Chỉ Số Hormone LH Là Gì? Vai Trò Và ý Nghĩa đối Với Nam Và Nữ

Để chẩn đoán hệ thống sinh sản có hoạt động bình thường hay không, bác sĩ thường chỉ định kiểm tra nồng độ LH. Vậy LH là gì? Chỉ số LH bao nhiêu là bình thường? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

5/5 - (61 bình chọn)
  1. 1. Hormone LH là gì?
  2. 2. Vai trò của hormone LH
  3. 3. Chỉ định xét nghiệm LH trong trường hợp nào?
  4. 4. Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm LH?
  5. 5. Quy trình thực hiện xét nghiệm LH
  6. 6. Chỉ số LH bao nhiêu là bình thường?
  7. 7. Chỉ số LH cao hoặc thấp cho biết điều gì?
    1. 7.1 Đối với nữ giới
    2. 7.2 Đối với nam giới
    3. 7.3 Đối với trẻ em

1. Hormone LH là gì?

LH là Luteinizing Hormone, là hormone tuyến yên sinh dục, đóng vai trò quan trọng giúp đảm bảo sự khỏe mạnh của hệ thống sinh sản cả nam và nữ. LH còn được gọi là hormone tạo hoàng thể. Chúng được sản xuất tại tuyến yên trước, nằm ngay phía sau mũi.

chỉ số LH

2. Vai trò của hormone LH

– Với nữ giới

LH hoạt động cùng với hormone kích thích nang trứng (FSH), là yếu tố giúp điều hòa và duy trì chu kỳ kinh nguyệt ổn định. Sự thay đổi nồng độ nồng độ LH giúp trứng được giải phóng khỏi buồng trứng, tạo nên hiện tượng rụng trứng. Sau đó, LH lại tiếp tục kích thích tạo hoàng thể (thể vàng) và giải phóng progesterone – hormone giúp nữ giới có thai kỳ khỏe mạnh.

– Với nam giới

Trong cơ thể nam giới, LH cũng được sản xuất tại tuyến yên. Chúng liên kết với các tế bào tinh hoàn (tế bào Leydig) để giải phóng Testosterone. Đây là nội tiết tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất tinh trùng và duy trì ham muốn và khả năng tình dục ở nam giới.

Vì vậy, chỉ số LH trong máu có thể giúp chỉ ra những vấn đề cơ bản có liên quan đến sinh lý và sức khỏe sinh sản.

– Với trẻ em

Mức LH ảnh hưởng đến quá trình dậy thì ở trẻ em. Mức LH cao có thể gây ra dậy thì sớm. Ngược lại, mức LH thấp có thể gây ra dậy thì muộn.

3. Chỉ định xét nghiệm LH trong trường hợp nào?

khi nào cần xét nghiệm LH

Với các trường hợp sau đây, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm chỉ số LH:

  • Nữ giới rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc vô kinh
  • Nữ giới khó khăn trong việc mang thai
  • Nữ giới nghi ngờ mãn kinh sớm so với độ tuổi
  • Nam giới nồng độ Testosterone thấp, biểu hiện qua các triệu chứng như: lượng cơ thấp, béo bụng, giảm ham muốn…
  • Trẻ em bước vào tuổi dậy thì quá muộn hoặc quá sớm
  • Phát hiện các dấu hiệu rối loạn tuyến yên như: cơ thể mệt mỏi, giảm cân mất kiểm soát, chán ăn…

Ngoài xét nghiệm LH, bác sĩ có thể yêu cầu đồng thời một số xét nghiệm khác như: định lượng Testosterone, Progesterone, FSH, Estradiol…

4. Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm LH?

Trước khi làm xét nghiệm LH, bạn cần ngưng sử dụng một số loại thuốc, thực phẩm bổ sung bởi chúng có thể ảnh hưởng đến kết quả test. Bác sĩ sẽ thông báo cụ thể cho bạn từng loại. Nếu xét nghiệm diễn ra bất ngờ, bạn cần thông báo với bác sĩ những loại thuốc mình đang sử dụng.

Riêng với phụ nữ, cần ngưng sử dụng thuốc tránh thai hoặc thuốc nội tiết tố trong 4 tuần trước khi làm xét nghiệm. Bên cạnh đó, hãy ghi nhớ ngày bắt đầu và kết thúc chu kỳ kinh nguyệt gần nhất của bạn để nói với bác sĩ.

Nếu bạn đang hóa trị, xạ trị hoặc thực hiện bất kỳ thủ thuật nào với chất phóng xạ, hãy thông báo với bác sĩ. Những chất này có thể ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm. Cần nhịn ăn trong khoảng 8 giờ trước khi lấy máu.

5. Quy trình thực hiện xét nghiệm LH

Tương tự các xét nghiệm bằng mẫu máu khác, quy trình xét nghiệm LH cũng khá đơn giản. Đầu tiên, bạn sẽ được nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu máu ở tĩnh mạch trên cánh tay c bằng xi-lanh. Sau khi lấy đủ lượng máu, bạn sẽ được tháo kim và dán urgo vào chỗ vừa lấy máu. Quá trình này diễn ra rất nhẹ nhàng, hầu như không cảm thấy đau đớn.

6. Chỉ số LH bao nhiêu là bình thường?

Phạm vi bình thường của hormone LH khác nhau giữa nam giới nữ giới và trẻ em. Bên cạnh đó, mỗi giai đoạn khác nhau (các lứa tuổi khác nhau, những giai đoạn khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt) nồng độ Luteinizing Hormone cũng có sự thay đổi. Nồng độ LH thường đạt đỉnh vào giữa chu kỳ kinh nguyệt (giai đoạn rụng trứng), phụ nữ mãn kinh có nồng độ LH cao hơn phụ nữ chưa mãn kinh.

Các chỉ số LH bình thường dưới đây chỉ mang tính tham khảo. Hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ để nhận được tư vấn chính xác nhất:

✅ ĐỐI TƯỢNG ⭐ CHỈ SỐ LH BÌNH THƯỜNG
Nam giới ⭐ 1,24 – 7,8 IU/L
Nữ giới Giai đoạn nang trứng ⭐ 1,68 – 15 IU/L
Giai đoạn rụng trứng ⭐ 21,9 – 566,6IU/L
Giai đoạn hoàng thể ⭐ 0,61 – 16,3 IU/L
Giai đoạn mãn kinh ⭐ 14,2 – 52,5 IU/L
Trẻ em Bé gái chưa đến tuổi dậy thì ⭐ 0,03 – 3,9 IU/L
Bé trai chưa đến tuổi dậy thì ⭐ 0,02 – 3,6 IU/ L

7. Chỉ số LH cao hoặc thấp cho biết điều gì?

Chỉ số LH có sự khác nhau tùy độ tuổi và giai đoạn, giới tính. Mức độ cao thấp của nồng độ LH có thể là dấu hiệu cho biết một số vấn đề, cụ thể là:

chỉ số LH cho biết điều gì

7.1 Đối với nữ giới

Chỉ số LH tăng cao có thể là căn cứ để bác sĩ chẩn đoán các vấn đề về buồng trứng, điển hình là suy buồng trứng nguyên phát. Một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng này là:

  • Buồng trứng phát triển bất thường
  • Buồng trứng có khối u, buồng trứng đa nang
  • Bệnh tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận
  • Rối loạn hệ miễn dịch
  • Do tiếp xúc phóng xạ
  • Do bất thường di truyền, điển hình là hội chứng Turner…

Ngược lại, chỉ số LH thấp có thể là dấu hiệu suy buồng trứng thứ phát hoặc rối loạn tuyến yên.

7.2 Đối với nam giới

Với nam giới, nồng độ LH cao có thể cảnh báo suy tinh hoàn nguyên phát. Nguyên nhân tình trạng này bao gồm:

  • Tuyến sinh dục phát triển bất thường
  • Bất thường nhiễm sắc thể, điển hình là hội chứng Klinefelter
  • Do biến chứng bệnh quai bị
  • Do có khối u hoặc tổn thương tinh hoàn
  • Do tiếp xúc bức xạ
  • Rối loạn vùng dưới đồi, tuyến yên…

Chỉ số LH thấp ở nam giới trưởng thành có thể bắt nguồn từ sự suy giảm Testosterone, dẫn đến các hệ quả như: Rối rối loạn chức năng sinh lý, giảm ham muốn, mệt mỏi…

7.3 Đối với trẻ em

Nồng độ hormone tạo hoàng thể ở trẻ em cao có thể là nguyên nhân gây dậy thì sớm. Theo Hiệp hội Hóa học Lâm sàng Hoa Kỳ (AACC), bé gái thường có nguy cơ gặp tình trạng này cao hơn bé trai. Nguyên nhân gây ra dậy thì sớm có thể do:

  • Có khối u trong não bộ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương
  • Do chấn thương vùng não
  • Do viêm màng não, viêm não
  • Do có tiền sử phẫu thuật hoặc chiếu xạ não gây ảnh hưởng

Nồng độ LH thấp có thể là dấu hiệu cho thấy dậy thì muộn ở trẻ em. Những đối tượng này có nguy cơ cao:

  • Suy buồng trứng hoặc tinh hoàn
  • Thiếu hormone sinh dục – nội tiết tố
  • Bất thường nhiễm sắc thể
  • Nhiễm trùng mãn tính hoặc ung thư…

Như vậy, đối với cả nam giới, nữ giới và người chưa trưởng thành, nồng độ LH đều có liên quan đến sức khỏe sinh sản. Khi có các dấu hiệu bất thường, bạn cần đến cơ sở y tế làm xét nghiệm để kiểm tra định lượng, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp, tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra.

>>> XEM THÊM:

  • Chỉ số FSH là gì? Vai trò của FSH với chức năng sinh sản
  • Tinh trùng màu vàng có sao không? Nguyên nhân và cách điều trị
  • Ăn gì để tinh trùng khỏe? Gợi ý 7 nhóm thực phẩm tăng sức mạnh tinh binh

Từ khóa » Tác Dụng Của Lh Trên Nam Giới