Cũ Người, Mới Ta - Báo Đà Nẵng điện Tử

Với quan niệm kinh doanh “cũ người, mới ta”, hơn nửa thế kỷ qua, cả trăm hộ kinh doanh tại khu vực chợ trời Đà Nẵng, tập trung ở các tuyến đường Tăng Bạt Hổ, Triệu Nữ Vương, Mạc Đỉnh Chi, Đoàn Thị Điểm vẫn ăn nên làm ra bởi lượng khách hàng đến đây mua đồ cũ vẫn ổn định theo thời gian.

Ông Huỳnh Văn Dũng ( bên phải) đang chọn mua cánh quạt cũ tại cửa hàng của ông Nguyễn Anh Vũ.  Ảnh: T.Y
Ông Huỳnh Văn Dũng ( bên phải) đang chọn mua cánh quạt cũ tại cửa hàng của ông Nguyễn Anh Vũ. Ảnh: T.Y

Bán đủ thứ trên đời

Cũng giống như khu chợ trời tồn tại mấy chục năm qua ở Sài Gòn, Hà Nội, chợ trời Đà Nẵng phục vụ hầu như không thiếu món gì, từ “thượng vàng, hạ cám” như cây đinh, ốc vít, rô-bi-nê (vòi nước), la-va-bô (bồn rửa tay), gương chiếu hậu, máy xay sinh tố đến mặt hàng lớn hơn như amply, ti-vi, tủ lạnh, máy giặt... Bước vào khu chợ này, chúng tôi có cảm giác hàng gì không tìm thấy ở đâu khác thì đến đây là có.

Người đàn ông ngoài lục tuần có thâm niên 25 năm buôn bán tại khu vực chợ trời Tăng Bạt Hổ nói như đinh đóng cột rằng, trong thời buổi kinh tế khó khăn, mặt hàng gia dụng cũ bán ra với mức giá 30% so với hàng mới rất hấp dẫn khách hàng là sinh viên, người lao động nghèo. Còn mặt hàng ngoại nhập đáp ứng đủ tiêu chí “đẹp, độc, lạ” giá tiền trăm, tiền triệu chỉ dành cho dân chơi, dân công sở thích sưu tầm đồ cũ về trưng bày trong phòng khách.

Kinh nghiệm mua bán ở chợ trời giúp tiểu thương có con mắt khá tinh đời đối với người mua. Có thể, chủ sẽ chẳng bận tâm mời chào với khách nào như thể dạo chơi trong chợ, nhưng nếu thấy ai “mê mẩn” món nào là “bắt mạch”, đưa ra một giá khá cao. Ngược lại, đối với người có ít kiến thức về món hàng muốn mua, các tiểu thương chỉ nói giá nhích hơn giá trị thực tế một chút. Với cả trăm gian hàng trưng bày nhiều mặt hàng khác nhau nên không khí mua bán ở chợ trời khá nhộn nhịp, tập trung chủ yếu trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ và từ 16 giờ đến 18 giờ mỗi ngày.

Ngày tiết trời ẩm ướt, bước vào khu vực chợ trời, người ta dễ dàng ngửi thấy thứ mùi ngai ngái, ẩm mốc của đồ cũ. Những gian hàng chật chội, ẩm thấp, bày biện đủ thứ hàng hóa từ trong ra tới sát mép vỉa hè. Nguyễn Anh Vũ, ông chủ cửa hàng sửa chữa điện địa chỉ 49 Đoàn Thị Điểm, cho biết ông không thể đếm hết số lượng lò vi sóng, máy sấy tóc, nồi cơm điện, quạt điện, máy xay sinh tố… được bày biện dù cửa hàng của ông gói gọn chưa đầy 10 mét vuông.

Buôn bán tại chợ trời hơn 25 năm, công việc chính của ông Vũ là sửa chữa đồ điện bị hỏng, nhưng nếu khách có nhu cầu, ông sẵn sàng trao đổi. Để có nguồn hàng ổn định, ông hợp đồng với 30 người hành nghề buôn bán ve chai, thu mua đồ cũ, đồ thanh lý rồi về sửa chữa, bán lại cho người có nhu cầu với mức giá khá rẻ, kèm thời gian bảo hành 3 tháng cho mỗi sản phẩm.

Một điều khá thú vị là tại khu vực chợ trời có đến hàng chục điểm chuyên sửa quần áo cũ, mỗi điểm nằm cách nhau trong vòng bán kính trên dưới chục mét nhưng hầu hết đều đắt hàng. Anh Hưng, chuyên sửa quần áo tại góc đường Triệu Nữ Vương – Đoàn Thị Điểm, nói rằng, nhiều người mua đồ cũ muốn chỉnh sửa lại cho hợp với vóc dáng thường tìm đến những người như anh. Bỏ ra 10.000 - 20.000 đồng để chiếc quần, chiếc áo trở nên vừa vặn là mức giá có thể chấp nhận được.

Trong lúc tay thoăn thoắt may lại chiếc lai quần bị sút chỉ cho khách, anh Hưng đùa: “Thử nghĩ mà xem, nếu không có người mua đồ cũ thì chúng tôi thất nghiệp chứ chẳng chơi. Bằng chứng là cách đây hơn 20 năm, khi tôi mới về đây hành nghề, con phố chỉ vài ba người chuyên sửa quần áo mà bây giờ đã có mấy chục người theo nghề này rồi”.

Những mặt hàng độc đáo chỉ có ở chợ trời còn là các thiết bị quân dụng và kỷ vật thời chiến như thắt lưng, khay sắt, cuốc xẻng, huy hiệu, giày, ba lô bộ đội, có cả nón cối, giày và bi-đông lính Mỹ. Tuy nhiên, một người bán hàng trong chợ (xin được giấu tên) nói với chúng tôi rằng, hàng hóa ở chợ trời thật giả lẫn lộn, ngoài một số mặt hàng tốt được chủ hàng thu mua lại từ đội quân ve chai, thì có những mặt hàng nhái lại giống như thật.

Cũng theo người này, ngày 3-12 vừa qua, Công an quận Hải Châu phối hợp với Công an phường Hải Châu 2, lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở buôn bán trên 4 tuyến đường thuộc khu vực chợ trời phát hiện 12 trường hợp buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm trật tự vỉa hè, lập hồ sơ xử lý hành chính. Tuy nhiên tình trạng mất an ninh trật tự này vẫn lặp đi lặp lại.

Nghiện dùng đồ cũ

Có người đi chợ đồ cũ chỉ để lục lọi, săm soi tìm kiếm những món đồ được bày bán tràn lan về trưng bày nhằm thỏa sở thích sưu tầm, “lội chợ”, nhưng cũng có nhiều người chọn mua đồ cũ với mục đích tiết kiệm, cắt giảm chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Ông Huỳnh Văn Dũng (hành nghề đạp xích lô) nhà ở K83/9 Trưng Nữ Vương, gần 20 năm nay trung thành với mặt hàng đồ điện gia dụng cũ. Chúng tôi gặp ông Dũng ở cửa hàng Nguyễn Anh Vũ khi ông đang tìm kiếm cánh quạt về thay. Trong lúc chờ ông Vũ lấy hàng, ông Dũng hỏi bâng quơ “bàn ủi Liên Xô cũ bữa ni giá bao nhiêu”.

Ông Vũ trả lời, “loại đó tôi bán 100.000 đồng đấy, rẻ chán”. Thấy được giá, ông Dũng quyết ngay “lấy cho tôi cái”. Vì ông Dũng là khách quen, nên cuộc ngã giá diễn ra khá chóng vánh. Cầm chiếc bàn ủi trên tay, ông bảo “mấy hàng cũ này ngó thế mà xài tốt lắm, như cái quạt Đài Loan tôi mua về xài mười mấy năm chưa hỏng lần nào, chạy êm ro”.

Trước khi chia tay chúng tôi để leo lên chiếc xích lô đạp về hướng đường Triệu Nữ Vương, ông Dũng còn hóm hỉnh chia sẻ “rác nhà giàu bằng tàu người nghèo”. Dù chưa thể sánh ngang chợ đồ cũ ở hai đầu đất nước về hàng hóa nhưng với những người lao động nghèo như ông Dũng, thì chợ trời là địa chỉ mua sắm phù hợp.

Ngoài chợ trời, vài năm trở lại đây, tận dụng tiện ích của mạng xã hội, đặc biệt từ khi facebook trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của một bộ phận người dân thì mỗi ngày lên mạng, chúng ta dễ dàng bắt gặp những lời rao bán, trao đổi món đồ đã qua sử dụng. Lương Thị Thanh Viên, sinh viên năm tư khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho biết thời gian rảnh Viên cùng nhóm bạn thường túm tụm trước màn hình máy vi tính để chia sẻ những mặt hàng cũ trên mạng, chủ yếu ở lĩnh vực thời trang.

Theo Viên, đa phần người rao bán quần áo cũ trên mạng có gu ăn mặc khá ổn, họ thường phối quần áo cùng phụ kiện đi kèm để tư vấn người mua. Mua như thế vừa rẻ vừa khỏi đau đầu suy nghĩ áo này nên đi với quần, váy gì cho hợp.

“Săn” đồ cũ không còn là trào lưu mới. Bên cạnh quần áo thời trang, những mặt hàng điện tử như máy tính, máy ảnh, giường tủ bàn ghế đã qua sử dụng được rao bán với giá khoảng 50% so với hàng mới cũng được nhiều người yêu thích. Nhiều người nghiện hàng cũ cho biết họ tiết kiệm được kha khá tiền chi tiêu trong tháng nhờ siêng đi lùng đồ cũ, kiểu dáng đẹp, chất lượng tốt. Tuy nhiên, họ cũng khuyến cáo rằng mặt hàng cũ (đặc biệt là hàng điện tử, gia dụng) chỉ thật sự rẻ với người sành mua, biết thẩm định giá, còn với những người mới làm quen với hình thức mua, bán này, rất dễ bị “hớ” và mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng.

TIỂU YẾN

Từ khóa » địa Chỉ Chợ Trời đà Nẵng