Chia Sẻ Về đời Sống Đan Tu... - FMM Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
LINH HỒN TÔI NGỢI KHEN THIÊN CHÚA…
Ngày đẹp trời nọ, Bề Trên Đan viện Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca mời chị Quỳnh Giao FMM làm thông dịch cho anh em Đan sĩ tại Saigon và Mỹ Ca. Nhanh nhẹn vì được mời đóng góp cho Giáo Hội, chị bèn đáp : “Dạ, không có gì khó với con, nhất là khi có Cha ở đó để lỡ con có quên thì có cha nhắc dùm…”. “Oh, không được đâu... vì tôi không có quyền hiện diện. Đây là “visite canonique” mà ! …(loại thăm viếng theo giáo luật) …bí mật như tòa trong vậy !”. Hiểu sự việc, kẻ nầy bèn cảm thấy run run …không phải vì sợ không làm được, nhưng cảm thấy trách nhiệm …đồng thời cũng phải thú thật rằng đây là một sự tin tưởng lớn mà nhà dòng muốn nói lên, nên càng biết ơn hơn…
Và như thế tuần lễ 13-19/10, tại Saigon cũng như tại Mỹ Ca, công việc bắt đầu với sự hiện diện của Viện Phụ Trưởng, Viện Phụ Chủ Tịch Hội Dòng Cisterciens Nam nữ của 3 Châu lục Mỹ / Âu Châu /Á Châu.
Dĩ nhiên bài viết nầy chỉ được gởi đến các chị em FMM mình với những chia sẻ “bên ngoài” để chị em học hỏi thôi. Các nội dung này không đụng chạm gì đến tính cách bí mật riêng tư của những chia sẻ mà các Cha - thầy chia sẻ với Viện Phụ trong những lần gặp gỡ riêng, và đó là phần chúng ta biết, thông thường nằm trong lãnh vực tòa giải.
Viện phụ Trưởng còn rất trẻ, 58 tuổi và năm 1999 đã được bầu chọn làm Viện Phụ Đan Viện Lérins (Pháp). Người là một Bác Sĩ tốt nghiệp Đại Học Y Paris, nơi Người sanh trưởng. Phục vụ 3 năm tại Liên xô, tự lập từ rất trẻ. Sinh trưởng trong một gia đình đầm ấm yêu thương nhau, một gia đình giàu có, với 4 người con và cha mẹ rất đạo đức, giáo dục con từ khi còn nhỏ rằng, giàu sang phú quý là rơm rác, rằng vật chất mà con hưởng được là rơm rác, nó không được làm cho con huênh hoang, phung phí, và tự cao tự đại vì của cải… Vì vậy ngay từ thời sinh viên, Mẹ đã đề nghị nên ra riêng ở, tự lo liệu bếp núc, Mẹ chỉ cho đủ số tiền đóng học phí thôi, còn bao nhiêu phải tự lo liệu để biết giá trị đồng tiền và nhất là để liên đới với các sinh viên nghèo.
Khi các Tập Sinh hỏi vì sao Cha không vào tu một dòng hoạt động để nghề của Cha giúp được bao người nghèo khổ, nhất là khi Cha say mê công việc BS của mình, Ngài im một hồi lâu, vẻ mơ màng và xúc động, Người trả lời : “Câu hỏi của con làm Cha tưởng nhớ đến Mẹ. Ngày cha báo tin cho Me rằng Cha muốn vào tu Đan Viện, Mẹ có nói như con, sao con không vào một dòng hoạt động để con giúp ích được bao người, đồng thời không làm mai một nghề mà con yêu thích. Khi Cha trả lời là con muốn tìm kiếm Chúa mà thôi, thì Mẹ nói : “Đúng, con chỉ nên tìm kiếm Chúa mà thôi. Vậy con cứ làm theo thánh ý Chúa. ” Khi hỏi : “ Điều gì thu hút Viện Phụ chon đời đan tu ?”. Ngài trả lời tỉnh bơ : “Đời đan tu không có gì thu hút tôi hết. Trái lại, là BS, tôi là một người có óc khoa học, không chịu được nhiều điều vô lý của đời tu, nên cũng thường hay phản kháng lắm… Nhưng vì đời sống của một người đan sĩ là luôn luôn tìm Chúa, trong cô tịch của một đời sống cộng đoàn huynh đệ và lao động. Tìm Chúa qua những việc tầm thường, hằng ngày, với một nhịp sống có khí nhàm chán nữa là khác… nhưng qua những hành động hằng ngày đó, được lập đi lập lại mỗi ngày, nhịp điệu đó chắc chắn biến đổi tâm hồn chúng ta”.
Rồi Người hỏi các Tập Sinh : “Chúng con có biết đối với GH, sách nào trong Kinh Thánh nói lên sự tìm kiếm liên lỉ đó không ? Sách Diễm tình ca. Chúng con nhớ, sách nói rằng người bạn tình nghe gõ cửa, bèn chạy ra mở…nhìn quanh quẩn không thấy người bạn tình của mình đâu cả…bèn chạy ra đi tìm …đi tìm, trong đêm khuya vắng…gặp ai cũng hỏi : chú /cô/bà có thấy người bạn tình của tôi đâu không ?... Ah ! tôi gặp được người bạn tình của tôi rồi …tôi ôm cứng người …không cho người bạn tình của tôi bỏ đi nữa đâu !... Đó, ta phải tìm Chúa luôn mãi, luôn mãi. Chúa muốn như vậy đó !... ”.
“Một điều khác có thể nói đã thu hút tôi đi vào đời dâng hiến là chính nhờ tôi đọc được quyển - mà chắc chắn các chị em FMM biết - quyển “VOLONTIERS ” (Dạ, thưa có, con có biết và được diễm phúc gặp Mẹ đó khi người quá giang qua VN trước khi vể lại Pháp… tôi trả lời khi Người hỏi tôi). Quyển sách đó kể lại cuộc đời của Mẹ Chrysanthe de Jésus sống suốt đời ở Trung Hoa và bị trục xuất năm 1949, khi Cộng Sản lên nắm chánh quyền. ”
Cách bầu chọn một Viện Phụ trước tiên phải có đủ số tuổi ấn định (như Cha BT Trần Văn Bảo mà chúng ta quen biết sẽ không bao giờ được chọn làm Viện phụ nữa). Sau đó được chính thành viên trong CĐ đệ trình lên Viện Phụ. Khi đó Viện Phụ Chủ Tịch triệu tập các Viện Phụ của các CĐ của các vùng và số phiếu phải được 2/3. Sứ vụ Viện phụ là “à vie” nghĩa là suốt đời ngọai trừ chính Viện Phụ đó xin từ chức vì một lý do chính đáng.
Lérins là một hòn đảo của Cannes (tại đây hằng năm có cuộc trình chíu các phim quốc tế để lãnh thưởng Cành Cọ Vàng ), miền Nam nước Pháp. Hòn đảo nằm chênh vênh giữa biển cả. Bề dài là một cây số rưỡi. Bề ngang vỏn vẹn 450 m. Đan Viện được xây cất từ thế kỷ thứ 5 với 2 cuộc xâm lăng, một của những người Hồi Giáo vào thế kỷ thứ 5 một sau cuộc Cách Mạng Pháp 1879. Cứ sau mỗi lần các đan sĩ chực chờ đâu đó để trở lại và ngày hôm nay xem như tinh hình không còn phải bận tâm lo lắng nữa. Đan viện sống chủ yếu bằng việc trồng nho, là một địa danh lý tưởng, và bán rượu. Viện phụ là chuyên gia trồng nho và bán rượu và cũng không quên …uống là chính ! Vườn có được cây ôliu. Làm dầu và bán trái ôliu mà không một người Âu Châu nào không mê ôliu cũng như mê 360 loại fromage vậy. Nghe biết là vườn địa đàng dưới thế!... Hằng ngày lại có nhiều người đến viếng thăm, cách riêng người trẻ, nên các cha các thầy muốn có những sinh hoạt riêng biệt cho giới trẻ và khá thành công. So với một Âu Châu hiếm hoi ơn gọi thì Hội Dòng Cisterciens nầy hằng năm vẫn có những ơn gọi trẻ. Tuổi trung bình của Đan viện là 53, tương đối trẻ đối với toàn Âu Châu.
Cuộc thăm viếng thường diễn ra như chúng ta có những cuộc thăm viếng khi BTTQ sang kinh lý. Việc thông dịch nằm ở 3 loại : đầu tiên Viện Phụ gặp tất cả CĐ (ở VN có 2 vùng : 1 CĐ tại Bùi Đình Túy - Q. Bình Thạnh cho các SV khoa triết và thần ; 1 ở Long Điền ;1 ở Mỹ Ca) ; sau đó gặp riêng từng cha-thầy. Sau khi đã gặp riêng có cuộc họp chung theo 3 nhóm riêng: các cha /các Thầy đã khấn trọng thể / các thầy đã khấn tạm / các Tập sinh. Cuối cùng gặp chung cả 3 nhóm, Viện Phụ đưa ra những giáo huấn và những điểm cần chỉnh đốn, sửa đổi.
Nhịp sống của Đan viện trải dài trong ngày bắt đầu bằng một thánh lễ với kinh sáng. Sau đó các cha-thầy có 30 phút Lectio Divina. Khi nghe tiếng chuông gõ một tiếng, tất cả từ Tập sinh đến các cha đều phải vào phòng họp (Scriptorum) để nghe Viện Phụ đọc và diễn giải một đoạn điều lệ của Hiến Pháp. Buổi cơm sáng thật điềm đạm…- với những thanh niên đầy sức sống… và ở lứa tuổi đang ăn khỏe …thì thấy thật thương !... Tiếp theo đó là giờ kinh 3 (Tierce). Sau đó mỗi người đi vào công việc lao động của riêng mình. Việc lao động chân tay, khai thác rừng /trồng vườn /đào xới ao hồ v. v…tất cả những gì làm nên lao động vất vả như trong truyền thống của các Đan viện trên thế giới… thì các cha thầy tại Mỹ Ca không có. Nguồn thu hoạch tương đối đều đặn của Đan Viện là vườn xoài một năm bán được khoảng 70 triệu cộng thêm với hồ cá, chỉ dùng trong các bữa cơm mà không bán được, vì theo các thầy, không ai mua loại cá nầy vì ăn quá dở. Do đó công việc lao động - một trong yếu tố quan trọng của truyền thống đan tu - không đem lại được bao nhiêu để nuôi sống anh em. Tại Long Điền có vườn cao su và sầu riêng thì khá hơn, nhưng lại đòi hỏi sự hiện diện thường trực của một số thầy và cha có chuyên nghiệp. Vì vậy hiện Đan Viện đang đầu tư cho 1 số thầy được đào tạo chuyên môn trong lãnh vực.
Trở về CĐ, vào lúc 11. 00 các thầy đọc kinh trưa, giờ 6 (Sexte). Tiếp theo là cơm trưa. Là thanh niên, buổi cơm không kéo dài 30 phút. Những ngày có “khách ”, hai cha BT và Viện Phụ dùng cơm riêng với chị. Khi hai ngài chưa bắt đầu món thứ hai thì đã nghe kéo ghế sột soạt ở phòng bên, Viện Phụ bèn lo ngại nói : “Các thầy ăn cái gì ? Ăn kiểu đó coi chừng đau bao tử chết mất !... ”. Qua trình bày của Cha BT, ta biết được đây đúng là dòng khổ chế. Thương thật! Ngày hôm sau khi các thầy đem đến cho 3 khách một đĩa beef-steak thái mỏng với nhiều miếng, Viện Phụ thấy sao nhiều quá… Chị QG liền nhớ đến chia sẻ hôm qua, và biết được nếu khách dùng cơm và dư thì chiều lại các em TS ưu tiên được hưởng, nên có dịp để nhường lại cho anh em. Và cứ như thế trong mấy ngày, mình có dịp chia sẻ cách kín đáo cho các thầy...
Đứng rửa chén với thầy Dominique Lâm, qua trò chuyện, có lần thầy cho biết “Cả năm chúng em không hề thấy một miếng thịt bò! Thỉnh thoảng các chị ở Tập viện của các chị cho tụi em rau …thì tụi em được thêm đôi chút !”. Cầu mong qua cách sống khổ chế nầy các anh em chúng ta không bị thiệt thòi trong sức khỏe. Cũng cầu mong cho có nhiều khách đến …rộng lòng hảo tâm để giúp các đan sĩ của Chúa…
13g30 mời gọi các đan sĩ, sau vài phút nghỉ trưa trở vào nhà nguyện đọc kinh giờ 9 (None). Lao động đến 16giờ, sau đó là giờ học thêm. Thứ năm được chơi đá bóng đến 17 giờ vào, chuẩn bị cho giờ kinh chiều. Sau đó được chầu Mình Thánh Chúa 30 phút và giờ cơm tối. 7g30 kinh tối kết thúc, luôn luôn với bài ca Salve truyền thống với cung nhạc đặc biệt của các Đan Sĩ trên toàn cầu. Đó là những giây phút cuối ngày kính dâng lên Đức Mẹ, người Mẹ của mọi Đan Viện nam nữ từ xưa đến nay.
Kết thúc một ngày, như mọi ngày. Bình dị. Tầm thường. Ngày qua ngày. Trong tĩnh lặng. Nhịp nhàng. Không giựt dành. Không bon chen đua đòi. Nhưng tâm hồn thu lượm được bao nhiêu? Được biến đổi bao nhiêu, để từng ngày, các thầy tìm gặp được Thiên Chúa qua kinh nghiệm sống? Trong cô tịch, giữa những người anh em không quen biết, giờ đây làm thành một Cộng đoàn ngôn sứ lan tỏa tình thương của Đức Kitô, Đấng suốt cuộc đời trần thế, đã nhập thể làm Người, làm một Người vô danh tiểu tốt, chỉ biết suốt đời tìm kiếm Ý Cha...
Đan sĩ là người chỉ lo tìm Chúa mà thôi…
Xin tạ ơn Chúa đã tạo điều kiện cho con có được những ngày chia sẻ cuộc sống với các Đan sĩ, trong những giờ phút linh thiêng và sâu đậm nhất nhờ được phục vụ anh em trong lúc thông dịch, giúp con đi sâu hơn nữa vào cuộc tìm kiếm Chúa không ngừng, suốt đời con. Xin lấy lại tâm tình tuyệt vời của Thánh Augustin làm lẽ sống của con :
“Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con cho Ngài…và tâm hồn con luôn thao thức bao lâu chưa dược yên nghỉ bên Ngài. ”
Trần Thị Quỳnh Giao - Fmm
Dalat 20.10.2012
Từ khóa » đan Tu Là Gì
-
Ẩn Tu Với Đan Tu Khác Nhau Thế Nào?
-
Đan Tu Là Gì
-
Đan Sĩ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đời Sống Đan Tu Là Vinh Dự Và Nguồn ơn Thiêng Của Giáo Hội
-
NGUỒN GỐC ĐỜI SỐNG ĐAN TU (phần I) - Dòng Xitô Thiên Phước
-
2.25 Đời Sống đan Tu Bắt đầu Như Thế Nào? - Mục Vụ Giới Trẻ
-
Ơn Gọi Đan Tu Là Vinh Dự Và Nguồn ơn Thiêng Của Giáo Hội
-
Tìm Hiểu Về Đan Tu Biển Đức - Ourladyofpeace.
-
Sự Sung Mãn Của Đời Sống Đan Tu Chiêm Niệm | Học Viện Đa Minh
-
NGUỒN GỐC ĐAN TU TRÀO KITÔ
-
Chứng Tá Của Các đan Sĩ- Tác Giả: M.Hạnh Tử - Văn Thơ Công Giáo
-
ƠN GỌI CHIÊM NIỆM - Đan Viện Phước Lý
-
CỐT LÕI PHÚC ÂM CỦA ĐỜI SỐNG ĐAN TU