Chẩn đoán Suy Tim Bằng Những Xét Nghiệm Nào? - Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Suy tim là một bệnh lý tim mạch mạn tính tiến triển theo thời gian với tình trạng cơ tim bị tổn thương về cấu trúc và/hoặc chức năng không hồi phục, kết cục là tim không bơm đủ máu cho nhu cầu của cơ thể. Trong thực tế, suy tim có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở người lớn tuổi, nếu không được hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh ngay từ sớm.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu các xét nghiệm và tiêu chuẩn để chẩn đoán suy tim cũng như xác định mức độ bệnh để có góc nhìn rõ ràng hơn về căn bệnh nguy hiểm này nhé!
Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ cần biết tiền sử bệnh, thăm hỏi triệu chứng và khám lâm sàng (nghe tim phổi, ấn bụng, đo nhịp tim, đo huyết áp, cân nặng, đánh giá tình trạng phù…). Đồng thời, bác sĩ cũng cần khảo sát tiền sử trước đây để xem bạn có các yếu tố nguy cơ nào có thể là nguyên nhân gây suy tim, chẳng hạn như hút thuốc lá, huyết áp cao, tiểu đường, bệnh mạch vành hay các vấn đề về tim mạch khác.
Sau bước này, bệnh nhân cần làm một số xét nghiệm chuyên sâu nhằm xác chẩn và xác định mức độ suy tim, gồm có:
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giúp bác sĩ nhận biết các vấn đề bất thường có thể gây ra hoặc tăng nguy cơ khiến cơ tim suy yếu. Cụ thể là các vấn đề tại thận, gan, tuyến giáp, chỉ số mỡ máu, đường huyết và lượng hồng cầu trong máu (thiếu máu nặng khiến người bệnh mệt mỏi và gây nên các triệu chứng khác tương tự như triệu chứng bệnh suy tim, nếu kéo dài cũng có thể gây suy tim thực sự).
Xét nghiệm máu còn bao gồm chỉ định đo nồng độ BNP trong máu. Đây là tiêu chuẩn chẩn đoán suy tim đang ngày càng được sử dụng phổ biến.
BNP là một loại hormone được giải phóng vào máu bởi các tế bào cơ tim, sẽ tăng cao ở những người bị suy tim. Nồng độ BNP trong máu trên 450 pg/mL đối với bệnh nhân dưới 50 tuổi hoặc 900 pg/mL đối với bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên là một trong những bằng chứng của chẩn đoán suy tim. Khi chỉ số này càng tăng, suy tim càng nghiêm trọng. Ngược lại, giá thấp có nghĩa là tình trạng suy tim đã ổn định hoặc loại trừ chẩn đoán này ở những bệnh nhân có các triệu chứng khó phân biệt với suy tim trên lâm sàng.
Chụp X-quang ngực
Chụp X-quang ngực cho biết tổng quan về hình dạng, kích thước tương đối của tim trong lồng ngực và bất kỳ sự tích tụ dịch xung quanh tim và trong khoang màng phổi của bệnh nhân. Chẩn đoán suy tim không thể thiếu công cụ hình ảnh học này.
Ngoài ra, các bất thường ghi nhận trong phế trường phổi như xung huyết phổi, phù phổi… có thể giúp gợi ý do nguyên nhân từ tim nếu thấy bóng tim to trên phim Xquang.
Chẩn đoán suy tim bằng cách đo điện tâm đồ
Điện tâm đồ ghi lại các tín hiệu điện phát ra từ tim bằng cách sử dụng các điện cực đặt lên da, kết nối bằng dây điện đến màn hình vi tính. Hình ảnh trên màn hình là một biểu đồ để hiển thị nhịp điệu và cường độ của hoạt động điện học trong tim.
Nếu nhịp tim đập không đều, quá nhanh hay quá chậm cũng như có các dấu hiệu bất thường về hình dạng các sóng điện học thì cần nghi ngờ đến chẩn đoán suy tim.
Chẩn đoán suy tim qua siêu âm tim
Sóng âm thanh được sử dụng để ghi lại hình ảnh của cấu trúc tim đang hoạt động cũng như tốc độ, chiều hướng của các dòng máu trong tim. Qua đó, siêu âm tim là một công cụ hình ảnh đơn giản nhất có thể tiếp cận để quan sát kích thước và cấu trúc của tim, giúp kiểm tra chức năng van tim và đo lưu lượng dòng máu qua tim. Trong đó, quan trọng nhất là chức năng đo phân suất tống máu của siêu âm tim, giúp bác sĩ xác định và phân loại suy tim, và cả nguyên nhân suy tim, từ đó tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Bài kiểm tra gắng sức cơ tim
Các bài kiểm tra chức năng cơ tim trong điều kiện gắng sức sẽ cho biết khả năng tim của người bệnh có thể dung nạp được khi làm việc nặng.
Để chủ động tạo ra điều kiện gắng sức, bạn có thể được yêu cầu đi bộ trên máy chạy bộ hoặc sử dụng thuốc để tạo ra tác dụng kích thích với tim như khi tập thể dục; song song đó, hoạt động của tim sẽ được ghi lại và đánh giá trên điện tâm đồ hay siêu âm tim.
Chụp CT tim
Khi thực hiện chụp CT tim, bệnh nhân cần nằm trong một chiếc máy mô phỏng như một lồng kín tạo bởi luồng tia X quay xung quanh cơ thể. Từ đó, hình ảnh của tim và lồng ngực sẽ được ghi nhận trên phim theo từng lát cắt. Bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc cản quang hoặc không, tùy vào chức năng thận hiện tại hoặc yêu cầu cần khảo sát mạch vành hay không.
Chẩn đoán suy tim bằng MRI
Đây là một công cụ hình ảnh học cao cấp đánh giá tim hoàn diện về mọi mặt. Theo đó, người bệnh chỉ được chỉ định thực hiện MRI tim khi các cận lâm sàng nêu trên chưa rõ ràng, nhất là trong các bệnh lý cơ tim chưa rõ căn nguyên.
Khi chụp MRI tim, bệnh nhân cũng nằm bên trong một chiếc máy dài có hình ống tương tự chụp CT. Nguồn phát sóng vô tuyến xoay xung quanh người bệnh sẽ ghi lại hình ảnh của tim. Bên cạnh đó, để các cấu trúc trong tim hiện rõ ràng hơn, bệnh nhân cũng có thể cần sử dụng chất cản từ, tương tự như chất cản quang trong chụp CT. Bản thân chất cản từ cũng có nguy cơ gây tổn thương thận nên cần được cân nhắc kỹ trước khi chỉ định.
Chụp mạch vành
Chụp mạch vành là một thủ thuật, vừa có vai trò chẩn đoán và vừa là công cụ điều trị. Trong quá trình chụp mạch vành, bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào tim từ động mạch tại bẹn, sau đó đưa dần đến các động mạch vành tim theo hướng dẫn dưới màn hình quang. Chất cản quang cũng được tiêm vào ống này để thu được hình ảnh các động mạch rõ ràng hơn trên phim, giúp bác sĩ xác định vị trí và mức độ tắc nghẽn.
Vì chụp mạch vành là xét nghiệm chẩn đoán suy tim ở bệnh nhân có bệnh mạch vành nặng, khi xác định được tình trạng mạch vành, bác sĩ sẽ xem xét can thiệp tại chỗ bằng cách nong bóng và đặt ống thông (đặt stent) ngay trong lúc thực hiện thủ thuật.
Sinh thiết cơ tim
Bác sĩ sẽ luồn một sợi dây nhỏ, mềm dẻo vào tĩnh mạch ở cổ hoặc bẹn và đưa đến tim, như cách thức của chụp mạch vành, để lấy ra những mảnh cơ tim để kiểm tra giải phẫu bệnh.
Đây cũng là một thủ thuật xâm lấn cao cấp và chỉ được thực hiện để chẩn đoán một số loại bệnh cơ tim gây suy tim.
Tóm lại, các cận lâm sàng theo thứ tự nêu trên có vai trò từ sơ bộ đến thiết yếu nhằm xác chẩn suy tim, đánh giá mức độ và xác định nguyên nhân gây bệnh. Theo đó, không phải tất cả bệnh nhân đều cần thực hiện đầy đủ những xét nghiệm này mà bác sĩ sẽ cần thăm khám và chỉ định phù hợp theo từng bệnh cảnh suy tim khác nhau.
[embed-health-tool-heart-rate]
Từ khóa » Chẩn đoán Lâm Sàng Suy Tim
-
Lâm Sàng Tim Mạch Học: Suy Tim - Health Việt Nam
-
Chẩn đoán Suy Tim - Hội Tim Mạch Học Việt Nam
-
Chẩn đoán Suy Tim Cấp Như Thế Nào? - Vinmec
-
Suy Tim (HF) - Rối Loạn Tim Mạch - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Suy Tim: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Phương Pháp điều Trị
-
Lâm Sàng Tim Mạch Học: Suy Tim (P1) - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Hướng Dẫn Chẩn đoán Và điều Trị Suy Tim Mạn Tính (Phần 1) | BvNTP
-
Chẩn đoán Và điều Trị Suy Tim Mạn | Tim Mạch Học
-
Chẩn đoán, Theo Dõi Và Tư Vấn Bệnh Suy Tim Tại Khoa Khám Bệnh ...
-
Chan Doan Va Dieu Tri Suy Tim Man - SlideShare
-
[PDF] HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ SUY TIM CẤP VÀ MẠN
-
SUY TIM(ST)- CHẨN ĐOÁN & ĐIỀU TRỊ
-
Esc21 Suy Tim - Việt Ngữ - Bệnh Viện Đa Khoa Trung Tâm An Giang
-
Bệnh Suy Tim: Nhận Biết Dấu Hiệu Sớm, Phòng Tránh Rủi Ro Cao