Chè Và đá Suối Giàng

Nằm giữa lưng trời, Suối Giàng quanh năm mây mù bao phủ, nơi từ lâu nổi tiếng có rừng chè cổ thụ, nơi được coi là thuỷ tổ của cây chè thế giới. Nhưng có mấy người biết đến Suối Giàng còn có một mỏ đá cảnh khổng lồ, cứ như từ triệu triệu năm trước mây trời đã hoá thạch ở chốn này...

Mấy năm nay, hầu như năm nào tôi cũng lên Suối Giàng, cũng chẳng có việc gì cả, lên Suối Giàng chỉ để ngắm rừng chè cổ thụ, uống một chén trà ấm nóng để hít hà mây trời và ngắm những tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ đá.

Chè cổ và nỗi niềm thương hiệu

Vào đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước người ta phát hiện trên Suối Giàng có một rừng chè cổ thụ trải rộng khắp triền núi từ Suối Giàng sang Sùng Đô rồi vòng qua Suối Bu, nhưng chè Suối Giàng vẫn là ngon nhất. Nhiều cây chè cao lớn rêu phong cổ kính hai, ba người ôm mới kín gốc. Chè mọc chen nhau với cây rừng cao vút, lá to bằng bàn tay xanh đậm, búp to như búp đa phủ một lớp lông tơ dày như tuyết phủ.

Chè Suối Giàng

Ông Nguyễn Văn Ý, nguyên Bí thư tỉnh Yên Bái đã có lần kể với tôi: Sau khi phát hiện ra cây chè Suối Giàng, hồi ấy tôi đang là cán bộ ngành thương nghiệp của tỉnh Nghĩa Lộ cũ được cử tham gia đội khảo sát, thống kê số cây của rừng chè cổ thụ. Đoàn có gần hai chục người, mỗi người mang một bó lạt to bằng bắp đùi đi khắp rừng, thấy cây chè nào thì buộc lạt đánh dấu, cuối ngày kiểm số lạt còn lại để biết có bao nhiêu cây chè. Đội khảo sát đi ròng rã mấy tháng trời chưa đếm hết số cây chè... Một vùng chè tuyết rộng lớn trải rộng cả ngàn héc - ta trên các sườn núi cao.

Năm 1992 lần đầu tiên đặt chân lên Suối Giàng, tôi được Phó Chủ tịch huyện Văn Chấn hồi đó là ông Nguyễn Trung Lợi đưa lên thăm cây chè cổ thụ chừng hai người ôm mới kín gốc ở thôn Păng Cáng. Tôi không khỏi sững sờ trước cây chè cổ thụ tán rộng bằng mấy gian nhà, cành to bằng bắp đùi, hai mươi người trèo lên cây chè không kín mặt tán. Mỗi lứa hái cây chè này thu được mấy chục cân búp. Ông Lợi cho hay: Cây chè ở thôn Păng Cáng chưa phải là cây to nhất, cây to mấy người ôm mới kín gốc mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tới chụp ảnh, các nhà khoa học ước tính tuổi đời của nó khoảng 6 thế kỷ ở thôn Giàng Cao. Tuy nhiên cây chè ấy đã chết rồi. Mấy năm sau tôi lại nghe tin cây chè cổ thụ ở thôn Păng Cáng cũng đã chết, nó chết vào lúc giá chè chỉ 300- 500đ/kg, nó chết vì già nua, nó chết vì không ai chăm sóc.

Lễ cúng cây chè tổ

Theo Giàng A Đằng, Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng cho biết: Hiện Suối Giàng có 394 ha chè, chủ yếu là chè cổ thụ, cây lớn 1- 2 người ôm mới kín gốc còn khoảng hơn 3.000 cây, trừ diện tích chè mới trồng, cây nhỏ cỡ bằng bắp đùi thì nhiều vô kể. Rừng chè cổ thụ Suối Giàng chủ yếu là chè hoang dại mọc tự nhiên trải rộng trên diện tích trên 500 ha được người dân chăm sóc trên các nương rẫy, giá chè búp tươi đang là 25.000-30.000đ/kg. Ơn cây chè đã mang lại thu nhập cho người dân, hàng năm người dân Suối Giàng đều tổ chức cúng cây chè tổ, cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi…

Theo các nhà khoa học, Việt Nam là một trong những quốc gia thuỷ tổ của cây chè thế giới. Chè Suối Giàng mọc ở độ cao từ 1.000m trở lên, quanh năm ẩn khuất trong mây mù. Nước chè Suối Giàng vàng sánh như mật ong, khi rót nước ra trên mặt chén lan toả một làn hơi nước mỏng tanh tựa sương khói, cầm chén chè lên tay người ta hít thật sâu để tận hưởng cái hương thơm ngầy ngậy đầy sức quyến rũ, khi uống xong dư vị cứ lưu mãi ở đầu lưỡi.

Cây chè cổ thụ Suối Giàng nổi tiếng trên thế giới nhưng có ai biết nó từng bị “quăng quật” qua nhiều Cty, từ Xí nghiệp chè Nghĩa Lộ đến Cty chè Yên Ninh rồi sang Cty chè đặc sản Nghĩa Lộ tiếp đến là Cty chè Văn Hưng. Còn bây giờ thì vùng chè cổ thụ Suối Giàng chẳng ai quản lý, mạnh ai người nấy mua, chè đặc sản Suối Giàng được gắn đủ thương hiệu của Cty cổ phần chè Văn Hưng, HTX chè Suối Giàng và của gia đình Bí thư xã với tên Đằng Trà… Hàng chục cơ sở thu mua chế biến của Văn Chấn cũng trương biển chè Suối Giàng. Nghĩa là chè Suối Giàng hiện đang loạn thương hiệu. Để mua được một cân chè Suối Giàng chính hiệu bây giờ rất khó, chè Phình Hồ, Thác Hoa… cũng được gắn tên chè Suối Giàng.

Những sản phẩm chế tác từ đá cảnh Suối Giàng

Cơ sở chế biến chè Suối Giàng của Lê Quang Tùng mỗi năm thu mua và chế biến khoảng 600-700 kg chè khô, nhưng chè của anh thuộc "hàng độc". Loại chè 5 cực: Cực khổ, cực sạch, cực đẹp, cực đắt và cực ngon. Loại chè này được chế biến từ những búp chè còn phủ đầy lông tơ, giá một cân là 2 triệu đồng, chỉ những người lắm tiền mới dám mua loại chè này về uống. Mỗi năm gia đình anh cũng chỉ sản xuất được hơn 100 kg. Anh than phiền: Nhiều gia đình ở đây bắt chước gia đình tôi sản xuất chè 5 cực, nhưng chất lượng quá kém, nên cũng bị ảnh hưởng… Để xây dựng một thương hiệu chè Suối Giàng đủ mạnh vươn ra thế giới có lẽ là một câu chuyện xa vời, khi mà vùng chè Suối Giàng vẫn còn bỏ ngỏ…

Phát lộ vùng đá cảnh

Mấy năm nay đá cảnh Suối Giàng nổi tiếng không kém cây chè. Câu chuyện bắt đầu từ một số người chơi đá cảnh, trong số đó có Lê Quang Tùng, được mọi người đặt cho biệt danh “Kỳ nhân mê gỗ, đá”. Anh đã sưu tầm hàng trăm viên đá, mỗi viên đều có hình thù riêng, lóng lánh vân màu mà ở đó đều thoả sức cho trí tưởng tượng của mỗi người. Khu vực khoáng sản đá vôi mỹ nghệ Suối Giàng, có hai loại đá vôi hoa hoá, có cấu tạo vân dải, màu sắc sặc sỡ phân bố trên diện tích 15km2, qui mô lớn, chất lượng tốt. Đá có đủ loại màu sắc thiên nhiên, biến chất thành các màu: Lục xanh, ánh ngọc, vàng lục…

Lê Quang Tùng và những tác phẩm nghệ thuật từ đá

Vợ chồng Lê Quang Tùng đều mê đá, mê đến nỗi kiếm được đồng nào đều bỏ ra mua đá về ngắm. Anh bảo: Vợ chồng em muốn xây dựng một bảo tàng đá cảnh Suối Giàng, thấy người ta mua đá ở đây rồi khuân đi mất nhìn mà tiếc. Những viên đá đẹp là sự kết tinh của trời đất cả triệu triệu năm, bán đi tiếc lắm...

Sự phối màu của tự nhiên càng khiến cho đá có màu sắc rực rỡ, tạo cho vân đá như mây vờn, rồng lượn. Mỗi viên đá có màu sắc khác nhau, vân màu khác nhau, tuỳ theo trí tưởng tượng của mỗi người mà đá không còn là đá, trở thành một thực thể sống có cuộc đời riêng. Một số người chơi đá cảnh trong Nam, ngoài Bắc đã lên tận Yên Bái để tìm những viên đá ưa thích. Nhiều viên đá có giá từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng, tuỳ theo kích thước, vân đá và màu sắc.

Những người chơi đá cảnh nổi tiếng ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh… đều lên Suối Giàng tìm kiếm mua bán đá cảnh. Họ thuê các “cửu vạn” là người địa phương lên núi đào bới, tìm kiếm đá cảnh. Tùng kể: Người dân Văn Thi ở thị trấn Sơn Thịnh vốn chỉ chơi đá cảnh theo kiểu xếp đá hình non bộ, khi lên Suối Giàng thấy những phiến đá cảnh của em có vân tựa những bức tranh thuỷ mạc với rất nhiều hình dáng, màu sắc đã khiến họ mê. Thế là tạo ra một cơn sốt đá cảnh, những phiến đá to bằng nửa gian nhà được các “cửu vạn” dùng búa, chòng đục thủ công tách ra thành những phiến mỏng vận chuyển xuống Sơn Thịnh, thị xã Nghĩa Lộ chế tác thành bàn uống nước, những bộ sập đá với rất nhiều hoa văn như rồng bay, phượng múa.

Một làng nghề chế tác đá cảnh hình thành tự phát dọc con đường lên Suối Giàng và ngay trước cửa ngõ của huyện Văn Chấn. Nhiều bộ bàn ghế đá có giá vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Từ khóa » Cây Trà đá Rừng