Chăm Sóc Và điều Trị Tiền Sản Giật - FAMILY HOSPITAL
Có thể bạn quan tâm
1. Tiền sản giật là gì? Tiền sản giật (TSG) là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén đặc trưng với sự xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp (HA) và protein niệu hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do ảnh hưởng của TSG.
2. Triệu chứng của tiền sản giật là gì? – Tăng huyết áp: được xác định khi tuổi thai > 20 tuần. Trường hợp bệnh nhân chưa biết giá trị HA trước đó, chẩn đoán khi huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 90 mmHg, đo 2 lần cách nhau 4 giờ và không quá 1 tuần. Có thể chỉ định Holter HA để chẩn đoán nếu cần. – Protein niệu: được chẩn đoán khi lượng protein bài xuất trong nước tiểu ≥ 300 mg/24 giờ, hoặc tỷ lệ protein/creatinine niệu ≥ 0,3 (mg/dl) hoặc dipstick 2+ (sử dụng nếu phương pháp định lượng không có sẵn). – Các triệu chứng lâm sàng khác: phù ít có giá trị và không còn là tiêu chuẩn chẩn đoán TSG. Các triệu chứng lâm sàng khác liên quan đến rối loạn chức năng nhiều cơ quan do ảnh hưởng của bệnh lý TSG gồm: rối loạn thị giác và tri giác, đau đầu không đáp ứng với các thuốc giảm đau, đau vùng thượng vị – hạ sườn phải, căng bao Glisson, tan máu, phù phổi… – Triệu chứng cận lâm sàng: + Giảm tiểu cầu (< 100.000/L) ở mẹ có thể xảy ra cấp tính và phụ thuộc vào mức độ tiến triển, mức độ trầm trọng của bệnh. + Các thay đổi liên quan đến thận bao gồm giảm mức lọc cầu thận, tăng nồng độ creatinin, acid uric huyết thanh. + Hoại tử và xuất huyết quanh khoảng cửa ngoại vi phân thùy gan gây tăng các men gan (SGOT, SGPT). + Xét nghiệm nước tiểu có protein niệu và hồng cầu niệu. + Soi đáy mắt biểu hiện co các động mạch võng mạc ở một điểm hay một vùng hoặc phù võng mạc.
3. Tiền sản giật được chẩn đoán như thế nào? TSG là một trong bốn nhóm phân loại của tăng HA trong thai kỳ, bao gồm: tăng HA thai kỳ, tiền sản giật, tăng HA mạn tính, TSG trên người tăng HA mạn tính. Tiêu chẩn chẩn đoán TSG bao gồm: Tăng HA: HATT ≥ 140mmHg và / hoặc HATTr ≥ 90mmHg, đo 2 lần cách ít nhất 4 giờ, xuất hiện sau 20 tuần thai kỳ ở trường hợp có HA trước đó bình thường. Nếu HATT ≥ 160 mmHg và HATTr ≥ 110 mmHg, thì đo xác nhận lại trong vài phút là đủ VÀ xuất hiện ít nhất một trong các triệu chứng: – Protein niệu ≥ 300mg/24 giờ hoặc ≥ 2 (+) với que thử nước tiểu (nếu không thể xét nghiệm định lượng) hoặc tỷ protein/creatinin niệu ≥ 0,3 (mg/dl) ở mẫu nước tiểu ngẫu nhiên. – Giảm tiểu cầu < 100.000 x 109/L. – Giảm chức năng thận: Nồng độ creatinin huyết thanh > 1,1mg/dl hoặc nồng độ creatinin tăng gấp đôi sau khi loại trừ các bệnh lý thận khác. – Giảm chức năng gan: Các men gan tăng ít nhất gấp 2 lần ngưỡng trên giới hạn bình thường. – Phù phổi. – Xuất hiện triệu chứng thần kinh, thị giác (đau đầu không đáp ứng với thuốc giảm đau sau khi loại trừ các bệnh lý khác, nhìn mờ, lóa sáng, ám điểm).
4. Tiền sản giật được phân loại như thế nào? Về mặt triệu chứng, TSG được phân loại thành: – TSG chưa có triệu chứng nặng. – TSG có triệu chứng nặng. Về thời gian xuất hiện trong thai kỳ, TSG được phân loại thành: – TSG khởi phát sớm: xuất hiện < 34 tuần 0 ngày. – TSG khởi phát muộn: xuất hiện ≥ 34 tuần 0 ngày.
5. Các yếu tố nguy cơ của tiền sản giật là gì? – Đặc điểm mẹ: + Mức sống thấp. + Lạm dụng chất kích thích. – Tiền sử: + Có trên một lần mang thai TSG, đặc biệt là tiền sử TSG sớm và sinh cực non (< 28 tuần); tiền sử gia đình bị TSG (mẹ hoặc chị em gái). + Bệnh thận mạn tính. + Bệnh lý tự miễn: lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid. + Bệnh lý tăng đông máu. + Đái tháo đường týp 1 hoặc týp 2. + Tăng HA mạn tính. + Tiền sử gia đình mắc các bệnh tim mạch sớm, mẹ thai phụ có tăng HA. – Tình trạng thai kỳ này: + Cách lần mang thai trước > 10 năm. + Mang thai con so. + Đa thai. + Chồng, bạn tình khác so với các lần mang thai trước. + Có sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. + Mẹ mang thai ở tuổi từ 40 trở lên. + Hút thuốc lá trong thai kỳ. + Chỉ số khối cơ thể (BMI) trước mang thai ≥ 35kg/m2. + Mức HA cơ bản: HATT > 130mmHg hoặc HATTr > 80mmHg. + Tăng cân quá mức trong thai kỳ. + Nhiễm trùng thai nghén. + Bệnh lý tế bào nuôi. + Tăng triglycerid trong thai kỳ.
6. Biến chứng của tiền sản giật là gì? – Đối với sản phụ: + Sản giật + Hội chứng HELLP (Hemolysis, Elevated Liver enzymes, Low Platelets): máu, tăng men gan, giảm tiều cầu. + Phù phổi cấp + Xuất huyết não + Vỡ gan + Tử vong – Đối với thai nhi: + Thiểu ối + Nhau bong non + Sinh non + Thai chậm tăng trưởng + Thai lưu
7. Mục tiêu điều trị của tiền sản giật là gì? – Đối với sản phụ: + Ngăn cản sự tiến triển của bệnh. + Tránh các biến chứng có thể xảy ra. + Cải thiện tình trạng bệnh và giảm tỉ lệ tử vong mẹ. – Đối với thai nhi + Đảm bảo sự phát triển của thai nhi trong tử cung. + Hạn chế tối đa những nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi, thai lưu, kém phát triển. + Giảm tỉ lệ bệnh tật, tỉ lệ tử vong chu sinh. – Một số lưu ý: + Ưu tiên bảo vệ mẹ, có chiếu cố đến con. + Các thuốc điều trị triệu chứng cho mẹ đồng thời có thể tác động đến thai nhi nên cân nhắc kỹ trước khi dùng thuốc điều trị cho mẹ. + Điều trị triệt để duy nhất là chấm dứt thai kỳ.
8. Tiền sản giật chưa có triệu chứng nặng được điều trị như thế nào? Chủ yếu điều trị ngoại trú khi: – Không có chỉ định CDTK ngay. – Huyết áp không > 140/90 mmHg. – Bệnh nhân nhà gần, có khả năng theo dõi tại nhà. Nhập viện chấm dứt thai kỳ ngay khi có ít nhất một trong các tình trạng sau: – Thai ≥ 37 tuần – Nghi ngờ nhau bong non – Thai ≥ 34 tuần, kèm theo một trong các yếu tố sau: + Chuyển dạ tiến triển hoặc vỡ ối + Ước lượng cân nặng thai nhi trên siêu âm < bách phân vị thứ 5 + Thiểu ối (AFI<5cm) +CTG nhóm III * Đánh giá theo dõi thai nhi: – Theo dõi cử động thai hằng ngày. – Khám thai, đo CTG non-stress test 2 lần/ tuần. – Siêu âm theo dõi sự phát triển của thai nhi + AFI: 1 lần/tuần. – Siêu âm Doppler lặp lại mỗi tuần nếu có bất thường về sự phát triển của thai nhi, nước ối * Đánh giá theo dõi sản phụ – Đo huyết áp và kiểm tra các triệu chứng mỗi ngày. – Xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu, chức năng gan, thận, Protein niệu 1 lần/tuần hay lặp lại gần hơn tùy diễn biến trên lâm sàng – Hướng dẫn tự do huyết áp, tự theo dõi và phát hiện sớm các dấu nặng để đến bệnh viện khám – Hướng dẫn chế độ ăn nhiều đạm, nhiều rau và trái cây tươi. Không ăn quá mặn, không nằm nghỉ ngơi tuyệt đối, không vận động nhiều, không làm việc nặng. Tái khám: ngoài những lần khám thai thường quy để thực hiện các thăm khám hay theo dõi như trên, sản phụ cần tái khám ngay khi: – Khi có triệu chứng nghi ngờ là triệu chứng TSG nặng. – Thai máy ít, yếu. – Đau bụng. – Gò tử cung. – Vỡ ối, ra huyết âm đạo.
9. Tiền sản giật chưa có triệu chứng nặng được điều trị nội trú như thế nào? Chỉ định nhập viện điều trị nội trú: – Nếu HA > 149/90 mmHg và protein niệu 2+ – Khởi phát các triệu chứng nặng của TSG, tăng huyết áp nặng. – Bằng chứng cho thấy thai chậm phát triển trong tử cung. – Xét nghiệm men gan tăng cao dần, tiểu cầu giảm thấp dần. – Bệnh nhân không có khả năng theo dõi tại nhà hay nhà xa. Theo dõi lâm sàng: Ngoài việc theo dõi tình trạng mẹ và thai nhi như ngoại trú, cần: – Khám lâm sàng theo dõi các triệu chứng hằng ngày. – Theo dõi ượng nước tiểu mỗi ngày. – Theo dõi cân nặng lúc nhập viện và mỗi ngày. – Đo huyết áp mỗi 4 giờ, trừ khoảng thời gian từ nửa đêm đến sáng. – Theo dõi tình trạng chuyển dạ hằng ngày. – Đo ECG và soi đáy mắt.
10. Tiền sản giật chưa có triệu chứng nặng được điều trị nội trú bằng các loại thuốc gì? 10.1. Thuốc hạ huyết áp Sử dụng thuốc hạ HA cần cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc hạ HA có thể ảnh hưởng bất lợi trên cả mẹ và thai. Ảnh hưởng trên thai nhi hoặc gián tiếp do giảm lưu lượng tuần hoàn tử cung nhau hoặc trực tiếp trên tim mạch. Không nên hạ HA quá nhanh và quá mức và HA mục tiêu: – Với HA 140 -159/90-109 mmHg và không có các yếu tố bệnh lý kèm theo (ĐTĐ, bệnh lý thận): HATT 130-155 mmHg và HATr 80-105 mmHg. – Với HA 140 -159/90-109 mmHg và có các yếu tố bệnh lý kèm theo (ĐTĐ, bệnh lý thận): HA mục tiêu quanh mức 130/80 mmHg và dưới 140/90 mmHg. Sử dụng thuốc uống một loại hay phối hợp nhiều loại nếu cần: – Methydopa (Aldomet, Dopegyt): + Phân nhóm theo FDA: B. Thuốc dạng viên 250 mg, 500 mg + Tác dụng phụ: • Lơ mơ, ngủ gà, an thần, nhức đầu, trầm cảm. • Viêm cơ tim, suy tim, tụt HA tư thế. • Giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, thiếu máu tán huyết. • Nôn, buồn nôn tiểu chảy, táo bón. • Viêm gan, viêm tụy. + Chống chỉ định: • Bệnh lý gan diễn tiến • Nhạy cảm với thành phần của thuốc. – Chẹn kênh Calci (Nifedipine, Adalat): Phân nhóm theo FDA: C Chỉ định: đau thắt ngực, tăng huyết áp Chống chỉ định: Sốc tim Thận trọng: Hội chứng suy nút xoang, Block A-V độ 2-3, nhồi máu cơ tim, hẹp van ĐM chủ, suy tim tổn thương gan thận. Thuốc qua được sữa mẹ. Chuyển hóa ở gan, thải qua nước tiểu, phân kết hợp protein 92-98%. +Tác dung phụ: • Nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt, run, ù tai • Nhịp tim nhanh hồi hộp đánh trống ngực
10.2. Dự phòng co giật bằng Magnesium sulfate – Chỉ định: + Khi TSG có triệu chứng diễn tiến nặng dần. + Không chỉ định phụ thuộc hoàn toàn vào trị số huyết áp, mà còn phải dựa vào các triệu chứng cơ năng, thực thể và cận lâm sàng. Nhiều trường hợp huyết áp chỉ ngang mức 140/90 mmHg nhưng vẫn sử dụng Magnesium sulfat (MgSO4) vì trên lâm sàng có biểu hiện diễn tiến nặng, nguy cơ bị sản giật. – Liều dùng: Magnesium sulfat 15% ống 10 ml. + Liều tấn công: 3 – 4,5g tùy thuộc vào cân nặng và tiền căn sử dụng Magnesium sulfat. + Liều duy trì: 1-2 g/giờ truyền tĩnh mạch bằng cách sử dụng bơm kim điện. – Chế độ theo dõi: Theo dõi mỗi giờ các dấu hiệu sau (xếp theo thứ tự ưu tiên): + Sinh hiệu + Phản xạ gân xương. + Đếm nhịp thở + Nước tiểu + Theo dõi tri giác (tỉnh táo, lơ mơ, hôn mê…) + Tim thai – Dấu hiệu quá liều Magnesium sulfat: + Giảm phản xạ gân xương (PXGX) cho đến mất PXGX + Nhịp thở chậm đến ngưng thở. + Theo đổi tri giác theo chiều hướng xấu. + Rối loạn dẫn truyền trong tim (chậm nhịp tim, loạn nhịp). + Giảm hay mất dao động nội tại của tim thai. + Định lượng Mg ++/máu khi lâm sàng nghi ngờ quá liều. Đo nồng đồ Mg huyết thanh mỗi 12 giờ và điều chỉnh liều duy trì để giữ được nồng độ Mg trong khoảng 4 -7 mEq/L (4,8 -8,4 mg/dL). + Mối liên quan giữa nồng độ Magnesium/huyết thanh và triệu trứng lâm sàng: • 9,6 -12 mg/dl (4,0 -5,0 mmol/L) mất phản xạ gân xương • 12 – 18 mg/dl (5,0-7,5 mmol/l: liệt cơ hô hấp • 24-30 mg/dl (10-12,5 mmol/L): ngưng tim – Ngưng truyền magnesium sulfat nếu không có phản xạ gân xương, nhịp thở < 16 nhịp/phút hay ngưng thở, nước tiểu < 100ml/4 giờ. – Xử trí ngộ độc Magnesium sulfat: + Ngay lập tức ngưng Magnesium sulfat. + Thuốc đối kháng: Calcium gluconate 1g. + Đặt nội khí quản và thông khí để cứu sống người bệnh nếu có suy hô hấp ngưng thở. + Xem xét dùng lợi tiểu quai Furosemid để tăng thải qua thận xử lý tiếp tùy tình trạng suy thận. – Thời điểm ngưng thuốc: + Khi có dấu hiệu quá liều Magnesium sulfat + HA ổn định liên tục trong 24 giờ từ thời điểm ngưng truyền Magnesium sulfate + Sau sinh 24 giờ và sau cơn co giật cuối cùng 24 giờ mà tình trạng HA ổn không cần truyền thêm Magnesium sulfate
10.3. Hỗ trợ trưởng thành phổi thai nhi bằng Corticosteroid Bắt đầu tuổi thai 25 tuần Lặp lại khi Corticosteroid có đủ các tiêu chuẩn sau: – Tuổi thai < 34 tuần, – Có nguy cơ phải chấm dứt thai kỳ trong vòng 7 ngày sắp tới – Cách thời điểm sử dụng Corticosteroid trước > 7 ngày – Mới chỉ sử dụng < 3 liều Corticosteroid Ưu tiên sử dụng betamethsone 4mg x 3 ống tiêm bắp mỗi 24 giờ. Hoặc dexamethasone 4mg, tiêm bắp 6mg mỗi 12 tiếng.
11. Tiền sản giật có triệu chứng nặng được điều trị như thế nào? 11.1. Nguyên tắc xử trí – Dự phòng và kiềm soát cơn co giật bằng magnesium sulfate. – Hạ HA đường tĩnh mạch khi HATTr ≥ 110 mmHg hoặc HATT ≥ 160 mmHg. Chú ý không hạ áp nhanh và quá mức. – Chấm dứt thai kỳ sau khi chống co giật và hạ HA đủ 24 giờ. – Tránh sử dụng lợi tiểu. Hạn chế truyền dịch trừ khi có tình trạng mất nước nhiều – Lưu ý: Trì hoãn việc chấm dứt thai kỳ có thể giúp ổn định tình trạng mẹ, kịp chuyển tuyến, kịp sử dụng Corticosteoid hay thậm chí giúp kéo dài tuổi thai thêm. Tuy nhiên điều này đồng thời mang đến nhiều nguy cơ hơn cho mẹ và thai nhi.
11.2. Điều trị cụ thể Ngoài các phương pháp điều trị tương tự TSG chưa có triệu chứng nặng, điều trị TSG có triệu chứng nặng có các điểm khác biệt sau: Thuốc hạ huyết áp có thêm: – Nicardipine: + Phân nhóm theo FDA: C + Chỉ định, chống chỉ định, thận trọng tương tự nifedipine. Nifedipine được chỉ định khi Khi HATT > 180 mmHg, HATB > 140 mmHg. + Bắt đầu có tác dụng sau 1 phút + Liều dùng: • Ống 10 mg/10 ml pha với 40 ml nước cất hoặc NaCl 0,9 %. • Tấn công 0,5 -1 mg (2.5 -5 ml) tiêm tĩnh mạch chậm. • Duy trì bơm tiêm điện 1 -3 mg/giờ (5-15 ml/h). • Nếu dùng không đáp ứng dau 15 phút tăng 2,5 mg/h, tối đa 15mg/giờ. + Lưu ý: • Thực hiện thuốc và theo dõi tại Khoa Hồi sức Tích cực đến khi huyết áp ổn định vì sử dụng Nicardipine trong khi truyền Magnesium sulfat có tương tác gây tác dụng hạ áp nhanh và mạnh khó kiểm soát. • Khi dùng phải có monitoring theo dõi liên tục. • Chuyển dần qua các thuốc uống khi HA ổn định, sau sinh hoặc sau mổ lấy thai. – Thuốc lợi tiểu: Chỉ dùng khi có triệu trứng dọa phù phổi cấp, phù phổi cấp + Lasix (Furosemide) 1 ống 20 mg x 8 ống, tiêm tĩnh mạch chậm. + Không dùng dung dịch ưu trương. + Có thể truyền Lactate Ringer với tốc độ 60 -12 ml/giờ
11.3. Chấm dứt thai kỳ – Chỉ định về phía mẹ: + Tăng HA không kiểm soát được + Xuất hiện các triệu chứng nặng báo hiệu nguy cơ sản giật (nhức đầu, rối loạn thị giác kéo dài…) dù đã kiểm soát HA, dự phòng co giật. + Có tình trạng suy thận mởi xuất hiện hoặc tiến triển + Thiểu niệu (< 500 ml/24 giờ hoặc < 100 ml/4 giờ, < 30 ml/giờ) kéo dài dù đã bù dịch đủ + Giảm tiểu cầu diễn tiến nặng dần sau mỗi lần xét nghiệm. + Hội chứng HELLP + Rối loạn đông cầm máu, đông máu rải rác trong lòng mạch + Phù phổi cấp + Sản giật + Nghi ngờ nhau bong non + Chuyển dạ diễn tiến hay vỡ ối – Chỉ định về phía thai nhi: + Thai ≥ 34 tuần, CDTK sớm ngay khi mẹ ổn định + Thai chậm phát triền trong tử cung nựng + Thiểu ối + SA Doppler: đảo ngược sóng tâm trương động mạch rốn + CTG nhóm III + Thai lưu + TSG nặng ở tuổi thai không có khả năng sống được, CDTK ngay khi ổn định tình trạng mẹ – Phương pháp chấm dứt thai kỳ: phụ thuộc vào tuổi thai, ngôi thai, tình trạng CTC, tình trạng sức khỏe mẹ và thai nhi… Tuy nhiên không bắt buộc phải mổ lấy thai trong mọi trường hợp. + Khởi phát chuyển dạ: nếu cổ tử cung thuận lợi có thể gây chuyển dạ bằng oxytocin và theo dõi bằng monitoring giúp sinh thường. + Nếu cổ tử cung không thuận lợi: mổ lấy thai.
12. Bệnh nhân tiền sản giật được chăm sóc và theo dõi như thế nào? Ngoài chế độ theo dõi khi sử dụng Magnesium sulfate thì cần phải theo dõi các dấu hiệu sau: – Chế độ chăm sóc: + Chăm sóc cấp 1. + Phải nằm trong phòng yên tĩnh và thoáng mát tránh mọi kích thích. + Nằm nghĩ ngơi, nghiêng trái. + Ăn ít mặn, nhiều đạm, rau quả tươi. – Theo dõi tình trạng mẹ + Sinh hiệu, lượng nước và nước tiểu ít nhất mỗi 8 giờ. + Các triệu chứng của TSG nặng: đau đầu, thay đổi thị giác, đau hay tức ngực, khó thở, nôn ói, đau thượng vị ít nhất mỗi 8 giờ. + Theo dõi tình trạng cơn gò tử cung, đau bụng, huyết nước âm đạo ít nhất mỗi 8 giờ. + XN: CTM, đếm tiểu cầu, men gan, creatinine huyết tương. LDH nên được thực hiện mỗi 8 – 12 giờ, các XN khác thuộc bilan TSG thực hiện mỗi 24 giờ. Nếu tình trạng BN ổn định và không có triệu chứng diễn tiến nặng hơn có thể giãn khoảng cách XN ra cách ngày. – Theo tình trạng sức khoẻ thai nhi: + Theo dõi cử động thai và theo dõi tim thai, cơn go tử cung mỗi ngày. + Siêu âm theo dõi sự phát triển của thai nhi, nước ối mỗi tuần. Siêu âm Doppler nếu nghi ngờ thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung.
13. Tiền sản giật được dự phòng như thế nào? 13.1. Xác định nhóm nguy cơ cần dự phòng tiền sản giật 13.1.1. Đối với nhóm bệnh nhân ngoại trú Xác định nhóm nguy cơ cao cần điều trị dự phòng TSG dựa vào các đặc điểm mẹ, các yếu tố tiền sử, bệnh sử, yếu tố gia đình liên quan đến TSG: – Điều trị dự phòng nếu có một trong những yếu tố nguy cơ sau: Tiền sử TSG (đặc biệt khi có biến chứng nặng), đa thai, tăng HA mạn, đái tháo đường typ 1 hoặc 2, bệnh thận, bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid…) – Cân nhắc điều trị dự phòng TSG nếu có từ 2 yếu tố sau: thai con so, béo phì (BMI >30kg/m2), tiền sử gia đình TSG (mẹ hoặc chị, em), mẹ trên 35 tuổi, đặc điểm xã hội (điều kiện kinh tế xã hội thấp), tiền sử thai nhẹ cân, kết quả thai kỳ bất lợi, khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên 10 năm. – Đối với nhóm không có yếu tố nguy cơ cao, quản lý thai nghén thường quy.
13.1.2. Đối với tuyến có khả năng phẫu thuật và thực hiện mô hình sàng lọc – Thời điểm 3 tháng đầu thai kỳ: + Các trung tâm có thể triển khai thường quy mô hình sàng lọc TSG: Xác định nhóm nguy cơ cao TSG dựa vào mô hình phối hợp các yếu tố nguy cơ mẹ, HA động mạch trung bình, siêu âm doppler chỉ số xung động mạch tử cung và xét nghiệm sinh hóa PlGF hoặc PAPP-A (sử dụng PAPP-A nếu không thể xét nghiệm PlGF). Cần điều trị dự phòng khi nguy cơ xác định bằng mô hình phối hợp ≥ 1/100. + Các trung tâm chưa triển khai thường quy mô hình sàng lọc TSG: khuyến cáo ưu tiên lựa chọn nhóm nguy bằng mô hình phối hợp hơn so với chỉ dựa vào các yếu tố nguy cơ mẹ. Có thể áp dụng mô hình phối hợp yếu tố nguy cơ mẹ và HA động mạch trung bình, sau đó, những đối tượng nguy cơ cao sẽ phối hợp thêm siêu âm Doppler chỉ số xung động mạch tử cung và xét nghiệm sinh hóa như trong mô hình tối ưu được khuyến cáo để xác định nhóm cần can thiệp và chỉ định điều trị dự phòng tại tuyến tỉnh trở lên. – Thời điểm 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ: + Tiếp tục sàng lọc TSG bằng mô hình dự báo phối hợp yếu tố nguy cơ mẹ, HA động mạch trung bình, chỉ số xung động mạch tử cung và PlGF, sFlt-1. + Không có chỉ định điều trị dự phòng.
Sơ đồ 1. Mô hình sàng lọc và dự phòng TSG trong 3 tháng đầu thai kỳ
13.2. Liều lượng và thời gian điều trị dự phòng 13.2.1. Liều lượng – Aspirin liều thấp, 81 – 150mg/ uống buổi tối, bắt đầu từ tuần thứ 11 – 13+6 tuần cho đến 36 tuần tuổi thai, tối thiểu liệu trình phải đạt đến 28 tuần tuổi thai, nên kết thúc khoảng 1 tuần trước khi thai đủ tháng. Cân nhắc liều lượng dựa theo trọng lượng thai phụ để hạn chế tình trạng đề kháng aspirin. – Bổ sung canxi liều ≥ 1 gram/ngày: khuyến cáo sử dụng để dự phòng TSG cho nhóm có chế độ ăn có canxi thấp (< 600gram/ngày) hoặc nhóm nguy cơ cao không thể điều trị dự phòng bằng aspirin.
13.2.2. Chống chỉ định sử dụng aspirin trong thai kỳ – Dị ứng với acetylsalicylate hoặc các thuốc kháng viêm không steroid. – Bệnh nhân hen phế quản, viêm mũi, polype mũi. – Tiền sử loét dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hóa. – Các trường hợp có suy thận, suy gan, suy tim. – Rối loạn đông chảy máu, giảm tiểu cầu. – Bệnh thiếu men G6PD. – Thai phụ đang nhiễm virus (sốt xuất huyết).
13.2.3. Ngưng điều trị aspirin – Tuổi thai đạt 36 tuần. – Có dấu hiệu chuyển dạ. – Được chẩn đoán TSG.
14. Dấu hiệu nào cần tái khám ngay khi sản phụ nghi ngờ mắc tiền sản giật? – Đột ngột phù tay, mặt hoặc chân làm bạn tăng cân vì cơ thể giữ nước. – Đau bụng vùng dạ dày và có vẻ như là khó tiêu. Đau có thể lan ra 2 bên xương sườn. – Đau đầu dữ dội không bớt sau khi nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau. – Mờ mắt, nhìn thấy chớp sáng là dấu hiệu cảnh báo. – Buồn nôn và nôn. – Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực. – Cảm giác bất an cho bản thân hoặc cho bé. – Thay đổi thể tích nước tiểu so với bình thường.
Từ khóa » Chẩn đoán Tiền Sản Giật Mới Nhất
-
Tiền Sản Giật Và Sản Giật - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Chẩn đoán Và Xử Trí Tăng Huyết áp, Tiền Sản Giật Và Sản Giật
-
Quyết định 1911/QĐ-BYT 2021 Tài Liệu Hướng Dẫn Sàng Lọc Và điều ...
-
Tiền Sản Giật: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị
-
Tiền Sản Giật Và Sản Giật: Chẩn đoán Và điều Trị
-
Cập Nhật Những Khuyến Cáo Của ACOG Về Tiền Sản Giật
-
Cao Huyết áp - Tiền Sản Giật - Sản Giật - Bệnh Viện Hùng Vương
-
[PDF] TiỀN SẢN GiẬT VÀ SẢN GiẬT - Bệnh Viện Từ Dũ
-
TIỀN SẢN GIẬT - BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỨC GIANG
-
Tiền Sản Giật: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách điều Trị Và Phòng Ngừa
-
Khám Chữa Bệnh Phổ Biến Kiến Thức Y Khoa
-
Tiền Sản Giật Là Gì? Cách Chẩn đoán Tiền Sản Giật
-
Tiền Sản Giật Nguy Hiểm Không Và Biến Chứng Thường Gặp - Medlatec
-
Sàng Lọc Bệnh Lý Tiền Sản Giật đối Với Thai Phụ