Chăn Nuôi - Trung Tâm Dịch Vụ Nông Nghiệp Tỉnh Long An
Có thể bạn quan tâm
PHẦN 4: QUẢN LÝ GIỐNG VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ DI TRUYỀN GIỐNG BÒ THỊT
Quản lý chặt chẽ việc mua nhập giống bò là yêu cầu rất quan trọng để ngăn ngừa ngay từ đầu rủi ro lây lan dịch bệnh từ con giống. Nguyên tắc chung là bò giống được nhập về nơi chăn nuôi để nuôi sinh sản hay nuôi thịt đều cần được mua từ cơ sở có hồ sơ rõ ràng về nguồn gốc, chủng loại giống và đầy đủ thông tin vè các loại vắc - xin đã tiêm phòng, các loại thuốc thú y đã sử dụng phòng trị ký sinh trùng, chế độ dinh dưỡng thức ăn đã áp dụng cho bò giống và được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Lưu ý nơi bán giống cần tiêm đầy đủ vắc - xin phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho bò; nếu chưa thực hiện cần yêu cầu nơi bán giống tiêm đủ 2 loại vắc - xin nêu trên trước khi mua, không mua nhập về trại rồi tiêm sau.
Bò giống trong quá trình vận chuyển dễ mất sức, dễ bị “sốc” (stress); do đó, cần sử dụng phương tiện chuyên dùng vận chuyển bò giống và nên di chuyển vào lúc sáng sớm trời mát. Khi bò về đến nơi chăn nuôi cần đưa ngay vào chuồng nuôi cách ly đã vệ sinh, sát trùng trước đó 2 - 3 ngày. Nếu mua nhập cùng lúc nhiều bò có độ tuổi, thể trọng, nguồn gốc khác nhau nên phân riêng ô chuồng nuôi cách ly để thuận tiện theo dõi, chăm sóc.
Không nên cung cấp thức ăn cho bò trong buổi đầu khi vừa nhập về mà chỉ cần cung cấp đầy đủ nước sạch có pha chất điện giải và vitamin C. Có thể cho bò ăn một ít cỏ và qua ngày sau cung cấp đầy đủ thức ăn tinh, thức ăn thô; trong đó, nên cho ăn loại thức ăn tinh ở nơi bán giống đã từng sử dụng để tránh các xáo trộn tiêu hóa rồi thay thế từ ít đến hoàn toàn loại thức ăn tinh của nơi nuôi. Tương tự, dựa theo thông tin về tiêm phòng vắc - xin và thuốc thú y ngừa ký sinh trùng của nơi bán giống, ước tính và chuẩn bị đợt tiêm phòng vắc - xin và tẩy ký sinh trùng cần thực hiện tiếp nối.
Cần thực hiện ít nhất 2 tuần nuôi cách ly để theo dõi, ghi nhận đầy đủ trạng thái sức khỏe của bò. Nếu phát hiện có triệu chứng bệnh lý, tốt nhất là báo cho cơ quan thú y để được chẩn đoán chính xác và được hướng dẫn cách điều trị, xử lý thích hợp.
Đối với các nơi chăn nuôi tự nuôi bò sinh sản và chọn bê cái để lại làm giống thì cần ghi thông tin về nguồn gốc, chủng loại giống liên quan ông, bà, cha, mẹ của bê cái chọn làm giống. Khi phối giống; nếu phủ nọc trực tiếp cần nắm rõ nguồn gốc, chủng loại bò nọc; nếu gieo tinh nhân tạo cần yêu cầu dẫn tinh viên cung cấp thông tin về chủng loại, nguồn gốc cung cấp và mã số tinh giống. Đây là yêu cầu quản lý cần thiết nhằm có đầy đủ thông tin nhận diện tất cả bò nuôi (đeo thẻ tai) phục vụ yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm bò thịt khi xuất bán.
GIỐNG BÒ THỊT ĐỊA PHƯƠNG
1. Bò vàng.
Còn gọi là bò Ta, bò Cóc, bò Cỏ; có nguồn gốc du nhập rất lâu từ Trung Quốc, sau đó lai tạp với các giống bò Red Sindhi, Ongole có nguồn gốc từ Pakistan, Ấn Độ với chủ đích nâng cao tầm vóc sử dụng cho mục đích cày kéo.
Bò Vàng có tầm vóc rất nhỏ, bò đực trưởng thành chỉ khoảng 230 - 250 kg, bò cái khoảng 180 kg. Do là giống bản địa nên thích nghi rất tốt với thời tiết nóng ẩm và điều kiện chăn nuôi kham khổ; tuy nhiên sức tăng trọng, năng suất sữa, tỷ lệ thịt xẻ đều rất kém nên không đạt hiệu quả kinh tế cao theo hướng nuôi bò thịt công nghiệp. Ở các nơi còn nuôi bò Vàng cần cải thiện trước một bước về phẩm chất giống bằng cách gieo tinh nhân tạo giống Red Sindhi để tạo thế hệ bò cái Lai Sind, sau đó phối giống tiếp bò cái lai với các giống bò thịt cao sản du nhập.
2. Bò Lai Sind.
Được lai từ bò Red Sindhi với bò Vàng. Do tồn tại rất lâu ở nhiều vùng trong nước nên bò Lai Sind đã được xem như giống bò của địa phương; trong đó, đàn bò Lai Sind có tầm vóc lớn tập trung ở huyện Đức Hòa, Đức Huệ và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Bò Lai Sind thích nghi rất tốt điều kiện khí hậu nóng ẩm, có tầm vóc sức tăng trưởng, năng suất sữa và tỷ lệ thịt xẻ cao hơn bò Vàng. Bò cái trưởng thành nặng khoảng 250 - 300 kg, bò đực nặng khoảng 350 - 400 kg. Bò Lai Sind thường có màu lông từ màu nâu nhạt đến sậm, u và yếm phát triển, tai to và hơi cụp, phần ống chân và chóp đuôi thường có màu nâu sậm đến đen.
Do lai tạp trong thời gian dài, thiếu bình tuyển chọn lọc cá thể để làm giống nên tầm vóc, sức tăng trưởng, tỷ lệ thịt xẻ của bò Lai Sind không được cải thiện, nếu sử dụng nuôi thịt không đạt hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên với ưu điểm thích nghi phong thổ nên bò Lai Sind là giống bò nền khởi điểm rất thích hợp để phối với các giống bò thịt cao sản du nhập nhằm kết hợp khả năng thích nghi sẳn có với các ưu điểm di truyền về tầm vóc, sức tăng trưởng, tỷ lệ thịt xẻ và phẩm chất quầy thịt của các giống bò du nhập
3. Bò Lai Ongole.
Được lai tạo giữa giống Ongole với bò Vàng tương tự như bò Lai Sind; (bò cái 400 – 450 kg, bò đực 500 – 600 kg) tuy nhiên số lượng đàn không nhiều và phân tán rải rác ở các tỉnh vùng miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng song Cửu Long do thị hiếu của người nuôi không ưa chuộng bò có sắc lông trắng xám. Bò Lai Ongole có đặc điểm sinh trưởng và khả năng sản xuất tương đương với bò Lai Sind điểm khác cơ bản là bò có sắc lông trắng ngã xám nhạt và có bộ chân cao hơn bò Lai Sind một ít. Hướng sử dụng bò Ongole để làm bò nền lai với các giống bò thịt cao sản cũng tương tự như bò Lai Sind.
CÁC GIỐNG BÒ THỊT DU NHẬP
1. Bò Brahman
Được lai tạo chọn lọc ở Mỹ từ 4 giống bò zebu hay Zebu (bò u) gốc Ấn Độ nên được đặt tên Brahman là tên một vị thần (Bà La Môn) trong truyền thuyết của người Ấn. Do có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới nên bò Brahman có khả năng thích nghi rất tốt với môi trường nóng, ẩm.
Với đặc điểm di truyền giống gốc là nhóm bò Zebu nên Brahman còn giữ điểm đặc trưng là u to và yếm rộng, dài. Brahman có 2 dòng: dòng sắc lông nâu đỏ cánh gián và dòng sắc lông xám trắng, không sừng, tai dài và cụp, thân cân đối và săn chắc, có sức đề kháng cao với ve, ký sinh trùng đường máu và các bệnh liên quan mắt và móng.
Thể trọng bò cái trưởng thành khoảng 450 - 500 kg, bò đực khoảng 650 - 800 kg, tỷ lệ thịt xẻ đạt khoảng 55 - 60%. Dòng Brahman sắc lông nâu đỏ được ưa chuộng theo thị hiếu của phần đông người nuôi; tuy nhiên dòng xám trắng có sức sinh trưởng cao hơn.
Bò lai Brahman với bò Lai Sind có khả năng thích nghi môi trường nóng ẩm và thể hiện rõ hiệu quả cải thiện về tầm vóc, sức sinh trưởng và sinh sản. Do đó, có thể chọn Brahman là giống chủ lực để phối với đàn bò nền Lai Sind địa phương nhằm nâng cao phẩm chất đàn bò nuôi hướng thịt, bê đực lai F1 sử dụng nuôi thịt, bê cái lai bình tuyển giữ lại làm giống lai với bò Brahman và các giống bò thịt khác để tiếp tục cải thiện chất lượng bò thịt và tạo đàn bò cái nền phẩm chất tốt để sử dụng nhân đàn về lâu dài.
2. Bò Red Angus
Được lai tạo từ vùng Aberdeen nước Scotland (Aberdeen Angus) từ giống bò Shorthorn của Anh với giống Brahman của Mỹ. Bò có 2 dòng: dòng sắc lông đen (Black Angus) và dòng sắc lông nâu đỏ (Red Angus); trong đó Red Angus là dòng thích hợp môi trường nóng ẩm.
Bò Red Angus có sắc lông nâu đỏ cánh gián, phần thân có các vệt sậm, nhạt xen kẽ nên người nuôi còn gọi là “bò cọp”, không sừng, các phần u, yếm và tai đều nhỏ. Thể trọng bò cái trưởng thành từ 500 - 550 kg, bò đực từ 800 - 900 kg, tỷ lệ thịt xẻ từ 60 - 65%, chất lượng thịt ngon, mềm và béo do có các vân mỡ đan xen trong thớ thịt.
Bò lai Red Angus với bò Lai Sind có khả năng thích nghi tốt, tầm vóc và sức sinh trưởng được cải thiện rõ rệt. Do đó, thích hợp để phối với bò Lai Sind tạo bê đực lai F1 nuôi thịt, bê cái bình tuyển giữ lại làm giống phối với các giống bò thịt khác, về hướng sử dụng lâu dài, đàn bò địa phương có thể nâng chất theo hướng tạo đàn bò 3 máu Brahman x Red Angus x Lai Sind.
3. Bò Droughtmaster
Được lai tạo chọn lọc từ các giống: Brahman, Santa Gertrudis, Hereford, Devon, Shorthorn ở Úc (nên còn được gọi là bò Úc). Do có gen giống bò Brahman nên bò Droughtmaster cũng đáp ứng được yêu cầu chăn nuôi trong môi trường nắng nóng như tên gọi Droughtmaster có nghĩa “kiện tướng chịu hạn”.
Bò Droughtmaster có sắc lông nâu đỏ cánh gián, không sừng, tai nhỏ, u và yếm không to, thân tròn và dài. Thể trọng bò cái trưởng thành từ 450 - 550 kg, bò đực từ 650 - 800 kg, tỷ lệ thịt xẻ từ 60 - 65%. Bò lai Droughtmaster với bò Lai Sind có sức tăng trưởng nhanh, thích nghi tốt; do đó, hướng sử dụng giống Droughtmaster tương tự như hướng sử dụng giống Red Angus.
4. Bò 3B (Blanc Bleu Belge, Belgian Blue Breed)
Được lai tạo từ giống Shorthorn của nước Anh với các giống bò địa phương của Bỉ (nên còn goi là bò Bỉ). Bò có sắc lông trắng loang xám xanh hoặc đen, không sừng, tai nhỏ, u rất thấp, yếm gần như không có, điểm đặc biệt là hệ cơ rất phát triển, nhất là phần mông và đùi sau (nên còn gọi là bò “cơ bắp”). Thể trọng bò cái trưởng thành từ 550 - 600 kg, bò đực từ 800 - 1.000 kg, tỷ lệ thịt xẻ từ 60 - 65%, khả năng thích nghi vùng nóng ẩm có giới hạn.
Bò lai thế hệ F1 giữa bò 3B với bò Lai Sind hầu hết đều có sắc lông nâu đỏ cánh gián của dòng mẹ, thường có mống mắt to đen và các chòm lông xoăn; các thế hệ F2 trở đi mới xuất hiện bò có các khoảng lông trắng, đen. Bò lai tăng trưởng nhanh; tuy nhiên sức thích nghi không bằng các giống bò có u.
Hướng sử dụng bò 3B là lai tạo với bò Lai Sind địa phương hoặc các giống bò khác chủ yếu sử dụng bò đực và cả bò cái để nuôi thịt; bò cái lai không thích hợp giữ lại làm giống do đặc điểm di truyền của giống 3B trên con cái thường có xương chậu hẹp nên gặp nhiều trở ngại khi đẻ.
5. Bò Charolais
Bò có nguồn gốc lâu đời từ vùng Charolles nước Pháp. Bò có sắc lông trắng kem, không sừng, tai ngắn, u thấp, yếm nhỏ, hệ cơ bắp phát triển. Thể trọng bò cái trưởng thành khoảng 550 - 650 kg, bò đực khoảng 850 - 1.000 kg, tỷ lệ thịt xẻ khoảng 65%, thích nghi khá trong môi trường nóng, ẩm.
Bò lai Charolais với bò Lai Sind địa phương phần lớn có sắc lông vàng nhạt và trắng vàng, con lai thích nghi khá, tăng trưởng nhanh; tuy nhiên, bò cái lai giữ lại làm giống không thích hợp do sức sinh sản kém. Do đó, hướng sử dụng bò Charolais tương tự như hướng sử dụng bò 3B.
CHỌN GIỐNG
1. Định hướng chọn giống
Mục tiêu cải thiện chất lượng giống theo hướng phát triển ngành chăn nuôi bò thịt cần ứng dụng công nghệ gieo tinh nhân tạo các giống bò cao sản du nhập với đàn bò nền Lai Sind địa phương để tạo con lai F1 bê đực nuôi thịt, bê cái chọn lọc cá thể đủ tiêu chuẩn làm giống để nuôi sinh sản và tiếp tục gieo tinh nhân tạo các giống bò du nhập.
Trong phạm vi lựa chọn giống bò thịt thích hợp đặc điểm khí hậu và điều kiện chăn nuôi ở các địa phương còn hạn chế, giống Brahman nên chọn là giống chủ lực tập trung tạo đàn bò nền sinh sản Brahman x Lai Sind, 2 giống Red Angus và Droughtmaster cũng có thể sử dụng phối với bò Lai Sind theo hướng tương tự nhưng trong phạm vi hẹp hơn. Tựu chung về lâu dài, đàn bò cái nền địa phương được lai tạo nhiều máu từ gốc bò Lai Sind của địa phương với các giống Brahman, Red Angus và Droughtmaster.
Riêng 2 giống bò 3B và Charolais nên sử dụng trong phạm vi giới hạn các cơ sở chăn nuôi có đủ điều kiện đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị chăn nuôi công nghiệp; đồng thời chỉ nên sử dụng tinh phối giống để tạo con lai nuôi thịt, không nên giữ làm bò sinh sản.
2. Chọn bò cái làm giống
Nhằm đảm bảo bò cái có thể chất tốt để hạn chế các trở ngại phát sinh trong quá trình mang thai, đẻ và bê lai có chất lượng tốt, cần có sự chọn lọc cá thể bò cái đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây để phối giống:
- Nguồn gốc: cần nắm lai lịch và chủng loại giống bò cha, mẹ của bò cái để chọn bò cái ban đầu có tỷ lệ máu bò Sind cao. Trường hợp bò cái là bò đã có lai với các giống bò du nhập cũng cần nắm rõ chủng loại tinh giống đã gieo để chọn tinh giống phối tiếp thích hợp.
- Ngoại hình: Đối với bò nuôi thịt, các tiêu chuẩn chọn lựa về ngoại hình không yêu cầu cao như khi nuôi bò sữa, tuy nhiên bò chọn nuôi sinh sản hướng thịt vẫn cần đáp ứng yêu cầu cơ bản về thể trọng, như bò Lai Sind cần có trọng lượng tối thiểu là 250 kg cùng các tiêu chuẩn ngoại hình sau:
Bò có phần đầu thanh, cổ nhỏ và dài vừa phải, miệng lớn, lưng rộng và không võng, phần thân sau phát triển hơn phần trước, mông nở, ít dốc xuống, lồng ngực to và sâu, da mỏng, lông mịn, bốn chân cứng cáp và thẳng, hai chân sau không choải ra cũng không chụm vào, không chạm khoeo, bộ móng ngắn và đều. Nên chọn bò có bầu vú to, nở và mềm (vú da), ngược lại không nên chọn bò có bầu vú cứng, da dày, kém đàn hồi (vú thịt), bốn núm vú to vừa phải và đều, không quá dài hay quá ngắn, không có núm tắt, hai thùy vú sau to hơn hai thùy trước. Tĩnh mạch bụng to và dài, tĩnh mạch vú nổi rõ và phân nhánh nhiều. Tập quán nuôi bò ở nhiều nơi còn quan tâm nhiều đến màu lông, đốm, khoáy (sái/xoáy); tuy nhiên, cần xem đây là các yếu tố không quan trọng vì không liên quan đến sức tăng trưởng, sinh sản của bò.
- Sức tăng trưởng, sinh sản: Khi mua bò cái từ bên ngoài hay chọn bò cái nuôi tại chỗ đã từng sinh đẻ cần chọn những con cho sữa tốt, ổn định và kéo dài, tính tình hiền lành, dễ vắt sữa, ít bệnh, lên giống đều đặn, rõ và đậu thai ổn định.
3. Chọn nguồn nọc giống
Nếu cho phủ nọc trực tiếp, cần chọn bò đực có nguồn gốc giống rõ ràng, thể trạng khỏe mạnh, không mắc bệnh và tốt hơn nữa là theo dõi, đánh giá sức tăng trưởng và ngoại hình của các bê con đã được sinh sản từ bò nọc giống này. Trong thực tế, phương pháp phủ nọc trực tiếp tuy vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi nhưng có rất nhiều giới hạn, không phù hợp với hướng ứng dụng công nghệ di truyền giống tiên tiến. Hầu hết các bò nọc hiện nay chủ yếu là giống bò Lai Sind nên đặc điểm di truyền về năng suất, chất lượng thịt kém hơn rất nhiều so với các giống du nhập, một số bò nọc tuy đã được lai với các giống cao sản nhưng cũng là bò lai, không phải là cá thể bò nọc có ưu điểm vượt trội so với các bò đực khác nên hiệu quả di truyền cũng không đạt, đồng thời bò nọc còn có thể mang trùng các mầm dịch bệnh gây lây nhiễm cho bò cái khi phối giống. Vì vậy, nên áp dụng công nghệ gieo tinh là giải pháp kỹ thuật hiện đại để thay thế hẳn cách phủ nọc trực tiếp do đem lại rất nhiều mặt lợi ích, cụ thể như sau:
- Nguồn tinh dùng gieo cho bò cái được khai thác từ các giống bò thuần chủng có tầm vóc, sức tăng trưởng, tỷ lệ thịt xẻ và chất lượng thịt cao hơn rất nhiều so với bò nọc tại các địa phương.
- Bò nọc giống được tuyển lọc khắt khe để chỉ chọn các cá thể bò nọc có nhiều ưu điểm vượt trội về khả năng sinh trưởng để khai thác tinh; do đó, nguồn tinh này khi gieo cho bò cái nền địa phương sẽ tạo được thế hệ bò lai có chất lượng rất tốt.
- Bò nọc tuyển chọn khai thác tinh đã được kiểm tra chặt chẽ về mặt bệnh học nên đảm bảo không mang bất kỳ mầm bệnh truyền nhiễm nào có thể gây lây lan cho bò cái khi gieo tinh.
- Chi phí gieo tinh nhân tạo thấp hơn so với chi phí phủ nọc trực tiếp do lượng tinh khai thác mỗi lần từ bò nọc giống có thể được gieo cho nhiều bò cái.
- Dẫn tinh viên thực hiện việc gieo tinh nhân tạo tại nơi nuôi bò cái nên thuận tiện hơn so với cách phối giống trực tiếp với bò nọc và là điều kiện đảm bảo tỷ lệ đậu thai cao hơn so với cách phủ nọc trực tiếp.
- Khi áp dụng gieo tinh nhân tạo có thể chọn lựa được đa dạng nhiều chủng loại tinh giống, nguồn gốc giống đáp ứng phù hợp với các mục tiêu lai tạo giống bò nuôi thịt và tạo đàn bò nền sinh sản phù hợp theo ý muốn.
PHỐI GIỐNG
Độ tuổi thành thục sinh dục và lên giống (động dục) lần đầu của bò cái tơ biến động khá lớn do phụ thuộc đặc điểm riêng của chủng loại giống và điều kiện nuôi dưỡng, bò có thể lên giống rất sớm vào lúc chỉ mới 9 tháng tuổi hoặc trễ đến 24 tháng tuổi; nếu nuôi dưỡng kém hoặc để bò quá béo đều lên giống trễ, lên giống không đều, không rõ hoặc không lên giống.
Độ tuổi bò cái thích hợp phối giống lần đầu khi bò trên 16 tháng tuổi và cơ thể khỏe mạnh, cân đối; đối với bò Lai Sind cần có thể trọng tối thiểu là 220 kg; đồng thời nên bỏ qua 1 - 2 lần lên giống đầu tiên để khả năng đậu thai cao, thai phát triển tốt và bê sau này tăng trưởng nhanh.
Chu kỳ lên giống của bò trung bình là 21 ngày, dao động từ 18 - 23 ngày phụ thuộc vào đặc tính giống, điều kiện nuôi dưỡng, khí hậu,... Thời gian lên giống của bò thường kéo dài trong 1 - 2 ngày; biểu hiện khởi đầu là giảm ăn, âm hộ nở, hơi đỏ, có dịch nhờn chảy ra đóng thành vệt và dễ phát hiện vào ban đêm khi bò nằm. Đối với bò đang cho sữa nuôi con thường giảm tiết sữa trong ngày lên giống. Cần lưu ý khi bò vừa có biểu hiện lên giống với các hiện tượng như trên chưa phải là thời điểm thích hợp để phối giống mà cần chờ đến lúc âm hộ sưng đỏ nhiều và dịch nhờn ở âm hộ chảy ra đặc quánh lại thành dây là lúc thích hợp cho phối, thường thời điểm này vào lúc 18 - 36 giờ sau khi bò bắt đầu có biểu hiện lên giống.
Có thể phối giống cho bò tơ sớm hơn bò rạ và nếu có điều kiện nên phối 2 lần: lần đầu vào chiều ngày hôm trước và sáng ngày hôm sau hoặc sáng - chiều trong cùng ngày để tăng khả năng đậu thai. Nếu để trôi qua thời điểm này, âm hộ bò đã teo lại không nên phối vì đã muộn, khả năng đậu thai rất thấp. Do vậy, cần theo dõi kỹ chu kỳ lên giống của bò để chủ động quan sát ngay từ khi có dấu hiệu đầu tiên và các công việc chuẩn bị cần thiết để phối giống.
(Còn tiếp)
Từ khóa » Bò Sind ấn độ
-
Bò Lai Sind – Wikipedia Tiếng Việt
-
Giống Bò Red Sindhi
-
Bò Sindhi - Bò Lai Sind Và Những điều Cần Biết Khi Nuôi - Miao Lands
-
Tinh Bò Thịt Red Sindhi - CUONGTHINH JSC
-
Bò Sindhi – Bò Lai Sind Và Những điều Cần Biết Khi Nuôi | Hermiger
-
Nguồn Gốc Và đặc điểm Của Bò Lai Sind - FMan
-
Đặc điểm Giống Bò Red Sindhi - Tài Liệu Text - 123doc
-
Top 15 đặc điểm Bò Red Sindhi
-
Bò RedSind - Chi Cục Chăn Nuôi Và Thú Y Tp.HCM
-
Trang Trại Mua Bán Bò Giống Chăn Nuôi - So Sánh Bò Lai Sind Với Bò ...
-
Trang Trại Bò Siêu Thịt ở Lạc Xuân - Trung Tâm Khuyến Nông
-
Bò Brahman - Công Ty Cổ Phần Bò Việt
-
Làm Giàu Từ Nuôi Bò Lai Sind - Báo Gia Lai điện Tử - Tin Nhanh
-
Bản In - Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Tỉnh Quảng Bình
-
Kỹ Thuật Nuôi Bò Thịt Cho Năng Suất Cao, Thu Lãi Tiền Tỷ