Chấn Thương Thận | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Chấn thương thận ngày càng có xu hướng gia tăng tại các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển.

Tại Mỹ, chấn thương là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế ở giới trẻ. Tại Pháp, chấn thương là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3. Chấn thương hệ tiết niệu chiếm khoảng 10% các trường hợp chấn thương bụng, trong đó chấn thương thận là thường gặp nhất.

Tại Việt Nam, chấn thương bụng nói chung và chấn thương thận nói riêng ngày càng phổ biến, nguyên nhân thường gặp nhất là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt và thể dục thể thao. Chấn thương thận chủ yếu là chấn thương thận kín, chiếm 80 - 85% các trường hợp tổn thương thận.

Chấn thương thận kín là trường hợp tổn thương thận nhưng thành bụng hay thành lưng không bị thủng.

Sơ lược giải phẫu

Một người bình thường có 2 quả thận, hình hạt đậu, nằm hai bên cột sống, trong ổ thận kín sau phúc mạc. Kích thước thận trung bình cao khoảng 12 cm, rộng 6 cm, dày 3 cm, cân nặng khoảng 150g.

Bao bọc quanh thận là lớp mỡ quanh thận và lá cân tương đối chắc (cân Gerota ), vì vậy trong chấn thương thận kín, lá cân Gerota giúp cho những khối máu tụ sau phúc mạc tạo ra một áp lực lên thận chấn thương giúp tự cầm máu.

Nguyên nhân chấn thương thận:

  • Tai nạn giao thông (thường gặp nhất ở nước ta).

  • Tai nạn lao động

  • Tai nạn sinh hoạt

  • Tai nạn thể thao…

Cơ chế chấn thương:

  • Cơ chế trực tiếp: những va chạm trực tiếp vào vùng hông lưng gây chấn thương thận.

  • Cơ chế gián tiếp: những trường hợp bị té từ trên cao, những va chạm gây ra sự dừng đột ngột làm cho thận bị kéo căng theo quán tính, thường gây tổn thương cuống mạch máu thận.

Phân độ chấn thương thận:

Có rất nhiều hệ thống phân độ chấn thương thận (đã có ít nhất 26 hệ thống phân độ chấn thương thận trong 50 năm qua), hiện nay có 2 hệ thống phân độ chấn thương thận được nhiều người sử dụng đó là phân độ theo Chatelain và hệ thống phân độ của hiệp hội phẫu thuật chấn thương Hoa Kỳ (AAST), trong đó bảng phân độ AAST được nhiều người sử dụng nhất, được chia làm 5 độ chấn thương, chấn thương thận độ I, độ II là chấn thương thận nhẹ, chấn thương thận độ III, độ IV, độ V là chấn thương thận nặng.

chấn thương thận

Dấu hiệu lâm sàng chấn thương thận:

  • Sau tai nạn, người bệnh thấy đau ở vùng thắt lưng và chướng bụng.

  • Đi tiểu ra máu: có thể là tiểu máu đại thể hoặc vi thể. Mức độ tiểu máu không tỉ lệ thuận với độ nặng của chấn thương thận và nếu không tiểu máu cũng không loại trừ có chấn thương thận

  • Khám bệnh có thể thấy vùng bầm tím, xây xát ở thắt lưng bên thận bị chấn thương, vùng thắt lưng đầy hơn bên đối diện, căng nề và đau. Sờ được khối máu tụ quanh thận.

  • Những dấu hiệu toàn thân như choáng, những dấu hiệu của chảy máu, mất máu.

  • Ngoài ra, nếu có tổn thương cơ quan khác phối hợp thì sẽ có thêm những dấu hiệu của cơ quan bị tổn thương.

Chẩn đoán

Để giúp chẩn đoán có chấn thương thận, ta phải làm một số xét nghiệm cận lâm sàng và hình ảnh học như: Xét nghiệm máu đánh giá sự mất máu và chức năng thận, xét nghiệm nước tiểu xác định tiểu máu. Siêu âm đánh giá chấn thương thận, và đặc biệt là chụp cắt lớp điện toán (CT Scaner) có tiêm chất cản quang giúp xác định có chấn thương thận, phân độ chấn thương thận và xác định các thương tổn phối hợp.

Ngoài ra khi nghi ngờ có tổn thương mạch máu thận (thận không bắt thuốc cản quang trên CT Scaner) thì ta có thể chụp động mạch thận chọn lọc (DSA) giúp chẩn đoán và điều trị (can thiệp nội mạch nếu cần).

Điều trị chấn thương thận

Những trường hợp chấn thương thận nhẹ (độ I, độ II) thì không cần phẫu thuật, điều trị nội khoa cho kết quả tốt.

Những trường hợp chấn thương thận nặng (độ IV, độ V) thường phải mổ để cầm máu và phục hồi lại cấu trúc thận. Tuy nhiên, với những tiến bộ của chẩn đoán hình ảnh, sự phát triển của lĩnh vực hồi sức, tiến bộ trong kỷ thuật nội soi và qua da cũng như can thiệp nội mạch, ngày nay, đa số những chấn thương thận nặng được điều trị bảo tồn cho kết quả tốt.

Với những tổn thương mạch máu thận chính, thường cần phải được can thiệp sớm (trước 6 giờ) để tái lặp dòng tuần hoàn giúp duy trì chức năng thận chấn thương.

Biến chứng chấn thương thận

Biến chứng sớm

  • Chảy máu: đây là biến chứng thường gặp nhất và quan trọng nhất.

  • Nang giả niệu (urinoma): do nước tiểu thoát ra ngoài thận, tích tụ không có lối thoát.

  • Nhiễm trùng khối máu tụ.

Biến chứng muộn

  • Tăng huyết áp

  • Thận chướng nước

  • Rò động- tĩnh mạch.

Phòng ngừa chấn thương thận

  • Tham gia giao thông an toàn, thận trọng trong lao động, sinh hoạt và thể dục-thể thao, tránh bạo lực.

  • Khi nghi ngờ có chấn thương thận cần được khám chuyên khoa và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Nội soi khoang bụng trong chấn thương bụng

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Hình ảnh Ct Chấn Thương Thận