️ Chẩn đoán X Quang Cột Sống (P1) - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

ĐẠI CƯƠNG VỀ CÁC PHƯƠNG PHÁP TẠO ẢNH CỘT SỐNG.

Các phương pháp chụp X quang cột sống:

Chụp X quang từng vùng của cột sống (cổ, lưng, thắt lưng cùng) trên hai bình diện thẳng và nghiêng.

Chụp cột sống các tư thế đặc biệt như:

Chụp đốt sống CI, CII tư thế thẳng, há miệng (chụp để phát hiện các biến đổi ở mỏm nha và khớp đội-trục).

Chụp cột sống chếch 3/4 để phát hiện các biến đổi của lỗ ghép.

Chụp tuỷ cản quang (myelography) để phát hiện sự hẹp, tắc của ống tuỷ (đặc biệt do u tuỷ). Chụp bao rễ thần kinh (saccoradiculography) phát hiện các chèn ép túi cùng và rễ thần kinh (đặc biệt là do thoát vị đĩa đệm đoạn cột sống thắt lưng).

Chụp cắt lớp vi tính (CLVT): Vai trò của CLVT được nhiều tác giả đề cập trong bệnh lý thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, giá trị chẩn đoán chưa cao. Chụp CLVT rất có ý nghĩa trong việc bộc lộ các tổn thương ở thân đốt sống trong lao cột sống, di bào ung thư phá huỷ đốt sống...

Tạo ảnh bằng cộng hưởng từ:

Đây là phương pháp hiện nay được coi là có giá trị nhất, trong lĩnh vực tạo hình ảnh y học ở cột sống và tuỷ sống. Nó được chỉ định trong những trường hợp nghi thoát vị đĩa đệm, u tuỷ và các bệnh khác về tuỷ.

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM GIẢI PHẪU CỘT SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN CHẨN ĐOÁN X QUANG.

Quá trình cốt hoá của đốt sống:

Cốt hoá của cột sống xuất hiện vào tháng thứ ba của bào thai. ở trẻ sơ sinh, thân đốt có hình quả trứng, chiều cao thân đốt và đĩa đệm gần bằng nhau. Bờ thân đốt sát đĩa đệm lồi, rãnh mạch máu ở hai cạnh bên thân đốt. Riêng khe ở bờ trước có khi còn tồn tại ở người lớn. Từ 6 - 8 tuổi trở lên, chiều cao đĩa đệm bắt đầu giảm theo tuổi.

Vùng phát triển ở thân đốt và đĩa đệm cùng với điểm cốt hoá sẽ duy trì sự phát triển chiều cao của thân đốt.

Từ 7 - 9 tuổi trở lên, bờ trước thân đốt có hình bậc thang nơi hình thành điểm cốt hoá. ở tuổi này, thân đốt và cung sau mới hoà nhập vào nhau.

Từ tuổi 13 -14 trở lên, thân đốt xuất hiện một nốt mờ hình tam giác, cấu trúc vôi ở góc trên và góc dưới trước thân đốt. Điểm cốt hoá này phát triển và hoà nhập với thân đốt ở độ tuổi không quá 25.

Đường cong sinh lý:

Nhận biết qua phim chụp cột sống tư thế nghiêng, là đường cong liên tục nối liền bờ trước hoặc bờ sau các thân đốt.

ở đoạn cổ: đường cong ưỡn nhẹ đều đặn ra trước.

Đoạn lưng: đường cong vồng ra sau.

Đoạn thắt lưng: đường cong ưỡn nhẹ ra trước.

Đoạn cùng-cụt: đường cong vồng ra sau.

Có thể xác định ba đường bờ liên tục:

Đường bờ trước các thân đốt (anterior juntion).

Đường bờ sau các thân đốt (posterior juntion).

Đường bờ trước gai sống (laminous spinous juntion).

Thân đốt sống và các mấu sống:

Nhìn chung, thân đốt sống có hình chữ nhật ở người trẻ. ở người già, bờ trên và bờ dưới thân đốt hơi lõm về phía thân đốt.

Đĩa đệm:

Đĩa đệm nằm ở khe giữa hai thân đốt sống. Bình thường, đĩa đệm không cản quang và không thấy được trên phim chụp X quang. Đĩa đệm liên đốt sống là bộ phận chính để liên kết các đốt sống. Cấu tạo của đĩa đệm gồm một vòng xơ ở ngoài, trung tâm là một nhân nhày. Vòng xơ được cấu tạo từ các lá xơ-sụn đồng tâm, có các lá gần như thẳng đứng bám vào các bờ của đốt sống. Các lá này được cấu tạo từ sợi tổ chức liên kết dạng collagen gọi là sợi Sharpey. Phía trước đĩa đệm được che phủ bởi dây chằng dọc trước, phía sau bởi dây chằng dọc sau.

Mặt thân đốt sát đĩa đệm có một đường sụn hyaline mỏng. Lớp sụn này một mặt dính với thân đốt, một mặt dính với bao thớ (phần ngoài của đĩa đệm). Hạt nhày nằm giữa bao thớ trong một lỗ gọi là lỗ Luschka. Hạt nhày có độ căng giãn và đàn hồi đặc biệt. Trong một số trường hợp, hạt nhày có thể đè vào các vòng xơ về phía ống tuỷ tạo nên hình ảnh lồi đĩa đệm. Khác với hình ảnh thoát vị đĩa đệm, lồi đĩa đệm gây chèn ống tuỷ mức độ nhẹ hơn. Hạt nhày thường nằm hơi lệch về phía sau so với trung tâm đĩa đệm.

Đĩa đệm không hiện hình trên phim chụp X quang thông thường, trừ khi vôi hoá. Chiều cao đĩa đệm được xác định bằng khoảng cách giữa hai thân đốt. Bình thường, tỷ lệ chiều cao đĩa đệm so với thân đốt là 1/4 -1/6 ở cột sống cổ, 1/6 - 1/9 ở cột sống ngực và 1/3 - 1/2 ở cột sống thắt lưng.

Hạt nhày có sự di chuyển khi cột sống cử động. Trong tư thế gập người, hạt nhày di chuyển về phía sau, đĩa đệm hẹp lại phía trước. ở động tác nghiêng phải, nghiêng trái cũng theo cơ chế tương tự. Biến đổi trên đây xảy ra trên toàn bộ đoạn cột sống tham gia cử động. Trong trường hợp thoái hoá đĩa đệm, có thể thấy há khe đĩa đệm chọn lọc ở một vị trí nhất định, khác với há khe đĩa đệm trong tư thế chống đau.

Thoái hoá nhân nhày và sự rách nứt vòng xơ, gây thoát vị nhân nhày qua chỗ nứt của vòng xơ thường được gọi là thoát vị đĩa đệm.

Mặt thân đốt sát đĩa đệm phía trên và phía dưới, có thể bị lõm hình ấn điểm chỉ. Hiện tượng bệnh lý này được Schmorl mô tả, nguyên nhân là do thoát vị nhân nhày đĩa đệm vào chính thân đốt sống.

Các khớp ở cột sống:

Cột sống vận động qua ba mối liên hệ:

Đĩa đệm.

Khớp sống-sống.

Khớp mấu móc cột sống.

Hệ thống khớp sống-sống (articularis intervertebralis) tạo nên bởi các mấu sống trên và mấu sống dưới của hai thân đốt kế cận và được nhận biết trên phim chụp cột sống tư thế thẳng.

Hệ thống khớp bán nguyệt hay khớp mấu móc cột sống (articularis uncovertebralis) hay còn gọi là khớp Luschka (chỉ có duy nhất ở cột sống cổ), có liên quan với cử động quay của cổ. Mỗi đốt sống cổ có hai mấu bán nguyệt ở bờ trên ngoài của mỗi thân đốt. Mấu bán nguyệt bình thường có hình gai hoa hồng và dễ nhận biết trên phim chụp cột sống cổ tư thế thẳng. Mấu bán nguyệt của thân đốt dưới hợp với bờ dưới của thân đốt trên để tạo nên khớp bán nguyệt. Cấu tạo đặc biệt này của cột sống cổ có liên quan rất chặt chẽ với hội chứng bệnh lý cổ-vai-cánh tay và cổ-đầu khi cột sống cổ bị thoái hoá.

Đường kính của ống sống:

Đường kính của ống sống được xác định trên phim chụp X quang thẳng và nghiêng thông thường bằng các giới hạn sau:

Đường kính ngang: là khoảng cách giữa bờ trong của hai cuống sống hai bên.

Đường kính trước-sau: Là khoảng cách giữa bờ sau thân đốt tới giới hạn trước của mảnh sống.

Khoảng cách giữa hai cuống sống có thể rộng ra trong trường hợp u tuỷ (dấu hiệu Elsberg-Dyke). Dấu hiệu này chỉ xuất hiện ở người trẻ, đặc biệt ở cột sống cổ.

ở người trưởng thành, khi cung sau đã hết thời hạn phát triển, u tuỷ không còn khả năng làm rộng cuống sống.

Đường kính trước–sau của ống tuỷ CI, CII rất rộng. Trường hợp trượt thân đốt CI kèm theo sự di chuyển của mỏm nha ra sau dưới nửa thân đốt có thể vẫn chưa có chèn ép tuỷ.

Lỗ tiếp hợp (intervertebral foramens)

Được bộc lộ trên phim chụp chếch 3/4 phải (RAO) và trái (LAO).

ở cột sống cổ, lỗ tiếp hợp có hình lỗ khoá. Lỗ tiếp hợp giữa CII và CIII thường có kích thước nhỏ hơn các vị trí khác.

Xem tiếp: Chẩn đoán X quang cột sống (P2)

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Xq Cột Sống