Chia Sẻ Cách Làm Cây Sanh (Cây Gừa Tàu, Ficus Microcarpa) Theo ...
Có thể bạn quan tâm
Thẳng thắn mà nhìn nhận, cây Sanh đã mang tiếng xấu trong giới cây cảnh trong nước. Nó bị chê bởi các nghệ nhân lão thành trên Việt Nam Hương Sắc: “Triển lãm gì mà toàn sanh là sanh”. Những người mới chơi thường chọn tùng la hán, như vậy mới thức thời (mình quản lý blog này cũng biết tý chút tình hình cây cảnh trong nước, bởi những tìm kiếm từ google vào blog phần lớn liên quan tới tùng la hán). Vậy thực sự thì sanh có xấu không? Không, sanh là loại cây cảnh đẹp, chỉ có cách làm của chúng ta là xấu mà thôi. Mình cũng thích sanh, nhưng cách các đại gia hô cây tỷ to tỷ bé, độc tôn loại cây to như bể bơi thực đã gây không ít phản cảm với mình. Kết quả là riết rồi chỉ còn toàn các đại gia (nhà to mới chứa được cây “bể bơi”) khen cây nhau đẹp, dân thường ngoảnh mặt làm ngơ.
Người viết không có ý adua bài xích cây cảnh cỡ lớn, chỉ là muốn thử đề xuất về một dòng cây sanh bình dân hơn, trông giống tự nhiên hơn thuộc về dòng sanh bonsai.
Những đặc điểm của một cây sanh tự nhiên
Nhìn cây từ đằng xa
Giống sanh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi khí hậu. Thật vậy, những cây sanh mọc ở vùng núi có thân chính cao nhưng vòm lá nhỏ. Trong khi đó những cây trồng nơi đồng bằng có xu hướng xòe bộ tàn rất rộng. Người viết không tìm được hình ảnh nào của cây sanh mọc trên núi cao, với lại quan điểm cá nhân là chỉ có cây mọc dưới đồng bằng mới đẹp nên chỉ có hình dưới đây làm ví dụ (ai thích cây thân cao, tán nhỏ mọc trên núi tự tìm hiểu ^^)
Trước hết xin hãy chú ý tới tỉ lệ giữa gốc và bề rộng tán lá, ước chừng tán lá phải rộng hơn 10 lần đường kính thân cây. Nhìn lại cây sanh của Việt Nam thì sao? Thường thấy là thân quá to lấn át tán lá.
Xét về bộ tàn, theo quan điểm cá nhân thì cây họ Ficus nói chung hợp với bộ tàn chổi, hoặc tàn làm từng mảng nối lại với nhau tạo thành một mái vòm. Xin đừng làm bộ tàn bằng chằn chặn như dùng tông đơ hớt tóc để gọt.
Tóm lại là nên tạo bộ tàn lớn hơn và bớt phô trương sự đồ sộ của thân, cây sẽ tự nhiên hơn.
Cây sanh cổ thụ mọc nơi đồng bằng
Cây si bonsai
Nhìn cận cảnh hơn
Dưới đây là 3 hình ảnh đặc trưng của gốc cây họ Ficus. Bạn xem, những đường gân trên thân hầu như chạy thẳng xuống mặt đất, từ đó rễ mọc lan tỏa ra bề mặt đất (nhưng không chồng chéo) và cuối cùng “chui” vào lòng đất.
Không nên (dù mặc dù trong tự nhiên vẫn có) tạo những rễ đan chéo nhau trên thân. Ngay cả “siêu sanh” mâm xôi con gà mình cũng thấy không đẹp về điểm này.
Về cành nhánh, ta thấy số lượng cành cấp 1 thường nhiều hơn so với các cây lá kim. Các chi nhánh cấp 2 lấp đầy khoảng trống giữa các nhánh cấp 1, và cứ thế. Thông thường một cây sanh có bộ cành đẹp phải có được tới chi cấp 5. Một điểm nữa, cành cấp 1 có ảnh hưởng rất lớn tới cấu trúc thân và rễ. Cành lớn thường tạo một đường gân lớn trên thân, và một lượng rễ lớn tương ứng.
Cách phân bố cành trên cây sanh
Góc quan sát
Góc quan sát có ảnh hưởng rất lớn tới việc bạn sẽ tạo hình cây như thế nào. Thông thường cây được tạo hình với góc quan sát xa hoặc trung bình, mình chưa gặp cây nào được thiết kế với góc nhìn là người quan sát đứng ngay dưới gốc cây.
Tầm quan sát cây
Với tầm quan sát xa, bạn sẽ không thấy những rễ cây lớn, không thấy phần bên dưới của cành, bộ rễ nổi trên đất không quá to.
Với tầm quan sát gần, bạn thấy rõ phần rễ, thấy một chút phần bên dưới cành lộ ra, người xem có thể thấy rõ bộ rễ.
Cây có tầm quan sát xa
Cây có tầm quan sát trung bình
Một số kỹ thuật với cây sanh
Huấn luyện một cây sanh dáng tự nhiên
Để tạo được một cây sanh có đường thân đẹp, có lẽ việc bó nhiều cây con vào với nhau là một cách tốt. Lợi dụng tính hòa lẫn thân vào nhau của cây sanh, mai mốt ta sẽ có một cây với đường thân không tròn trịa. Ngay từ ban đầu, cây nên được nuôi trong một chậu vừa phải. Mặc dù trồng ra đất cây lớn nhanh hơn nhưng thường bộ gốc không được nhuyễn, chỉ có một vài rễ to vượt lên.
Cây trồng ngoài đất
Cây trồng trong chậu từ nhỏ
Cách tạo một bộ rễ đẹp
Với những cây được chiết từ cây mẹ, ta nên dùng phương pháp chiết cây bằng cách sử dụng đĩa nhựa để được bộ rễ xòe đều. Đối với những cây bán thành phẩm có rễ quá to, việc áp dụng khéo léo kỹ thuật chẻ rễ có thể khắc phục được hầu hết các nhược điểm. Cách chẻ rễ được tóm tắt như sau: vào mùa xuân khí trời ẩm ướt, rễ sanh sẽ phun ra nhiều. Ta chẻ rễ cây làm nhiều mảnh nhỏ rồi bôi keo liền sẹo. Sau một thời gian rễ con sẽ phun ra, ta lược bỏ một số rễ xấu và nuôi đám rễ con còn lại cho chúng lớn lên và hòa vào thân. Sau một thời gian bộ đế sẽ nhuyễn. Có liên quan: có thể bạn sẽ quan tâm tới 1 kỹ thuật tận dụng vỏ cây khiến vết sẹo mau liền.
Chẻ rễ
Chẻ rễ
Làm thân cây mau lớn
Bạn đừng lược bỏ những rễ khí sinh mọc ra từ thân cây, hãy dùng dây mềm cột chặt vào thân. Lâu dần rễ sẽ hòa vào thân, nhìn cây đẹp mà lại mau lớn.
Bó rễ khí sinh vào thân cây
Một cách nữa để thân mau lớn là sử dụng những cành mồi (sacrifice branch) để nuôi thân, và đừng có uốn hay cắt tỉa gì cành mồi cả. Việc nhiều cành và lá còn có một tác dụng khác nữa là làm cây mau già vỏ.
Chăm sóc
Chăm sóc cây sanh thành phẩm
Đối với cây thành phẩm, bạn thường sẽ phải đối mặt với việc bộ tàn già và lão hóa, đặc biệt là phần đỉnh. Tại sao đa số cây cối đều có ưu thế phát triển đỉnh, mà sanh lại bị lão hóa đỉnh trước? Nguyên nhân là sanh là loài cây có rễ khí sinh, mà dinh dưỡng thì đi theo những đường ngắn nhất và dễ nhất, đó là qua rễ khí sinh. Mà ngọn cây thì lại xa mặt đất, do đó nó dần bị thoái hóa. Một cách khắc phục là hãy tỉa lá trên phần đỉnh cây trước. Để vậy 1 tuần cho dinh dưỡng tập trung bật chồi trên đỉnh rồi ta mới cắt phần lá bên dưới.
Những cây thực sự đã quá già thì có 2 giải pháp:
1. Thay chậu lớn hơn 1 chút để cây phục tráng.
2. Làm lại bộ tàn, cắt thật mạnh tay để tạo một bộ tàn mới.
Đọc trong bài viết gốc, ngay cả tác giả Cheng Kung cũng rất đắn đo về mức độ cân bằng giữa sự già nua và sức khỏe của cây. Có lẽ phải tùy vào từng cây cụ thể mà quyết định, mình chẳng dám đưa ra một lời khuyên như đinh đóng cột cho việc này.
Cắt lá trên đỉnh trước
Chuẩn bị cây trước triển lãm
- 1. Loại bỏ các hộp phân bón. Nếu bạn quyết định tỉa lá, hãy tỉa khi đất khô và trời không mưa để tránh chảy nhựa cây.
- 2. Nếu bạn quyết định để cây có chồi non khi đi triển lãm, hãy cắt hoàn toàn lá & chồi vượt. Cây sẽ nảy mầm mới sau khoảng 60-70 ngày tùy vào thời tiết.
- 3. Khi có 2,3 lá non mở ra thì bắt đầu có thể bón phân. Lưu ý rằng không bón nhiều phân kẻo nó sẽ làm tổn thương bộ rễ, thà không bón phân còn hơn bón quá nhiều.
Tản mạn về cây dáng làng
Trích từ diễn đàn vannientung.com Cây “dáng làng” trước những năm 1996 rất ít người chơi bởi vì theo quan niệm của một số nghệ nhân thời đó thì những cây có dáng vẻ tự nhiên, rễ buông như chổi sể thường trải qua những năm tháng chiến tranh hoặc thời kì bao cấp, kinh tế còn khó khăn nên các chủ cây ít quan tâm và bỏ sổng dẫn đến cây phát triển tự do cho nên có người gọi đó là những cây “Thiếu giáo dục”. Cũng vào thời gian đó phong trào chơi và tạo dáng cây bắt đầu khởi sắc kết hợp với sự giao thoa của dòng Bonsai Nhật bản và Trung quốc dần dần cây tạo dáng theo kiểu tự nhiên được hình thành.
Thực chất vấn đề là ở chỗ: Từ nguồn nguyên liệu phong phú do dân gian để lại; chủ yếu là những cây thế cổ, cây quần thụ già bị sổng phát triển tự do nên biến hóa đi mà không có cách nào để khôi phục lại như cũ. Lúc bấy giờ do nhận thức còn hạn chế mà có nhiều người mua được những phôi này về cắt trụi hết cành chỉ còn trơ lại mỗi thân, bệ trong đó có nhiều cây rất kì quái nếu còn lại đến thời điểm này thì chỉ tác động nhẹ cũng đều tiền tỷ cả.
Nhìn thấy sự hủy hoại mà tiếc một số người chơi thời đó đã tận dụng những nét hoang sơ tự nhiên tìm cách khắc phục những phôi già kết hợp với cái bóng tổng thể của cây Bonsai mà tạo ra cây cổ thụ tự nhiên và chính những hình bóng ấy đã gợi cho người ta thấy hình bóng của cây đa đầu làng mà gán cho nó cái tên “Dáng làng”.
Cây “dáng làng” thực chất đã có từ trước đó nhưng thuật ngữ “dáng làng” thì mới xuất hiện vào năm 1999 do anh Dũng tổng hợp đặt ra sau đó là bác Hân văn điển hậu thuẫn và được mọi người dùng cho đến ngày nay. Nhưng một điều đáng buồn là những cây phôi già thì dần dần đã hết và thay vào đó là lối làm cây theo kiểu “công nghiệp” hiện nay ra đời. Xu hướng này nay họ chỉ chú ý đến việc tạo các dáng tự do càng nhanh càng tốt nên “cây dáng làng” thuở xưa ấy dần dần bị mất thương hiệu.
Vậy cây dáng làng nhìn có tự nhiên không? Theo mình là không, bởi cây đa đầu làng đâu có ngồi trên đá, và thân nó thanh mảnh thế này cơ mà.
Nhưng cây dáng làng có đẹp không? Theo mình là có, chí ít khi không đồng quan điểm về thẩm mỹ, ta cũng có thể khâm phục công sức chủ nhân đã bỏ ra để có thể ký đá, thả nước, cắt tỉa.
Cây đa đầu làng
Bài viết này chỉ nêu được một vài điểm chính yếu, rất mong nhận được thêm nhiều câu hỏi, góp ý từ bạn đọc.
Dũng Cá Xinh
Có những ngày mưa gió, ngày nắng chói chang nhưng khi mở cửa ra hàng hoa dại vẫn nằm đó dưới bậc thềm. Không nhạt không úa mà vẫn còn vẻ tươi trong như ngày nào.
Xem các bài khác
Từ khóa » Cách Nuôi Rễ Cây Sanh Mau To
-
CÁCH TẠO RỄ BUÔNG CHO CÂY SANH | RỄ TRÀN MẶT CHẬU
-
Kỹ Thuật Nuôi Rễ Và Bệ Cây Mau Lớn - YouTube
-
Cách Tạo Rễ Nổi, Cho Người Mới Bắt đầu- P1 - YouTube
-
Kiến Thức Về Bộ Rễ Bonsai Và Kinh Nghiệm Tạo Rể Buông Cho Sanh - Lộc
-
PHƯƠNG PHÁP TẠO RỄ CHO CÂY XANH BONSAI - Chậu Hoa
-
Cách Tạo Dựng Các Bộ Rễ Cho Cây Cảnh Nghệ Thuật
-
Chia Sẻ Kinh Nghiệm: Cách Làm Cho Thân Cây Bonsai Mau To - Cỏ Dại
-
Kỹ Thuật Ký đá Trên Cây Sanh - Ky Thuat Nuoi Trong
-
Cách Làm Gốc Cây To Ra - Green Trees
-
Cách Tạo Rễ Cho Cây Sanh
-
Cây Sanh: ý Nghĩa, Cách Chăm Sóc Và Tạo Thế đẹp, đơn Giản
-
Tổng Hợp Thông Tin - Cách Trồng Chăm Sóc Cây Sanh | Canh Điền
-
Nghệ Thuật Cho Rễ Bonsai, Cây Cảnh