Chỉ Số VN-Index Là Gì? Ý Nghĩa Và Cách Tính Chỉ Số VN-Index - Topi

Trên bảng giá chứng khoán, dẫn đầu nhóm chỉ số ta thấy đó là VN-Index, vậy chính xác thì VN-Index là gì, ý nghĩa của nó với các nhà đầu tư chứng khoán như thế nào, cùng tìm hiểu ngay với TOPI nhé!

I. VN-Index là gì?

VN-Index là một chỉ số thị trường, đo lường sự biến động về giá của toàn bộ các mã cổ phiếu được niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM hay sàn HOSE.

VN-Index thể hiện xu hướng giá cổ phiếu hằng ngày thông qua việc so sánh giá trị vốn hoá của thị trường ở hiện tại với giá trị vốn hoá của thị trường cơ sở, xem chúng đã thay đổi bao nhiêu lần. Trong đó, ngày cơ sở là ngày 28/07/2000 - cũng là ngày sàn HOSE chính thức đi vào hoạt động, với giá trị cơ sở là 100 điểm.

VN index là gì

Giải thích khái niệm chỉ số VN-Index trong chứng khoán

Nhìn vào chỉ số VN-Index, nhà đầu tư biết được quy mô cụ thể cũng như giá trị của các mã cổ phiếu của sàn. Nhờ vậy, nhà đầu tư cũng có thể phân tích, đánh giá và dự đoán những biến động ngắn hạn và dài hạn của thị trường.

Ví dụ: Kết thúc phiên giao dịch thứ Hai ngày 06/05/2024, chỉ số VN-Index đang là 1,241.58 điểm, điều này nghĩa là tổng giá trị thị trường tính đến ngày 06/05/2024 gấp 12,4158 lần giá trị ngày cơ sở.

Chỉ số VNIndex mới nhất

Bảng chỉ số VN-Index ngày 10/05/2024

II. Cách tính chỉ số VN-Index

Giá trị của chỉ số VN-Index được tính theo công thức:

VN-Index = (Giá trị vốn hoá thị trường hiện tại / Giá trị vốn hoá thị trường cơ sở) x 100

Trong đó:

Giá trị vốn hoá thị trường hiện tại bằng tổng số toàn bộ cổ phiếu và giá trị của mỗi mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn HOSE ở thời điểm hiện tại;

Giá trị vốn hoá thị trường cơ sở là tổng số toàn bộ cổ phiếu và giá trị của mỗi mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn HOSE ở thời điểm cơ sở tức ngày 28/07/2000.

Công thức cụ thể để tính chỉ số VN-Index:

Công thức tính vn-index

Với:

P1i: Giá trị hiện tại của cổ phiếu i

Q1i: Khối lượng cổ phiếu i đang được lưu hành (Khối lượng niêm yết)

P0i: Giá trị ở thời điểm gốc của cổ phiếu i

Q0i: Khối lượng cổ phiếu i được niêm yết tại thời điểm gốc

Trong thời gian diễn ra giao dịch theo ngày, biến động giá cổ phiếu sẽ làm thay đổi giá trị của chỉ số VN-Index thường xuyên. Bên cạnh đó, việc thêm bớt cổ phiếu giao dịch cũng làm thay đổi cơ cấu số cổ phiếu niêm yết, dẫn đến việc phát sinh tính không liên tục của chỉ số. Vì vậy, hệ số chia trong công thức tính chỉ số VN-Index được điều chỉnh để duy trì tính liên tục của nó.

Bộ quy tắc chỉ số HOSE-Index được Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM ban hành vào ngày 09/11/2020 theo Quyết định 714/QĐ-SGDHCM. Cụ thể thì chỉ số VN-Index được tính bằng:

Chỉ số VN-Index = Giá trị vốn hoá thị trường hiện tại / Hệ số chia = CMV / Hệ số chia

Trong đó:

Chỉ số vn-index

Với:

pi: Giá trị ở thời điểm tính toán của cổ phiếu i.

si: Khối lượng cổ phiếu i đang được lưu hành tại thời điểm tính.

fi Tỷ lệ free-float làm tròn của cổ phiếu I tại thời điểm tính.

ci Tỷ lệ giới hạn tỷ trọng vốn hoá.

n Là số cổ phiếu có trong rổ chỉ số VN-Index.

Trong trường hợp vốn hoá thị trường có sự tăng giảm giá trị nhưng không phải do biến động giá thị trường mà là vì sự thay đổi của doanh nghiệp phát hành (sự kiện cụ thể, thay đổi số lượng cổ phiếu thành phần…) thì hệ số chia sẽ phải điều chỉnh theo nguyên tắc biến động chỉ số trước điều chỉnh bằng chỉ số sau điều chỉnh. Tức là:

CMV sau/Hệ số chia sau = CMV trước/Hệ số chia trước

III. Lịch sử VN-Index qua các năm

Theo dõi lịch sử VNIndex mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, cung cấp nhiều thông tin giá trị giúp nhà đầu tư nắm được biến động thị trường và mối liên quan với kinh tế vĩ mô, tỷ lệ vốn hóa thị trường ở từng thời điểm (cho thấy thị trường có đang ổn định hay không), sự tăng trưởng của thị trường, sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế thể hiện qua từng nhóm ngành…

Việc theo dõi lịch sử VNI cũng như toàn bộ thị trường giúp nhà đầu tư nhận định được cơ hội và tiềm năng đầu tư để lên kế hoạch tốt nhất.

Lịch sử chỉ số VN-Index chi tiết các năm như sau:

- Năm 2016: Sau 20 năm thành lập ngành chứng khoán Việt Nam, chỉ số VNIndex vào ngày 08/08 đạt 660.30 điểm. Đây cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng tác động kinh tế tài chính trong nước và thế giới. 

- Năm 2017: Sau 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, cổ phiếu VNI tăng trưởng mạnh mẽ, VNIndex đạt 970 điểm.

- Năm 2018: Chỉ số VNIndex lập đỉnh ngày 10/4 với 1221,93 điểm, sau đó, thị trường giảm nhanh xuống đáy chỉ còn 888 điểm. Đây cũng là năm sàn HOSE nghỉ 2 ngày do lỗi hệ thống khi giao dịch.  

- Năm 2019: VNIndex khởi sắc, vượt lên mốc 1000 điểm vào ngày 11/3. Đây cũng là năm ra mắt sản phẩm chứng quyền.

- Ngày 23/3/2020 thị trường giảm sâu chạm đáy ở mức 693.77 điểm. Đến 21/12/2020, thị trường lại tăng gần 60% lên 1091.57 điểm. Cũng trong năm này trái phiếu bùng nổ, chứng khoán đứng vị trí đầu tiên trong thị phần cận biên của SMCI. 

- Ngày 26/2/2021: Dịch Covid bùng phát mạnh mẽ tác động sâu rộng toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường. VNIndex đạt 1491.58 điểm.

- Ngày 23/11/2022, Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị sụt giảm khiến VNIndex đóng cửa ở mốc 952.12 điểm.

- Phiên giao dịch gần nhất ngày 09/05/2024 VNIndex đóng cửa ở mức 1250.68 điểm. Khối lượng giao dịch 697,159,251 CP tổng giá trị 17,647.63 tỷ VNĐ.

Lịch sử VN-Index qua các năm

Phân tích lịch sử giá VNIndex giúp nhà đầu tư nhận định cơ hội tiềm năng

Khi theo dõi giá trên VNIndex và phân tích lịch sử điểm VNI, bạn cần lưu ý các điểm sau:

- Chọn khung thời gian hợp lý. Nên xem xét dữ liệu theo 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm để nắm được diễn biến thị trường trong ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn.

- Chỉ số VNIndex chỉ đại diện cho các mã chứng khoán trên sàn HOSE nên không phản ánh toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam. 

- VNIndex chỉ nên xem là chỉ số tham khảo để ra chiến lược đầu tư chứ không thể quyết định tất cả. Bạn cần kết hợp thêm các chỉ số và công cụ khác tùy theo thời điểm.

IV. Ý nghĩa của chỉ số VN-Index

Để biết tại sao chỉ số VN-Index được thống kê hàng ngày và nhiều người theo dõi sát sao, hãy tìm hiểu ý nghĩa của chỉ số này nhé.

VN-Index đối với nhà đầu tư chứng khoán

Chỉ số VN-Index thể hiện biến động của tất cả các cổ phiếu có mặt trên sàn HOSE gồm những thay đổi về giá trị, hiệu suất hoạt động của thị trường so với mức giá cơ sở là bao nhiêu… để từ đó có những phân tích và đánh giá thị trường một cách đúng đắn nhất.

Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index cũng chỉ ra yếu tố tâm lý của các nhà đầu tư, vì giá cổ phiếu bị tác động bởi quy luật cung cầu nên nó cũng phản ánh rõ thái độ của các nhà đầu tư đối với thị trường tại thời điểm tính toán. Thông thường, khi chỉ số VN-Index tăng điểm thì tâm lý chung sẽ là lạc quan, họ tràn ngập hi vọng vào thị trường nên tiếp tục rót thêm vốn để mua cổ phiếu. Tương tự với chiều ngược lại, chỉ số VN-Index giảm thì nhà đầu tư đang e dè, không lạc quan vào thị trường và đang tìm cách rút vốn.

VN-Index đối với nền kinh tế nói chung

Chỉ số VN-Index cho thấy nền kinh tế đang ở giai đoạn nào, tăng trưởng hay suy yếu. Khi chỉ số VN-Index tăng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, tích cực đầu tư và phát triển khiến nền kinh tế tăng trưởng theo. Ngược lại, khi VN-Index giảm, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kém, có dấu hiệu suy thoái, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư, khiến họ lo sợ thoái vốn. Không có nguồn vốn thì không thể duy trì hoạt động, thị trường đi xuống, nền kinh tế cũng suy giảm.

Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index cũng mô tả sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế. Ở giai đoạn kinh tế phục đổi, chỉ số VN-Index tăng trưởng và có sự thay đổi giữa các nhóm ngành, đây là dấu hiệu của sự tái cơ cấu lại các ngành và tác động lên thị trường chứng khoán. Chỉ số ngành nào tăng mạnh thì ngành đó đang là tâm điểm của sự đầu tư.

Ngoài ra, chỉ số VN-Index còn được dùng để đánh giá hiệu suất của đơn vị quản lý quỹ. Nếu tỷ suất lợi nhuận trung bình của quỹ cao hơn chỉ số VN-Index thì nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia, vì hiệu suất đầu tư phụ thuộc vào việc chọn danh mục cổ phiếu cũng như cách đầu tư của đơn vị quản lý quỹ.

Ý nghĩa của VN index

Chỉ số VN-Index tăng cho thấy nhà đầu tư lạc quan, cầu tăng

VN-Index với các công ty niêm yết

Biến động của VN-Index thể hiện xu hướng chung của thị trường, từ đó thể hiện tình hình sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết. Khi VN-Index tăng, thị trường chứng khoán đang ở xu hướng tích cực, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế và tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp. Ngược lại, VN-Index giảm thể hiện tâm lý e dè, lo ngại của nhà đầu tư, có thể do ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô hoặc tình hình kinh doanh của các công ty niêm yết.

VN-Index với truyền thông

Các kênh truyền thông thường xuyên cập nhật thông tin về biến động của VN-Index cùng phân tích chuyên sâu về nguyên nhân và dự báo xu hướng thị trường trong tương lai. Thông tin này cung cấp cho dư luận kiến thức cơ bản về thị trường chứng khoán và giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt.

Cần kết hợp VN-Index với nhiều chỉ số khác để nghiên cứu

Giúp đo lường chỉ số beta và lợi tức điều chỉnh theo rủi ro

Việc sử dụng mô hình CAPM (định giá tài sản vốn) để xác định lợi nhuận kỳ vọng của một cổ phiếu cần tính hệ số beta và lợi nhuận trên thị trường.

Lợi tức danh mục đầu tư được sử dụng như một đại diện cho lợi nhuận trên danh mục đầu tư, cả trong việc ước tính hệ số beta của một cổ phiếu và tính toán lợi nhuận kỳ vọng dựa trên rủi ro hệ thống (beta) của nó. Lợi nhuận kỳ vọng có thể được so sánh với lợi nhuận thực tế để xác định lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro có hệ thống.

Danh mục cơ sở cho các quỹ ETF

Để đầu tư thụ động thì nhà đầu tư có thể chọn quỹ chỉ số, quỹ với mục tiêu mô phỏng được hiệu suất của chỉ số trên thị trường. Có các quỹ tương hỗ chỉ số và quỹ trao đổi chỉ số và danh mục đầu tư tư nhân được cấu trúc để phù hợp với lợi nhuận của một chỉ số.

V. Phân biệt VN-Index và VN30

Nhiều người thường nhầm lẫn chỉ số VN-Index với chỉ số VN30. Chỉ số VN30 hay còn gọi là VN30-Index đại diện cho nhóm 30 mã cổ phiếu blue chip (có vốn hóa cao đứng đầu sàn HOSE)

Phân biệt VN index với VN30

So sánh điểm giống và khác nhau giữa VN-Index và VN30-Index

Điểm giống nhau: Cả hai chỉ số này đều có sức ảnh hưởng nhất định đến quyết định đầu tư cũng như tâm lý của các nhà đầu tư cổ phiếu và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Điểm khác biệt:

Chỉ tiêu so sánh VN-Index VN30
Đại điện Là chỉ số của toàn bộ mã chứng khoán trên sàn HOSE Đại diện cho nhóm 30 mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE
So sánh Giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường trong hiện tại với giá trị vốn hóa ngày cơ sở Phạm vi so sánh nhỏ hơn, chỉ đo lường sự thay đổi giá trị vốn hóa đối với top 30 công ty blue chip.

VI. Hướng dẫn cách đọc chỉ báo VN-Index chính xác

Biểu đồ VNIndex được biểu diễn theo ngày, tháng hoặc theo năm cụ thể tùy vào lựa chọn hiển thị. Trên biểu đồ, bạn sẽ nhìn một đường màu xanh lên xuống ngẫu nhiên, trục tung (thẳng đứng) thể hiện khối lượng giao dịch toàn thị trường, trục hoành (nằm ngang) là thời gian.

Hướng dẫn cách đọc chỉ báo VN-Index chính xác

Cách đọc VNIndex chart (biểu đồ) chính xác (nguồn: Tradingview)

Để đọc biểu đồ VNIndex, người dùng nên lựa chọn từng khoản thời gian khác nhau tùy theo mục tiêu đầu tư của mình. Để lên chiến lược dài hạn thì nên điều chỉnh thời gian hiển thị trên 6 tháng. Bởi đầu tư dài hạn nghĩa là nắm giữ chứng khoán lâu dài để đợi nó tăng giá trị, vì thế các giá trị ngắn hạn không có nhiều ý nghĩa. Với đầu tư ngắn hạn có thể xem thông tin dưới 6 tháng để thấy những thay đổi chi tiết.

Bạn có thể thêm chỉ số RSI để đánh giá sức mua thị trường thời điểm hiện tại, một số nhà đầu tư đồng thời dùng biểu đồ VN-Index kết hợp với chỉ số VN30 để phân tích giúp tăng độ chính xác. Lúc này biểu đồ không chỉ có một đường mà xuất hiện các cột nến đỏ và xanh như các loại biểu đồ quen thuộc khác. 

VII. Những yếu tố ảnh hưởng tới chỉ số VN-Index

Có rất nhiều yếu tố tác động khiến cho bảng giá VN-Index hàng ngày tăng hoặc giảm điểm, có thể kể đến một vài yếu tố chính như:

Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp: Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy giá cổ phiếu doanh nghiệp, nếu như tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tốt, giá cổ phiếu tăng sẽ có tác động tích cực đến chỉ số VN-Index, ngược lại, nếu tình hình kinh doanh không tốt, giá cổ phiếu giảm, tác động tiêu cực đến chỉ số này.

Những yếu tố ảnh hưởng tới chỉ số VN-Index

Kinh tế vĩ mô tác động tới sự biến động của chỉ số VNIndex

Sự biến động của nền kinh tế chung: Nền kinh tế tăng trưởng tốt đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có lợi nhuận cao, cổ phiếu tăng khiến chỉ số VN-Index khả qua. Ngược lại, nếu nền kinh tế giảm sút, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, không có đủ tiềm lực hoạt động sẽ khiến giá cổ phiếu giảm, chỉ số VN-Index cũng có thể giảm theo.

Chính sách tiền tệ: Khi Chính phủ áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất giảm, các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay giá rẻ giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn. Các nhà đầu tư sẽ chuyển dịch dòng tiền từ tiết kiệm sang đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản… làm thị trường chứng khoán trở nên sôi động hơn, điều này sẽ tác động tích cực đến chỉ số VN-Index, tăng tính thanh khoản cho thị trường. Ngược lại, nếu áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng, chi phí vay cũng tăng, doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực nợ vay khiến lợi nhuận công ty sụt giảm, tâm lý nhà đầu tư cũng thay đổi, họ sẽ gửi tiết kiệm nhiều hơn thay vì đầu tư. Chính điều này khiến thị trường chứng khoán kém tăng trưởng và chỉ số VN-Index cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Luật chứng khoán: Các quy định mới, sự thay đổi về luật chứng khoán cũng sẽ làm ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index và nhiều chỉ số chứng khoán khác.

Lạm phát: Lạm phát càng tăng cao thì lợi nhuận doanh nghiệp càng bị thu hẹp, giá cổ phiếu suy giảm theo khiến cho chỉ số VN-Index cũng không thể tăng trưởng.

Cán cân thương mại: Nếu cán cân thương mại dương (xuất siêu) thì GDP nói chung tăng trưởng tốt, các công ty có hoạt động xuất nhập khẩu sẽ thu hút được vốn đầu tư hơn, đây cũng là một yếu tố tác động tích cực lên thị trường chứng khoán và chỉ số VN-Index.

Tâm lý nhà đầu tư: Khi tâm lý nhà đầu tư lạc quan sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán, họ sẵn sàng chi đầu tư nhiều hơn, việc giao dịch sôi động dẫn đến chỉ số VN-Index cũng tăng trưởng tốt. Ngược lại khi tâm lý đầu tư kém lạc quan, họ có thể bỏ việc đầu tư chứng khoán, thay thế vào các kênh giữ tiền khác như vàng, gửi tiết kiệm… khiến cho thị trường chứng khoán ảm đạm, làm cho chỉ số VN-Index cũng giảm sút theo.

Cuối cùng là những yếu tố khách quan khác như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… cũng có tác động không nhỏ đến chỉ số VN-Index. Mức độ tác động như thế nào thì còn tuỳ thuộc vào quy mô, thời gian… mà các yếu tố này gây nên.

Nói tóm lại, chỉ số VN-Index thực sự quan trọng đối với một người đầu tư chứng khoán tại thị trường Việt Nam. Việc hiểu về chỉ số này giúp bạn có thể đưa ra những nhận định đúng đắn hơn về xu hướng đầu tư, những biến động nền kinh tế, tâm lý thị trường… Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, chỉ phân tích chỉ số VN-Index là chưa đủ, nhà đầu tư cần phải tham khảo thêm một số chỉ số khác như VNAllshare, VN30, VNMidcap, VN100 để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường.

Qua thông tin trên TOPI hi vọng bạn đã hiểu được chỉ số VN-Index là gì, giống và khác gì với VN30-Index và biết cách đọc chỉ số này trên bảng giá chứng khoán. 

Từ khóa » Tính Vnindex