Chăm Sóc Cuối đời Cho Bệnh Nhân Ung Thư - VITAS Healthcare

"Tôi ước là phải chi tôi đã biết đến chăm sóc cuối đời sớm hơn" là câu nói phổ biến của những người chăm sóc cho người thân mắc bệnh ung thư. Mặc dù việc này là tùy thuộc vào bác sĩ ung thư hoặc bác sĩ chính của bệnh nhân khi yêu cầu đánh giá có được dịch vụ chăm sóc cuối đời hay không, khi bệnh nhân được đưa đến dịch vụ chăm sóc cuối đời càng sớm, họ và những người thân yêu của họ sẽ càng thấy được nhiều lợi ích hơn trong những tháng và tuần cuối cùng của họ.

Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến về chăm sóc cuối đời đó là nó chỉ phù hợp trong những ngày hay tuần cuối cùng của cuộc đời. Thực tế, quyền lợi về chăm sóc cuối đời từ Medicare được thiết kế cho những bệnh nhân có tiên lượng hay khoảng thời gian sống còn lại từ sáu tháng trở xuống.

Chăm sóc cuối đời có thể giúp gì cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối?

Nghiên cứu cho thấy rằng những bệnh nhân ung thư và gia đình sử dụng dịch vụ chăm sóc cuối đời có chất lượng cuộc sống cao hơn những người không sử dụng dịch vụ này.1 Một nhóm chuyên gia y tế liên ngành sẽ chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ chăm sóc cuối đời cho bệnh nhân. Nhóm sẽ quan sát bệnh ung thư giai đoạn cuối từ góc nhìn của bệnh nhân, người chăm sóc của bệnh nhân cũng như những người thân khác. Nhóm bao gồm bác sĩ, y tá, chuyên viên chăm sóc cuối đời, nhân viên xã hội, giáo sĩ, tình nguyện viên và chuyên gia tang chế.

Bệnh nhân ung thư được chăm sóc cuối đời có thể cảm thấy thoải mái khi biết rằng họ không đơn độc trên hành trình này và mọi thành viên của nhóm chăm sóc cuối đời đều có kinh nghiệm trong việc hướng dẫn mọi người vượt qua giai đoạn thử thách nhất của bệnh và cuộc sống của họ.

Bệnh nhân ung thư nhận chăm sóc dựa theo vấn đề sức khỏe cụ thể của họ, những điều họ muốn và không muốn trong dịch vụ y tế mà họ nhận. Tình trạng của quý vị sẽ được đánh giá thường xuyên và kế hoạch chăm sóc của quý vị sẽ được cập nhật liên tục để đáp ứng nhu cầu của quý vị khi các triệu chứng và bệnh tình thay đổi, thậm chí là hàng ngày.

Chăm sóc cuối đời cung cấp những dịch vụ sau cho bệnh nhân ung thư:

  • Chăm sóc điều phối ở mọi cấp độ - Một kế hoạch chăm sóc sẽ được đề ra với lời khuyên và sự đồng thuận từ chuyên gia thần kinh của bệnh nhân hoặc bác sĩ khác. Tại cuộc họp hàng tuần, nhóm sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe thể chất, thần kinh và tinh thần của bệnh nhân, cũng như các nhu cầu hoặc mối quan ngại của gia đình, nếu có. Ngoài ra, chăm sóc cuối đời còn điều phối và cung cấp tất cả mọi loại thuốc, vật tư y tế và dụng cụ liên quan đến chẩn đoán để bảo đảm bệnh nhân có mọi thứ họ cần.
  • Kiểm soát cơn đau và kiểm soát triệu chứng - Chăm sóc cuối đời nỗ lực bảo đảm bệnh nhân luôn thoải mái, không đau đớn và có thể tận hưởng cuộc sống cũng như có khả năng kiểm soát các quyết định hàng ngày nhiều nhất có thể. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, chăm sóc liên tục có thể được đề xuất, theo đó nhân viên làm việc theo ca 24-giờ cho đến khi các triệu chứng được kiểm soát.
  • Hỗ trợ tinh thần và tâm linh - Chẩn đoán giai đoạn cuối có thể gây ra những cú sốc mạnh mẽ bộc phát ra ngoài hoặc các nghi vấn trong lòng. Chăm sóc cuối đời có nguồn lực cần thiết để giúp bệnh nhân duy trì tình trạng tinh thần và tâm linh tốt đẹp.
  • Dịch vụ được cung cấp ở bất cứ nơi nào mà bệnh nhân coi là nhà - VITAS cung cấp dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân dù họ sống ở đâu - tại nhà riêng, cơ sở chăm sóc dài hạn hay nhà cộng đồng chăm sóc dành cho người già hoặc tàn tật. Nếu các triệu chứng trở nên quá khó khăn để kiểm soát tại nhà, dịch vụ nội trú có thể giúp chăm sóc bệnh nhân 24/24 cho đến khi họ có thể trở về nhà.

1www.cancer.gov/about-cancer/advanced-cancer/care-choices/care-fact-sheet

Chăm sóc cuối đời có thể giúp gì cho gia đình của bệnh nhân ung thư?

Chăm sóc cho người thân mắc bệnh ung thư có thể gây căng thẳng về tinh thần cũng như suy kiệt về thể chất. Những người chăm sóc là người thân trong gia đình phải đưa ra các quyết định khó khăn về y tế và tài chính cũng như phải hỗ trợ tinh thần cho người khác. Đưa ra quyết định ngừng điều trị y tế có thể tạo ra những cảm xúc mạnh, nhiều gia đình cảm thấy quá sức. Chăm sóc cuối đời sẽ chăm sóc gia đình bệnh nhân ung thư theo nhiều cách:

  • Đào tạo và giáo dục cho người chăm sóc - Người chăm sóc là người thân trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp nhóm chăm sóc cuối đời chăm sóc cho bệnh nhân. Chăm sóc cuối đời có thể giúp giảm nhẹ những lo âu của gia đình bằng cách thông báo trước cho họ những điều sẽ xảy ra cũng như cách chăm sóc cho người thân khi các triệu chứng nặng hơn và việc giao tiếp trở nên khó khăn.
  • Hỗ trợ trong việc đưa ra những quyết định khó khăn - Nhóm chăm sóc cuối đời giúp các gia đình đưa ra những quyết định khó khăn ảnh hưởng đến bệnh tình cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
  • Hỗ trợ tinh thần và tâm linh - Người chăm sóc phải vững vàng về mặt cảm xúc, nhưng họ cũng cần nơi để giãi bày những cảm xúc đó. Chăm sóc cuối đời hỗ trợ cho người chăm sóc bằng cách mang đến những nguồn hỗ trợ bên ngoài và trở thành đôi tai lắng nghe hay bờ vai kiên cường cho họ.
  • Hỗ trợ tài chính - Mặc dù dịch vụ chăm sóc cuối đời được chi trả bởi Medicare, Medicaid/Medi-Cal và công ty bảo hiểm tư nhân, các gia đình vẫn có thể có các mối quan ngại về tài chính do căn bệnh kéo dài. Nhân viên xã hội có thể hỗ trợ các gia đình lên kế hoạch về tài chính và tìm kiếm hỗ trợ tài chính trong chăm sóc cuối đời. Họ có thể giúp các gia đình đang đau buồn tìm kiếm hỗ trợ tài chính thông qua các dịch vụ về con người, nếu cần, sau khi người thân của họ qua đời.
  • Chăm sóc hỗ trợ tạm thời - Chăm sóc cho người mắc bệnh giai đoạn cuối có thể tạo ra áp lực to lớn. Chăm sóc cuối đời cung cấp tối đa năm ngày chăm sóc nội trú cho bệnh nhân khi người chăm sóc cần đi vắng.
  • Dịch vụ tang chế - Nhóm chăm sóc cuối đời làm việc với những người thân còn sống trong tối đa 13 tháng sau khi bệnh nhân qua đời để giúp họ giải tỏa cũng như giảm bớt nỗi đau buồn theo cách của riêng họ.

Các lợi ích chung của chăm sóc cuối đời là gì?

Cho dù quý vị đã biết về chăm sóc cuối đời hay đang tìm kiếm thông tin về dịch vụ này, quý vị có thể không nắm được đầy đủ về các lợi ích mà dịch vụ chăm sóc cuối đời mang lại cho bệnh nhân ung thư cũng như người thân của họ. Nếu quý vị hay người thân đang trải qua những giai đoạn cuối của bệnh ung thư, chăm sóc cuối đời có thể mang đến:

  • Sự thoải mái và chăm sóc cá nhân. Chăm sóc cuối đời cung cấp dịch vụ chăm sóc 1:1 và hỗ trợ bệnh nhân và gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này trong cuộc đời. Chúng tôi lắng nghe. Chúng tôi hỗ trợ. Chúng tôi nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Giảm tình trạng tái nhập viện. Khi căn bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể trở nên xấu hơn, và nhiều bệnh nhân phải thường xuyên đến phòng cấp cứu hay ra vào bệnh viện liên tục. Chăm sóc cuối đời giảm tình trạng tái nhập viện bằng cách kiểm soát cơn đau và quản lý triệu chứng ngay tại nhà của bệnh nhân.
  • Sự bảo đảm. Một trong những lợi ích lớn nhất của chăm sóc cuối đời là hỗ trợ lâm sàng được cung cấp bất cứ lúc nào quý vị cần đến. VITAS Telecare® bảo đảm hỗ trợ lâm sàng luôn được cung cấp 24/24. Và VITAS cung cấp cho các gia đình nguồn lực và việc đào tạo mà họ cần để tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người thân của họ.

Tôi có thể bắt đầu thảo luận về chăm sóc cuối đời như thế nào?

Nói về giai đoạn cuối đời có thể là điều rất khó khăn. Sau đây là một số lời khuyên cho quý vị để bắt đầu cuộc trò chuyện.

Đối với bệnh nhân muốn nói chuyện với gia đình:

  • Giáo dục là chìa khóa. Tìm hiểu tối đa về lợi ích của chăm sóc cuối đời để xua tan mọi e ngại trong lòng người thân của quý vị. Một nguồn thông tin hữu ích là Hướng dẫn thảo luận với gia đình về dịch vụ chăm sóc cuối đời của chúng tôi. Quý vị cũng có thể tìm hiểu về những nội dung cơ bản của chăm sóc cuối đời trong loạt bài viết "Chăm sóc cuối đời là gì" của chúng tôi.
  • Tìm hiểu xem người thân của quý vị cần biết những gì. Trước khi nói đến chăm sóc cuối đời, hãy bảo đảm người thân của quý vị hiểu rõ tình trạng sức khỏe và tiên lượng của quý vị. Mỗi người có cách phản ứng khác nhau với những thông tin khó tiếp nhận. Nếu các thành viên gia đình không chấp nhận hay không hiểu về tiên lượng của quý vị, quý vị có thể nhờ một bác sĩ, thủ lĩnh về đức tin hay bạn bè đáng tin cậy để nói chuyện với họ thay cho mình.
  • Thảo luận về mục tiêu của quý vị cũng như của họ. Là bệnh nhân, mối quan ngại lớn nhất của quý vị có thể là sống làm sao để không đau đớn, muốn sống tại nhà hay không muốn trở thành gánh nặng. Hãy hỏi người thân của quý vị xem các mối quan ngại của họ là gì trong những ngày, tuần và tháng sắp tới. Giải thích rằng chăm sóc cuối đời không có nghĩa là từ bỏ. Nó là một lựa chọn tích cực để bảo đảm rằng nhu cầu của mọi người đều được thỏa mãn.
  • Hãy chủ động đề xuất. Nhớ rằng quý vị phải bày tỏ mong muốn của mình. Đôi khi, vì lo lắng cho cảm nhận của gia đình, quý vị có thể rất khó mở lời về chăm sóc cuối đời.

Đối với các gia đình muốn nói chuyện với bệnh nhân:

  • Tìm hiểu tối đa về chăm sóc cuối đời. Trước khi đề xuất với người thân, hãy tự mình tìm hiểu về các dịch vụ và chăm sóc cuối đời. Bệnh nhân mắc bệnh nặng cảm thấy không chắc chắn về chăm sóc cuối đời là điều hết sức bình thường. Họ có thể có những quan niệm sai lầm. Hãy đọc bài viết "Hướng dẫn thảo luận với gia đình về dịch vụ chăm sóc cuối đời" sẽ giúp quý vị tìm ra cách tốt nhất để bắt đầu thảo luận.
  • Hãy xin phép. Xin phép thảo luận về một chủ đề khó nói giúp người thân của quý vị hiểu rằng quý vị sẽ tuân theo mong muốn của họ và tôn trọng họ. Hãy nói những câu như "Anh muốn nói về việc làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục bảo đảm rằng em nhận được sự chăm sóc và quan tâm tốt nhất khi bệnh trạng của em tiến triển. Có được không em?"
  • Tìm hiểu xem điều gì là quan trọng với người thân của quý vị. Hãy tìm hiểu xem họ muốn gì trong tương lai: "Anh hy vọng điều gì trong những ngày, tuần hay tháng sắp tới? Anh lo lắng nhất về điều gì?" Bệnh nhân có thể bày tỏ mong muốn rằng không muốn cảm thấy đau đớn, muốn được ở nhà hay không muốn trở thành gánh nặng.
  • Thảo luận về chăm sóc cuối đời như một phương tiện để hoàn thành mong muốn của bệnh nhân. Bây giờ người thân của quý vị đã tâm sự với quý vị về điều mà họ cảm thấy quan trọng, hãy giải thích rằng chăm sóc cuối đời là một cách để bảo đảm những mong muốn đó được đáp ứng. Đối với một vài người, từ chăm sóc cuối đời đưa ra một tín hiệu sai lầm về sự đầu hàng. Hãy giải thích tại sao chăm sóc cuối đời không phải là đầu hàng ung thư hay cái chết. Mục đích của dịch vụ này là cải thiện chất lượng cuộc sống trong những ngày, tuần hay tháng còn lại của họ. Trấn an bệnh nhân rằng họ chính là người kiểm soát. Chăm sóc cuối đời mang lại cho bệnh nhân nhiều lựa chọn: lựa chọn sống thoải mái tại nhà riêng, lựa chọn sử dụng hỗ trợ tinh thần và tâm linh, lựa chọn có bác sĩ riêng tích cực tham gia chăm sóc cho họ hay lựa chọn sống cuộc đời mà họ muốn. Bảo đảm với người thân của quý vị rằng quý vị sẽ tôn trọng quyền quyết định về điều gì là quan trọng với họ.
  • Hãy trở thành một người lắng nghe trung thành. Nhớ rằng đây là cuộc thảo luận, không phải tranh cãi. Nghe những gì mà người khác đang nói. Hiểu rằng việc vấp phải sự phản đối ban đầu là bình thường khi quý vị nói về chăm sóc cuối đời. Nhưng nếu quý vị lắng nghe và hiểu lý do phủ nhận của người thân của mình, quý vị sẽ chuẩn bị tốt để giải quyết cũng như làm dịu những lo lắng của họ trong cuộc thảo luận về chăm sóc cuối đời tiếp theo.

Từ khóa » Chăm Sóc Người Bệnh Ung Thư Giai đoạn Cuối