Châu Chấu đàn - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
Có thể bạn quan tâm
- Cứng quá thì gãy
Người ta có câu "Châu chấu đá xe", nghĩa đen là không coi trọng sức mạnh của một con châu chấu, mặc dù bản tính của nó là háu ăn và hay đá (nhảy). Ngầm ẩn là kẻ yếu dám chống lại kẻ mạnh, cường quyền thì tất phải chịu bại vong vì thân càng của con châu chấu có răng cưa sắc thật đấy, lại bật tung tanh tách nhưng làm sao so được với một cỗ xe pháo với quy mô lớn và chắc chắn hơn nhiều.
Nhưng đó là một con châu chấu, nếu hàng vạn, hàng triệu con châu chấu thì mọi sự sẽ khác hẳn. Một sức mạnh đáng sợ, thậm chí vô cùng khủng khiếp mà loài người đã từng chứng kiến nhiều lần.
Nhà văn Mạc Ngôn đã viết hẳn một cuốn tiểu thuyết về loài châu chấu mang tính biểu tượng: "Châu chấu đỏ". Tác phẩm miêu tả sức mạnh đáng sợ của giống côn trùng này. Một thôn xóm đang sống trong yên bình bỗng một ngày mặt đất nở ra hàng triệu triệu con châu chấu và một cuộc hủy diệt bắt đầu. Đàn châu chấu khi mới sinh ra còn non nớt, yếu đuối nhưng chỉ một chốc, chúng đã cứng cáp và linh hoạt rất nhanh.
Chúng tàn phá, chính xác là ăn bất cứ cây cỏ, hoa màu nào trên con đường chúng tràn qua, chúng ăn gặm rào rào như máy cắt cỏ vì hàng triệu con châu chấu đang đói ngấu, phàm ăn, hoa, lá, thậm chí chiếu chăn, cành cây cũng bị ngốn sạch. Thôn đông bắc Cao Mật của Mạc Ngôn đứng trước thảm họa chết người vì cây cỏ hoa màu đã bị đàn châu chấu tiêu diệt.
Các nhà văn Việt cũng quan tâm tới châu chấu nhưng họ nhìn ở những cá thể riêng lẻ. Nhà văn Tô Hoài trong "Dế mèn phiêu lưu kí" trong một chương đoạn kể về các gã châu chấu voi có sức mạnh vượt trội đã đánh bại đội quân do dế mèn cầm đầu và bắt cóc được dế trũi - em của dế mèn làm tù binh. Thế Lữ cũng có một truyện ngắn quái lạ "Châu chấu tre" trong tập "Vàng và máu" kể việc một con châu chấu ma đã dùng đôi càng sắc bén của mình cắt cổ một người vì anh ta dám phạm đến thân thể nó.
Cũng là chuyện cá thể châu chấu đơn lẻ nhưng khi cơ mưu và toan tính kĩ lưỡng thì không phải lúc nào kẻ yếu cũng thất bại. Cũng là châu chấu đá xe nhưng lại có một câu ca khác nói về hiện tượng này:
"Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng"
Vấn đề là cái xe (thế lực mạnh) đã coi thường hoặc không phòng thủ sự tấn công của châu chấu (thế lực yếu) và thua trận. Điều này đã có vô vàn thực chứng trong thiên nhiên và đời sống con người.
Vấn đề lí thú là vì sao một con côn trùng bé nhỏ khi trở thành một đám đông thì vô cùng nguy hiểm. Người ta dễ dàng giết một con châu chấu hoặc một trăm con châu chấu nhưng một vạn, một triệu con thì sự kiềm chế hoặc tiêu diệt khó hơn nhiều. Vấn đề đáng sợ của châu chấu chính là đám đông, châu chấu khi thành đàn lớn thì chúng có một sức mạnh khủng khiếp, người ta gọi là đám mây châu chấu, cơn bão châu chấu và có thể gây thảm họa cho bất cứ vùng đất nào.
Về mặt sinh học, châu chấu là loài phàm ăn có bộ răng hàm khỏe và tiêu thụ nhiều thức ăn. Khi những cá thể nhỏ bé này tập hợp lại thành một đàn lớn, nhu cầu về thức ăn sẽ nhân theo lũy thừa. Không một lượng thức ăn nào đủ lớn để cung cấp cho chúng và trên hành trình di chuyển của mình, loài châu chấu sẽ quét sạch cây cỏ, hoa màu. Sức mạnh của châu chấu nằm ở đám đông và bầy đàn đông đặc.
Điều này cũng gần tương tự như ở loài người, khi chỉ có một tiếng nói công kích, đối tượng bị công kích, chế giễu có thể sẽ không mấy chú ý. Một người mà, người ta có thể bỏ qua và không cần quan tâm.
Mười người hay một trăm người cất tiếng cũng có thể chưa cần bận tâm nhưng nếu một nghìn người hoặc một triệu tiếng gào thét, chắc chắn anh ta sẽ không còn yên ổn được nữa, thể chất và tinh thần sẽ bị tác động bởi những đòn chí mạng. Người ta chỉ có thể bình thản với những tác động ở lượng nhỏ hoặc trung bình, lượng quá lớn và cực lớn sẽ không ai chịu nổi, sức mạnh của đám đông là vô cùng khủng khiếp, giống như sự tàn phá của triệu triệu con châu chấu cùng một lúc vậy.
Tôi rất thích quyển "Tâm lý học đám đông" của Gustave Le Bo. Gustave Le Bo đã phân tích sức mạnh, xu hướng và các khả năng của đám đông. Mỗi cá thể châu chấu cũng như các cá nhân đơn lẻ khó tạo ra sự đột biến nhưng khi các cá thể ấy được tụ họp với nhau và dù phẩm chất cấu thành có tầm thường, yếu ớt thế nào, khi khối đông được dẫn dắt hoặc hỗn loạn, chúng thường gây những tác động rất lớn khó kiểm soát.
Điều này giải thích ngày xưa các tử tội nguy hiểm thường bị mang ra trước cổng chợ mà chém. Cả đám đông nhìn thấy vụ hành hình trực tiếp, sức ép tâm lí và sự răn đe vô cùng lớn, thậm chí sẽ tạo ra một làn sóng áp chế tinh thần cực mạnh.
Đám đông có thể chà xéo bất cứ thứ gì trên con đường nó đi qua. Một cô gái bị đưa ảnh quan hệ riêng tư lên mạng xã hội. Một người lên tiếng mắng mỏ mỉa mai, cô gái cố chịu đựng. Khi những lời thóa mạ, chửi rủa đã lên đến hàng trăm, hàng nghìn, cô gái tự sát!
Lời nói hay chữ viết ban đầu đóng vai trò là công cụ giao tiếp. Khi những tiếng nói dùng để xỉa xói, những lời buộc tội trở thành văn bản, chúng không còn đơn thuần là ngôn ngữ nữa mà trở thành vũ khí sát thương, thuốc độc.
Bị đám đông sỉ nhục là một áp lực vô cùng kinh hãi, nhất là khi chủ thể bị oan trái, hiểu lầm hoặc tội lỗi ấy không đáng bị nguyền rủa tập thể. Thứ đáng sợ nhất của đám đông là tính áp chế, lấy số nhiều chọi số ít, một hoặc một vài cá thể bị bao vây bởi đám đông thì rất khó thoát bởi dòng thác ngôn ngữ và thậm chí cái đúng bị biến thành cái sai hoặc ngược lại.
Tôi rất thích tựa đề một quyển tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn người Anh Thomas Hardy: "Tránh xa đám đông điên loạn". Lưu ý ở đây là đám đông điên loạn chứ không phải một cá thể đơn lẻ, một kẻ điên thì có thể đối phó nổi chứ một đám đông thì chúng ta sẽ xử lí làm sao!
Đám đông không nhất thiết điên loạn, nhưng khi nó mất kiểm soát hoặc bị kích động sẽ vô cùng nguy hiểm. Giống như cách thức đàn châu chấu khổng lồ sẽ nghiến ngấu tất cả để thỏa mãn cơn đói. Các cuộc cách mạng trong lịch sử loài người thường được châm ngòi bằng một hay vài người nhưng sẽ đều kết thúc bằng một đám đông định đoạt cuối cùng.
Nghĩa là đám đông cũng có ích lợi khi được dẫn dắt và định hướng, còn nếu không, nó là dòng lũ không phương hướng, đơn giản nó sẽ quét sạch hoặc tàn phá bất cứ thứ gì cản trở con đường bạo liệt của nó.
Nghĩ đến con châu chấu, tôi lại nhớ đến một khác biệt về ngôn ngữ trong cách gọi tên loài vật này. Người miền Bắc gọi loài côn trùng đầu vuông là châu chấu, loài đầu nhọn là cào cào, trong khi người miền Nam gọi con đầu vuông là cào cào, con đầu nhọn là châu chấu.
Mọi người bảo, ôi dào, chỉ là tên gọi thôi, châu chấu hay cào cào cũng giống nhau, có gì phải bận tâm. Không phải, trong kí túc xá sinh viên đại học của tôi, hai người bạn trong phòng đã đánh nhau chỉ vì tranh cãi, thế nào là con châu chấu.
Anh miền Bắc cãi anh miền Nam, anh miền Nam chửi anh miền Bắc. Ai cũng cho mình là đúng vì có cả một vùng đất rộng lớn và những đặc trưng văn hóa và ngôn ngữ đứng sau. Hậu quả tất nhiên là ẩu đả! Ví dụ cách gọi con châu chấu không phải là hậu quả duy nhất về những khác biệt về ngôn ngữ. Thậm chí có một thuyết cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của các cuộc chiến tranh là do bất đồng ngôn ngữ!
Con châu chấu thân thuộc với người Việt, nó từng là món ăn của người nghèo khi xưa và giờ là món sang của người giàu. Thuở nhỏ tôi đã từng đi bắt châu chấu trên những cánh đồng lúa những hôm trời mưa. Trời mưa châu chấu ướt cánh không bay được, bọn trẻ con lấy vợt hoặc tay không chụp lấy chúng cho vào chai. Về nhà vặt cánh, vặt càng cho vào chảo rang thật giòn với ít muối mắm, lá chanh, tí mỡ lợn là thành món ăn ngon.
Người nông thôn gọi châu chấu là "tôm bay" vì độ giòn thơm và dinh dưỡng chẳng kém gì con tôm chính cống. Tất nhiên châu chấu có nhiều loại, chỉ loại châu chấu lúa nhỏ, cánh màu nâu được người dân dùng làm thực phẩm. Các loại châu chấu voi, châu chấu đen, châu chấu tre không dùng đến. Trẻ con nông thôn cũng rất thích bắt châu chấu voi làm xe kéo vì châu chấu voi cơ thể lớn, khỏe, dùng làm "trâu" kéo xe đồ chơi rất hợp!
Rất may mắn nạn châu chấu ở Việt Nam chỉ ở mức vừa phải, chưa bao giờ có một cơn bão châu chấu cực lớn càn quét qua các ruộng đồng. Loài châu chấu ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát hoặc chỉ gây ra những tác hại vừa phải, có phải vì thế các nhà văn Việt không có những tác phẩm kiểu "Châu chấu đỏ" như của Mạc Ngôn miêu tả thảm họa châu chấu cũng như ẩn dụ về đám đông mất kiểm soát.
Nhưng ai mà biết được điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày cả tỉ con châu chấu cùng lúc xuất hiện và cả những đám đông hỗn loạn bất ngờ được hình thành.
Có lẽ chúng ta cần phải đề phòng hoặc lường trước các khả năng với đàn châu chấu khổng lồ và đám đông hỗn loạn.
Khi ấy, nào, hãy nghĩ đi. Chúng ta sẽ làm gì?
Từ khóa » Châu Chấu Tre Là Gì
-
Phòng, Chống Châu Chấu Tre Lưng Vàng - Báo Nhân Dân
-
Châu Chấu Tre Lưng Vàng Và Châu Chấu Sa Mạc Khác Nhau Thế Nào?
-
Công Dụng, Cách Dùng Châu Chấu - Tra Cứu Dược Liệu
-
Biện Pháp Phòng Chống Châu Chấu Tre Lưng Vàng
-
Cục Bảo Vệ Thực Vật Nói Gì Về Châu Chấu Lạ Di Cư Từ Trung Quốc?
-
Phòng Trừ Châu Chấu Tre Gây Hại Cây Trồng
-
Top 14 Châu Chấu Tre Là Gì
-
Phân Bộ Châu Chấu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Châu Chấu Tre Lưng Vàng Gây Thiệt Hại Tại 8 Tỉnh Phía Bắc
-
Châu Chấu Từ Trung Quốc Sang Việt Nam Phá Hoại Là Loại Châu Chấu ...
-
Châu Chấu Tre Lưng Vàng Và Biện Pháp Phòng Chống
-
Châu Chấu Tre Lưng Vàng - Tuổi Trẻ
-
Châu Chấu | Sâu Hại & Dịch Bệnh - Plantix