Chỉ Số Vòng Quay Vốn Lưu động Là Gì? Cách Tính Và ý Nghĩa Trong ...

MỚI Thiệp 24HMoney v2.0 Thiệp 24HMoney phiên bản 2.0 #Kỹ năng 24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt Chỉ số vòng quay vốn lưu động là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán

Vòng quay vốn lưu động là giúp nhà đầu tư đánh giá khả năng sử dụng các nguồn lực sẵn có để duy trì hoạt động thường ngày. Có thể nói chỉ số này mang ý nghĩa lớn đến sự thành bại của doanh nghiệp. Vậy thực chất vòng quay vốn lưu động là gì, cách tính và ý nghĩa trong đầu tư ra sao? Hãy cùng 24hMoney tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.

1. Vốn lưu động là gì?

Trước khi tìm hiểu vòng quay vốn lưu động, bạn cần nắm rõ khái niệm vốn lưu động. Đây chính là toàn bộ những nguồn lực sẵn có, mang tính thanh khoản cao, đảm bảo các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra bình thường.

Công thức tính vốn lưu động:

Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn

Trong đó:

  • Tài sản ngắn hạn: Là những tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, có thời gian luân chuyển ngắn, tính thanh khoản cao như: tiền tệ, hàng hóa, các khoản tiết kiệm ngắn hạn hay đầu tư ngắn hạn dưới 1 năm…
  • Nợ ngắn hạn: Là những khoản nợ mà doanh nghiệp còn phải trả, có thời hạn thanh toán dưới 1 năm hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường như: tiền lương nhân viên, tiền mua nguyên, vật liệu…

Trong quá trình hoạt động, nếu công ty không đủ vốn lưu động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc kinh doanh như chậm lương, không nhập được nguyên vật liệu kịp thời…, gây gián đoạn sản xuất hoặc thậm chí là phá sản.

2. Vòng quay vốn lưu động là gì?

Vòng quay vốn lưu động là số ngày hoàn thành một chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ số này càng lớn thì chứng tỏ công ty đang hoạt động kinh doanh ổn định và sử dụng vốn lưu động có hiệu quả và ngược lại.

3. Công thức tính chỉ số vòng quay vốn lưu động

Chỉ số vòng quay vốn lưu động là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán
Công thức tính chỉ số vòng quay vốn lưu động

Tỷ lệ vốn lưu động được tính bằng công thức sau:

Chỉ số vòng quay vốn lưu động = Doanh thu thuần/Vốn lưu động bình quân

Trong đó:

  • Doanh thu thuần: Là Tổng doanh thu bán hàng của doanh nghiệp trừ các khoản giảm trừ như: chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại, thuế…
  • Vốn lưu động bình quân: Là tài sản ngắn hạn bình quân - Nợ ngắn hạn bình quân.

Ví dụ:

Công ty A có doanh thu thuần $12.000.000 trong 12 tháng trước. Vốn lưu động trung bình trong thời kỳ đó là $2.000.000. Như vậy, tỷ số vòng quay vốn lưu động là $12.000.000/ $2.000.000 = 6,0.

4. Ý nghĩa của chỉ số vòng quay vốn lưu động

Vòng quay vốn lưu động đo lường mối quan hệ giữa các quỹ được sử dụng để tài trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và doanh thu mà công ty đó tạo ra để tiếp tục hoạt động và tạo ra lợi nhuận.

Quay trở lại với ví dụ phía trên, chỉ số vòng quay vốn lưu động của công ty A bằng 6 nghĩa là: Cứ $1 vốn lưu động của công ty A bỏ ra sẽ tạo được $6 doanh thu.

5. Sử dụng chỉ số vòng quay vốn lưu động trong đầu tư

Chỉ số vòng quay vốn lưu động là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán
Sử dụng chỉ số vòng quay vốn lưu động trong đầu tư

Từ ý nghĩa nêu trên, nhà đầu tư có phân tích chỉ số vòng quay vốn lưu động để đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả hơn.

  • Chỉ số vòng quay vốn lưu động thấp

Tỷ lệ này thấp có thể cho thấy rằng doanh nghiệp đang đầu tư vào quá nhiều khoản phải thu và hàng tồn kho để hỗ trợ việc bán hàng của mình. Điều này có thể dẫn đến quá nhiều khoản nợ khó đòi hoặc hàng tồn kho lỗi thời.

Vì vậy, ban lãnh đạo doanh nghiệp cần có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Nhà đầu tư chọn những công ty như vậy sẽ gặp nhiều rủi ro.

  • Chỉ số vòng quay vốn lưu động cao

Tỷ lệ vòng quay vốn lưu động cao cho thấy công ty đang sử dụng khá hiệu quả tài sản và nợ ngắn hạn để hỗ trợ bán hàng. Nói cách khác, doanh nghiệp đang tạo ra doanh số bán hàng cao hơn cho mỗi đồng vốn lưu động được sử dụng.

Công ty cũng đang hoạt động trơn tru và ít có nhu cầu bổ sung vốn. Tiền vào và ra thường xuyên, giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc chi vốn để mở rộng sản xuất hoặc tăng tồn kho. Một tỷ lệ vòng quay vốn lưu động cao cũng có thể mang lại cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh so với các công ty tương tự như một thước đo lợi nhuận.

Tuy nhiên, một tỷ lệ quá cao có thể cho thấy rằng một doanh nghiệp không có đủ vốn để hỗ trợ tăng trưởng doanh thu của mình. Do đó, công ty có thể mất khả năng thanh toán trong tương lai gần, trừ khi huy động thêm vốn để hỗ trợ tăng trưởng đó. Ngoài ra, vòng quay vốn lưu động cao cũng có thể là do khoản phải trả lớn dẫn tới vốn lưu động thấp. Điều này có thể dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp về việc thanh toán các khoản phải trả đến hạn.

Cũng như các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động khác, để đánh giá mức độ hiệu quả của một công ty trong việc sử dụng vốn lưu động, các nhà phân tích cần so sánh tỷ lệ vốn lưu động với các công ty khác trong cùng ngành và xem tỷ lệ này đã thay đổi như thế nào theo thời gian.

Tuy nhiên, nếu vốn lưu động của công ty âm, dẫn tới hệ số vòng quay vốn lưu động âm thì việc so sánh như trên sẽ vô nghĩa. Đây cũng chính là mặt hạn chế của chỉ số này. Khi đó, nhà đầu tư cần chuyển sang dùng các chỉ số tài chính khác để phục vụ cho việc ra quyết định của mình.

6. Phương pháp quản lý vòng quay vốn lưu động

Chỉ số vòng quay vốn lưu động là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán
Phương pháp quản lý vòng quay vốn lưu động

Quản lý vốn lưu động giúp duy trì hoạt động trơn tru của chu kỳ hoạt động ròng, còn được gọi là chu kỳ chuyển đổi tiền mặt (CCC) — khoảng thời gian tối thiểu cần thiết để chuyển đổi tài sản lưu động ròng và nợ phải trả thành tiền mặt. Khi một công ty không có đủ vốn lưu động để trang trải các nghĩa vụ của mình, khả năng mất khả năng thanh toán tài chính có thể dẫn đến các rắc rối pháp lý, thanh lý tài sản và có khả năng phá sản.

Để quản lý vòng quay vốn lưu động hiệu quả, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ những vấn đề sau:

6.1. Quản lý tiền mặt

Tiền mặt là tài sản đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp doanh nghiệp điều phối các hoạt động hàng ngày. Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm được số tiền mặt hiện có cũng như số tiền cần dùng cho sản xuất, kinh doanh và dự trù chi phí phát sinh.

6.2. Quản lý hàng tồn kho

Doanh nghiệp cần kiểm soát, quản lý hàng tồn kho triệt kể, tránh sản xuất lan tràn. Hàng tồn kho quá nhiều sẽ dẫn đến việc thu hồi vốn chậm, kinh doanh trì trệ. Tuy nhiên, hàng tồn kho quá ít, không đủ phục vụ nhu cầu khách hàng cũng làm giảm doanh số.

6.3. Quản lý nợ tồn đọng

Ngoài việc quản lý tốt dòng tiền mặt và hàng tồn kho, công ty cũng cần đẩy mạnh công tác thu hồi nợ. Đưa ra các chính sách tín dụng hiệu quả, thu hồi nợ nhanh chóng sẽ giúp doanh nghiệp tăng nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh.

7. Kết luận

Trên đây là tổng hợp những thông tin về vòng quay vốn lưu động mà 24hMoney muốn gửi tới bạn. Việc hiểu rõ khái niệm, ý nghĩa và cách tính chỉ số này đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bạn có thể sử dụng nó như một trong những công cụ hữu hiệu, hỗ trợ cho việc ra quyết định đầu tư.

Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào, hãy để lại bình luận tại đây để được giải đáp nhanh nhất có thể nhé. Đừng quên tải app 24hMoney và đăng ký tài khoản hoàn toàn miễn phí để cập nhật cho mình những tin tức mới nhất về thị trường chứng khoán, tài chính, bất động sản…nhé!

Từ khóa » Hệ Số Vòng Quay Vốn