Chăm Sóc Dưa Chuột Sai Quả, Mẫu Mã đẹp

Đặc điểm sinh trưởng

Cây dưa chuột có tên khoa học là Cucumis sativus L. thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae; là loại rau ăn quả có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao. Nhiệt độ trung bình ngày đêm thích hợp cho dưa chuột là 22 - 24 độ C, tuy nhiên đây là cây chịu được nóng tốt nên ở Việt Nam có thể trồng được vào vụ hè.

Nếu nhiệt độ đất bằng 15,6 độ C thì phải mất 9 - 16 ngày hạt dưa chuột mới nảy mầm được, nếu nhiệt độ đất là 21 độ C thì chỉ mất 5 - 6 ngày hạt nảy mầm. Trường hợp quá nóng vào giai đoạn ra hoa thì cũng giảm khả năng thụ phấn của hoa. Dưa chuột cũng là cây chịu độ ẩm đất và không khí cao hàng đầu so với các loại rau. Giai đoạn cây dưa chuột tăng trưởng mạnh, yêu cầu về dinh dưỡng và nước cao từ sau khi hình thành tua bám vào dàn cho đến ra hoa, hình thành quả...

Thu hoạch dưa chuột. Ảnh: Tư liệu.

Thu hoạch dưa chuột. Ảnh: Tư liệu.

Các chỉ tiêu kỹ thuật của quả dưa chuột chế biến

- Quả cho muối chua gồm có 2 loại quả: Quả nhỏ và quả bao tử.

* Quả nhỏ: Dưa chuột phải non, tươi, hình dạng bình thường. Thông thường kích thước quả: Chiều dài 6 - 11cm, đường kính quả 1,5 - 2 cm (giống TN 011, Phú Thịnh, Tam Dương).

* Quả bao tử: Dưa chuột bao tử phải non, tươi, phát triển bình thường, không già, vàng, cong queo. Kích thước quả: đường kính chỗ lớn nhất không quá 1,7cm; chiều dài không quá 7,0cm (gồm có 4 giống, trong đó có giống Marinda).

- Quả cho muối mặn: Dưa chuột muối mặn có màu gai trắng, vỏ xanh đậm, quả dài (30 - 45cm), đường kính quả khoảng 4 - 5cm, quả đặc để muối mặn, sản phẩm cho xuất khẩu (thị trường Nhật Bản) hoặc loại giống có kích thước quả 20 - 25cm x 2,8 - 3,0cm (thị trường Đài Loan, Singapore, Hong Kong).

- Quả cho chẻ nhỏ dầm dấm:

* Đóng hộp chẻ 3, 4: Quả đặc có đường kính 3,4 - 5,4 cm, quả dài 9 - 10cm.

* Dưa chuột chế biến thái lát: Các giống dùng cho sản phẩm này không yêu cầu khắt khe về chiều dài quả, nhưng yêu cầu đường kính quả trong khoảng 2,8 - 3,5 cm, thịt đặc, sau chế biến vẫn giữ được màu xanh đẹp.

Đánh giá các giống nghiên cứu

- Dạng sản phẩm cho chế biến muối chua bao gồm 2 dạng quả:

* Quả bao tử: Gồm 4 giống trong đó có 1 dòng của Việt Nam, còn lại là 3 giống F1 của Đài Loan, Hà Lan và Mỹ.

* Quả nhỏ, gồm 23 giống, trong đó chủ yếu là các giống địa phương và các dòng dưa chuột đang được chọn của Việt Nam. Ngoài ra có 6 giống từ Thái Lan và 3 giống từ Đài Loan.

- Dạng sản phẩm cho chế biến muối mặn. Ở nhóm giống này chủ yếu có nguồn gốc từ Việt Nam (10 giống), Đài Loan (4 giống) và Nhật Bản (5 giống).

Đặc điểm sinh trưởng, phát triển của các giống dưa chuột cho chế biến

Căn cứ vào chỉ tiêu độ chín sớm nông học (thời gian từ mọc đến thu quả đầu), đây là chỉ tiêu rất quan trọng để xây dựng các tổ hợp lại có thời gian sinh trưởng khác nhau, các giống được phân thành các nhóm sau: Nhóm giống chín sớm: Thời gian từ mọc đến thu quả đầu sớm, dao động 30 -35 ngày. Trong nhóm này có giống TN 011, Tam Dương, PC 4… Nhóm giống chín trung bình: Có thời gian từ mọc tới thu quả đầu 35 - 40 ngày, như giống Phú Thích, Marinda, PC1... Nhóm giống chín muộn: Có thời gian từ mọc tới thu quả đầu từ 40 - 45 ngày trở lên, là các giống Vista, Số 266...

Một ruộng dưa tốt. Ảnh: Tư liệu.

Một ruộng dưa tốt. Ảnh: Tư liệu.

Kỹ thuật gieo trồng

Thời vụ

Vụ xuân gieo hạt từ tháng 1 đến tháng 2 (có thể kéo dài đến hết tháng 3); vụ đông từ tháng 9 đến tháng 12; vụ hè từ tháng 4 đến tháng 7. Năng suất cao nhất là vụ xuân, thấp nhất vụ hè. Đối với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có thể trồng dưa chuột quanh năm, tuy nhiên vào các tháng quá lạnh như cuối tháng 12, tháng 1 thì năng suất dưa chuột thường giảm mạnh vì nhiệt độ thời gian này xuống thấp. Các tỉnh phía Nam gieo hạt cuối tháng 4 đầu tháng 5, thu hoạch giữa tháng 6 đến hết tháng 7.

Gieo cây con

Để tiết kiệm hạt giống, công chăm sóc cây giai đoạn đầu và tăng độ đồng đều của cây, cần sản xuất cây con trong khay xốp hoặc khay nhựa có kích thước 60 x 45cm với số lượng 60 hốc/khay. Vật liệu làm bầu gồm 40% đất, 30% trấu hun hoặc mùn mục và 30% phân chuồng hoai mục. Hạt ngâm trong nước ấm 35 - 40 độ C trong thời gian 3 giờ, sau đó ủ ở nhiệt độ 27 - 30 độ C. Khi hạt nứt nanh thì đem gieo vào các hốc, mỗi hốc 2 hạt và tưới đủ ẩm. Lượng hạt dưa gieo cho 1 ha là 0,7 - 1,0kg/ha (30 gr/sào Bắc Bộ 360m2).

Làm đất, trồng cây

Dưa chuột có thể trồng được trên nhiều loại đất nhưng thích hợp trên đất có độ phì nhiêu cao, trung tính, pH từ 6 - 7,0. Đất chưa trồng các cây họ bầu bí để tránh lây nhiễm sâu, bệnh. Dưa chuột kém chịu trong môi trường đất chua mạnh. Khoảng cách gieo trồng thích hợp: Hàng cách hàng 50 - 60cm, cây cách 30 - 40 cm, tương ứng với mật độ 27.000 - 43.000 hốc/ha (tương ứng với 1.000 -1.500 hốc/sào Bắc Bộ).

Chú ý nếu gieo trồng ở vụ xuân hè hoặc vụ hè thì mật độ thưa, còn ở vụ đông thì mật độ dày hơn. Làm đất kỹ, nếu gieo trồng vào xuân hè hoặc vụ hè có mưa nhiều thì phải lên luống cao 30cm, vào vụ đông thì lên luống 20cm. Mặt luống rộng 90 - 100cm. Đào hốc hoặc đánh rạch theo hàng dọc theo luống, hàng cách mép luống 20 cm. Cho phân bón lót vào hốc, trộn đều với đất. Vì gieo thẳng hạt nên sau khi bón phân lót phải rắc lớp đất bột mịn lên trên, sau đó rắc hạt, mỗi hốc 3 hạt...

Sau này khi cây đã mọc 2 - 3 lá thật phải tỉa bớt cây con chỉ để lại 1 - 2 cây/hốc.Đối với giống lai F1 thì chỉ để lại 1 cây/hốc. Sau gieo phủ rạ lên trên hốc, tưới đẫm nước. Sau đó hàng ngày tưới nước duy trì ẩm cho đến bén rễ hồi xanh.

Bón phân NPK-S Lâm Thao cho cây dưa chuột (trong đó có dưa chuột bao tử)

- Bón lót: 15 - 20 tấn phân chuồng hoai mục/ha (500 - 700kg/sào Bắc Bộ) + 600-750kg/ha NPK-S Lâm Thao 6.8.4.9 (từ 22-2 kg/sào Bắc Bộ).

- Bón thúc: Chia làm 3 lần:

* Thúc lần 1 khi cây có 2 - 3 lá thật. Dùng NPK-S Lâm Thao loại 12.3.13-8 như sau: 350 - 400 kg/ha (12 - 14kg/sào).

* Thúc lần 2 khi cây cao 20cm, đã có tua cuốn. Dùng NPK-S Lâm Thao loại 12.3.13-8 như sau: 300 - 350kg/ha (11 - 13 kg/sào). Bón thúc phân xong thì cắm giàn.

* Thúc lần 3 khi cây ra hoa và có quá rộ. Dùng NPK-S Lâm Thao loại 12.3.13-8 khoảng 250 - 300 kg/ha (9 - 11 kg/sào). Bón thúc lần này kết hợp với tháo nước vào rãnh để tưới cho cây.

Thu hoạch và để giống

Để ăn tươi phải thu hoạch sớm khi các u vấu ở quả còn nổi rõ, tức là sau khi hoa cái tàn 7 - 10 ngày. Muốn để giống chọn quả ở gốc, đều, thẳng. Thu khi quả thật già, vỏ vàng nhiều rạn chân chim. Để thêm 7 - 10 ngày nữa cho hạt chín sinh lý, sau đó bổ ra lấy hạt, đãi, hong khô.

Chúc bà con nông dân chăm sóc, sử dụng phân bón theo khuyến cáo để đạt năng suất và chất lượng dưa chuột cao, phục vụ cho tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Từ khóa » Cách Trồng Cây Dưa Leo Sai Quả