Chia Tay “kỷ Nguyên Abe”, Nhật Bản đứng Trước Nhiều Biến động Lớn

 

Dấu ấn nhiệm kỳ đáng chú ý của Thủ tướng Abe

 

Tại Đông Bắc Á, Trung Quốc đang thúc đẩy lợi ích của nước này ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bắc Kinh cũng tăng cường nỗ lực tái định hình sự hội nhập Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua Sáng kiến Vành đai-Con đường và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số liên quan. Tại Bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã và đang đạt được những tiến bộ trong chương trình hạt nhân, phát triển nhanh chóng về hệ thống tên lửa. Trong khi đó, quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu tan băng.

 

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong suốt nhiệm kỳ. Ảnh: Japan Times.

Về quan hệ đồng minh, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai đặt câu hỏi về giá trị của các liên minh, xa rời chủ nghĩa đa phương. Chưa hết, căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay đang tác động tới trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và sự cân bằng về địa chính trị vốn đã mang lại hòa bình, ổn định cho Nhật Bản và khu vực suốt thời gian dài.

 

Trên cương vị là Thủ tướng, ông Abe đã xử lý những vấn đề hóc búa này một cách êm đẹp, giúp mang lại sự ổn định trong quan hệ song phương với Mỹ, đồng thời thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thông qua nhiều thỏa thuận quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế EU-Nhật Bản (EPA) và một thỏa thuận quan trọng khác về kết nối công nghệ, cơ sở hạ tầng với châu Âu.

 

Có thể nói rằng, nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe được xem như là động lực ổn định trong thời điểm đầy biến động về địa chính trị. Chỉ số Quyền lực Châu Á của Viện Lowy coi Nhật Bản là “nhà lãnh đạo của trật tự tự do ở Châu Á”, đồng thời chỉ ra rằng Tokyo đã gây dựng được tầm ảnh hướng lớn về mặt ngoại giao dưới thời ông Abe, bất chấp sự thay đổi cán cân quyền lực nhanh chóng trong khu vực.

 

Tương tự, các dự án hỗ trợ phát triển mà Nhật Bản dành cho Đông Nam Á và những chuyến thăm thường xuyên của ông Abe tới nơi này đã khiến Nhật Bản trở thành quốc gia đáng tin cậy nhất trong số các nước trong khu vực, theo khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Singapore.

 

Các công ty tư vấn rủi ro địa chính trị có ảnh hưởng chẳng hạn như Eurasia Group cho rằng, mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ của ông Abe với hầu hết nguyên thủ quốc gia trên thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã giúp Nhật Bản tạo dựng vai trò quan trọng trong việc củng cố trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Nói cách khác, Nhật Bản dưới thời của Thủ tướng Abe đã chứng tỏ là một đất nước vững vàng, ổn định và cân bằng bất chấp những biến động về địa chính trị.

 

Nhiều thách thức đặt lên vài người kế nhiệm

 

Người kế nhiệm ông Abe cần phải kế thừa và phát huy những thành tựu trên, ngoài ra còn có nhiệm vũ dẫn dắt Nhật Bản bước qua những thách thức sắp tới.

 

Thời kỳ hậu Abe, Tokyo phải giải quyết một số vấn đề quan trọng, bao gồm duy trì liên minh Nhật-Mỹ vững chắc, điều hướng sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và kiềm chế chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh dự kiến khiến cả ba vấn đề trên trở nên nan giải hơn.

 

Liên minh Mỹ-Nhật vốn là nền tảng an ninh của Tokyo trong 6 thập kỷ qua. Suốt thời kỳ đó, vai trò và phạm vi hoạt động của Nhật Bản đã được mở rộng. Nước này ngày càng trở thành một thành viên tích cực hơn trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định trên toàn cầu.

 

Chính quyền Tổng thống Trump đã tạo ra sóng gió trong quan hệ giữa hai nước khi yêu cầu Nhật Bản tăng mạnh đóng góp tài chính cho việc đồn trú lực lượng Mỹ tại quốc gia này. Như cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton mô tả trong cuốn sách: “Căn phòng nơi điều đó xảy ra”, ông Trump cho rằng các đồng minh không đóng góp đủ cho việc đảm bảo an ninh quốc phòng và việc triển khai quân đội tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc không phục vụ cho lợi ích của Mỹ.

 

Tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ có nhiệm vụ củng cố liên minh Mỹ-Nhật ở cả cấp độ lãnh đạo và cấp độ thể chế, nhằm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu về chia sẻ gánh nặng an ninh, đưa mối quan hệ song phương về đúng quỹ đạo, hướng Mỹ quay trở lại với lập trường ủng hộ chủ nghĩa đa phương, các tổ chức quốc tế cũng như theo đuổi cách tiếp cận truyền thống hơn trong chính sách đối ngoại.

 

Bên cạnh đó, người kế nhiệm ông Abe sẽ phải tìm cách duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục cuộc chiến thương mại và gây sức ép toàn diện đối với Bắc Kinh. Nhiệm vụ này dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn do Mỹ ngày càng siết chặt hạn chế đối với Trung Quốc.

 

Thời gian gần đây, Nhà Trắng đã thúc đẩy một loạt sáng kiến chống Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tài chính, công nghệ và an ninh quốc gia. Mỹ yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, cáo buộc Bắc Kinh sử dụng cơ sở này như “một trung tâm gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ”, trừng phạt Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Mới nhất, chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 26/8 áp lệnh trừng phạt nhằm vào 24 công ty Trung Quốc giúp quân đội nước này xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.

Nếu chính phủ Mỹ yêu cầu Nhật Bản và các đồng minh áp dụng chính sách tương tự, thì Thủ tướng mới của nước này sẽ phải đối mặt với lựa chọn cực kỳ khó khăn là đứng về Mỹ - đồng minh lâu năm hay Trung Quốc – đối tác kinh tế quan trọng.

 

Một lĩnh vực cạnh tranh khác giữa Washington và Bắc Kinh, khiến Tokyo rơi vào thế bấp bênh đó là công nghệ. Đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản là Trung Quốc. Khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, các doanh nghiệp Nhật Bản có dấu ấn lớn ở Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm hạn chế nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Trung Quốc.

 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka năm 2019, Thủ tướng Abe đã đưa ra khái niệm “Lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm tin cậy” như một nỗ lực để giải quyết bất đồng trong lĩnh vực kỹ thuật số đang tăng nhanh giữa Mỹ và Trung Quốc và đây có thể là một lĩnh vực mà một Thủ tướng tương lai cần xem xét lại.

 

Tiếp đến là câu hỏi Nhật Bản sẵn sàng tăng cường khả năng quốc phòng của nước này đến mức nào để hỗ trợ Mỹ trong khu vực. Liệu Thủ tướng mới có sẵn sàng tăng gia chi tiêu phòng hay không? Và liệu Nhật Bản có phát triển được vũ khí tấn công phủ đầu, hoặc tạo ra hệ thống phòng thủ riêng để đối phó với những mối đe dọa tiềm năng hay không? Những câu hỏi này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những năm tới khi Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa quân đội và mở rộng kho khí tài quân sự.

 

Liên quan vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên đã thể hiện quyết tâm chế ngự khả năng phòng thủ chống tên lửa của Nhật Bản và cho rằng Mỹ sẽ ưu tiên bảo vệ an ninh của nước này hơn là an ninh của Nhật Bản nếu xung đột nổ ra. Tân Thủ tướng của Nhật Bản sẽ phải xem xét vấn đề này trước thực tế là triển vọng phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên là điều còn xa vời. Vấn đề Triều Tiên có thể trở nên hóc búa hơn với Nhật Bản nếu chính phủ mới của Mỹ kế thừa các chính sách của Tổng thống Trump.

 

Trong nước, người kế nhiệm ông Abe sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ to lớn là đưa nền kinh tế ra khỏi bờ vực suy thoái do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Số liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy nền kinh tế nước này trong quý II/2020 suy giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2019, gần gấp đôi so với mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, dù chính phủ liên tiếp tung nhiều gói kích cầu và nới lỏng chính sách tiền tệ. 

 

Ngoài ra, còn có những thách thức lâu dài khác cần được giải quyết như tốc độ già hóa dân số, cải thiện tình hình tài khóa của chính phủ và duy trì mạng lưới an sinh xã hội cho người dân.

 

"Dù ai nắm cương vị Thủ tướng, ưu tiên hiện tại sẽ là kiểm soát đại dịch và hồi phục kinh tế", Takeshi Minami – kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết.

 

Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ được lựa chọn làm người kế nhiệm Thủ tướng Abe. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida được đánh giá là những ứng viên tiềm năng nhất. Cuộc thăm dò ý kiến gần đây nhất của Jiji Press cho biết, ông Shigeru Ishiba đang vượt lên dẫn trước với tỷ lệ ủng hộ gần 25%. Trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, sự ủng hộ đối với nhân vật này còn lớn hơn, gần 30%. Tiếp đến là Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi nhận được 8,4% lượt ủng hộ. Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi cũng là một quan chức khác được kỳ vọng nhờ năng lực đàm phán sau hàng loạt chuyến công du nước ngoài thời gian qua.

 

Một vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, cùng khả năng ra quyết định và xử lý khủng hoảng của Thủ tướng kế nhiệm là điều cần thiết để đưa Nhật Bản vượt qua những thách thức nói trên. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản cũng cần phải thể hiện rõ tầm nhìn về tương lai của đất nước, gây dựng được uy tín với người dân và mang lại cho họ niềm hy vọng về tương lai./.

 

Theo VOV.VN 

Từ khóa » đảng Chính Trị Nhật Bản