Chất Lượng Hàng Hóa Chợ Trời: Chỉ Có Trời Mới... Biết

(Cadn.com.vn) - Chợ Trời - thứ gì cũng có. Từ những linh kiện của các sản phẩm đồ điện tử đến từng chi tiết nhỏ nhất của một chiếc ô-tô... Đa phần người đến chợ Trời Đà Nẵng (khu vực đường Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Trãi, Triệu Nữ Vương, Đoàn Thị Điểm) để mua hàng đều không thể biết rõ chất lượng thật sự của hàng hóa và không bao giờ quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà chỉ để ý đến giá cả...

Giả - thật lẫn lộn

Trước đây, chợ Trời tại Đà Nẵng chỉ nằm trên đường Tăng Bạt Hổ nhưng nay lại khác, khu vực chợ đã được mở rộng thêm một số tuyến đường khác như Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Triệu Nữ Vương... Chợ Trời là địa điểm cung cấp các sản phẩm từ linh kiện cơ khí, điện tử đến những thứ nhỏ như cây đinh, cục pin, mũ bảo hiểm, quần áo cũ đến những thứ lớn như xe máy, tivi, tủ lạnh... Tuy nhiên, điểm đặc trưng tại khu chợ này là các quầy hàng luôn trộn lẫn hàng thật với hàng giả và bán giá như nhau. Vì thế, để chọn được hàng "xịn", bền đòi hỏi người mua phải có kiến thức, kinh nghiệm, nếu không thì chấp nhận nhờ trời "chọn giúp" hoặc đành ngậm đắng nuốt cay khi mua phải những món đồ kém chất lượng so với số tiền bỏ ra.

Anh Lê Văn V. , một khách quen từ nhiều năm nay của chợ Trời cho rằng: "Chợ Trời chỉ hay với những người cần mua đồ cũ và sành đồ, chỉ rẻ với người biết mua và cũng chỉ vài quầy hàng là đáng tin cậy về chất lượng mà thôi. Còn với những người mới đi chợ Trời, rất dễ bị "hớ", chỉ mang cái bực mình về". Lấy ví dụ cho dễ hiểu, anh V. mang ra hai chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Casio, một cái của Nhật Bản sản xuất, một cái do Trung Quốc "nhái" để so sánh: "Cái hàng của Nhật làm ra có dấu hiệu nhận biết khá rõ vì có độ nét về con số, mặt gương trong sáng hơn và sự ánh màu đẹp hơn chiếc đồng hồ của Tàu. Biết vậy thôi, chứ người không rành hay mua nhầm lắm, và thường bị người bán cho "lộn" hàng như chơi".

Một góc chợ Trời tại Đà Nẵng.

Theo một dân buôn đồ điện tử tại chợ này, hàng nhập lậu, hàng nhái kiểu dáng đang chiếm trên 60% hàng hóa bày bán ở đây. Giá cả các loại hàng nhái khiến nhà sản xuất chính hãng cũng phải méo mặt. Nói chung ở đây thích hàng xịn có hàng xịn, thích hàng ít tiền cứ chơi đồ xuất xứ Trung Quốc là rẻ. Nhãn hiệu gì, mức giá nào cũng có hết. Tại các cửa hàng, những chồng loa cao ngất với đủ kiểu dáng, mẫu mã trông rất bắt mắt. Hầu hết hàng trưng bày ở gian ngoài đều dán mác các thương hiệu nổi tiếng. Quả thật, hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc với hàng trăm mặt hàng thật, giả lẫn lộn, như một "thiên đường"... cho hàng không rõ nguồn gốc tồn tại. "Hàng hóa tại chợ Trời có có nhiều nguồn gốc lắm. Thứ được thu mua từ hàng phế liệu được sửa chữa lại và mang bán. Thứ nữa là của người có điều kiện sắm sửa cái mới, hàng xịn nên bán cái cũ đi. Và cũng có hàng thanh lý của các cơ quan, tổ chức nhưng số lượng này không nhiều. Ở đây, kẻ gian mang đồ trộm cắp tới tiêu thụ cũng không phải là ít. Tuy nhiên, đã chọn mua hàng chợ Trời là phải "chấp nhận" rủi ro còn chất lượng sản phẩm thì phải nhờ trời rồi!...", một người dân sống cạnh chợ Trời cho biết.

Những chiếc quần cũ như thế này có thể tiêu thụ tại chợ Trời.

Đất sống của tài sản phạm pháp?

Là đối tượng nghiện ma túy nên Nguyễn Văn D. (1983, trú Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam) luôn cần tiền để thỏa mãn cơn nghiện. Tuy nhiên, do nhàn cư nên số tiền D. có được rất hạn chế. Vậy là, để có tiền đáp ứng những lúc "lên cơn", D. đã khăn gói ra Đà Nẵng để lang thang và chờ ai sơ hở thì trộm cắp tài sản kiếm tiền tiêu xài và đến với "nàng tiên nâu". Sau nhiều ngày "thị sát" địa bàn, ngày 25-10-2012, D. phát hiện một số hộ dân ven đường thuộc Q. Hải Châu phơi quần áo và treo mũ bảo hiểm trước nhà nên "chôm" làm của riêng. Sau khi "gom" đủ 6 cái quần áo các loại và 4 mũ bảo hiểm, D. mang đến chợ Trời nằm trên đường Tăng Bạt Hổ bán được 360.000 đồng. Đến ngày 26-10, D. cùng bạn tiếp tục trộm tài sản của người dân thì bị CA bắt giữ... Trước đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Minh Q. (1996, trú Q. Ngũ Hành Sơn), Nguyễn Văn P. (1994), Ngô Văn L. (1996), Phạm Văn P. (1996, đều trú Q. Sơn Trà) đã thực hiện hàng chục vụ đột nhập nhà dân, phòng trọ sinh viên, công nhân để "mượn" 13 chiếc xe đạp và gần 100 chiếc quần jaen đem đi bán lấy tiền ăn sáng, uống cà-phê, chơi điện tử. Theo các đối tượng, sau khi trộm được tài sản chúng đều mang đến đường Tăng Bạt Hổ để bán, mỗi chiếc quần jean cũ có giá 30.000 đồng, còn xe đạp thì tùy loại mà có giá từ 200.000 đồng - 450.000 đồng/chiếc. Khoảng 2 giờ ngày 14-4-2012, để có tiền tiêu xài và chơi game, cả nhóm đến P. Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn) để tìm tài sản trộm. Trong lúc cả nhóm đang "gom" 6 chiếc quần jean đang treo ở một nhà trọ nằm trên đường Mỹ An 1 thì bị CAP Mỹ An phát hiện tiến hành bắt giữ.

Đó là 2 trong rất nhiều vụ án, đối tượng sau khi trộm cắp được tài sản đã mang đến chợ Trời để bán. Tuy nhiên, người chủ mua chẳng bao giờ hỏi hàng hóa đó có từ đâu. Và, cũng đã có khổ chủ tìm đến chợ Trời, đã biết đúng đó là đồ của mình vẫn không tin rằng nó đã "chuyển hộ khẩu" đến đây. Anh M, một chủ quán trên đường Đoàn Thị Điểm thừa nhận: "Chỉ các vật dụng có "số má", có giấy tờ mới mong lấy lại được, và phải nhờ đến công an".

Chợ Trời là một sản phẩm độc đáo của đời sống xã hội, nhưng về sự tồn tại của nó lại có những ý kiến khác nhau: người thì mong mọi hoạt động đều diễn ra theo hướng hợp pháp, người thì cho rằng ngược lại, bởi không thế thì không còn là... chợ Trời. Qua thâm nhập thực tế tại chợ Trời Đà Nẵng, chúng tôi nghiêng theo xu hướng đầu, vì những điều tốt đẹp mà người Đà Nẵng hướng đến, và hơn nữa nó chỉ làm chợ Trời có thêm một nét khác lạ so với những... chợ cùng tên những nơi khác.

T.Dũng

Từ khóa » địa Chỉ Chợ Trời đà Nẵng