"Chen Chân" Vào Chuỗi Cung ứng Quốc Tế, Năng Lực Sản Xuất Chưa ...

Để trở thành nhà cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe.

CẦN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CUNG ỨNG RIÊNG

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng một vài năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến những sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu.

Từ một đất nước với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực là nông sản, các mặt hàng thâm dụng lao động lớn, Việt Nam đang dần có những sản phẩm xuất khẩu mang tính công nghệ cao hơn với giá trị gia tăng cao, như các sản phẩm cơ khí chính xác, các sản phẩm điện tử và linh kiện…

Arcelik là công ty thuộc tập đoàn Koc Holding - một trong những tập đoàn về dịch vụ, các sản phẩm công nghiệp gia dụng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm nguồn cung sản phẩm linh kiện, điện tử từ Việt Nam.

Ông Hakan Kozan, Giám đốc thu mua của Arcelik cho rằng, Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế và là một trung tâm sản xuất cho các nhà máy trên thế giới. Việt Nam hoàn toàn có được lợi thế đáp ứng được chiến lược phát triển của tập đoàn.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu. Dù sản xuất được những sản phẩm tinh xảo nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được yêu cầu quản trị để trở thành đối tác của các tập đoàn FDI, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trưởng nhóm mua hàng của Arcelik, ông Koray Derman cho biết, Arcelik hoạt động chủ yếu ở thị trường châu Âu. Châu Âu là thị trường có những đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, nên đối tác của Arcelik cũng cần có những tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm. Những linh kiện điện tử cần tuân thủ những quy định riêng biệt.

"Chúng tôi kỳ vọng những đối tác tiềm năng mà chúng tôi hợp tác phải có hệ thống quản trị về chuỗi cung ứng tốt đặc biệt hệ thống quản trị nguồn lực cần phải có. Bên cạnh đó, các đối tác của chúng tôi đều phải phát triển hệ thống cung ứng riêng của họ chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Nếu phụ thuộc vào Trung Quốc chúng tôi sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro, thiệt hại", ông Koray Derman cho biết.

Arcelik quản lý các linh phụ kiện đặt trực tiếp từ các nhà cung ứng chứ không thông qua đơn vị trung gian. Vì thế, theo đại diện Arcelik, ngoài mức giá hợp lý, tiêu chuẩn môi trường, dịch vụ logistics và hậu mãi tốt, nhà cung ứng cần có hệ thống quản trị tốt, có năng lực quản lý tốt nguồn cung của họ. Đặc biệt, nhà cung ứng cần có năng lực về thiết kế, năng lực thử nghiệm sản phẩm của riêng mình.

"Với những mạch điện tử, chúng tôi sử dụng những sản phẩm đặc thù riêng biệt so với những sản phẩm của đơn vị khác, nên các đối tác cần có kinh nghiệm chuyên sâu về bo mạch điện tử. Quan trọng hơn nữa, chúng tôi mong muốn có mối quan hệ dài lâu trong làm ăn với nhau", đại diện Arcelik nhấn mạnh.

SỐ HÓA ĐỂ TINH GỌN

TS. Phan Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kế toán Úc chia sẻ, có những doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ có thể sản xuất được ốc vít cho đồng hồ Thuỵ Sỹ, nhưng không thể sản xuất được ốc vít để bán cho Samsung.

Không phải lý do họ không có đủ năng lực để sản xuất, mà yêu cầu của các nhà mua lớn trên thế giới đối với các doanh nghiệp cung cấp linh kiện rất cao. Ví dụ như Samsung, yêu cầu các doanh nghiệp Việt muốn trở thành đối tác cung ứng của họ phải có bằng phát minh sáng chế, có mức giá bán thấp.

Nếu muốn đạt được mức giá thành thấp, đáp ứng yêu cầu của người mua ông Long cho rằng, doanh nghiệp Việt phải thay đổi toàn bộ cấu trúc quản trị để tinh gọn, cắt giảm các khâu trung gian để tinh giảm, tiết kiệm chi phí.

Samsung yêu cầu các nhà cung ứng phải đáp ứng các quy chuẩn về trách nhiệm xã hội, môi trường làm việc, môi trường sống, sản xuất xanh, nguyên liệu xanh. Samsung cũng yêu cầu một trong những tiêu chí quan trọng mà các doanh nghiệp Việt khó đáp ứng đó là tốc độ giao hàng. Có những doanh nghiệp chỉ sản xuất những sản phẩm rất đơn giản là bao bì, nhưng nhà mua yêu cầu cứ 2 tiếng giao hàng một lần bất kể khối lượng như thế nào.

Ngoài ra, có những điều kiện khiến doanh nghiệp Việt Nam khó đáp ứng như chi phí vốn. Dù là người mua nhưng họ yêu cầu cấu trúc tài chính của doanh nghiệp Việt phải vững mạnh, khiến chi phí vốn thấp. Dù sản xuất được những sản phẩm tinh xảo nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được yêu cầu quản trị để trở thành đối tác của các tập đoàn FDI, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Chất lượng, tốc độ, thời gian, giá cả là những yếu tố quyết định việc doanh nghiệp có tham gia được vào chuỗi cung ứng hay không. Nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần phải thay đổi. Doanh nghiệp cần số hoá để tinh gọn lại các quy trình và cắt giảm chi phí. Và để đạt được điều này, quản trị phải thay đổi một cách toàn diện", ông Long nói.

Hơn nữa, theo ông Long, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do với rất nhiều quốc gia, đặc biệt khi chúng ta chưa có hệ thống các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh để giúp thu hút các nhà sản xuất lớn dịch chuyển từ Trung Quốc thì cần có sự thay đổi lớn về năng lực cạnh tranh, về nguồn lực.

Từ khóa » Chuỗi Cung ứng Quốc Tế