Chăm Sóc Vết Thương Tại Nhà

Với các vết bầm tím trên da

Đối với các sang chấn nhẹ vết bầm tím thường tan từ từ. Tuy nhiên vết bầm tím da có thể làm khó chịu, mất thẩm mỹ vì thời gian tan vết bầm tím  thường kéo dài. Lúc đầu, vết bầm màu đỏ hay hồng, rồi đỏ tím sau 1 đến 2 ngày chuyển sang màu xanh tím. Từ 5-10 ngày vết bầm dần dần trở thành xanh lá cây, nhạt dần và chuyển vàng. Sau 10 - 14 ngày vết bầm sẽ chuyển sang màu vàng nâu rồi mờ dần. Quá trình này kéo dài hơn 2 tuần lễ da mới trở lại màu sắc bình thường. Do đó chúng ta cần biết cách chăm sóc giúp vết bầm tan nhanh hơn.

 

 Sơ cứu đúng cách sẽ giúp vết bầm tím tan nhanh hơn.

Cách xử trí giúp tan nhanh vết bầm tím da

- Trong vòng 48 giờ đầu khi bị vết tím bầm trên da chúng ta nên mỗi 1 - 2 giờ thì chườm lạnh trong khoảng 15 phút để giúp co thắt mạch máu, tác dụng cầm máu tại chỗ và giúp giảm đau và giảm sưng. Thực hiện điều này càng sớm càng tốt.

- Nếu vết bầm tím ở chân có thể khi ngồi hoặc nằm kê chân có vết bầm tím lên cao để giúp máu lưu thông dễ dàng và giảm sưng. Hạn chế vận động ở chân có những vị trí bị bầm.

- Nếu sau 48 giờ chỗ bầm vẫn còn đau thì áp dụng phương pháp chữa trị bằng nhiệt, chườm ấm bằng khăn ấm, một chai nước nóng hoặc túi nóng nhưng đủ để ấm tránh trường hợp bị bỏng.

Trong trường hợp vết bầm tím có kèm theo các dấu hiệu sau đây cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu: Khi vết bầm tím kèm theo sốt; Vết bầm tím vùng gần mắt; Vết bầm sưng lên, chuyển sang màu đỏ và rất đau; Trẻ không cử động được; Vết bầm không biến mất sau 2 tuần; Những vết bầm bất ngờ, không rõ nguyên nhân hoặc xuất hiện nhiều lần, thường xuyên không giải thích được.

Với các vết thương chảy máu trên da

Nếu vết thương bị rách da chảy máu, nhanh chóng cầm máu bằng bông, gạc hoặc vải sạch.

- Vết thương rách da thường dễ bị nhiễm bẩn do bụi đất, cát do vậy chăm sóc đầu tiên là làm sạch vết thương. Trước khi chăm sóc vết thương nên rửa tay sạch bằng xà phòng để tránh lây nhiễm thêm cho vết thương.

Rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng. Dùng dụng cụ y tế hoặc dùng nhíp rửa sạch gắp các mảnh bẩn ra. Sau đó, lau khô vết thương bằng gạc sạch. Sát trùng vết thương và quanh vết thương bằng một số dung dịch i-ốt hữu cơ có bán ở nhà thuốc để loại bỏ vi khuẩn. Băng vết thương lại bằng băng y tế để cầm máu và chống ô nhiễm thêm vi khuẩn. Thay băng và lau rửa vết thương bằng dung dịch i-ốt hữu cơ ngày 1 lần cho đến khi vết thương liền sẹo.

Lưu ý:

Trước khi chăm sóc vết thương nên rửa tay sạch bằng xà phòng để tránh lây nhiễm thêm cho vết thương.

Nên trang bị trong tủ thuốc gia đình các vật dụng y tế cần thiết như bông gòn, băng, gạc sạch, nước muối, thuốc sát trùng, rất hữu dụng khi cần thiết.

Ngoài ra, tạo môi trường sạch sẽ, cho trẻ ở nơi thoáng mát, giữ gìn vệ sinh da hàng ngày cho trẻ càng giúp mau lành vết thương và tránh biến chứng. Nếu vết thương có những biểu hiện sau: chảy máu nhiều, quá lớn, bẩn. Bên cạnh đó có các dấu hiệu bị viêm nhiễm nặng như sau hoặc sau vài ngày sưng tấy, nổi đỏ; chảy mủ; sốt trên 38oC... cần đưa đến cơ  sở  y tế để được các thầy thuốc điều trị. Vết thương bằng vật kim loại gỉ, cây que bẩn... cần đưa ngay đến cơ sở y tế để tiêm phòng uốn ván.       

BS. Bạch Thủy - Hải Thoa

 

Từ khóa » Dịch Vụ Thay Băng Rửa Vết Thương Tại Nhà