Chi Phí Sản Xuất Kinh Doanh Là Gì? Cách Phân Loại Chi Phí

Chi phí sản xuất kinh doanh là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ các hao phí về lao động sống và lao động vật hóa mà doanh nghiệp đã bỏ ra có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong một thời kỳ nhất định (tháng, quý, năm).

Do vậy chỉ được tính là chi chí của kỳ hạch toán những hao phí về tài sản và lao động có liên quan đến khối lượng sản phẩm sản xuất ra trong kỳ chứ không phải mọi khoản chi ra trong kỳ hạch toán.

Có thể bạn quan tâm:

  • Trung tâm kế toán tại Vinh
  • Trung tâm kế toán tại Hà Tĩnh

2. Phân loại chi phí sản xuất kinh doanh.

Chi phí sản xuất kinh doanh có rất nhiều loại, nhiều khoản, khác nhau cả về nội dung, tính chất, công dụng, vai trò, vị trí … trong quá trình kinh doanh.

Để thuận lợi cho công tác quản lý và hạch toán, cần thiết phải tiến hành phân loại chi phí sản xuất kinh doanh. Xuất phát từ các mục đích và yêu cầu khác nhau của quản lý, chi phí sản xuất kinh doanh cũng được phân loại theo những tiêu thức khác nhau, như: Phân theo yếu tố chi phí; phân theo khoản mục chi phí trong giá thành sản phẩm; phân theo chức năng của chi phí trong sản xuất kinh doanh; phân theo cách thức kết chuyển chi phí; phân theo quan hệ của chi phí với khối lượng, công việc, sản phẩm hoàn thành; phân theo quan hệ của chi phí với quá trình sản xuất; phân theo khả năng kiểm soát chi phí;…

Mời các bạn tham khảo một số cách phân loại chủ yếu được sử dụng phổ biến trong kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm trên góc độ của kế toán tài chính.

2.1. Phân theo yếu tố chi phí:

Theo quy định hiện hành ở Việt nam, toàn bộ chi phí được chia thành 7 yếu tố:

– Yếu tố nguyên liệu, vật liệu: Bao gồm toàn bộ giá trị nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, phụ tùng thay thế, công cụ dụng cụ sử dụng vào sản xuất kinh doanh (loại trừ những giá trị dùng không hết nhập lại kho và phế liệu thu hồi)

– Yếu tố nhiên liệu, động lực sử dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh (loại trừ những giá trị dùng không hết nhập lại kho và phế liệu thu hồi)

– Yếu tố tiền lương và các khoản phụ cấp lương: Phản ánh tiền lương và các khoản phụ cấp lương phải trả cho công nhân viên.

– Yếu tố BHXH, BHYT,KPCĐ, BHTN: Phản ánh số trích theo tỷ lệ quy định trên tổng số tiền lương và phụ cấp lương trả cho công nhân viên tính vào chi phí.

– Yếu tố khấu hao tài sản cố định (TSCĐ): Phản ánh tổng số khấu hao TSCĐ phải trích trong kỳ của tất cả TSCĐ sử dụng cho sản xuất kinh doanh.

– Yếu tố chi phí dịch vụ mua ngoài: Phản ánh toàn bộ chi phí dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất kinh doanh.

– Yếu tố chi phí khác bằng tiền: Gồm các chi phí khác bằng tiền chưa phản ánh ở các yếu tố   trên dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ.

2.2. Phân theo khoản mục chi phí  trong giá thành sản phẩm:

Theo cách phân loại này chi phí sản xuất kinh doanh bao gồm 5 khoản mục chi phí  sau:

– Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Bao gồm toàn bộ giá trị nguyên vật liệu liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, chế tạo sản phẩm hay thực hiện lao vụ, dịch vụ.

– Chi phí nhân công trực tiếp: Gồm toàn bộ tiền lương (tiền công), các khoản phụ cấp mang tính chất tiền lương và các khoản trích theo lương theo tỷ lệ quy định (BHXH,BHYT, BHTN, BHTNLĐ, KPCĐ) trả cho công nhân trực tiếp sản xuất, chế tạo sản phẩm hay thực hiện lao vụ, dịch vụ.

– Chi phí sản xuất chung: Bao gồm toàn bộ những chi phí còn lại phát sinh trong phạm vi phân xưởng, bộ phận sản xuất sau khi đã loại trừ chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và nhân công trực tiếp.

– Chi phí bán hàng: Bao gồm toàn bộ các khoản chi phí phát sinh liên quan đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, lao vụ, dịch vụ trong kỳ.

– Chi phí quản lý doanh nghiệp: Bao gồm toàn bộ các khoản chi phí phát sinh liên quan  đến quản trị kinh doanh và quản lý hành chính trong phạm vi toàn doanh nghiệp mà không tách được cho bất kỳ hoạt động hay phân xưởng nào.

Lưu ý: Trong 5 khoản mục chi phí trên, 3 khoản mục chi phí đầu gọi là chi phí sản xuất, 2 khoản mục chi phí sau là chi phí kinh doanh.

Chúc các bạn thành công!

Từ khóa » Chi Phí Kinh Doanh Là Gì