CHIA SẺ KINH NGHIỆM RÈN KĨ NĂNG NÓI TIẾNG ANH CHO HỌC ...
Có thể bạn quan tâm
CHIA SẺ KINH NGHIỆM
RÈN KĨ NĂNG NÓI TIẾNG ANH CHO HỌC SINH TIỂU HỌC
Kĩ năng nói là một trong những kĩ năng quan trọng trong việc học bất kỳ một ngoại ngữ nào. Nếu người học sử dụng thành thạo, lưu loát kĩ năng này sẽ làm cho họ rất hứng thú và tự tin trong học tập trước mắt và sau này. Giúp họ vượt qua những rào cản về ức chế tâm lý khi giao tiếp với bạn bè, thầy cô, người lạ hoặc người nước ngoài và đặc biệt hơn là tự tin khi nói chuyện trước công chúng dù đó là nói một ngoại ngữ hay tiếng mẹ đẻ. Qua thực dạy bộ môn tiếng Anh ở tiểu học, tôi nhận thấy thực trạng chung là hầu hết học sinh nông thôn ít có cơ hội tiếp cận, thực hành ngoại ngữ nên hầu như các em còn hơi ngỡ ngàng khi tiếp cận môn học và chưa nhận thấy được tầm quan trọng khi học môn tiếng Anh nên trong quá trình học các em vẫn chưa tập trung cao độ để bài học có kết quả cao.
Vậy làm thế nào để học sinh thành thạo kĩ năng đó? Đó có phải là năng khiếu của từng học sinh có được hay không, hay học sinh rèn luyện kĩ năng đó hàng ngày để có được? Là giáo viên dạy Tiếng Anh tại trường Tiểu học Vạn Thắng 1 với 7 năm công tác, tôi cũng đã ít nhiều suy nghĩ, tích lũy kinh nghiệm của bản thân và đồng nghiệp để tìm ra phương pháp dạy kĩ năng nói tối ưu nhất đáp ứng được yêu cầu học sinh phải sử dụng được ngữ liệu đã học vào hoạt động giao tiếp một cách hiệu quả. Trong hội nghị hôm nay, từ đáy lòng mình, tôi xin chia sẻ với các quý vị đại biểu, các thầy cô đồng nghiệp về những phương pháp dạy kĩ năng nói tiếng Anh cho học sinh tiểu học có hiệu quả.
1. Tập cho học sinh cách phản xạ nhanh bằng Tiếng Anh
- Đầu năm học, đối với học sinh lớp 3 ở vùng nông thôn các em chưa có vốn từ vựng, nếu có thì rất hạn chế. Dù vậy nhưng tôi vẫn tăng cường nói Tiếng Anh trên lớp, thường là các câu mệnh lệnh đơn giản hoặc những câu hỏi theo bài học kết hợp với động tác, điệu bộ. Nhìn chung, lúc đầu học sinh còn ngơ ngác nhưng dần dần qua các tiết học các em cũng hiểu và làm theo đúng mệnh lệnh của giáo viên.
Ví dụ:
* Chào hỏi học sinh khi vào lớp:
Pupils: Hello, teacher. Teacher: Hello, class. How are you today?
Pupils: I’m fine, thank you. And how are you?
Teacher: Fine, thanks. Sit down, please.
2. Rèn luyện cách phát âm cho học sinh
- Khi giới thiệu ngữ liệu, mẫu câu giáo viên cần phải đọc chuẩn về cả ngữ âm, ngữ điệu có trọng âm để các em bắt chước vì đây là yếu tố cơ bản trong việc dạy nghe-nói. Nên kiên trì luyện phát âm cho học sinh để tạo cho các em có thói quen phát âm đúng và phải phát âm đúng vì các em mới bước đầu học Tiếng Anh nhưng phát âm không đúng sẽ thành thói quen ảnh hưởng không tốt trong quá trình học và giao tiếp sau này.
- Cần chú ý luyện tập cho hs phát âm có các âm cuối: eye-ice; nice-nine; five-fine.
- Tập cho học sinh có thói quen đọc nối.
Ví dụ: Stand-up ['stændʌp]
Look over there ['luk'ouvə đeə] It’s a pencil. /itzəpensl/ It is a desk. /itizədesk/
3. Rèn cho học sinh sử dụng ngữ điệu
- Ngữ điệu (Intonation) được hiểu đơn giản là sự lên và xuống của giọng nói. Người nghe có thể hiểu nhầm hoặc hiểu sai hoàn toàn ý của người nói nếu như người nói sử dụng sai ngữ điệu, bởi ngữ điệu được so sánh như là hồn của câu.
4. Hình thức và cách thức tổ chức hoạt động nói
Để thực hiện có hiệu quả quan điểm lấy người học làm trung tâm, cần phải biết tổ chức cho tất cả học sinh cùng tham gia học tập dưới sự quán xuyến lớp của giáo viên. Ngoài ra giáo viên cần hướng dẫn học sinh luyện tập kĩ năng nói tiếng Anh theo nhiều hình thức như luyện tập theo cặp, theo nhóm, đối đáp giữa giáo viên với lớp. Có như vậy thì việc thực hành nói tiếng Anh sẽ mang lại hiệu quả hơn.
a. Hoạt động theo cặp (pair work)
- Cặp giữa thầy và một trò (teacher and a student)
* Giáo viên có thể gọi những học sinh có năng khiếu thực hành mẫu với mình trước, sau đó gọi lần lượt các học sinh khác thực hành lại câu mẫu.
- Cặp mở (open pair) giữa hai học sinh không ngồi cùng bàn với nhau
* Tốt nhất là gọi hai học sinh không ngồi cùng dãy với nhau vì với khoảng cách như vậy thì học sinh sẽ tự động nói to hơn là khi đứng gần với nhau.
* Để tạo sự hứng thú cho học sinh, giáo viên tổ chức nói dưới hình thức trò chơi “Ball game”. Chia lớp thành 2 dãy, mỗi dãy một quả bóng nhỏ với 2 màu khác nhau. Giáo viên mở nhạc và yêu cầu các em lần lượt chuyển bóng cho các bạn dãy của mình, không được giữ bóng. Khi giáo viên dừng nhạc, hai em học sinh đang giữ bóng sẽ đứng lên thực hành mẫu câu hỏi-trả lời, sau đó đổi vai.
- Cặp đóng (close pair) giữa hai học sinh ngồi chung bàn với nhau
* Với hình thức này, giáo viên phải đánh số học sinh theo hàng dọc hoặc hàng ngang, phân nhiệm vụ cho từng học sinh trong cặp hỏi-trả lời và ngược lại.
* Sau khi giáo viên phân công nhiệm vụ, nên gọi một vài cặp thực hành trước lớp.
- Các bước thực hiện hoạt động theo cặp
* Giới thiệu mẫu câu mới: Giáo viên gợi mở và làm mẫu rõ ràng. Cho học sinh nhắc lại đồng thanh, cá nhân. Chú ý sửa lỗi phát âm cho học sinh.
* Thay thế câu theo gợi ý. Gợi ý có thể viết lên bảng hoặc bảng phụ.
* Yêu cầu cả lớp thực hành với giáo viên và ngược lại để học sinh biết chắc chắn phải làm gì. Chọn hai học sinh không ngồi gần nhau nói to cho cả lớp cùng nghe.
* Giáo viên đánh số học sinh theo hàng dọc hoặc hàng ngang và yêu cầu học sinh luyện tập đồng loạt. Yêu cầu học sinh đổi vai khi kết thúc. Giáo viên đi quanh lớp điều khiển hoạt động.
* Ngừng hoạt động sau khi hầu hết cả lớp đó hoàn thành. Chọn 2-3 cặp không báo trước nói trước lớp.
b. Hoạt động nhóm
- Trong trường hợp tổ chức làm việc theo nhóm nếu lớp chật, thì có thể tổ chức cho hai học sinh ngồi ở hai hàng ghế sát nhau ngồi quay mặt lại với nhau tạo thành nhóm 4 người mà không cần học sinh di chuyển nhiều trong lớp, không làm lãng phí thời gian.
- Khi chia nhóm phải đảm bảo phù hợp về số lượng. Cần phân đều số lượng học sinh cho mỗi nhóm. Có thể đặt tên cho các nhóm bằng tiếng Anh như theo chữ số, màu sắc, loài hoa, con vật hay những tính từ mà các em thích.
5. Những điểm cần lưu ý khi thực hành kỹ năng nói
- Giáo viên cần khuyến khích cho các em học sinh làm theo phương châm thử nghiệm, chấp nhận mắc lỗi. Không nên tạo cho các em áp lực, các em sẽ mang nặng tâm lý sợ mắc lỗi. Các em không cần nói nhanh, nói hay mà trước tiên cần phải nói rõ ràng, mạch lạc, trình bày đúng và đủ ý là quan trọng nhất.
- Trong luyện tập, giáo viên có hai chức năng chính: Một là cung cấp tư liệu, giúp đỡ và giải đáp những vấn đề khó về ngữ liệu và kiến thức mà học sinh gặp phải; Hai là theo dõi, lắng nghe, ghi nhận các lỗi học sinh mắc phải trong quá trình thực hành để sửa trước lớp sau tiến trình thực hành nói của học sinh. Việc ngắt lời, bắt lỗi trong lúc học sinh đang thực hành nói tiếng Anh là điều không nên bởi sẽ khiến các học sinh vốn đã sợ nói tiếng Anh lại càng sợ hơn. Mọi sự góp ý, chỉnh sửa vẫn rất cần thiết nhưng đều hết sức nhẹ nhàng, mang tính khích lệ và đưa ra sau khi các học sinh đã hoàn thành lời nói của mình.
* Kết luận
Trên đây chỉ là một vài kinh nghiệm nho nhỏ của bản thân đã rút ra được trong quá trình giảng dạy của mình. Chắc chắn rằng các đồng chí, đồng nghiệp, có những ý kiến và giải pháp khác quí giá hơn. Rất mong được sự trao đổi và giúp đỡ của các đồng chí, đồng nghiệp, để tôi có thể làm tốt hơn công việc của mình góp phần vào thành tích chung của sự nghiệp giáo dục của huyện nhà.
Người viết
Trần Thị Kim Anh
Từ khóa » Tích Lũy Chuyên Môn Tiếng Anh
-
Tích Luỹ Chuyên Môn Tiếng Anh
-
Tích Lũy Chuyên Môn Tiếng Anh Tiểu Học - 123doc
-
Sổ Tích Lũy Chuyên Môn Tiếng Anh Tiểu Học - 123doc
-
Tích Luỹ Chuyên Môn Tiếng Anh - Giáo án Khác - Mai Thị Hoài Vân
-
Giải Thích Thuật Ngữ “tích Lũy Kinh Nghiệm Tiếng Anh Là Gì?”
-
TÍCH LŨY NHIỀU KINH NGHIỆM In English Translation - Tr-ex
-
Results For Tích Lũy Kinh Nghiệm Translation From Vietnamese To English
-
Tích Lũy Kinh Nghiệm Tiếng Anh Là Gì
-
Tích Lũy Kinh Nghiệm Tiếng Anh Là Gì, Tìm Hiểu Thêm Về Tiếng Anh
-
Tích Lũy Kinh Nghiệm Tiếng Anh Là Gì
-
Phương Pháp Và Tâm Lý Dạy Tiếng Anh Cho Lứa Tuổi Tiểu Học - RES
-
Tích Lũy Kinh Nghiệm Tiếng Anh Là Gì
-
Các Phương Pháp Giảng Dạy Tiếng Anh Mới Hiệu Quả - Sách Mềm
-
[DOC] Tích Lũy Chuyên Môn âm Nhạc Tiểu Học - 5pdf