Chế độ Làm Việc Tập Thể Là Gì? Nguyên Tắc Tập Thể Lãnh đạo Cá Nhân ...

Mục lục bài viết

  • 1 1. Chế độ làm việc tập thể là gì?
  • 2 2. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách:
  • 3 3. Các mối quan hệ của lãnh đạo tập thể:

1. Chế độ làm việc tập thể là gì?

Từ ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là nguyên tắc tối quan trọng trong xây dựng Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền ở nước ta, nguyên tắc tập trung dân chủ có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cũng có thể nhìn nhận, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách vừa là một nguyên tắc trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, vừa là một nội dung, một biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung”. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách góp phần xây dựng Đảng vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do đó, phải hiểu và làm đúng, đầy đủ toàn diện nguyên tắc này là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho mọi cấp ủy đảng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Thực hiện nguyên tắc này, các công việc của Đảng đều phải được bàn bạc tập thể trong cấp ủy, trong chi bộ ở từng cấp, nhằm phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong Đảng. Mỗi lĩnh vực công tác do một cấp ủy viên phụ trách chỉ đạo, tham mưu, đề xuất với tập thể cấp ủy cho ý kiến, từ đó trở thành chủ trương của Đảng mới triển khai thực hiện. Nếu cấp ủy viên, thậm chí cả ủy viên ban thường vụ hay thường trực cấp ủy, tự tiện đưa ra chủ trương mà không được thảo luận trong tập thể là vi phạm nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Mặt khác, mỗi cá nhân phải làm tốt trách nhiệm được phân công để lĩnh vực họ phụ trách được tốt, nên vai trò cá nhân phụ trách cũng vô cùng quan trọng sau khi có nghị quyết về lĩnh vực họ phụ trách. Đồng thời mỗi cá nhân phải báo cáo kết quả công tác lĩnh vực mình phụ trách cho tập thể để mọi người tham gia ý kiến góp trí tuệ cho mình. Đây cũng là thực hiện tập thể lãnh đạo.

Không ít trường hợp do không tuân thủ đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo nên cán bộ phụ trách mắc phải sai phạm, bị kỷ luật, bị truy tố do những sai phạm trong quá trình công tác, điều hành. Đó là biểu hiện vượt quyền, lộng quyền, khi vai trò cá nhân lấn át vai trò tập thể hoặc không tuân thủ ý kiến của tập thể. Cũng có trường hợp, cá nhân phụ trách nhưng không thể hiện đúng và đầy đủ vai trò của mình, để cho một số ý kiến không đúng trở thành chủ trương của cấp ủy hoặc thiếu kiểm tra, giám sát để cấp dưới sai phạm. Như vậy, vai trò cá nhân phụ trách phải nằm trong khuôn khổ, không được vượt quá phạm vi của mình, mà cũng không thể để ngoài tầm kiểm soát của mình.

2. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách:

Khi nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được người có chức vụ nhận thức thực hiện đúng đắn thì thành tích lập được và cả sai phạm do cá nhân hay tập thể sẽ phân định rạch ròi trên cơ sở chức trách từng người, không thể cá nhân chạy tội và trút trách nhiệm cho tập thể. Phải giáo dục tinh thần chịu trách nhiệm, đấu tranh nội bộ mạnh mẽ, không xuê xoa khi có vấn đề, làm rõ trách nhiệm mỗi cá nhân.

Trong một số trường hợp, khi tập thể lãnh đạo nhưng đã đưa ra những chủ trương, quyết định sai lầm thì bên cạnh truy trách nhiệm của cá nhân, cũng cần xem xét đầy đủ trách nhiệm của tập thể và có biện pháp xử lý sai sót, sai phạm của tập thể. Điều lệ và các quy định của Đảng cũng có quy định về xử lý kỷ luật các tập thể. Có như vậy, các sai phạm của cả cá nhân và tập thể không thể “nấp” trong cái mác của tập thể rồi bình yên vô sự.

Hiện nay, trong hệ thống chính trị, xây dựng kinh tế, về mặt chính quyền, tổ chức kinh tế, được thực hiện chế độ thủ trưởng, giao quyền cho thủ trưởng được quyết định và chịu trách nhiệm, như vậy, phát huy vai trò cá nhân phụ trách rất cao. Luôn có hai mặt trong thực hiện chế độ một thủ trưởng. Nếu người thủ trưởng có năng lực, trách nhiệm cao, phẩm chất tốt, đặt lợi ích chung lên trên, phát huy được sức mạnh tập thể thì đơn vị đó sẽ mạnh. Ngược lại, nếu người thủ trưởng đơn vị có ý đồ xấu, kém năng lực, lợi dụng chức quyền tham nhũng thì sẽ gây tác hại cho đơn vị đó, làm giảm lòng tin trong quần chúng nhân dân.

Để khắc phục sai phạm do cá nhân gây ra, mỗi cơ quan đơn vị phải thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cá nhân dù được giao quyền theo chế độ thủ trưởng cũng phải ý thức rõ mình là một cá nhân và phải tôn trọng sự lãnh đạo của tập thể, của cấp trên, phải rèn luyện phẩm chất chính trị, bản lĩnh để bản thân luôn biết đặt lợi ích chung lên trên hết, thường xuyên tự phê bình kiểm điểm đấu tranh nghiêm khắc, không dễ dãi với bản thân thì mới tránh được những cám dỗ cuộc sống tác động hàng ngày, giữ mình là một cán bộ công bộc của nhân dân. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được thực hiện thường xuyên, để nhắc nhở mọi người thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách cũng như xử lý được chính xác, kịp thời những sai phạm, tránh để sai phạm kéo dài, lan rộng.

Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ là mối quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò của cá nhân người đứng đầu; giữa tập trung và dân chủ; giữa tập trung và phân cấp, phân quyền; giữa lãnh đạo và quản lý; giữa tập thể và cá nhân. Nhận thức đầy đủ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ này sẽ bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện đúng đắn, hiệu quả; ngược lại giải quyết không đúng sẽ làm công tác cán bộ lệch lạc với nhiều hệ quả tiêu cực.

3. Các mối quan hệ của lãnh đạo tập thể:

Tuy nhiên, vấn đề nổi lên trước hết hiện nay là mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ ở các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp; các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, kinh tế công. Trong khu vực này có thể chia ra các nhóm sau:

1- Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể (cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy) và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu (bí thư) trong công tác cán bộ ở trong Đảng

Theo quy định và thực tế hiện nay, cấp ủy đảng (chủ yếu là ban thường vụ cấp ủy) quyết định các vấn đề cán bộ thông qua cơ chế thảo luận tập thể, quyết định theo đa số; người đứng đầu có trách nhiệm (và thẩm quyền) đề xuất, chủ trì và có một số quyền ưu tiên như khi xảy ra trường hợp tập thể lãnh đạo giới thiệu 2 người có số phiếu ngang nhau thì chọn nhân sự do người đứng đầu giới thiệu để quyết định bổ nhiệm hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm. Do quy định về trách nhiệm, chế tài cụ thể khi giới thiệu cán bộ không đúng, còn khá chung chung nên trừ khi người đứng đầu cấp ủy có sai phạm nghiêm trọng, còn không, họ chỉ chịu trách nhiệm cùng tập thể cấp ủy nếu có sai phạm về công tác cán bộ. Sơ hở này làm cho một số người đứng đầu lợi dụng quyền lực “mềm” có được do vị thế là người đề xuất, chủ trì các vấn đề về công tác cán bộ để điều khiển việc bố trí nhân sự theo ý đồ vụ lợi nhưng rất đúng quy trình và không sợ bị xử lý trách nhiệm, dẫn đến hiện tượng trớ trêu là “cá nhân lãnh đạo, tập thể chịu trách nhiệm”.

2- Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ ở đơn vị hành chính các cấp

Trong khu vực này, ở cấp Trung ương, chủ yếu là mối quan hệ giữa Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Chính phủ với người đứng đầu cơ quan hành pháp (Thủ tướng); ở địa phương, chủ yếu là mối quan hệ giữa ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh (thành phố) với người đứng đầu chính quyền (chủ tịch UBND). Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ ở đây được quy định theo tinh thần tập thể lãnh đạo quyết định các vấn đề cán bộ thông qua cơ chế thảo luận tập thể, quyết định theo đa số; người đứng đầu chính quyền luôn là một thành viên trong tập thể lãnh đạo nhưng có trách nhiệm lãnh đạo ban cán sự đảng (Chính phủ hay UBND) thực hiện kết luận của tập thể lãnh đạo về công tác cán bộ. Tuy có quyền đề xuất nhân sự nhưng người đứng đầu không có quyền lựa chọn và thay đổi cấp phó và các cấp dưới trực tiếp của mình. Điều này dẫn đến tình trạng, một mặt, khó quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi chính quyền yếu kém; mặt khác, người đứng đầu chính quyền không đủ thẩm quyền, công cụ để thực hiện chức trách, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý của mình, họ không thể lựa chọn, thay thế cấp dưới của mình khi cấp dưới yếu kém, không đáp ứng yêu cầu.

Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ ở cơ quan bộ

Ở các cơ quan bộ, tập thể lãnh đạo có hai chủ thể là ban cán sự đảng của bộ và đảng ủy cơ quan bộ. Trong công tác cán bộ, ban cán sự đảng của bộ có thẩm quyền, trách nhiệm quyết định các vấn đề cán bộ theo phân cấp; đảng ủy cơ quan bộ chỉ tham gia lãnh đạo, tức chỉ là thành phần tham gia góp ý về công tác cán bộ. Người đứng đầu ban cán sự đảng (bí thư ban cán sự đảng) và người đứng đầu cơ quan bộ (bộ trưởng) là một, do đó quyền của người đứng đầu ở đây rất lớn. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm và chế tài đủ mạnh nên khi có sai phạm cũng khó quy trách nhiệm người đứng đầu vì họ cho rằng đây là quyết định của tập thể ban cán sự đảng, bản thân chỉ là một thành viên (cho đến nay mới chỉ có một bộ trưởng tự nhận trách nhiệm và từ chức khi xảy ra sai phạm trong công tác cán bộ ở bộ mình quản lý).

Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ ở đơn vị sự nghiệp công (trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu…)

Ở các đơn vị này, việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ thuộc thẩm quyền của cấp ủy. Người đứng đầu có trách nhiệm (và thẩm quyền) giới thiệu nhân sự để tập thể lãnh đạo xem xét, quyết định, đồng thời có quy định người đứng đầu chịu trách nhiệm về nhân sự do mình đề xuất.

Ở mô hình này có các vấn đề: một là, người đứng đầu không có đủ thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ quản lý đơn vị vì họ không thể tự chọn và thay đổi cán bộ cấp dưới của mình khi thấy cần thiết (thậm chí còn có chuyện là người đứng đầu chưa thay được cấp dưới thì cấp dưới đã vận động thay được người đứng đầu), đồng thời cũng không thể quy trách nhiệm cao nhất cho người đứng đầu về chất lượng hoạt động của đơn vị; hai là, khi có sai phạm trong công tác cán bộ của đơn vị rất khó quy trách nhiệm cho người đứng đầu vì họ không phải là người quyết định; ba là, với cương vị là thủ trưởng đơn vị, đồng thời do thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng trong các đơn vị sự nghiệp, nên trong thực tế vai trò của người đứng đầu ở các đơn vị sự nghiệp công lập khá lớn, có thể “lái” tập thể lãnh đạo theo ý mình trong công tác cán bộ.

Từ khóa » Nguyên Tắc Tập Thể Lãnh đạo Là Gì