Chỉ Số Giá Tiêu Dùng, Chỉ Số Giá Vàng Và Chỉ Số Giá đô La Mỹ Tháng 3 ...

Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm, giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Ba tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016[1]; CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất của quý I trong 20 năm qua[2]; lạm phát cơ bản quý I/2021 tăng 0,67%.

I. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ THÁNG 3/2021

Trong mức giảm 0,27% của CPI tháng 3/2021 so với tháng trước, khu vực thành thị giảm 0,2%; khu vực nông thôn giảm 0,34%. Khu vực nông thôn có tốc độ giảm CPI nhiều hơn khu vực thành thị chủ yếu do mức giảm của chỉ số giá nhóm thực phẩm[3].

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 3/2021, có 7 nhóm giảm giá so với tháng trước, 4 nhóm tăng giá.

Trong 7 nhóm hàng giảm giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm nhiều nhất, giảm 1,46% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,49 điểm phần trăm) do giá thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau tươi giảm mạnh nhờ nguồn cung dồi dào. Nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,37%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,2%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,13%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,05%. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm nên nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,28%.

Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,29% (làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào thời điểm 25/02/2021, 12/3/2021 và 27/3/2021, trong đó giá xăng E5 tăng 1.550 đồng/lít so với tháng trước, giá xăng A95 tăng 1.770 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.200 đồng/lít. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,24% do giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng làm cho giá vật liệu xây dựng tăng; giá gas tăng 1,37% do giá gas trong nước điều chỉnh tăng từ 5.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 15 USD/tấn (từ mức 595 USD/tấn lên mức 610 USD/tấn). Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do giá thuốc các loại tăng 0,04%. Nhóm giáo dục tăng 0,01%, chủ yếu do giá văn phòng phẩm tăng.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3/2021 tăng 1,16%. Trong 11 nhóm hàng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Nhóm giáo dục tăng cao nhất 4,04% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm nhiều nhất với 0,71% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu du lịch của người dân giảm.

So với tháng 12/2020, CPI tháng Ba tăng 1,31%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,2%. Nhóm giao thông tháng 3/2021 tăng cao nhất với 6,24% do từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 5 đợt (ngày 11/01; 26/01; 25/02; 12/3; 27/3) làm cho giá xăng A95 tăng 2.570 đồng/lít so với tháng 12/2020; giá xăng E5 tăng 2.340 đồng/lít và giá dầu diezel tăng 1.870 đồng/lít.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba từ năm 2017 đến năm 2021

                                                                                                                             Đơn vị tính: %

Năm 2017

Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020

Năm 2021

CPI tháng 3 so với tháng trước

0,21

-0,27 -0,21 -0,72 -0,27

CPI tháng 3 so với cùng kỳ năm trước

4,65

2,66

2,70

4,87

1,16

CPI tháng 3 so với tháng 12 năm trước

0,90

0,97

0,69

0,34

1,31

CPI bình quân quý I so với cùng kỳ năm trước

4,96 2,82 2,63 5,56

0,29

II. DIỄN BIẾN GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 3/2021 CỦA MỘT SỐ NHÓM HÀNG CHÍNH

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-1,46%)

1.1. Lương thực (+0,01%)

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 3/2021 tăng nhẹ 0,01% so với tháng trước, chủ yếu do giá bột mỳ tháng Ba tăng 0,15%; giá khoai tăng 2,51%; giá bún, bánh phở, bánh đa tăng 0,71%; giá bột ngô tăng 0,2%; giá ngũ cốc ăn liền tăng 0,21%; mỳ sợi, mỳ ăn liền, phở ăn liền tăng 0,09%.

Nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm làm cho giá gạo tẻ ngon tháng Ba giảm 0,1% so với tháng trước, giá gạo nếp giảm 1%, trong khi giá gạo tẻ thường tăng 0,08% do lúa đông xuân mới vào đầu vụ, diện tích cho thu hoạch chưa nhiều nên nguồn cung gạo hạn hẹp. Bình quân chung chỉ số giá gạo giảm 0,01% so với tháng trước. Cụ thể: Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 12.000-13.000 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 18.000-19.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 18.000-20.000 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.000-35.000 đồng/kg.

1.2. Thực phẩm (-2,2%)

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 3/2021 giảm 2,2% so với tháng trước, tập trung ở một số mặt hàng:

– Giá thịt lợn giảm 3,78% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,13 điểm phần trăm), trong đó khu vực thành thị giảm 3,39%; khu vực nông thôn giảm 4,04%. Giá thịt lợn giảm do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, nguồn cung thịt lợn được đảm bảo. Tổng số lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 3/2021 ước tính tăng khoảng 11,6% so với cùng thời điểm năm 2020; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2021 ước tính đạt 1.018,8 nghìn tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, giá thịt quay, giò, chả tháng Ba giảm 1,37% so với tháng trước; thịt chế biến khác giảm 0,22%.

– Giá thịt và trứng gia cầm giảm lần lượt 1,59% và 2,91% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào. Tổng số gia cầm của cả nước đến thời điểm cuối tháng 3/2021 ước tính tăng 8,3% so với cùng thời điểm năm 2020; sản lượng trứng gia cầm quý I/2021 đạt 4,5 tỷ quả, tăng 3,5%.

– Giá rau tươi giảm 5,91% so với tháng trước do thời tiết đông xuân ẩm, mưa phùn khiến rau sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó, đang thời kỳ thu hoạch nên lượng rau đưa ra thị trường dồi dào và phong phú chủng loại, góp phần giảm giá rau. Cụ thể: Giá cà chua giảm 17,12%; bắp cải giảm 15,48%; su hào giảm 12,82%; đỗ quả tươi giảm 8,91%; rau dạng củ, quả giảm 5,62%; rau muống giảm 3,44%.

– Giá quả tươi và chế biến giảm 3,28% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào như: Chuối giảm 5,58%; xoài giảm 9,92%; táo giảm 1,9%; quả có múi giảm 2,36%.

– Giá bánh kẹo, cà phê bột, chè búp khô có mức giảm từ 0,11%-0,48% so với tháng trước do nhu cầu sau Tết Nguyên đán giảm.

1.3. Ăn uống ngoài gia đình (-0,23%)

Giá ăn uống ngoài gia đình giảm 0,23% so với tháng trước do giá lương thực, thực phẩm giảm và nhu cầu ăn uống liên hoan giảm sau dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, giá ăn ngoài gia đình giảm 0,33% so với tháng trước, giá uống ngoài gia đình giảm 0,13%.

2. Đồ uống và thuốc lá (-0,37%)

Nhu cầu tiêu dùng giảm sau Tết Nguyên đán nên giá các mặt hàng thuộc nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,37% so với tháng trước, trong đó giá nước giải khát có ga giảm 0,26%; rượu bia các loại giảm 0,5%; thuốc hút giảm 0,34%.

3. May mặc, mũ nón và giày dép (-0,2%)

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tháng Ba giảm 0,2% so với tháng trước do nhu cầu mua sắm giảm sau Tết, trong đó giá một số mặt hàng giảm như: Giá vải các loại giảm 0,03%; quần áo may sẵn giảm 0,26%; giày dép giảm 0,09%; dịch vụ may mặc, mũ nón, quần áo giảm 0,14%.

4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,24%)

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 3/2021 tăng 0,24% so với tháng trước chủ yếu do các nguyên nhân sau:

– Giá điện sinh hoạt tháng Ba tăng 0,52% so với tháng trước[4], tác động làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm.

– Giá gas tháng Ba tăng 1,37% so với tháng trước do từ ngày 01/3/2021, giá gas trong nước điều chỉnh tăng từ 5.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 15 USD/tấn (từ mức 595 USD/tấn lên mức 610 USD/tấn).

– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,27% so với tháng trước, chủ yếu do giá thép tăng khi giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép tăng cao. Nhu cầu sửa chữa nhà tại một số địa phương tăng làm cho giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,39% so với tháng trước.

– Giá dầu hỏa tăng 7,92% so với tháng trước do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh giá ngày 25/2/2021, 12/3/2021 và 27/3/2021, giá dầu hỏa tăng 1.100 đồng/lít so với tháng trước.

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (-0,05%)

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,05% so với tháng trước do giá một số mặt hàng đồ dùng gia đình giảm sau Tết Nguyên đán như: máy hút bụi giảm 0,29%; giường, tủ, bàn ghế giảm 0,07%; chăn, màn, gối, rèm cửa giảm từ 0,15%-0,18%; bát, đĩa, ly, cốc, lọ hoa giảm giá từ 0,09%-0,13%.

6. Thuốc và dịch vụ y tế (+0,02%)

Giá thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước chủ yếu do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi mạnh, người dân dễ mắc bệnh hô hấp nên nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch tăng, theo đó giá nhóm thuốc vitamin và khoáng chất tăng 0,19% so với tháng trước; nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm tăng 0,12%.

7. Giao thông (+2,29%)

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 3/2021 tăng 2,29% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng, dầu tăng 6,89% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 25/2/2021, 12/3/2021 và 27/3/2021. Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông chịu tác động của giá một số mặt hàng giảm theo quy luật trở về mặt bằng giá thông thường sau Tết Nguyên đán: Giá vận tải hành khách bằng đường bộ giảm 4,19% so với tháng trước; giá vé tàu hỏa giảm 12,34%; dịch vụ trông giữ xe máy, ô tô giảm 1,88%.

8. Văn hóa, giải trí và du lịch (-0,03%)

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tháng Ba giảm 0,03% so với tháng trước, trong đó: Giá thiết bị văn hóa giảm 0,26%; vật phẩm văn hóa giảm 0,04%; dịch vụ chụp, in tráng ảnh giảm 0,02%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều lễ hội, đền, chùa, hoạt động tâm linh, tín ngưỡng tạm hoãn, theo đó nhu cầu hoa tươi giảm làm cho giá hoa, cây cảnh giảm 1,78%; giá du lịch trọn gói giảm 0,12%; giá khách sạn, nhà khách giảm từ 0,01%-0,04%.

9. Hàng hóa và dịch vụ khác (-0,28%)

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,28% chủ yếu ở mặt hàng dịch vụ cá nhân như cắt tóc, gội đầu, uốn tóc giảm 1,3% so với tháng trước; dịch vụ chăm sóc cá nhân giảm 0,83%; giá đồ trang sức giảm 2,18% do nhu cầu mua đồ trang sức giảm sau Tết.

10. Chỉ số giá vàng (-2,97%)

Giá vàng trong nước biến động theo với giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 27/3/2021 giảm 4,77% so với tháng 02/2021 do sự hỗ trợ của các gói kích thích tài khóa cùng với việc đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ phục hồi khiến vàng trở nên kém hấp dẫn. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3/2021 giảm 2,97% so với tháng trước; tăng 16,84% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân quý I/2021 tăng 23,27%.

11. Chỉ số giá đô la Mỹ (+0,23%)

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh tiêm vắc – xin ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi trên nước Mỹ; đồng thời từ ngày 12/3/2021, Mỹ bắt đầu triển khai gói cứu trợ giảm tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kích thích nền kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Bên cạnh đó, kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ trong hai ngày 16-17/3/2021, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0%-0,25% và duy trì chương trình mua trái phiếu ở mức ít nhất 120 tỷ USD/tháng để hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ khiến giá đô la Mỹ tăng. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.140 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2021 tăng 0,23% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân quý I/2021 giảm 0,58%.

III. DIỄN BIẾN GIÁ TIÊU DÙNG QUÝ I NĂM 2021

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2021 tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất của quý I trong 20 năm qua.

1. Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong quý I năm 2021

– Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo quý I/2021 tăng 8,55% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm.

– Giá các mặt hàng thực phẩm quý I/2021 tăng 0,49% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,1 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn tăng 0,46%, giá thịt bò tăng 2,89%, giá thịt chế biến tăng 3,73%.

– Giá ăn uống ngoài gia đình tăng theo giá lương thực, thực phẩm, bình quân quý I/2021 tăng 2,08% so với cùng kỳ năm trước.

– Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas quý I/2021 tăng 7,58% so với cùng kỳ năm trước.

– Giá dịch vụ giáo dục quý I/2021 tăng 4,49% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

2. Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý I năm 2021

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước như sau:

– Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV năm 2020. Theo đó, giá điện tháng 01/2021 giảm 16,88% so với tháng trước làm cho giá điện sinh hoạt bình quân quý I/2021 giảm 7,18% so với cùng kỳ năm 2020, tác động giảm CPI chung 0,24 điểm phần trăm.

– Giá xăng dầu trong nước bình quân quý I/2021 giảm 9,54% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung giảm 0,34 điểm phần trăm; giá dầu hỏa giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.

– Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước làm cho giá vé máy bay quý I/2021 giảm 24,28%; giá vé tàu hỏa giảm 10,03%; giá du lịch trọn gói giảm 4%.

– Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 diễn ra vào tháng 02/2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở trong nước. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân, giữ vững ổn định kinh tế – xã hội. Nhờ vậy, nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân được đảm bảo tốt, thị trường được bình ổn kể cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động như quy luật hàng năm, nguồn hàng hóa ổn định, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

IV. LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản[5] tháng 3/2021 giảm 0,12% so với tháng trước, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2021 lạm phát cơ bản tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,29%) chủ yếu do giá mặt hàng xăng, dầu và điện sinh hoạt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước đã được loại trừ trong danh mục hàng hóa, dịch vụ tính lạm phát cơ bản. Mức lạm phát cơ bản tháng Ba và quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Lạm phát cơ bản tháng Ba và quý I từ năm 2017 đến năm 2021

 

       Đơn vị tính: %

Năm 2017

Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020

Năm 2021

Lạm phát cơ bản tháng 3 so với tháng trước

0,00

-0,09 -0,06 -0,06

-0,12

Lạm phát cơ bản tháng 3 so với cùng kỳ năm trước

1,60

1,38 1,84 2,95

0,73

Lạm phát cơ bản quý I so với cùng kỳ năm trước

1,66

1,34 1,83 3,05

0,67

[1] Tốc độ tăng CPI tháng Ba so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 1,69%; tăng 4,65%; tăng 2,66%; tăng 2,7%; tăng 4,87%; tăng 1,16%.

[2] Tốc độ tăng CPI bình quân quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2002-2021 lần lượt là: tăng 2,95%; tăng 3,82%; tăng 4,23%; tăng 9,07%; tăng 8,31%; tăng 6,58%; tăng 16,37%; tăng 14,47%; tăng 8,51%; tăng 12,79%; tăng 15,95%; tăng 6,91%; tăng 4,83%; tăng 0,74%; tăng 1,25%; tăng 4,96%; tăng 2,82%; tăng 2,63%; tăng 5,56%; tăng 0,29%.

[3] Tháng 3/2021, chỉ số giá thực phẩm khu vực thành thị giảm 2,04% so với tháng trước; khu vực nông thôn giảm 2,34%.

[4] Chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 3/2021 được tính dựa trên doanh thu và sản lượng điện tiêu dùng từ ngày 01-28/2/2021, do đó phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác.

[5] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.

Từ khóa » Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Tháng 3 Năm 2021