Chế độ Bản Vị Vàng (Gold Standard) Là Gì? - VietnamBiz

shutterstock_697167022

Hình minh hoạ. Nguồn: fee.org

Chế độ bản vị vàng

Khái niệm

Chế độ bản vị vàng trong tiếng Anh là Gold Standard.

Chế độ bản vị vàng là một hệ thống tiền tệ trong đó tiền của một quốc gia có giá trị được liên kết trực tiếp với vàng. Trong chế độ bản vị vàng, các quốc gia đã đồng ý chuyển đổi tiền giấy thành một lượng vàng cố định. Một quốc gia sử dụng bản vị vàng đặt giá cố định cho vàng và mua bán vàng ở mức giá đó. Mức giá cố định đó được sử dụng để xác định giá trị của tiền tệ.

(Theo: investopedia.com)

Các qui tắc của chế độ bản vị vàng

- Các quốc gia ấn định cố định giá trị đồng tiền của mình với vàng, không hạn chế việc mua và bán vàng tại mức giá đã qui định.

- Xuất nhập khẩu vàng giữa các quốc gia được tự do hoạt động.

- Tiền do ngân hàng trung ương phát hành được bảo đảm 100% bằng vàng.

Hạn chế của chế độ bản vị vàng

- Nền kinh tế thường xuyên trải qua bất ổn.

- Những phát hiện mới về các mỏ vàng có thể xuất hiện bất ngờ, làm tăng cung ứng tiền và lạm phát đột biến.

- Những quốc gia khan hiếm vàng bị hạn chế cung ứng vàng, kìm hãm phát triển kinh tế.

- Quốc gia thâm hụt cán cân kinh tế phải trải qua thời kì đình đốn, quốc gia có thặng dư cán cân kinh tế phải trải qua thời kì lạm phát.

(Theo: giáo trình Tài chính quốc tế, NXB Thống kê)

Sự sụp đổ của chế độ bản vị vàng

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nền kinh tế các nước trải qua nhiều khó khăn. Đến năm 1931, Anh buộc phải tạm ngừng chế độ bản vị vàng.

Năm 1934, Mỹ tăng giá vàng thế giới lên đến 35 USD/ounce, thúc đẩy các quốc gia khác bán vàng để đổi lấy đồng đôla, giúp cho Mỹ có khả năng lũng đoạn thị trường vàng quốc tế.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các quốc gia đứng đầu châu Âu tham gia Thoả thuận Bretton Woods, qui ước tiền tệ mọi quốc gia đều định giá theo đồng đôla, và đồng đôla được đổi ra vàng với giá cố định là 35 USD/ounce.

Cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ nắm trong tay 75% lượng vàng tiền tệ trên thế giới và là đồng tiền duy nhất còn được đảm bảo trực tiếp bởi vàng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế thế giới dần được khôi phục lại, dự trữ vàng của Mỹ bắt đầu giảm. Cùng với nhu cầu nhập khẩu tăng, Mỹ trải qua tình trạng lạm phát cao trong những năm 1960.

Năm 1968, Mỹ và vài quốc gia châu Âu ngừng bán vàng trên thị trường thế giới, cho phép giá vàng hôm nay thả nổi trên thị trường tự do, giúp các quốc gia giảm áp lực phải tăng giá đồng tiền nước mình.

Tuy nhiên, cạnh tranh kinh tế với các nước khác và các khoản nợ, chi phí để chi trả cho chiến tranh tại Việt Nam gây áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế của Mỹ. Đến cuối năm 1968, các nước bắt đầu yêu cầu Mỹ cho phép họ đổi đôla sang vàng, buộc Nixon phải dừng việc cho phép đổi đôla sang vàng năm 1971.

Đến năm 1978, chế độ bản vị vàng chính thức sụp đổ.

(Theo: investopedia.com)

Từ khóa » Chế độ Bản Vị Vàng Sụp đổ