CHÂN ĐỊNH THƯỜNG SƠN CÒN KẺ NÀO? – Bát Kỳ Là Ai?

Tác giả: Chun Station

Người dịch: Gia Phương

Link gốc: https://chunstation1221.blogspot.com/2021/04/blog-post.html?fbclid=IwAR1fiWLppeFc0szzIqVOp07wj3dmzUEhcT0IfXY1eA3CKoY-oa_-nCSBafc

Mới thoáng đó mà “Hỏa Phụng Liêu Nguyên” đã ra đến tập 70, nhớ lúc tập 60 xuất bản cũng là lúc Bát kỳ xuất hiện, khiến các diễn đàn mạng được phen dậy sóng, ai nấy xôn xao về thân phận thật sự của nhân vật này. Thật ra biên tập viên bé nhỏ này cũng giống các bạn thôi, cho đến bây giờ vẫn không biết thân phật thực sự của Bát Kỳ, khi ấy Mị cũng háo hức muốn được cùng mọi người bàn luận thậm chí còn muốn viết một bài để chia sẻ những phỏng đoán của bản thân, không ngờ cứ ngâm dấm ngày này sang tháng khác đến tận lúc này vẫn chưa viết được. Vậy nay nhân dịp tập 70 ra mắt, mà Bát Kỳ cũng chưa thực sự lộ diện, kẻ hèn này cũng xin đưa ra phỏng đoán của bản thân, thử xem có bạn nào cùng chung suy nghĩ.

Lối tư duy của Trần Mỗ là một địa hạt mà người thường khó lòng đặt chân vào được, bởi vậy khi lão sư chưa chính thức công bố đáp án, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Cho đến lúc này, phần lớn độc giả đều cho rằng Bát Kỳ có cùng tên gọi với nhân vật chính của chúng ta, tức Triệu Vân. Nguyên nhân chủ yếu của suy đoán này chính là vì người nọ có cùng họ Triệu với nghĩa huynh Triệu Phạm, và lúc Triệu Vân bảo hắn xưng tên, hắn lại chỉ lên trời. Cái “chỉ” tay này của hắn thực ra vẫn còn mang theo nhiều khả năng khác. Kẻ hèn này tự thấy ngoài việc tìm đáp án từ lượng thông tin quá ít ỏi mà nội dung truyện cung cấp, chúng ta cũng nên lục tìm thử trong sử sách một chút xem sao. Tên có thể cải, họ có thể sửa, nhưng nơi sinh chắc chắn không thay đổi, vậy ở thời đại Tam Quốc, ngoài Triệu Vân còn nhân vật nào cũng xuất thân từ huyện Chân Định, Thường Sơn đây? Suy luận dựa theo những thông tin này, kẻ hèn tôi đột nhiên nghĩ đến một người, người này chính là Bát Kỳ trong lòng tôi, thủ lĩnh Hắc Sơn “Trương Yên”. Đoạn sau, kẻ hèn này xin mạn phép giới thiệu một chút thông tin liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Trương Yên, và đặt bên cạnh Bát Kỳ, để xem giữa họ có điểm chung nào không.

Điểm giống nhau của Trương Yên và Triệu Vân chính là cả hai đều xuất thân từ huyện Chân Định, Thường Sơn. Trương Yên vốn họ Chử, năm 184 khi loạn Khăn Vàng bùng lên, hắn tụ tập đám thiếu niên hành nghề trộm cắp ở sơn trạch làm loạn, sau này chiếm vùng Chân Định, quân trong tay tổng cộng hơn một vạn người. Không lâu sau, Trương Ngưu Giác cũng khởi binh, hợp lại cùng Chử Yên, Chử Yên nhường Trương Ngưu Giác làm chủ soái, cùng tấn công Anh Đào. Trương Ngưu Giác bị trúng tên lúc giao chiến, trước khi chết lệnh cho kẻ dưới “Giao cho Yên làm chủ soái”. Chử Yên có tình có nghĩa, tự cải sang họ Trương. Rất có thể, chuyện huynh trưởng qua đời kia, khiến hắn có thói quen “nhận huynh trưởng”, nói không chừng việc sau này nhận Triệu Phạm làm nghĩa huynh cũng có ngụ ý tương tự.

Sử sách chép lại rằng Trương Yên nhanh nhẹn linh hoạt hơn người, vì thế trong quân có biệt danh “Phi Yến”, mà thực lực của Bát Kỳ Thủy Kính cũng không tầm thường chút nào, người đủ bản lĩnh đâm Triệu Vân bị thương cũng xem như hàng cao thủ. Sau này, Trương Yên dẫn quân đánh khắp các vùng chung quanh, dần dà Thường Sơn, Triệu Quận, Trung Sơn, Thượng Đảng, sơn cốc Hà Nội đều trở thành căn cứ địa của quân phản loạn Trương Yên. Tiếp đó, lần lượt Tôn Khinh, Vương Đương dẫn quân tới cậy dựa Trương Yên, nhân số có lúc lên đến trăm vạn người, lấy danh “giặc Hắc Sơn”. Giặc Hắc Sơn khi ấy là một trong những thế lực khiến quan quân triều đình vô cùng đau đầu, chỉ đứng sau giặc Khăn Vàng, không chỉ vậy thủ lĩnh của đám phiến loạn này cũng họ Trương, vừa mới giải quyết xong thế lực Trương Giác lại xuất thiện thêm một Trương Yên này, khiến đương kim hoàng đế Lưu Hồng thúc thủ vô sách, các quận Hà Bắc đều bị giặc Hắc Sơn xâm phạm.

Sau này Trương Yên lại phái người cầu hàng triều đình, triều đình liền đáp lễ phong cho Trương Yên làm Bình Nan Trung Lang tướng, cai quản sự vụ ở sơn cốc Hà Bắc, cùng năm đó được đề bạt lên chức Hiếu liêm, Kế lại. Có điều, từ khi thành quan Trương Yên càng không biết kiêng nể, dần dà xâm phạm tới Hà Nội, lăm le kinh sư, vì thế triều đình bèn bổ nhiệm Chu Tuấn làm Thái thú Hà Nội, mang quân đánh bại được Trương Yên.

Năm 190, Đổng Trác ép buộc Hán Hiến Đế dời đô đến thành Trường An, hỏa thiêu Lạc Dương, Quan Đông đại loạn, trong khoảng thời gian ngắn ngủi này quần hùng bốn phương cùng trỗi dậy, Trương Yên liên kết với hào kiệt nơi nơi. Công Tôn Toản và Viên Thiệu tranh giành Ký Châu, Trương Yên cử tướng Đỗ Trường đem quân tới trợ chiến lại bị Viên Thiệu đánh bại, người ngựa tan tác. Trong truyện Bát Kỳ và nghĩa huynh Triệu Phạm cũng gặp được Phàn phu nhân ở thời điểm đó, sau này còn an ủi và sắp đặt mọi chuyện cho nàng, biến nàng thành một món “lợi khí”, hòng lợi dụng trong tương lai.

Năm 192, Việt Thiệu một lần nữa đánh bại Công Tôn Toản ở Long Tấu, Công Tôn Toản đành rút khỏi U Châu, không dám tiếp tục xuôi Nam. Tháng 3 năm 193, giặc Hắc Sơn và lực lương binh sĩ làm chính biến nổi dậy ở Ngụy Quận hợp sức tấn công đánh chiếm Nghiệp Thành, giết chết Thái thú. Tháng 6, Viên Thiệu dẫn quân đánh vào khe Thương Nhan, núi Cự Tràng, Triều Ca diệt phản loạn, liên tục đánh bại các cánh quân Vu Độc, Tả Tư Trượng Bát, Lưu Thạch, Thanh Ngưu Giác, Hoàng Ngưu, Tả Hiệu, Quách Đại Hiền, Lý Đại Mục, giết chết mấy vạn quân… (Đám người này đều xuất hiện trong ngoại truyện tiểu thuyết về Viên Phương.)

Khi ấy Trương Yên nắm trong tay mấy vạn binh, ngựa mấy ngàn con, tung hoành ngang dọc, lại đem binh sang đánh Thường Sơn, cũng thuộc địa hạt của Viên Thiệu. Lữ Bố đang nương nhờ Viên Thiệu, được Viên Thiệu sai mang quân sang Thường Sơn giao tranh với Trương Yên, Lữ Bố cưỡi ngựa Xích Thố có thể vọt qua chiến hào, dẫn theo hơn chục tướng Thành Liêm, Ngụy Việt… cưỡi ngựa đánh úp doanh trại Trương Yên. Một ngày đột kích ba, bốn lần, lần nào cũng xách được thủ cấp về. Đôi bên giao tranh hơn mười ngày, quân Trương Yên chết nhiều, mà quân Viên Thiệu cũng mệt mỏi lui bình. Nhưng có thể chống cự được Chiến Thần Lữ Bố hơn chục ngày, có thể nói là thực lực không vừa, xem như dẫu bại vẫn vinh quang.

Đến lúc này, giặc Hắc Sơn bắt đầu suy yếu. Năm 198, Viên Thiệu tấn công Công Tôn Toản ở Dịch Kinh, con trai Công Tôn Toản khi ấy là Công Tôn Tục sang Thường Sơn cầu cứu, xin Trương Yên dẫn mười vạn quân đến cứu viện nhưng viện binh của Trương Yên chưa đến nơi thì Công Tôn Toản đã bại trận, Công Tôn Tục bỏ mình, Trương Yên đành rút lui. Sau này, Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu trong trận Quan Độ, bình định được Ký Châu, đến tháng 4 năm 205, hơn mười vạn quân Hắc Sơn tặc đầu hàng Tào Tháo, Trương Yên được thăng lên chức Bình Bắc tướng quân, đem binh đóng ở đất Nghiệp, phong làm An Quốc đình hầu, thực ấp năm trăm hộ. Tào Tháo chiếm được Thanh Châu, lại thu được thêm quân Hắc Sơn, sức mạnh tăng lên rất nhiều, nhưng kể từ ấy không hề thấy sách sử ghi chép gì thêm về Trương Yên sau khi hàng Tào.

Một gã sơn tặc luôn chống đối triều đình, đương lúc thế lực hùng mạnh lại đổi hướng muốn làm quan, sau này thiên hạ đại loạn lập tức tụ quân khởi nghĩa, dám đối đầu trực diện với thế lực quân phiệt hùng mạnh phương Bắc là Viên Thiệu, mặc dù kết cục vẫn là bại dưới tay Chiến Thần Lữ Bố, nhưng bại một cách vinh quang. Trước khi hàng Tào, Trương Yên muốn giúp kẻ thù của Viên Thiệu là Công Tôn Toản đối đầu Viên Thiệu, nhưng vì lỡ mất thời cơ mới khiến Công Tôn Toản bị Viên Thiệu diệt. Một nhân vật từng chọc trời khuấy nước lẫy lừng cỡ ấy, cớ gì sau khi hàng Tào lại biến mất không thấy tung tích?

Nếu Trương Yên thực sự là Bát Kỳ, vì lẽ gì hắn không để lộ thân phận của mình trước mặt kẻ mến tài như Tào Tháo? Liệu có khi nào hắn cho rằng Tào Tháo không xứng làm chúa công của mình? Hoặc… dã tâm của hắn còn vượt xa cả Tào Tháo, muốn trở thành bá chủ một phương trong tương lai? Trong số Bát Kỳ, ngoại trừ Viên Phương ít nhiều có dã tâm và cơ hội trở thành bá chủ, mục tiêu của những người còn lại đều chỉ là một lòng một dạ, cúc cung tận tụy phò tá chúa công của mình, vì thế nếu Bát Kỳ thực sự có dã tâm bá chủ, chắc chắn hắn sẽ không để lộ trước mặt Táo Tháo, trước khi sự thành sẽ luôn âm thầm làm việc. Mặc dù hắn có thể coi là nhân vật lẫy lừng trong số sơn tặc, nhưng xuất thân sơn tặc suy cho cùng vẫn không phải điều tốt đẹp, bởi vậy hắn trước sau không dám dùng bộ mặt thật đối diện với người, thậm chí có thể ngay cả các vị sư huynh và Thủy Kính lão sư cũng chưa từng thấy mặt thật của hắn cũng nên.

Còn vì sao hắn vừa có thời gian làm sơn tặc lại vừa bái Thủy Kính làm thầy ư? Chuyện này hoàn toàn có thể giải thích được, chẳng phải học sinh cá biệt trong lớp thường xuyên trốt tiết sao? Bởi vậy lão Thất Gia Cát Lượng mới nói lão Bát thường không hòa đồng với mọi người. Còn chuyện lớn tuổi hăn có thể chịu dưới trướng các sư huynh nhỏ tuổi hơn hay không? Thật ra Viên Phương là đại sư huynh nhưng chưa chắc đã lớn tuổi nhất, danh xưng này có thể đặt theo thứ tự đến bái sư. Nếu giải thích theo cách này, có rất nhiều không gian để Trương Yên thể hiện.

Đối với một sơn tặc mà nói, đã quá quen thuộc những tháng ngày bóng đao ánh kiếm, vì lẽ gì lại muốn bái về trướng Thủy Kính học trở thành một quân sư? Nguyên nhân khiến hắn thay đổi, có lẽ là vì một hôm nào đó, hắn đột nhiên khám phá ra bí mật của sách trong thiên hạ.

Chia sẻ:

  • Email
  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Thủy Kính Bát Kỳ Là Ai