Thực tế không chỉ riêng trẻ em mà người lớn cũng phải học cách kiểm soát tâm trạng, hành vi của bản thân.

Vì chưa bao giờ phải tuân thủ quy tắc hay nghe theo bất cứ yêu cầu nào của bố mẹ nên trẻ thoải mái thể hiện cảm xúc, hành vi của mình mà không có bất cứ sự giới hạn nào. Ngoài ra, do từ nhỏ bố mẹ đã không giáo dục con phải kiềm chế cảm xúc, hành vi trước mặt người khác nên trẻ hoàn toàn không có hiểu biết về vấn đề này.

hậu quả của việc nuông chiều con cái
Trẻ không biết cách kiểm soát hành vi, cảm xúc là hậu quả của việc nuông chiều con cái quá mức

Học cách kiểm soát cảm xúc là một trong những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Cảm xúc là thứ được hình thành từ những tác nhân bên ngoài. Trong cuộc sống đôi khi sẽ xảy ra những sự việc không mong muốn, lúc này chúng ta sẽ khó tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực.

Tuy nhiên, học cách kiểm soát cảm xúc sẽ giúp giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột và hạn chế phiền toái cho những người xung quanh. Trong khi đó, việc thể hiện cảm xúc một cách thoải mái khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc kết bạn và duy trì các mối quan hệ lâu dài. Hơn nữa, khó kiềm chế cảm xúc cũng sẽ khiến trẻ khi lớn lên sẽ sống và làm việc cảm tính. Và đây là một trong những vấn đề lớn cần phải thay đổi nếu muốn đạt được thành công.

4. Thiếu tính trách nhiệm

Trách nhiệm là tính cách cần thiết đối với mỗi người. Tính cách này sẽ được hình thành từ nhỏ đến lớn thông qua nhiều sự việc, đặc biệt luôn có vai trò quan trọng của bố mẹ. Cha mẹ có thể rèn cho con tính trách nhiệm bằng cách nhờ con giúp đỡ những việc nhỏ như dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, chăm sóc cây cối,…

Ngoài ra, có thể đặt ra các quy tắc để trẻ có ý thức và trách nhiệm trong hành vi của mình. Biện pháp này sẽ giúp trẻ hình thành tính trách nhiệm và luôn nghĩ đến kết quả từ những hành vi của bản thân.

Cha mẹ dễ dãi, nuông chiều con cái hầu như không bao giờ yêu cầu con bất cứ điều gì và họ cũng không có quy tắc hay hình phạt khi trẻ phạm lỗi. Sự thoải mái quá mức trong cách giáo dục khiến cho trẻ thiếu tính trách nhiệm và cho rằng mọi lỗi lầm của bản thân đều sẽ được tha thứ.

5. Thường xuyên có các hành vi chống đối

Đặc điểm thường thấy ở cha mẹ dễ dãi, nuông chiều con cái là không bao giờ trách phạt và luôn đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ. Điều này sẽ giúp hạn chế mâu thuẫn trong gia đình và xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ. Tuy nhiên, việc được đáp ứng trong mọi hoàn cảnh sẽ khiến cho trẻ dễ nổi nóng, cáu giận và có những hành vi chống đối khi mọi thứ diễn ra không như mong muốn.

Thông thường, cha mẹ dễ dãi sẽ tìm cách thỏa hiệp khi trẻ có những hành vi chống đối. Tuy nhiên, thói quen này sẽ khiến trẻ hình thành suy nghĩ – các hành vi chống đối sẽ khiến mọi người đáp ứng mọi yêu cầu của mình. Vì thế, trẻ sẽ liên tục có các hành vi chống đối, phá phách khi yêu cầu không được đáp ứng.

Tác hại của việc nuông chiều con cái
Tác hại thường thấy của việc nuông chiều con cái là trẻ có những hành vi chống đối khi không được đáp ứng

Trong nhà trường, các hành vi chống đối sẽ khiến cho trẻ gặp khó khăn trong việc hòa nhập với bạn bè và dễ kết giao với những người bạn xấu. Ngoài việc thể hiện sự chống đối với bạn bè, trẻ cũng thể hiện các hành vi phản kháng với thầy cô giáo khi yêu cầu của bản thân không được đáp ứng.

6. Ích kỷ và không muốn chia sẻ

Trẻ được nuông chiều và bảo bọc quá mức đa phần đều thiếu đi tính sẻ chia, đồng cảm với người khác. Những đức tính này thường hình thành khi trẻ được giáo dục từ nhỏ. Do đó, cha mẹ nuông chiều con cái quá mức sẽ khiến trẻ trở nên ích kỷ, chỉ biết nhận lại mà không biết cho đi. Hơn nữa, vì được sống trong gia đình đầy đủ nên trẻ không hiểu được cảm giác thiếu thốn.

Trẻ được bố mẹ bảo bọc, nuông chiều từ nhỏ luôn muốn có được thứ mình muốn với bất cứ giá nào. Tuy nhiên, trẻ ít khi tự nỗ lực để có được mà thường vòi vĩnh bố mẹ và người thân. Nếu không được đáp ứng, trẻ sẽ thể hiện sự chống đối và phản kháng cho đến khi đạt được điều mà mình mong muốn.

Ngoài ra, việc bố mẹ luôn đáp ứng yêu cầu của con sẽ khiến cho trẻ nổi nóng khi không được đáp ứng tiếp tục. Thay vì thấu hiểu cho bố mẹ, trẻ sẽ ích kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân. Đây là ảnh hưởng thường thấy ở trẻ được gia đình quá bảo bọc và nuông chiều.

7. Thành tích học tập kém

Những trẻ được bố mẹ nuông chiều và dễ dãi thường có thành tích học tập kém. Lý do là vì gia đình không đặt ra yêu cầu đối với trẻ và không đưa ra các quy tắc để đảm bảo trẻ học tập siêng năng, hoàn thành tốt bài tập và nhiệm vụ được thầy cô đề ra. Sự thoải mái của bố mẹ khiến trẻ không có bất cứ áp lực nào trong việc học và điều này khiến cho trẻ thiếu động lực để đạt được thành tích cao.

ảnh hưởng của việc nuông chiều con cái
Sự dễ dãi, thoải mái trong cách giáo dục khiến trẻ chểnh mảng việc học và luôn có thành tích học tập kém

Trước kết quả học tập kém, bố mẹ thường không quá chú tâm vì cho rằng nên trẻ để thoải mái phát triển và học tập đúng khả năng. Tuy nhiên trên thực tế, việc quản thúc việc học sẽ giúp trẻ ý thức hơn về việc phải chăm chỉ học tập. Bố mẹ không nên quá kỳ vọng nhưng cần nhận thức được năng lực của con và đảm bảo con đạt được thành tích học tập tương xứng.

Kết quả học tập kém đôi khi không phải do con thua kém bạn bè mà do tính lười biếng, ỷ lại và thiếu động lực khi học tập. Trong đó, cách giáo dục của gia đình là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này.

8. Gặp khó khăn trong việc quản lý cuộc sống

Những trẻ được bố mẹ nuông chiều quá mức sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý cuộc sống. Trong khi đó, những trẻ được giáo dục về tính kỷ luật và trách nhiệm sẽ biết cách quản lý thời gian, sắp xếp và xử lý công việc một cách dễ dàng. Đồng thời trẻ cũng sẽ biết chừng mực trong hành vi của mình để giảm thiểu tối đa những phiền toái và mâu thuẫn.

Ngược lại, trẻ được nuôi dạy một cách dễ dãi và nuông chiều không biết giới hạn lời nói, hành vi và thời gian của bản thân. Hơn nữa, vì không được giáo dục về tính kỷ luật nên trẻ có thói quen sinh hoạt, học tập và làm việc một cách tùy ý.

9. Cha mẹ nuông chiều khiến con thiếu kỹ năng sống

Ngoài việc cung cấp cho trẻ những kiến thức hữu ích, gia đình còn phải trang bị cho con những kỹ năng cần thiết. Kỹ năng sống giúp trẻ đối phó và xử lý các vấn đề trong cuộc sống một cách dễ dàng, học được cách kết bạn, duy trì các mối quan hệ và hòa nhập nhanh chóng với mọi người. Ngoài ra, kỹ năng sống cũng giúp trẻ khi lớn lên sẽ biết quản lý thời gian và làm việc, sinh hoạt một cách khoa học.

Những kỹ năng này được tích lũy thông qua cách giáo dục của gia đình và nhà trường. Những bậc cha mẹ dễ dãi, nuông chiều con cái thường để trẻ thoải mái thay vì đặt ra các quy tắc hay yêu cầu. Cũng vì vậy mà trẻ thường thiếu đi các kỹ năng sống quan trọng, đặc biệt là kỹ năng quản lý thời gian, học cách chế ngự cảm xúc, hành vi, giải quyết vấn đề và những mâu thuẫn trong cuộc sống.

Thiếu kỹ năng sống là vấn đề lớn đối với cuộc sống của mỗi người. Những người thiếu đi những kỹ năng quan trọng thường khó thành công – ngay cả khi có năng lực. Ngoài ra, trẻ thiếu kỹ năng sống cũng gặp khó khăn trong việc kết bạn và giải tỏa cảm xúc một cách lành mạnh.

10. Tăng nguy cơ phát triển các dạng nhân cách lệch lạc

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa cách giáo dục đối với quá trình phát triển nhân cách. Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng cách giáo dục thoải mái, nuông chiều có thể gia tăng nguy cơ phát triển các dạng nhân cách lệch lạc như:

cha mẹ nuông chiều con cái ảnh hưởng xấu đến trẻ
Trẻ được nuông chiều, bảo bọc quá mức thường có nguy cơ phát triển các dạng nhân cách lệch lạc
  • Rối loạn nhân cách thể kịch tính: Trẻ được bố mẹ nuông chiều luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn. Chính vì vậy khi lớn lên, trẻ cũng sẽ tìm mọi cách để nhận được sự chú ý từ những người xung quanh. Rối loạn nhân cách thể kịch tính đặc trưng bởi tình trạng biểu đạt cảm xúc một cách thái quá, hành vi kịch tính nhằm thu hút sự quan tâm và chú ý.
  • Rối loạn nhân cách ái kỷ: Người có dạng nhân cách này luôn tự cao và cho rằng bản thân có ngoại hình, năng lực hơn hẳn những người xung quanh. Trẻ được bố mẹ nuông chiều và khen ngợi quá mức thường có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, do không ý thức đúng năng lực của bản thân.
  • Rối loạn nhân cách phụ thuộc: Rối loạn nhân cách phụ thuộc đặc trưng bởi tình trạng lệ thuộc quá mức vào người khác và cho rằng bản thân không thể tự chăm sóc hay làm bất cứ việc gì một mình. Những trẻ được nuông chiều, bảo bọc quá mức có thể hình thành dạng rối loạn nhân cách này.

Quá trình phát triển nhân cách bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó luôn có vai trò từ cách giáo dục của gia đình. Ngoài các dạng rối loạn nhân cách trên, trẻ được bố mẹ nuông chiều quá mức cũng sẽ hình thành những phẩm chất tiêu cực và thiếu đi những đức tính tốt.

Lời khuyên cho cha mẹ mẹ đang nuông chiều con cái quá mức

Có thể thấy, nuông chiều con cái quá mức gây ra nhiều ảnh hưởng đối với trẻ. Nếu đang quá dễ dãi và thoải mái với con, bố mẹ nên điều chỉnh kịp thời để giúp trẻ phát triển lành mạnh và hình thành những phẩm chất tốt.

Lời khuyên dành cho bố mẹ đang nuông chiều con cái quá mức:

  • Nên bắt đầu bằng việc đặt ra các quy tắc cơ bản trong gia đình. Hãy nói với trẻ rằng bây giờ con đã đủ lớn để hoàn thành được những quy tắc và yêu cầu mà bố mẹ đặt ra. Việc này sẽ giúp trẻ tránh tâm lý, hành vi chống đối và có phản ứng tích cực hơn trước đề nghị của bố mẹ.
  • Không nên đặt ra quá nhiều quy tắc. Thay vào đó, nên bắt đầu bằng việc yêu cầu trẻ xem ti vi, chơi game và ăn uống trong một khoảng thời gian cụ thể. Đồng thời nên yêu cầu trẻ dành thời gian để ôn lại bài và hoàn thành bài tập về nhà.
  • Sau khi trẻ đã quen dần với các quy tắc, nên yêu cầu trẻ giúp bố mẹ hoàn thành việc nhà để rèn cho con tính trách nhiệm.
  • Đối với những lỗi trẻ hay mắc phải, nên trao đổi và giải thích để trẻ hiểu được lý do vì sao phải thay đổi hành vi này. Nếu trẻ vẫn tiếp tục phạm lỗi, hãy đặt ra những hình phạt để trẻ có ý thức hơn với hành vi của mình. Ban đầu, trẻ có thể sẽ khó chịu và chống đối nên bố mẹ cần phải kiên trì để con hình thành tinh thần kỷ luật và tính trách nhiệm.
  • Khen thưởng khi con có những hành vi tốt. Việc khen thưởng chừng mực và đúng cách sẽ khuyến khích trẻ phát triển những thói quen tích cực, đồng thời thay đổi những hành vi và cách phản ứng tiêu cực.
  • Bố mẹ vẫn nên thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm đối với con cái. Tuy nhiên, nên giáo dục để trẻ hiểu rằng con cũng cần phải yêu thương và chia sẻ với những người xung quanh.
  • Nếu gặp khó khăn trong việc thay đổi cách giáo dục con cái, bố mẹ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.

Cha mẹ dễ dãi, nuông chiều ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách và sự phát triển của con. Việc yêu thương và dành cho con những điều tốt nhất chưa bao giờ là sai. Tuy nhiên, gia đình nên yêu thương đúng cách để giúp con phát triển lành mạnh và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Tham khảo thêm:

  • Cha Mẹ Cần Làm Gì Khi Con Trẻ Có Dấu Hiệu Bị Trầm Cảm?
  • Dấu Hiệu Nhận Biết Rối Loạn Hành Vi Ở Trẻ Và Cách Khắc Phục
  • Những lưu ý khi chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý

Từ khóa » Tác Hại Của Việc Quá Nuông Chiều Con Cái