Chất Kháng Sinh Trong Thịt - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Ảnh minh họa. Nguồn: seattlechildrens.org
Hầu hết các chuyên gia cho rằng, gần như thuốc kháng sinh trong chăn nuôi sẽ không gây hại cho bạn hoặc con bạn trong tương lai gần. Các giới hạn và quy định nghiêm ngặt của ngành y tế và nông nghiệp đảm bảo rằng rất ít (nếu có) kháng sinh dùng cho động vật còn tồn dư trong những gì bạn ăn. Tuy nhiên, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là việc bạn nên quan tâm vì mối hiểm họa của nó đối với sức khỏe.
Nhiều nông dân hiện nay sử dụng kháng sinh để chữa trị cho các loại gia cầm, gia súc mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng ngành chăn nuôi lại phụ thuộc quá nhiều vào thuốc kháng sinh nhằm vỗ béo gia súc và để bù lại điều kiện thiếu vệ sinh và quá tải ở các trang trại có quy mô công nghiệp - bất chấp các nguyên tắc về sử dụng kháng sinh.
Tại sao kháng sinh sử dụng cho vật nuôi lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người?
Vấn đề chính cần quan tâm không phải là tác động trực tiếp của chất kháng sinh lên cơ thể bạn hoặc con bạn, mà những chất này sẽ làm tăng khả năng đề kháng của những vi khuẩn mà chúng ta nhiễm phải. Các chuyên gia cảnh báo rằng, đã có rất nhiều chủng vi khuẩn không còn phản ứng với thuốc kháng sinh.
Cũng giống như việc sử dụng kháng sinh không cần thiết sẽ góp phần gia tăng tình trạng kháng thuốc của một số chủng vi khuẩn, lạm dụng kháng sinh trong nông nghiệp có thể dẫn đến sự xuất hiện của các chủng vi khuẩn có khả năng chống lại các loại kháng sinh thông thường. Khi một loại thuốc kháng sinh được sử dụng càng nhiều, khả năng vi khuẩn kháng lại kháng sinh đó càng cao.
Đồng thời, nếu quá ít kháng sinh được sử dụng (như trường hợp sử dụng trên động vật khỏe mạnh), vi khuẩn sẽ không bị tiêu diệt toàn bộ - những vi khuẩn sống sót có thể phát triển và sinh sản lai tạo nên các chủng kháng thuốc.
Một số vi khuẩn có thể lây truyền sang người do vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví dụ, vi khuẩn có thể được tìm thấy trong thịt chưa nấu chín. Campylobacter (một loại vi khuẩn tìm thấy trong ruột gà) có thể lây lan trong quá trình chế biến gà sống và sau đó không rửa sạch.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh Hoa Kỳ (CDC): Sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt việc sử dụng thuốc kháng sinh fluoroquinolone cho gà, vi khuẩn kháng loại thuốc này bắt đầu xuất hiện ở người.
Kháng sinh thậm chí còn được tìm thấy trong một số loại rau củ được trồng bón bằng phân động vật. Trong một nghiên cứu được tài trợ bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), các nhà khoa học tại Đại học Minnesota cho thấy ngô, rau diếp và khoai tây có khả năng bị lây nhiễm thuốc kháng sinh thú y sulfamethazine khi chúng được trồng trên đất có bón phân động vật chứa sulfamethazine. Sulfamethazine thường được sử dụng nhằm điều trị các bệnh do vi khuẩn và để kích thích tăng trưởng cho gia cầm, lợn, cừu và các động vật khác.
Ngoài nguy cơ ăn phải các vi khuẩn kháng thuốc, còn có vấn đề là một số loại vi khuẩn có khả năng vận chuyển gene của chúng sang vi khuẩn khác. Điều này có nghĩa là nếu bạn nhiễm phải một loại vi khuẩn vô hại nhưng có mang gene kháng thuốc, gene đó có thể được truyền sang một loại vi khuẩn gây hại và làm chúng trở nên kháng thuốc.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể biết được tần suất xảy ra hiện tượng trên. Nhưng David Wallinga, một nhà khoa học có thâm niên tại Viện Nông nghiệp và Chính sách Thương mại - một tổ chức về thực phẩm, nông nghiệp, thương mại phi lợi nhuận có trụ sở tại Minneapolis - báo cáo rằng tổ chức CDC có "bằng chứng là tỷ lệ mà con người nhiễm phải vi khuẩn kháng thuốc đang tăng và một trong những nguyên nhân đó, có thể quy cho việc sử dụng kháng sinh trên động vật".
Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới, Hội Liên hiệp Khoa học, Hiệp hội Y tế Công cộng Hoa Kỳ, và Đại học Y tế Dự phòng Hoa Kỳ đã thể hiện rõ lập trường chống lại hành động sử dụng kháng sinh cho động vật không bị bệnh. FDA cũng đã kêu gọi những người chăn nuôi hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh và chỉ nên dùng để chữa trị cho động vật bị bệnh, không dùng để kích thích tăng trưởng hoặc ngăn ngừa bệnh tật.
Nếu nông dân cắt giảm việc dùng kháng sinh, phải chăng số vật nuôi mắc các bệnh như lở mồm long móng hay bệnh bò điên sẽ tăng?
Không! Vì bệnh lở mồm long móng và bệnh bò điên đều không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Chỉ có cách cải thiện điều kiện nuôi thả, không sử dụng thường xuyên thuốc kháng sinh mới giúp ngăn ngừa các loại bệnh mà vật nuôi dễ mắc phải.
Liệu gia cầm thả vườn được nuôi thì không sử dụng kháng sinh?
Có thể, nhưng không bảo đảm. Chỉ những sản phẩm gia cầm hữu cơ hoặc được dán nhãn "Không nuôi bằng kháng sinh" là đảm bảo có nguồn gốc từ động vật không sử dụng kháng sinh.
"Chăn thả" (free-range) theo định nghĩa của Bộ Nông nghiệp Mỹ, dùng để chỉ những loại gia cầm được nuôi ngoài trời. Những người tiêu dùng quan tâm về vấn đề nhân đạo trong chăn nuôi thường ủng hộ phương pháp "chăn thả" này, mặc dù hiện nay vẫn có nhiều tranh luận về định nghĩa của khái niệm này.
Không có quy định nào về việc sử dụng kháng sinh trong các thực phẩm dán nhãn "chăn thả", vì vậy, nếu bao bì không nói rõ sản phẩm được sản xuất mà không dùng kháng sinh thì vẫn có khả năng những loại thuốc này đã được sử dụng.
Khi nói đến trứng, chất lượng dinh dưỡng của trứng thông thường và trứng "chăn thả" là như nhau, mặc dù trứng gà "chăn thả" có xu hướng đắt hơn.
Các siêu thị thường sẽ biết nguồn gốc sản phẩm họ bán, vì vậy, nếu bạn muốn chắc chắn những quả trứng bạn mua là "chăn thả", siêu thị hoặc chợ địa phương có lẽ là lựa chọn tốt nhất.
Còn thịt gia súc và gia cầm hữu cơ thì sao?
Thịt được chứng nhận hữu cơ là thịt có nguồn gốc từ các loại vật nuôi không dùng kháng sinh, hormone, hoặc bất kỳ loại thuốc hoặc hóa chất nào được sử dụng trong ngành nông nghiệp. Những sản phẩm này đang ngày càng trở nên phổ biến do nhu cầu gia tăng. Bạn có thể tìm thấy chúng ở nhiều cửa hàng thực phẩm tự nhiên, cửa hàng thịt, và thậm chí là một số siêu thị.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều các nhà sản xuất thực phẩm hữu cơ bán thịt trực tiếp cho người tiêu dùng qua mạng internet hoặc điện thoại. Nông dân ở các cơ sở nhỏ hơn bán thịt trực tiếp từ trang trại của họ.
Trong khi việc mua thịt và gia cầm được chứng nhận hữu cơ là một cách để đảm bảo những gì bạn ăn không chứa hormone hoặc kháng sinh, một số công ty còn cung cấp các sản phẩm - tuy không có chứng nhận "hữu cơ" nhưng đủ tiêu chuẩn dán nhãn "Không chứa các loại hormone và kháng sinh".
Hãy nhớ rằng nhãn "tự nhiên" không đảm bảo bất cứ điều gì, ngoại trừ việc sản phẩm đó hầu như không trải qua quá trình chế biến. Bạn nên tìm kiếm các sản phẩm được ghi rõ "Không hormone" và "Không kháng sinh"./.
Từ khóa » Chất Kháng Sinh Trong Chăn Nuôi Là Gì
-
Sử Dụng Kháng Sinh Trong Chăn Nuôi ảnh Hưởng Như Thế Nào đến ...
-
Sử Dụng Kháng Sinh Trong Chăn Nuôi Một Cách Thận Trọng Và Có Trách ...
-
Tìm Hiểu Về Các Loại Kháng Sinh Trong Chăn Nuôi Có ảnh Hưởng đến ...
-
Dùng Kháng Sinh đúng Cách Trong Chăn Nuôi - TraceVerified
-
Thực Trạng Sử Dụng Kháng Sinh Trong Chăn Nuôi Hiện Nay
-
Xu Thế Thay Kháng Sinh Trong Chăn Nuôi Bằng Phụ Gia
-
Khi Nào Cần Sử Dụng Kháng Sinh Trong Chăn Nuôi? - Animaid
-
Kháng Sinh Trong Chăn Nuôi Và Vấn đề An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm
-
Sử Dụng Kháng Sinh Bừa Bãi Và Hậu Quả | BvNTP
-
Khủng Hoảng Do Lạm Dụng Kháng Sinh Trong Chăn Nuôi
-
Tác Hại Của Việc Lạm Dụng Kháng Sinh Trong Chăn Nuôi
-
CHIẾN LƯỢC SỬ DỤNG KHÁNG SINH BỀN VỮNG - Vemedim
-
Dùng Kháng Sinh Cho Chăn Nuôi Hại Gì? - Báo Yên Bái
-
Tác Hại Tồn Dư Kháng Sinh Trong Thực Phẩm - Trại Giống Thu Hà