Chẩn đoán Hình ảnh – Nghề đoán Bệnh Qua… ảnh!
Có thể bạn quan tâm
Thoạt nghe qua có thể bạn đang hình dung một nghề tương tự bói toán như đoán vận mệnh qua tướng số, đoán sự kiện qua lá bài, đoán tình duyên qua năm tuổi… Tuy nhiên, dù cùng chung chữ “đoán” nhưng lại là đoán bệnh qua… hình ảnh! Một chuyên ngành non trẻ trong y khoa nhưng phát triển rất nhanh và rất sâu trong những năm gần đây: ngành Chẩn đoán Hình ảnh.
Bài viết được thực hiện bởi THS.BS HỒ HOÀNG PHƯƠNG – Giám đốc Trung tâm Chẩn Đoán Hình Ảnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – TP.HCM.
Lược sử các tên gọi
Từ năm 1895 tia X được phát hiện và cho ra đời kỹ thuật chụp X quang. Đây là kĩ thuật duy nhất thống trị ngành Chẩn đoán Hình ảnh (CĐHA) đến tận những năm 70 của thế kỉ trước, khi ấy tên gọi của ngành là Điện quang hoặc X quang. Bản chất tia X là sóng điện từ nên dùng chữ Điện quang để bao quát về ngành cũng là hợp lý. Vì thế, cho đến nay Hội Điện quang và Y học hạt nhân toàn quốc vẫn đang hoạt động khá sôi nổi.
Tên gọi Ngành X quang hiện nay chỉ còn mang tính chất lịch sử, nhưng tên “Khoa X quang” vẫn còn xuất hiện trong các cơ sở y tế tuyến huyện, xã khi nói về Chẩn đoán Hình ảnh. Ngay cả Bộ môn Chẩn đoán Hình ảnh của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, do thói quen nên có thời gian gần 10 năm được gọi là Bộ môn X quang mặc dù đã đào tạo hầu hết các kĩ thuật liên quan đến chuyên ngành từ rất lâu.
Theo thời gian, các kỹ thuật mới và hiện đại dần xuất hiện. Ngành X quang có tên gọi mới là Chẩn đoán Hình ảnh – chuyên ngành dựa vào các kĩ thuật ghi hình ảnh để cho ra chẩn đoán. Tuy nhiên tên gọi này dễ gây hiểu lầm vì người làm chuyên ngành này không chỉ chẩn đoán mà còn can thiệp điều trị dựa trên các thông tin hình ảnh ghi nhận được. Đây cũng chính là lý do xuất hiện cái tên Hình ảnh học Y khoa hay ngành Hình ảnh học (Imaging – tiếng Anh), cái tên bao hàm đầy đủ tất cả các nội dung và chính xác nhất khi nói về chuyên ngành còn non trẻ này!
Xem thêm: NỘI TỔNG HỢP – KHOA LÂM SÀNG HIỆN ĐẠI BẬC NHẤT TẠI TÂM ANH
Hình ảnh học Y khoa – “Cái bóng của sự thật!”
Cách đây hơn 15 năm, CĐHA được xem là ngành Cận lâm sàng hỗ trợ đắc lực nhất sau quá trình thăm hỏi và khám bệnh. Đây là chuyên ngành dựa trên hình ảnh để chẩn đoán bệnh. Là những biểu hiện bệnh lý được thể hiện một cách gián tiếp thông qua các phương tiện ghi hình. Vì thế, Hình ảnh học Y khoa được ví von là “cái bóng của sự thật!”. Lý do, các bác sĩ không trực tiếp nhìn “sự thật” nhưng từ những “hình bóng” ghi nhận và phản ánh, bác sĩ tiếp cận và phát hiện sự thật, tức là chẩn đoán ra bệnh.
Theo thời gian, cùng với sự phát triển của các kỹ thuật mới, CĐHA không còn đơn giản chỉ là ngành Cận lâm sàng. Nếu như lâm sàng là đến bên giường người bệnh, thăm khám, hỏi bệnh và cho ra chẩn đoán thì Cận lâm sàng là các phương tiện hỗ trợ cho chẩn đoán và hầu như không tiếp xúc với người bệnh.
Thực tế ngày nay cho thấy, bác sĩ CĐHA thường xuyên tiếp xúc nhiều với bệnh nhân. Trừ kỹ thuật X quang, các kỹ thuật khác như siêu âm, CT, MRI và DSA đều rất cần thăm khám kỹ càng và toàn diện người bệnh để có hướng chẩn đoán ban đầu, từ đó cho ra được chiến lược khảo sát và thiết lập phác đồ (protocol) phù hợp nhất.
Ngoài ra, trong CĐHA còn có mảng Hình ảnh học can thiệp với chủ lực là kĩ thuật DSA. Đây là nhánh kĩ thuật trực tiếp điều trị thông qua các can thiệp bằng đường chụp mạch như điều trị các túi phình trong não, dị dạng mạch máu, đặt stent thông nối những mạch máu bị chít hẹp, bơm các thuốc diệt ung thư trong điều trị u gan… Tất cả những điều này đưa đẩy CĐHA đổi tên thành ngành khác, ngành được xem như là ngã ba lâm sàng và cận lâm sàng: ngành Hình ảnh học Y khoa.
Ngày nay, không có chuyên khoa nào là không liên quan đến Hình ảnh học Y khoa. Ngay cả da liễu cũng cần đến sự hỗ trợ của CĐHA khi gặp các bệnh lý hệ thống thể hiện ngoài da, chụp thêm phim X quang phổi, X quang xương khớp để đánh giá toàn diện hơn. Hay như Tâm thần cũng phải dùng đến CĐHA vì ngoài yếu tố tâm thần bị tổn thương thì người bệnh cũng có thể mắc những bệnh lý kết hợp khác. Điều này giúp cho việc chẩn đoán bệnh được toàn diện hơn. Do đó, CĐHA tương tác với mọi chuyên khoa và hỗ trợ theo nhiều cấp độ trong việc cung cấp thêm thông tin lâm sàng cho bệnh nhân.
Bác sĩ Chẩn đoán Hình ảnh – “Kẻ săn lùng”… sự thật
Nếu CĐHA được xem như là “Cái bóng của sự thật” thì những bác sĩ Hình ảnh học chính là người đi truy lùng sự thật! Những “kẻ săn lùng” này được trang bị 6 loại “vũ khí”, từ thô sơ đến hiện đại với những tính năng đặc biệt khác nhau. Vì thế, họ phải biết được hiệu quả tối đa, cách thức vận hành từng loại cũng như biết cách kết hợp chúng với nhau. 6 loại loại “vũ khí” đó là:
1. X quang
Đây là loại “vũ khí” thô sơ và lâu đời nhất mà các bác sĩ CĐHA được trang bị để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến xương khớp và tầm soát ban đầu các bệnh lý ở phổi thông qua chụp X quang ngực… Khi kết hợp với các thuốc tương phản trong lòng ống tiêu hóa, X quang cho cái nhìn toàn diện hơn so với các kĩ thuật khác trong việc đánh giá sự nhu động…
2. Siêu âm
Cũng được xem là loại “vũ khí” thô sơ nhưng có tính linh động rất cao. Không như các kĩ thuật khác phải có sự phối hợp của các kỹ thuật viên, siêu âm hoạt động khá độc lập nên đôi khi mang tính chất chủ quan, ít thông tin để so sánh với những loại khác. Siêu âm khảo sát tốt các bệnh lý ổ bụng. Đối với vùng chậu, đôi khi kỹ thuật siêu âm còn ưu thế hơn cả kỹ thuật CT trong chẩn đoán các bệnh lý tử cung, phần phụ. Siêu âm còn ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán các bệnh lý tim mạch, tuyến giáp, tuyến vú, theo dõi thai kỳ…
3. CT – X quang cắt lớp điện toán
Là một loại kĩ thuật được phát triển lên từ X quang, kỹ thuật CT đem đến rất nhiều thông tin hữu ích cho bác sĩ chẩn đoán hình ảnh trong các ca bệnh nhập viện vì cấp cứu như chấn thương, đột quỵ, đau bụng cấp… So với siêu âm và MRI thì kỹ thuật CT chiếm ưu thế hơn trong việc khảo sát bệnh lý thuộc lồng ngực, đặc biệt là các tổn thương trong phổi. Lý do, siêu âm và MRI bị hạn chế khi gặp môi trường khí trong việc ghi hình do nguyên lý tạo ảnh hoàn toàn khác xa và không dùng đến tia X.
4. MRI – Cộng hưởng từ
Được xem là kĩ thuật hiện đại và phát triển nhảy vọt không kém gì CT, MRI là “vũ khí” có tính cạnh tranh rất lớn vì tính an toàn về bức xạ, không sử dụng tia X. MRI phát huy hiệu quả trong các bệnh lý thuộc hệ thần kinh trung ương, gan mật, tim mạch, vú, các bệnh lý vùng chậu và hệ cơ xương khớp khi so với các loại kỹ thuật khác về mức độ cung cấp thông tin.
5. DSA – Chụp mạch máu số hóa xóa nền
Đây là loại “vũ khí” lợi hại nhất của các nhà Hình ảnh học. DSA là kỹ thuật “chạm” đến được sự thật, ngoài phát huy khả năng trong chẩn đoán còn can thiệp vào khâu điều trị. Kết quả điều trị của DSA thường được đánh giá là ngoạn mục vì đạt hiệu quả cao nhất thông qua sự can thiệp tối thiểu.
6. Y học hạt nhân
Nghe tên giống “vũ khí hạt nhân” nhưng nếu biết cách sử dụng thì khá an toàn và được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, khi kết hợp với các kĩ thuật khác như CT, MRI thì thông tin mang lại vô cùng giá trị. Kỹ thuật này có thể đánh giá đồng thời về hình thái lẫn chức năng của các cơ quan hoặc tổn thương được khảo sát. Tuy nhiên, Y học hạt nhân ngày nay đang dần tách khỏi ngành CĐHA để “tự trị” vì tính chuyên biệt của mình.
Ngày nay, chuyên ngành CĐHA hướng tới việc đào tạo theo hướng chuyên sâu theo từng hệ cơ quan. Theo đó, các bác sĩ cũng được đào tạo theo các chuyên ngành Hình ảnh học như Hình ảnh học thần kinh trung ương, Hình ảnh học lồng ngực, Hình ảnh học tim mạch, Hình ảnh học cấp cứu, Hình ảnh học Tiết niệu – sinh dục, Hình ảnh học bụng – chậu, Hình ảnh học cơ xương khớp, Hình ảnh học can thiệp, Hình ảnh học cấp cứu, Hình ảnh học Nhi khoa, Hình ảnh học sản phụ khoa…
Như vậy, bác sĩ CĐHA sử dụng các kĩ thuật hình ảnh để làm việc trong ngành chuyên sâu của mình. Nhà Hình ảnh học trước hết phải nắm vững dịch tễ học, bệnh học, triệu chứng học và sử dụng linh hoạt các kỹ thuật chẩn đoán để phân tích, tổng hợp và cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt nhằm đưa ra hướng chẩn đoán cuối cùng phù hợp nhất.
Có thể nói, ứng dụng Hình ảnh học Y khoa ngày nay được xem như là cuộc phẫu thuật đầu tiên để “dò xét” bệnh nhân và bác sĩ CĐHA chính là những “phẫu thuật viên ảo”. Họ sẽ phân tích hình ảnh và cung cấp những dữ kiện đầu tiên thông qua “cái nhìn xuyên thấu” để giúp bác sĩ lâm sàng có những hướng xử trí phù hợp.
Kỹ thuật viên Chẩn đoán Hình ảnh – những chiến binh thầm lặng
Nếu bác sĩ là người đưa ra chiến lược, phác đồ trong việc truy lùng sự thật thì kỹ thuật viên mới chính là người phải “xông pha trận mạc” để thực hiện kĩ thuật đó. Họ là những người luôn sát cánh, “song kiếm hợp bích” với bác sĩ CĐHA để tạo ra những “tác phẩm” đẹp sắc nét, giúp cho việc chẩn đoán được chính xác hơn. Họ là người tạo ra “bức tranh”, còn bác sĩ là nhà phê bình, phân tích các tác phẩm nghệ thuật đó! Chẩn đoán có chính xác, có hợp lý, có cung cấp được nhiều thông tin hay không là nhờ sự hợp tác chặt chẽ này. Thế nhưng, ít ai nhớ đến công lao của họ, những chiến binh thầm lặng…
Kỹ thuật viên là người tiếp xúc với bệnh nhân trực tiếp trong quá trình thực hiện các kĩ thuật chiếu chụp. Họ là cầu nối đáng tin cậy để chia sẻ những thắc mắc giữa người bệnh với bác sĩ. Trong quá trình chụp, kỹ thuật viên cũng là người phải xử trí những vấn đề phát sinh như sự khó chịu của người bệnh khi ở trong lồng MRI, giải quyết các tiếng ồn, xử trí các phản ứng do tiêm thuốc tương phản, thậm chí còn phải thụt tháo bơm rửa trong những kĩ thuật đặc biệt khác… Trên tất cả những khó khăn đó, kĩ thuật viên còn là người phải chịu phơi nhiễm cao nhất đối với tia X, họ phải đeo liều kế và được tổng hợp lại sau mỗi năm để xử trí kịp thời trong trường hợp vượt quá liều bức xạ quy định.
Có thể thấy, bác sĩ, kỹ thuật viên Chẩn đoán hình ảnh không chỉ là người “săm soi” kỹ càng từng nốt chấm nhỏ trên hình ảnh, mà họ còn là người vận dụng tốt nhất giữa lý thuyết và thực tế để đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất cho từng ca bệnh. Họ chính là những chiến binh thầm lặng mỗi ngày cống hiến tài năng và trí lực, chỉ mong tìm ra được chính xác nguồn cơn những đau đớn mà người bệnh đang chịu đựng.
Xem thêm: KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO LIÊN TỤC NĂM 2021
ĐỂ ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM VÀ TÌM HIỂU THÔNG TIN, XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Từ khóa » Hình ảnh Bác Sĩ Khám Cho Bệnh Nhân
-
Chùm ảnh: Bác Sĩ Cấp Cứu 115 Và Những Nỗ Lực Nghẹt Thở Trong Giây ...
-
Ảnh đẹp - Bệnh Viện Nhân Dân 115
-
Chẩn đoán Hình ảnh Trong Khám Chữa Bệnh
-
HÌNH ẢNH VỀ NHỮNG "TỪ MẪU" KHIẾN NGHÌN NGƯỜI XÚC ...
-
Được Bác Sĩ “khám Bệnh” Dù ở Trong Khu Phong Tỏa
-
Những Hình ảnh Riêng Của Tuổi Trẻ Online Trong Một Khu điều Trị ...
-
Ngồi Khám ở Trạm Y Tế, Người Bệnh được Bác Sĩ Của Trạm Hội Chẩn ...
-
"Bạn đã Bao Giờ Nhìn Thấy Một Bác Sĩ Vừa Khóc Vừa Khám Cho Bệnh ...
-
Giới Thiệu Khoa Chẩn đoán Hình ảnh - Bệnh Viện Hùng Vương
-
Rưng Nước Mắt Với Bức ảnh Bác Sĩ Vỗ Về Cụ ông Nhiễm COVID-19
-
Danh Sách Bác Sĩ Có Chuyên Môn Chẩn đoán Hình ảnh Trên Cả Nước ...
-
HƯỚNG DẪN KHÁM
-
NỖ LỰC VÌ MỘT HÌNH ẢNH ĐẸP, THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI BỆNH