Chân Dung 7 ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc

Tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh hôm 25/10 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố danh sách 7 thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới, trong đó có chính ông.

Buổi lễ này diễn ra một ngày sau khi Đại hội Đảng Trung Quốc kết thúc Đại hội lần thứ 19.

Là cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc, Ban Thường vụ Bộ Chính trị nước này họp hàng tuần để bàn về các vấn đề quan trọng của đất nước. Cứ 5 năm một lần, sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, Trung Quốc lại chọn ra một Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới.

Dưới đây là 7 gương mặt trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới của Trung Quốc:

Ông Tập Cận Bình

undefined - Ảnh 1.

Tư tưởng Tập Cận Bình đã sánh ngang với tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình, theo đó đưa ông lên ngang tầm với hai nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất của Trung Quốc - Ảnh: SCMP.

Năm nay 64 tuổi, ông Tập Cận Bình giữ cương vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2012. Ông cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia và ít nhất 6 nhóm chính sách.

Ông Tập đảm nhiệm vai trò Chủ tịch nước từ năm 2013 và được giới quan sát đánh giá là nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc trao cho ông Tập danh hiệu "hạt nhân trung tâm", củng cố quyền lực của ông trước thềm Đại hội Đảng.

Kể từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã để lại nhiều dấu ấn chính trị-kinh tế-xã hội ở Trung Quốc. Vị thế Trung Quốc trên trường quốc tế được nâng dần, một phần nhờ sáng kiến "vành đai và con đường" mà ông khởi xướng. Chiến dịch chống tham nhũng có quy mô chưa từng có tiền lệ ở Trung Quốc mà ông chỉ đạo đã khiến hơn 1 triệu tham quan bị xử lý.

Kinh tế Trung Quốc giữ nhịp tăng trưởng, dù có giảm tốc, và được dự báo sẽ soán ngôi nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ trong thời gian không xa.

Trong kỳ Đại hội vừa diễn ra của Đảng Cộng sản Trung Quốc, "tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới" đã được đưa vào điều lệ đảng. Như vậy, tư tưởng Tập Cận Bình đã sánh ngang với tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình, theo đó đưa ông lên ngang tầm với hai nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất của Trung Quốc.

Ông Lý Khắc Cường

undefined - Ảnh 2.

Kể từ khi trở thành Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm giảm tình trạng quan liêu - Ảnh: Bloomberg.

Ông Lý Khắc Cường, 62 tuổi, là Thủ tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trung Quốc từ năm 2013.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết ông Lý thông thạo tiếng Anh và là một trong những sinh viên đầu tiên đỗ trường luật thuộc Đại học Bắc Kinh khi trường này tuyển sinh trở lại vào năm 1977 sau cách mạng văn hóa.

Ông cũng có bằng tiến sỹ kinh tế học và từng là trợ lý cấp cao nhất của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Theo hãng tin Bloomberg, kể từ khi trở thành Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm giảm tình trạng quan liêu. Ông từng nói việc giải phóng các lực lượng thị trường là "rất khó khăn và thậm chí mang lại cảm giác như bị cứa vào cổ tay".

Ông hiện là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất các chính sách kinh tế của ông Tập Cận Bình.

Ông Lật Chiến Thư

undefined - Ảnh 3.

Theo một số dự báo, sắp tới, ông Lật Chiến Thư có thể trở thành Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc - Ảnh: ImagineChina/Bloomberg.

Trước khi trở thành Chánh thư ký của ông Tập Cận Bình vào năm 2012, ông Lật Chiến Thư đã trải qua nhiều chức vụ ở nhiều địa phương khác nhau của Trung Quốc, từ Thiểm Tây cho tới hắc Long Giang.

Mối quan hệ của ông Lật với ông Tập có từ những năm 1980 khi hai ông là quan chức tại hai địa phương gần nhau ở tỉnh Hà Bắc.

Năm nay 67 tuổi, ông Lật hiện là Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và là một trong những quan chức thường xuyên tháp tùng ông Tập trong các chuyến công du nước ngoài. Ông cũng là người liên lạc cá nhân giữa ông Tập với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo một số dự báo, sắp tới, ông Lật Chiến Thư có thể trở thành Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc.

Ông Uông Dương

undefined - Ảnh 4.

Theo dự báo, ông Uông có thể trở thành Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào năm 2018 - Ảnh: Bloomberg.

Sinh năm 1955, Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương là người chịu trách nhiệm chính về quan hệ thương mại Trung-Mỹ và điều hành chương trình xóa đói giảm nghèo của nước này từ năm 2013.

Ông Uông nổi lên trên chính trường Trung Quốc từ trước kỳ Đại hội Đảng nước này năm 2012, trong một cuộc tranh luận về nền kinh tế Trung Quốc. Trong đó, ông ủng hộ những chính sách kinh tế theo trường phái tự do, được gọi là "mô hình Quảng Đông" - địa phương mà ông làm lãnh đạo vào thời điểm đó.

Mô hình này trao vai trò lớn hơn cho các tổ chức phi lợi nhuận và công đoàn, đối lập với "mô hình Trùng Khánh" của Bạc Hy Lai - mô hình nhấn mạnh vai trò của nhà nước.

Về sau, ông Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Trùng Khánh, bị điều tra tham nhũng và kết án tù, trong khi ông Uông Dương có sự nghiệp chính trị đi lên.

Tạp chí Time của Mỹ từng đưa ông Uông vào danh sách những người có ảnh hưởng nhất thế giới sau khi ông giúp tìm ra giải pháp êm thấm cho cuộc biểu tình phản đối thu đất của người dân ở làng Wukan, tỉnh Quảng Đông vào năm 2011.

Theo dự báo, ông Uông có thể trở thành Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào năm 2018.

Ông Vương Hỗ Ninh

undefined - Ảnh 5.

Ông Vương Hỗ Ninh chính là người đã giúp soạn thảo "Thuyết ba đại diện" của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, trong đó tập hợp doanh nhân, nhà tư bản, và trí thức về dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc - Ảnh: Getty/Bloomberg.

Sau hai thập kỷ âm thầm tham gia định hình những chính sách quan trọng nhất của Trung Quốc, ông Vương Hỗ Ninh, 62 tuổi, cuối cùng đã trở thành một trong những vị lãnh đạo cấp cao nhất của nước này.

Từng là một giáo sư thuộc trường luật, Đại học Phục Đán, ông Vương từ lâu được coi là nhà lý luận chính trị và người định hình chính sách đối ngoại nổi bật nhất của Trung Quốc, đến nay đã cố vấn cho 3 đời Chủ tịch nước này.

Ông Vương Hỗ Ninh chính là người đã giúp soạn thảo "Thuyết ba đại diện" của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, trong đó tập hợp doanh nhân, nhà tư bản, và trí thức về dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông cũng giúp cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào soạn "Thuyết khoa học về phát triển". Cả hai học thuyết này đều được đưa vào điều lệ đảng, dù không kèm tên ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào.

Là một học giả, ông Vương nghiên cứu về chuyển giao quyền lực và hệ thống luật pháp. Ông ủng hộ sức mạnh của quyền lực lãnh đạo trung tâm, thay vì hệ thống dân chủ rời rạc. Ông đã đứng đầu Văn phòng Nghiên cứu chính sách Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc suốt 15 năm qua, và việc ông trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị cho thấy ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của tư tưởng cộng sản.

Ông Triệu Lạc Tế

undefined - Ảnh 6.

Sau khi vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông Triệu được cho là sẽ thay ông Vương Kỳ Sơn để trở thành quan chức chống tham nhũng cấp cao nhất của Trung Quốc - Ảnh: Getty/Bloomberg.

Ông Triệu Lạc Tế, 60 tuổi, là một trong số ít quan chức Trung Quốc nổi lên trong thời gian gần đây mà nằm ngoài hai trung tâm quyền lực chính trị là Bắc Kinh và Thượng Hải.

Trong suốt gần ba thập kỷ, ông Triệu đã trải qua nhiều chức vụ khác nhau ở Thanh Hải, một tỉnh thuộc phía Tây Bắc Trung Quốc. Ông đã nắm giữ cương vị Chủ tịch tỉnh Thanh Hải và dưới thời ông, quy mô nền kinh tế tỉnh này tăng gấp đôi.

Tiếp đó, ông Triệu có một thời gian làm Bí thư tỉnh Thiểm Tây, rồi trở thành Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau khi vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông Triệu được cho là sẽ thay ông Vương Kỳ Sơn để trở thành quan chức chống tham nhũng cấp cao nhất của Trung Quốc - Trưởng ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương, chức vụ hiện do ông Vương Kỳ Sơn đảm nhiệm.

Ông Hàn Chính

undefined - Ảnh 7.

Ông Hàn Chính từng là thị trưởng trẻ tuổi nhất của Thượng Hải trong thời gian 2003-2012 - Ảnh: Bloomberg.

Việc trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đánh dấu lần đầu tiên ông Hàn Chính, 63 tuổi, rời Thượng Hải trong sự nghiệp chính trị đã kéo dài ba thập kỷ.

Việc ông nổi lên dù mới chỉ công tác ở một địa phương duy nhất được cho là hiếm gặp ở Trung Quốc, một quốc gia mà các nhà lãnh đạo thường được thử thách và rèn luyện bằng cách thuyên chuyển qua nhiều địa phương khác nhau.

Ông Hàn Chính từng là thị trưởng trẻ tuổi nhất của Thượng Hải trong thời gian 2003-2012. Trên cương vị này, ông đã quyết định sách lược đầu tư 44 tỷ USD phát triển hạ tầng nhằm phục vụ cho triển lãm Thượng Hải Expo 2010. Từ năm 2012, ông là Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Theo dự báo, ông Hàn Chính sẽ trở thành Phó thủ tướng điều hành của Trung Quốc.

Từ khóa » Các ủy Viên Bộ Chính Trị Của Trung Quốc