Chế độ Kế Toán Mới đã Tôn Trọng Bản Chất Hơn Hình Thức

Đây là đánh giá của đại diện Vụ Chế độ Kế toán, Bộ Tài chính tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán trong Hồ sơ đăng ký niêm yết” vừa được Sở GDCK Hà Nội (HNX) phối hợp với Vụ Chế độ Kế toán tổ chức chiều ngày 9/6/2016.

Hội nghị nhằm nâng cao chất lượng BCTC kiểm toán của các công ty niêm yết, công ty đại chúng, cũng như nâng cao chất lượng thông tin tài chính tại hồ sơ đăng ký niêm yết của các doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan đã rất tích cực trong việc chỉnh sửa, cập nhật các văn bản pháp lý liên quan đến BCTC kiểm toán, nhằm đảm bảo có một mặt bằng pháp lý đầy đủ, phù hợp nhất cho việc lập BCTC kiểm toán cho các doanh nghiệp niêm yết.

chế độ kế toán mới
Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp. Ảnh: DT

Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán, Bộ Tài chính Trịnh Đức Vinh đã giới thiệu về nguyên tắc xây dựng và một số quy định chung của chế độ kế toán doanh nghiệp theo Thông tư 200/2014/TT-BTC; nguyên tắc lập tài khoản kế toán, nguyên tắc lập và trình bày BCTC khi thay đổi kỳ kế toán, chuyển đổi hình thức sở hữu, chia tách, sáp nhập doanh nghiệp; nguyên tắc lập và trình bày BCTC hợp nhất theo Thông tư 202/2014/TT-BTC.

Theo đó, chế độ kế toán mới đã có những quy định phù hợp với thực tiễn, hiện đại và mang tính khả thi, tôn trọng bản chất hơn hình thức, linh hoạt và mở, phù hợp với thông lệ quốc tế và đề cao trách nhiệm của người hành nghề.

Sau hơn 1 năm thực hiện các Thông tư 200 và 202/2014/TT-BTC, Phó Chủ tịch Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, TS. Hà Thị Ngọc Hà đã chia sẻ về các sai sót mà các doanh nghiệp thường mắc phải khi lập BCTC như: Không xác định đúng chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán phải áp dụng; chưa phân loại đúng tài sản và nợ phải trả ngắn hạn, dài hạn; chưa ghi nhận và thuyết minh đúng quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp; không lập dự phòng cho tài sản và nợ phải trả; không phản ánh đúng tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; số liệu giữa các BCTC có nhiều sai, mâu thuẫn; thuyết minh BCTC không đầy đủ các nội dung theo quy định; chưa cập nhật Thông tư 200.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Vụ Quản lý Chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trao đổi về các điều kiện để một công ty kiểm toán được chấp thuận kể từ kỳ chấp thuận cho năm 2016, theo Thông tư 183/2013/TT-BTC về kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán.

Theo đó, điều kiện để một công ty kiểm toán được chấp thuận từ kỳ 2016 là phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, có vốn điều lệ tối thiểu 6 tỷ đồng, số lượng kiểm toán viên tối thiểu 15 người, thời gian hoạt động tại Việt Nam tối thiểu 36 tháng, số lượng báo cáo kiểm toán đã phát hành cho khách hàng đăng ký mới đạt ít nhất 300 khách hàng, đối với trường hợp đã được chấp thuận trong năm nộp hồ sơ thì có 20/300 khách hàng là đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán.

Đối với hồ sơ niêm yết, HNX đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp về công tác chuẩn bị tài liệu cho hồ sơ đăng ký niêm yết như: Giấy đăng ký niêm yết phải do người đại diện theo pháp luật ký; bản cáo bạch phải có đầy đủ chữ ký gốc của tổ chức đăng ký niêm yết, tổ chức tư vấn; điều lệ phải phù hợp Luật Doanh nghiệp 2014; sổ đăng ký cổ đông phải lập 1 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ; báo cáo tăng vốn, quản trị công ty…/.

Duy Thái

Từ khóa » Tôn Trọng Bản Chất Hơn Hình Thức Pháp Lý Là Nội Dung Của Nguyên Tắc Kế Toán Nào