Châm Cứu đau Thần Kinh Tọa Và Những điều Cần Biết - YouMed

Nội dung bài viết

  • Đau thần kinh tọa là gì?
  • Tác dụng của châm cứu trong điều trị đau thần kinh tọa
  • Cách châm cứu chữa đau dây thần kinh tọa
  • Lưu ý khi lựa chọn châm cứu chữa đau thần kinh tọa
  • Những phương pháp đông y khác chữa đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là một bệnh thường gặp trong cộng đồng. Nó gây nhiều hạn chế đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Chính vì vậy điều trị là vấn đề rất đáng quan tâm. Một trong số các phương pháp điều trị rất hiệu quả hiện nay là châm cứu chữa đau thần kinh tọa. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị này.

Đau thần kinh tọa là gì?

Theo Y học hiện đại, đau thần kinh tọa có biểu hiện lâm sàng đau tự nhiên dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Tùy theo rễ thần kinh bị tổn thương mà trên lâm sàng sẽ biểu hiện vị trí đau khác nhau. Những cơn đau thường xuất hiện từ thắt lưng lan xuống mặt bên đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, qua trước mắt cá ngoài đến mu chân và lan tới ngón chân cái khi tổn thương rễ L5. Cơn đau bắt đầu từ thắt lưng lan xuống mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân, xuống gót chân, qua mắt cá ngoài tới gan chân và tận cùng ở ngón út trong trường hợp tổn thương rễ S1.

Theo Y học cổ truyền, đau thần kinh tọa được miêu tả trong các y văn với các bệnh danh như “Yêu cước thống”, “Tọa cốt phong”, “Tọa điến phong”, “Yêu cước thống”. Nó thuộc phạm vi chứng Tý (chứng đau do khí huyết vận hành trong kinh mạch bị bế tắc).

Châm cứu đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa có thể được giải thích theo Đông y lẫn Tây y

Nguyên nhân

Theo Y học hiện đại

Nguyên nhân hay gặp nhất của tình trạng này là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (thường gặp thoát vị đĩa đệm L4-L5 hoặc L5- S1 gây chèn ép rễ L5 hoặc S1 tương ứng).

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Châm cứu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Ngoài ra bệnh lý này còn do các nguyên nhân khác gây ra như: thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt thân đốt sống, chấn thương, tổn thương thân đốt sống (do lao, vi khuẩn, u, ung thư), viêm đĩa đệm đốt sống, tình trạng mang thai…

Theo Y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, có hai nguyên nhân dẫn đến đau thần kinh tọa.

Do chính khí của cơ thể bị giảm sút, tà khí lục dâm xâm phạm vào kinh lạc gây sự vận hành khí huyết bị trở trệ (khí trệ, huyết ứ). Nó khiến cho thần kinh do kinh mạch chi phối không được nuôi dưỡng đầy đủ sinh đau nhức.

Do sang chấn gây ứ huyết ở kinh lạc: Bệnh lâu ngày làm ảnh hưởng đến các tạng phủ trong cơ thể như Tỳ, Can, Thận làm teo cơ. Tùy theo bản chất của nguyên nhân gây bệnh mà những cơn đau sẽ khác nhau.

Triệu chứng

Trước khi tìm hiểu châm cứu đau thần kinh toạ, cùng điểm qua 1 vài dấu hiệu sau. Dấu hiệu nhận biết ban đầu của bệnh đau thần kinh tọa rất khác nhau tùy vào từng nguyên nhân. Cơn đau xảy ra sau khi gắng sức thường gặp trong các trường hợp do nguyên nhân là thoát vị đĩa đệm. Hoặc đôi khi biểu hiện lúc ban đầu đau lưng trước sau đó mới đau theo đường đi của dây thần kinh tọa. Tuy nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nhìn chung có đặc điểm sau:

  • Cơn đau xuất phát từ thắt lưng và lan xuống chân là hay gặp nhất, có khi chỉ xuống tới mông, tới đùi hay lan xuống tận bàn chân.
  • Nếu tổn thương L5 thì cơn đau lan từ thắt lưng xuống mông rồi mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, trước mắt cá ngoài, mu bàn chân rồi đến ngón cái.
  • Nếu tổn thương S1 thì cơn đau từ thắt lưng lan xuống mông, mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân, gót, lòng bàn chân bờ ngoài bàn chân đến ngón út.
  • Cơn đau thường xuất hiện liên tục đôi khi có cơn bộc phát, nhưng cũng có thể giảm hay biến mất khi nằm… Cường độ đau rất thay đổi từ âm ỉ cho tới đau dữ dội không chịu được. Có khi đau tăng lên khi ho, hắt hơi thâm chí khi rặn đại tiện.
  • Đôi khi người bệnh có dị cảm thay vì đau (tê, nóng, đau như dao đâm, cảm giác kiến bò bên chi đau).

Qua thăm khám các triệu chứng lâm sàng, các nghiệm pháp khám và các cận lâm sàng, bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố trên để chẩn đoán đau thần kinh tọa.

Đối tượng dễ mắc bệnh

  • Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 30-60.
  • Những người lao động tay chân thường xuyên phải cúi để bốc vác nặng sai tư thế.
  • Những người ít tập thể dục.
  • Những người có các bệnh lý nền về tổn thương cột sống.

Tác dụng của châm cứu trong điều trị đau thần kinh tọa

Châm cứu trong điều trị đau dây thần kinh tọa giúp kiểm soát cơn đau của bệnh nhân. Dựa vào thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân cũng như là thể bệnh theo Y học cổ truyền mà châm cứu đau dây thần kinh tọa linh hoạt theo phác đồ của từng thể bệnh và cá nhân thể trạng người bệnh.

Châm đau thần kinh tọa nói riêng và các phương pháp khác của y học cổ truyền nói chung không những giúp cho người bệnh kiểm soát được cơn đau mà còn nâng cao chính khí của người bệnh, góp phần dự phòng tái phát về sau.

Cách châm cứu chữa đau dây thần kinh tọa

Châm cứu đau thần kinh tọa
Điều trị đau thần kinh tọa bằng châm cứu được nhiều người áp dụng

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn phác đồ huyệt để châm cứu đau thần kinh tọa cho phù hợp với chẩn đoán.

Thể phong hàn thấp

Những trường hợp đau thần kinh tọa do lạnh thường gặp trong thể này.

Châm hoặc cứu: Châm tả các huyệt

  • Nếu đau theo kinh Bàng quang (Đau kiểu rễ S1)

Các huyệt A thị vùng cột sống thắt lưng, Giáp tích L4- L5, L5- S1, Thận du (BL. 23), Đại trường du (BL. 25), Trật biên (BL. 54), Ân môn (BL. 37), Thừa phù (BL. 36), Ủy trung (BL. 40), Thừa sơn (BL. 57), Côn lôn (BL. 60).

  • Nếu đau theo kinh Đởm (Đau kiểu rễ L5)

Các huyệt A thị vùng cột sống thắt lưng, Giáp tích L4- L5, L5- S1, Thận du (BL. 23), Đại trường du (BL. 25), Hoàn khiêu (GB. 30), Phong thị (GB. 31), Dương lăng tuyền (GB. 34), Huyền chung (GB. 39), Khâu khư (GB. 40).

Có thể sử dụng các kỹ thuật châm như: ôn điện châm, ôn châm, điện châm, điện mãng châm.

Mỗi ngày châm một lần lưu kim 20 – 30 phút, liệu trình từ 15 đến 20 ngày.

Thể phong hàn thấp kết hợp can thận hư

Những trường hợp đau thần kinh tọa do thoái hóa cột sống thường gặp trong thể này.

Châm: Châm tả các huyệt như trong phác đồ châm cứu đau thần kinh tọa thể phong hàn và châm bổ thêm các huyệt Can du (BL.18), Thận du (BL.23).

Thể thấp nhiệt

Những trường hợp đau thần kinh tọa do viêm nhiễm thường gặp trong thể này .

Châm tả các huyệt như trong phác đồ châm cứu đau thần kinh tọa thể phong hàn thấp.

Mỗi ngày châm một lần lưu kim 20 – 30 phút, liệu trình từ 7 đến 14 ngày.

Thể huyết ứ

Những trường hợp đau thần kinh tọa do chấn thương hoặc do thoát vị đĩa đệm thường gặp trong thể này.

Điện châm: châm tả các huyệt như trong phác đồ châm cứu đau thần kinh tọa thể phong hàn thấp và thêm huyệt Huyết hải (SP.10).

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

Lưu ý khi lựa chọn châm cứu chữa đau thần kinh tọa

Châm cứu đau thần kinh tọa có thể kết hợp với điều trị bằng y học hiện đại. Người bệnh cần lưu ý các nguyên tắc điều trị sau đây:

  • Điều trị theo nguyên nhân: người bệnh cần được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán đúng nguyên nhân gây đau thần kinh tọa. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cũng như phác đồ điều trị tùy theo mỗi nguyên nhân.
  • Phục hồi vận động nhanh và giảm đau: có thể dùng các thuốc chống viêm giảm đau theo chỉ định của bác sĩ và kết hợp tập phục hồi vận động.
  • Với những trường hợp nhẹ và vừa điều trị nội khoa: bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán và xác định tình trạng của bệnh nhân để lựa chọn điều trị. Với những trường hợp đau thần kinh tọa nhẹ và vừa điều trị nội khoa. Khi bệnh nhân có những biến chứng liên quan đến vận động, cảm giác can thiệp ngoại khoa.
  • Điều trị giải chèn ép cột sống kết hợp điều trị chuyên khoa đối với đau thần kinh tọa do nguyên nhân ác tính.
  • Chế độ nghỉ ngơi: Nằm giường cứng, tránh các động tác mạnh đột ngột, tránh mang
  • Khuân vác nặng, đứng, ngồi quá lâu.
  • Vật lý trị liệu: Treo người bằng xà đơn, bơi, đeo đai lưng. Mục đích hỗ trợ nhằm tránh quá tải trên đĩa đệm cột sống; chiếu đèn hồng ngoại, thể dục trị liệu, kéo giãn cột sống thắt lưng.

Những phương pháp đông y khác chữa đau thần kinh tọa

Ngoài châm cứu chữa đau thần kinh tọa ra thì người bệnh còn có thể điều trị đau thần kinh tọa với các phương pháp khác như:

  • Với các thể bệnh dùng các bài thuốc phù hợp.
  • Xoa bóp, bấm huyệt chữa đau dây thần kinh tọa.
  • Có thể kết hợp với thủy châm, nhĩ châm…
Bên cạnh châm cứu thần kinh tọa, người bệnh cũng có thể lựa chọn các phương pháp khác
Bên cạnh châm cứu thần kinh tọa, người bệnh cũng có thể lựa chọn các phương pháp khác

Chữa đau thần kinh tọa bằng châm cứu là một phương pháp hiệu quả và thường xuyên được sử dụng trên lâm sàng. Mục đích châm cứu chữa bệnh này để điều trị cho các bệnh nhân được chẩn đoán đau thần kinh tọa. Đồng thời giúp kiểm soát cơn đau; cải thiện hạn chế vận động, tình trạng đau nhức, tê bì của bệnh nhân. Người bệnh được chẩn đoán đau thần kinh tọa nếu muốn lựa chọn phương pháp điều trị này có thể đến các bệnh viện Y học cổ truyền hoặc các cơ sở có uy tín để được thăm khám và điều trị. Hy vọng bài viết trên đây sẽ mang lại cho bạn những thông tin hữu ích về châm cứu trong điều trị đau thần kinh tọa.

Từ khóa » Phác đồ Châm Cứu đau Thần Kinh Tọa