Chặng đường Quan Hệ Việt Nam - Liên Minh Châu Âu 30 Năm Qua
Có thể bạn quan tâm
QUAN HỆ VIỆT NAM - LIÊN MINH CHÂU ÂU 30 NĂM: THỰC TRẠNG, CƠ HỘI, THÁCH THỨC VÀ TRIỂN VỌNG
Tháng 11 năm nay, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (28/11/1990 - 28/11/2020), trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên vừa có bước đột phá quan trọng, với việc Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. Mặc dù đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh, nhất là tại châu Âu, cả hai bên vẫn có các hoạt động thiết thực để kỷ niệm dấu mốc quan trọng này.
I. Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ Việt Nam - EU 30 năm qua, có thể nhận thấy EU, với 27 quốc gia thành viên hiện nay, luôn là một trong những đối tác quan trọng trong sự nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
1-Việc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990 giữa Việt Nam và EU (khi đó là Cộng đồng Châu Âu, với 12 quốc gia thành viên ở Tây Âu) là sự kiện quan trọng, đánh dấu việc nước ta bắt đầu thoát khỏi sự bao vây cấm vận của các nước phương Tây[1] và tác động tích cực đến quan hệ đối ngoại và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam được triển khai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng tháng 12/1986.
2- Quan hệ hợp tác Việt Nam - EU được khởi đầu trên các vấn đề nhân đạo[2], khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp đó dẫn đến việc ký Hiệp định khung về Hợp tác giữa hai bên (FCA) tháng 7/1995. Từ đó, EU đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt thời kỳ bắt đầu công cuộc hội nhập đầy thử thách với nhiều hoạt động hỗ trợ quan trọng. Đặc biệt là:
- EU đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong hoạch định chính sách và nâng cao năng lực thể chế, từ đó góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Sự hỗ trợ này được thực hiện trong nhiều chương trình, dự án khác nhau, tiêu biểu là Chương trình hỗ trợ quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (EuroTAPViet) từ 1994 đến 1999 (là chương trình hỗ trợ kỹ thuật lớn nhất của EU ở châu Á), Chương trình hỗ trợ chính sách Thương mại đa phương (MUTRAP) từ 1998 đến 2017.
- EU là nhà cung cấp viện trợ phát triển ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Giai đoạn 1993-2013, ODA của EU chiếm 20% tổng cam kết của các nhà tài trợ quốc tế đối với Việt Nam, trong đó viện trợ không hoàn lại là 1,5 tỉ USD. Giai đoạn 2014 - 2020, EU đã viện trợ 400 triệu EUR cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng bền vững và tăng cường năng lực thể chế. Các dự án ODA của EU đã hỗ trợ hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Hai bên còn đẩy mạnh hợp tác về văn hóa nghệ thuật, bảo tồn di sản, giáo dục, giao lưu nhân dân…
3- Việt Nam và EU cùng có chung quan điểm về cách tiếp cận đa phương, về vai trò của luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương trong quan hệ quốc tế. Hai bên thường xuyên trao đổi, tham vấn và phối hợp lập trường trên nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, đặc biệt về hòa bình an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu, tự do hóa thương mại dựa trên luật lệ, phát triển bền vững, các thách thức về an ninh phi truyền thống...
II. Các thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt Nam - EU:
1- Về các khuôn khổ hợp tác-đối tác giữa hai bên:
Việt Nam và EU hiện có mối quan hệ rất sâu rộng, tiêu biểu là: Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA), có hiệu lực từ năm 2016, với các cơ chế hợp tác thực chất trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, an ninh-quốc phòng, pháp quyền-quản trị; Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 và sắp tới là Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Giữa hai bên còn có Hiệp định Đối tác tự nguyện về Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) có hiệu lực tháng 6/2019; Hiệp định khung về hợp tác Quốc phòng-An ninh (FPA) tháng 10/2019; cơ chế Đối thoại nhân quyền hàng năm... Các khuôn khổ hợp tác này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia châu Á có quan hệ toàn diện, sâu rộng nhất với EU, nước ASEAN duy nhất có tất cả các trụ cột hợp tác với EU.
2- Về kinh tế, thương mại và đầu tư:
- Với một thị trường 512 triệu dân, chiếm 22% GDP thế giới, thu nhập bình quân đầu người 36.580 USD/năm, EU là một đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, một trong ba đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ). Kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đã tăng 17 lần trong 20 năm qua, đạt 56,45 tỉ USD năm 2019 và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN (sau Singapore), trong đó Việt Nam xuất khẩu vào EU 41,54 tỉ USD hàng hóa và nhập khẩu từ EU 14,9 tỉ USD. EU luôn là thị trường Việt Nam xuất siêu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ), khối lượng ngày càng tăng, giúp Việt Nam bù đắp được thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, Hàn Quốc... Ngay khi EVFTA có hiệu lực, tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Nhờ EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam tuy bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 vẫn tăng xuất khẩu sang EU.
- EU nằm trong nhóm năm nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam (cùng với Hàn Quốc, Nhật, Singapore và Đài Loan - Trung Quốc)[3]. Xu thế đầu tư của EU chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, gần đây có xu hướng phát triển sang các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, văn phòng cho thuê, bán lẻ...). Các nhà đầu tư EU có ưu thế về công nghệ, đóng góp tích cực vào việc chuyển giao công nghệ, tạo ra một số ngành, nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao, tạo thêm nhiều việc làm mới. Đầu tư của Việt Nam sang EU không nhiều, nhưng các dự án đầu tư này đã góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam khai thác được lợi thế kinh doanh, tiếp cận và mở rộng thị trường EU có sức mua lớn.
III. Cơ hội, thách thức và triển vọng quan hệ Việt Nam - EU:
1- Hiện có rất nhiều cơ hội và thuận lợi để tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - EU trong thời gian tới. Cả hai bên đều có lợi ích và đã cùng nhau tạo dựng đầy đủ các khuôn khổ, cơ chế để đẩy mạnh mối quan hệ này.
- Quan hệ hợp tác toàn diện với EU, một trung tâm kinh tế-chính trị quan trọng hàng đầu thế giới, luôn là một trong những định hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Quan hệ Việt Nam - EU còn được củng cố bằng các mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với 27 nước thành viên EU, đặc biệt là quan hệ "đối tác chiến lược" với Đức, Anh[4], Pháp, Italia, Tây Ban Nha; quan hệ "đối tác toàn diện" với Hà Lan, Đan Mạch, Hunggary; quan hệ bạn bè truyền thống với tất cả các nước thành viên Đông Âu của EU…
- Phía EU cũng có lợi ích thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Như phát biểu ngày 05/11/2020 của Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu kiêm Đại diện cấp cao EU về An ninh và Đối ngoại Josep Borrell: "Việt Nam giờ đây trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực…, một trong những nước năng động nhất ở châu Á - Thái Bình Dương" và "Việt Nam là một đối tác song phương hấp dẫn của Liên minh Châu Âu cũng như thông qua tư cách thành viên ASEAN và LHQ, nơi Việt Nam đã thể hiện cam kết rõ ràng của mình đối với chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ…". Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tốc độ phát triển nhanh và ổn định, đã tham gia 11 FTAs, đặc biệt là thành viên của Hiệp định CPTPP và sắp tới là RCEP, sẽ là điểm đến đầy hứa hẹn của các doanh nghiệp EU kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
2- Trong khi những cơ hội và thuận lợi là cơ bản, quan hệ Việt Nam - EU cũng tồn tại những thách thức không nhỏ từ cả hai phía.
- Là một trung tâm kinh tế toàn cầu, lợi ích và quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của EU tại Đông Á - Thái Bình Dương rất lớn (ví dụ mỗi năm có nhiều trăm tỉ đô la hàng hóa đến và từ EU đi qua Biển Đông), nhưng vai trò chính trị của EU đối với hòa bình, ổn định trong khu vực còn khiêm tốn so với nhiều đối tác quan trọng khác. Điều này một phần do khoảng cách địa lý và EU còn có nhiều quan tâm lớn ở khu vực cận biên. Quan hệ EU - Việt Nam cũng phụ thuộc vào nhiều vấn đề nội tại của EU, trong đó có xu thế dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, dân tộc cực đoan, hậu quả nặng nề do đại dịch Covid... đang tác động nhất định đến việc thúc đẩy quan hệ. Mặt khác, giữa Việt Nam và EU vẫn tồn tại một số khác biệt, đặc biệt về quan điểm và cách tiếp cận trên các vấn đề dân chủ nhân quyền, mặc dù trong 30 năm qua, cả hai bên đều hiểu và nhìn nhận rõ các khác biệt này.
- Thách thức lớn nhất của Việt Nam là cần tận dụng tối đa cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại. Số liệu thống kê đến tháng 10/2020 cho thấy thương mại hai chiều Việt Nam-EU chưa có dấu hiệu bứt phá, trong bối cảnh đại dịch Covid vẫn đang tác động nặng nề đến nền kinh tế của mỗi bên, đặc biệt là EU. Để tăng tốc về xuất khẩu vào một thị trường khó tính như EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm… Mặt khác, để tận dụng cơ hội từ EVFTA và tiếp cận được các dòng đầu tư với công nghệ cao từ EU, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật theo hướng minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, bao trùm hơn.
3- Từ các phân tích trên và với quyết tâm từ cả hai phía, có thể tin tưởng rằng quan hệ Việt Nam - EU sẽ ngày càng phát triển thực chất, toàn diện và sâu rộng, nhất là về kinh tế, chính trị, thương mại và đầu tư. Cả hai bên đã thiết lập các khuôn khổ chung để thúc đẩy quan hệ, nhất là Hiệp định Đối tác-Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, đã tạo ra bước đi đột phá là Hiệp định EVFTA thế hệ mới đầy tham vọng và sắp tới là Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), ký tháng 6/2019, đã được Quốc hội hai bên thông qua và đang chờ 27 nước thành viên EU phê chuẩn, sau khi có hiệu lực sẽ tạo ra đột phá về đầu tư giữa Việt Nam và EU. Tuy hai bên vẫn tồn tại một số khác biệt, như vấn đề dân chủ nhân quyền, nhưng cũng như trong suốt 30 năm qua, những khác biệt này không lớn so với lợi ích tổng thể và không thể cản trở đà phát triển của quan hệ Việt Nam - EU; hai bên cũng đã thiết lập cơ chế đối thoại-hợp tác để xử lý các khác biệt trong quan hệ.
Tóm lại, trong 30 năm qua, quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển từ quan hệ một chiều giữa "nước nhận viện trợ và nhà tài trợ" trở thành quan hệ đối tác bình đẳng và cùng có lợi, hợp tác toàn diện và bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu, trên cơ sở lợi ích chung, với các cơ chế toàn diện, đáp ứng hiệu quả, thiết thực nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và chiến lược của cả hai bên, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trên thế giới./
Đại sứ Vũ Anh Quang
[1] Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng đồng Châu Âu, bình thường hóa quan hệ với các nước Tây Âu là bước đi đột phá của Việt Nam, phá thế bao vây cấm vận của phương Tây trong những năm 1980: Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận chống Việt Nam tháng 2/1994, bình thường hóa quan hệ tháng 7/1995; Việt Nam gia nhập ASEAN tháng 7/1995…
[2] Điển hình là "Chương trình hỗ trợ quốc tế (ECIP) do EU phối hợp với Cao ủy LHQ về người Tị nạn hỗ trợ người Việt Nam hồi hương và tái hòa nhập cộng đồng; việc EC tài trợ qua Tổ chức Di chú quốc tế để hỗ trợ hồi hương 16.000 lao động Việt Nam tại I-rắc năm 1991.
[3] Năm 2019, EU có 2.375 dự án từ 27/28 quốc gia thành viên EU, với tổng số vốn đầu tư đạt 25,49 tỷ USD.
[4] Vương quốc Anh vẫn còn là thành viên EU đến 31/12/2020.
Từ khóa » Chặng Có Nghĩa Là Gì
-
Nghĩa Của Từ Chặng - Từ điển Việt
-
Chặng - Wiktionary Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "chặng" - Là Gì? - Vtudien
-
Chặng Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Chặng Nghĩa Là Gì Trong Từ Hán Việt? - Từ điển Số
-
Từ Điển - Từ Chặng đường Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Chặng đường Phía Trước... | UNICEF Việt Nam
-
Tiếp Tục đấu Tranh Ngăn Chặn, đẩy Lùi Những Biểu Hiện “tự Diễn Biến ...
-
Quy định Của Hãng Vận Chuyển | Thông Tin Hành Lý - Cathay Pacific
-
“Thành Ngữ Bằng Tranh” Quá Nhiều Sai Sót (*): Từ “nuôi Báo Cô” đến ...
-
Công Nghiệp Hóa ở Việt Nam Và Quá Trình Phát Triển Kinh Tế Xã Hội