Chụp X Quang Cột Sống Khi Nào? Phát Hiện Bệnh Gì? | TCI Hospital

Để chẩn đoán các bệnh lý cột sống các bác sĩ thường chỉ định chụp X quang cột sống hoặc chụp CT, chụp MRI. Nhiều người không khỏi thắc mắc vậy khi nào thì nên chụp x quang cột sống? Chụp X quang cột sống có thể phát hiện những bệnh gì? Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây.

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Chụp X quang cột sống là gì?
  • 2. Chụp X quang cột sống khi nào?
  • 3. Chụp X quang cột sống có thể phát hiện những bệnh gì?
    • 3.1 Dị dạng cột sống được phát hiện nhờ chụp X quang cột sống
    • 3.2 Thoái hóa cột sống
    • 3.3 Thoát vị đĩa đệm
    • 3.4 Chấn thương cột sống
    • 3.5 Lao cột sống được phát hiện nhờ chụp X quang cột sống
    • 3.6 Viêm cột sống dính khớp
    • 3.7 U tủy sống
  • 4. Các phương pháp chụp X quang cột sống?
  • 5. Nên hay không nên chụp X quang cột sống với phụ nữ có thai?

1. Chụp X quang cột sống là gì?

Chụp X quang cột sống là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có sử dụng tia X, được phát ra từ máy chụp X quang, có khả năng xuyên qua các vật cản, chiếu xuyên qua bộ phận của cơ thể tạo hình ảnh cột sống trên phim. Thông qua các hình ảnh từ phim chụp cột sống, giúp ích cho bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh.

Tùy từng bộ phận cột sống trên cơ thể (cột sống cổ, cột sống ngực, cột sống thắt lưng, xương cùng, xương cụt) khi có chỉ định chụp x quang tại vị trí nào, bác sĩ sẽ di chuyển máy chụp x quang tới vị trí đó và tiến hành chụp.

Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nhanh, dễ thực hiện, chi phí thấp nhưng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm phóng xạ X nếu người bệnh không được chỉ định chụp khi thực sự cần thiết.

chụp x quang cột sống

Chụp X quang cột sống là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có sử dụng tia X, được phát ra từ máy chụp X quang, có khả năng xuyên qua các vật cản, chiếu xuyên qua bộ phận của cơ thể tạo hình ảnh cột sống trên phim.

2. Chụp X quang cột sống khi nào?

Nếu có các cơn đau âm ỉ, kéo dài hoặc đau dữ dội vùng cột sống (cổ, ngực, lưng, đốt sống cùng và cụt), hoặc khi bị chấn thương, cảm giác tê bì chân tay dai dẳng, đau âm ỉ nhiều ngày,… Bác sĩ có thể nghi ngờ bạn đang gặp một số chấn thương hoặc bệnh lý vùng cột sống, có thể chỉ định chụp X quang cột sống để đánh giá và loại trừ một số yếu tố như sau:

– Tổn thương (gãy, vỡ, rạn) các thân đốt sống

– Trật khớp

– Loãng xương

– Dị tật cột sống bẩm sinh hoặc do va chạm, tai nạn, chấn thương, cong vẹo cột sống do thói quen sinh hoạt.

– Thoái hóa đốt sống

– Thoát vị đĩa đệm

– U xương hoặc u nang

– Gai đốt sống,…

khi nào nên chụp x quang lưng

Đau lưng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý về cột sống, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ để có chỉ định chụp X quang khi cần thiết.

3. Chụp X quang cột sống có thể phát hiện những bệnh gì?

3.1 Dị dạng cột sống được phát hiện nhờ chụp X quang cột sống

Cột sống bình thường sẽ có đường cong sinh lý nhất định, vì một lý do nào đó cột sống bị dị dạng. Việc chụp X quang có thể giúp phát hiện và đánh giá tình trạng dị dạng cột sống để từ đó biện pháp can thiệp, điều trị sao cho hiệu quả.

Một số dị dạng cột sống có thể phát hiện khi chụp x quang là:

– Dị dạng cột sống do rối loạn chuyển tiếp: sự thay đổi số lượng đốt sống từng vùng (bình thường có 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng, 5 đốt sống cùng và 3-4 đốt sống cụt) có thể gây chèn ép dây thần kinh gây tình trạng đau, nhức mỏi.

– Gai đôi, hở eo: hở eo dễ gây tình trạng trượt đốt sống, một động tác nhẹ có thể dẫn tới chấn thương cột sống.

– Dính hai thân đốt sống bẩm sinh: hai thân đốt sống dính với nhau ở cả khe đĩa đệm và cả phần cung sau.

– Cong, vẹo cột sống: cột sống bị lệch khỏi trục, một số đốt bị xoay khỏi trục kèm theo biến dạng thân đốt.

– Gù cột sống: cột sống bị lồi ra sau gây gù do thân đốt biến dạng kiểu hình chêm.

– Tồn tại điểm cốt hóa góc trước đốt sống lưng: quá trình cốt hóa không hoàn chỉnh, khiến điểm cốt hóa tồn tại như một mảnh xương nhỏ tách khỏi góc trước chân đốt sống.

hình ảnh cong vẹo cột sống qua phim chụp x quang cột sống

Hình ảnh bệnh nhân bị cong vẹo cột sống, được thể hiện qua phim chụp x quang.

3.2 Thoái hóa cột sống

Tuổi tác, thói quen sinh hoạt khiến cột sống bị thoái hóa làm cho đĩa đệm căng phồng, lồi ra, dây chằng đốt sống bị kéo dãn làm xuất hiện các cơn đau nhức âm ỉ, thậm chí có thể đau dữ dội, khiến người bệnh mệt mỏi.

3.3 Thoát vị đĩa đệm

Chất nhầy của đĩa đệm qua lỗ rách của vòng xơ thoát ra ngoài chèn ép vào ống tủy và rễ thần kinh gây đau, nhức mỏi, có thể làm tổn thương tủy sống.

3.4 Chấn thương cột sống

Tai nạn trong khi tham gia giao thông, khi làm việc, sinh hoạt có thể gây tổn thương cột sống như vỡ thân đốt sống, trượt thân đốt sống, xẹp thân đốt sống,…

Bên cạnh đó, chụp X quang có thể đánh giá các tổn thương bệnh lý cột sống như biến đổi đường cong sinh lý, thay đổi hình thái khe đĩa đệm,…

3.5 Lao cột sống được phát hiện nhờ chụp X quang cột sống

Hình ảnh chụp X quang có thể phát hiện bệnh lao cột sống, thường gặp ở các đốt sống DIX – DX, LI – LII và có thể thấy hình ảnh ổ áp xe lạnh.

3.6 Viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp lan tỏa, giai đoạn đầu khi chụp X quang có thể thấy tổn thương ở cột sống và khớp cùng chậu, giai đoạn sau các khớp khác cũng bị dính như khớp hang.

3.7 U tủy sống

Khi chụp tủy sống bằng thuốc cản quang có thể thấy cột thuốc cản quang bị tắc hoàn toàn, có hình “đáy chén”, hình “càng cua”. Tuy nhiên, chụp X quang u tủy sống cho kết quả không chính xác bằng chụp MRI vì khi chụp cộng hưởng từ MRI có thể cho hình ảnh trực tiếp u tủy về kích thước cũng như vị trí, đồng thời thấy sự liên quan giữa u tủy, màng não tủy và các rễ thần kinh.

4. Các phương pháp chụp X quang cột sống?

Chụp X quang cột sống cổ, lưng, thắt lưng, cùng cụt theo phương pháp thẳng, nghiêng

Chụp X quang cột sống cổ theo phương pháp chụp chếch 3/4

– Chụp CI – CII

– Chụp tủy cản quang và chụp bao rễ thần kinh

5. Nên hay không nên chụp X quang cột sống với phụ nữ có thai?

Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ cần được thăm khám và tư vấn cẩn thận trước khi có quyết định chụp X quang trong trường hợp thật sự cần thiết. Bởi X quang sử dụng tia X có thể gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Do vậy, nếu bạn đang có thai hoặc nghi ngờ có thai hãy chia sẻ điều này với bác sĩ để bác sĩ có thể cân nhắc và đưa ra chỉ định chụp X quang khi thật sự cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho thai nhi của bạn.

Từ khóa » Xq Cột Sống